Chị Lê Ngọc Linh (quê ở Thanh Hóa; làm công nhân tại Khu công nghiệp Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, thông tin lương tối thiểu vùng được điều chỉnh tăng 6% từ 1/7/2024 khiến chị và các anh em công nhân phấn chấn hơn vì có thể có thêm khoản để bù chi tiêu. 

Theo chị Linh, thời gian qua giá cả leo thang, công việc của công nhân bấp bênh khi thiếu các đơn hàng, trong khi đó lương thì dậm chân tại chỗ. Do tình hình kinh tế khó khăn nên chị và khá đông công nhân đành ngậm ngùi gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc.

Chị Linh chia sẻ thêm, hằng tháng vợ chồng chị phải gửi về quê 4 triệu đồng để ông bà lo cho con ăn học, ngoài ra tiền thuê nhà, tiền điện nước, internet... cũng mất gần 2 triệu đồng.

Lương tối thiểu tăng phần nào bù trượt giá tiêu dùng của người lao động 

Khi giá cả ở mức bình ổn, 800.000 đồng là có đủ thực phẩm cho 2 vợ chồng trong vòng 1 tuần. Thời điểm vật giá leo thang, các chi phí sinh hoạt từ dầu gội, bó rau, muối mắm… cũng tăng giá nên mức chi tiêu của vợ chồng chị Linh cũng tăng theo.

Chị Linh chia sẻ, hiện nay mức lương thực tế chị nhận hằng tháng vốn đã cao hơn lương tối thiểu vùng, dù vậy chị vẫn hy vọng khi lương tối thiểu được điều chỉnh tăng 6% doanh nghiệp cũng điều chỉnh tăng lương để bù với tình hình trượt giá.

Có thể thấy, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu năm 2024 đối mặt nhiều thách thức do làn sóng cắt giảm lao động kéo dài từ cuối năm 2022, dự báo tiếp diễn tới đầu năm sau.

Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như vậy, Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia đánh giá, mức điều chỉnh tăng 6% lương tối thiểu là mức tăng hài hòa, chia sẻ khó khăn của cả lao động và chủ doanh nghiệp.

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia cũng cho rằng, mức tăng 6% về cơ bản đáp ứng được một phần kỳ vọng của người lao động. Người lao động mong muốn cao hơn nữa nhưng trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, mức tăng 6% đảm bảo hài hoà cho cả người lao động cũng như khả năng chi trả của doanh nghiệp.

“Chính VCCI - cơ quan đại diện cho người sử dụng lao động cũng thấy rằng, việc trong 2 năm qua chưa điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng là sự chia sẻ rất lớn của người lao động với doanh nghiệp. Tuy nhiên khả năng chi trả của doanh nghiệp khó khăn nên mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng cũng phải đảm bảo khả năng của doanh nghiệp”, ông Quảng nói.

Ông Lê Đình Quảng

Ủy viên Hội đồng tiền lương quốc gia nói rõ, mức lương tối thiểu vùng bản chất là bảo vệ người lao động yếu thế, đây là mức lương thấp nhất để chi trả cho người lao động trong điều kiện làm việc bình thường đảm bảo mức sống tối thiểu. 

Theo thống kê của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, giai đoạn 2015-2022, Chính phủ điều chỉnh lương tối thiểu với quỹ đạo đi lên, từ 119 USD tháng 12/2015 lên 168 USD vào tháng 12/2022, song lạm phát tăng khiến giá trị thật của tiền lương tối thiểu không tăng nhiều. 

Thời kỳ 2015-2019, lương tối thiểu danh nghĩa tăng 42,7% song lạm phát khiến tiền lương thực tế chỉ tăng 20,1%. Giai đoạn 2020 -2022, lương tối thiểu điều chỉnh trên 6%, song tiền lương thực tế chỉ tăng 0,7%.

ILO cho rằng điều chỉnh lương tối thiểu cần dựa vào số liệu chính xác về lạm phát, tăng trưởng kinh tế, việc làm, khả năng chi trả của doanh nghiệp và năng suất lao động. Đồng thời mức điều chỉnh phải theo kịp lạm phát để giữ giá trị thật của tăng lương cho người lao động, đo lường nhu cầu của họ và gia đình.

Nguyễn Thảo và nhóm PV, BTV