Mỗi quốc gia khi tắt sóng công nghệ 2G, 3G đều có những phương pháp, mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, nếu một nhà mạng muốn triển khai công nghệ di động mới 5G thì việc duy trì vận hành quá nhiều công nghệ song song như 2G, 3G, 4G sẽ tốn chi phí rất lớn và khai thác không hiệu quả.
Vì vậy, cần tắt sóng công nghệ cũ để tối ưu hóa vận hành và dành nguồn lực, băng tần số vô tuyến điện cho công nghệ mới, đáp ứng mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia. Việt Nam chọn cách tắt sóng 2G để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Tắt sóng 2G là một chủ trương lớn của Bộ TT&TT và đã được định hướng từ năm 2019. Thời gian qua, Bộ TT&TT và các doanh nghiệp di động đã thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy tắt sóng 2G, trong đó, các giải pháp chuyển đổi thuê bao di động 2G sang sử dụng smartphone; phát triển hạ tầng di động băng rộng đã đạt được kết quả đáng kể.
Mục tiêu đặt ra là chậm nhất đến tháng 9/2024 phải hoàn thành việc dừng công nghệ 2G. Đây là thời điểm hết hạn giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông di động và giấy phép băng tần số vô tuyến điện, để phù hợp với định hướng quy hoạch tần số vô tuyến điện. Tuy nhiên, việc tắt sóng 2G đã lùi lại sau 1 tháng là ngày 15/10/2024 do ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Công nghệ 2G đã sử dụng được 30 năm, nhiều thiết bị mạng lưới chất lượng đi xuống, ngốn điện, thiếu ổn định, do đó thay mới là tất yếu khi công nghệ mới đã sẵn sàng. Đây là sự đồng thuận và thực tế đòi hỏi của sản xuất kinh doanh”.
Bộ TT&TT cũng đã định hướng để người dùng chủ động chuyển đổi sang sử dụng smartphone. Các doanh nghiệp di động xây dựng kế hoạch và hỗ trợ người dùng chuyển đổi. Cùng với đó là việc sản xuất kinh doanh thiết bị di động đầu cuối trên thị trường Việt Nam, thay đổi định hướng kinh doanh... nhằm đạt mục tiêu chung về tắt sóng công nghệ cũ. Những việc làm này góp phần đạt mục tiêu phổ cập điện thoại thông minh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc tắt sóng 2G đem lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số. Cụ thể, với người dân, việc tắt sóng 2G sẽ giúp họ được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam của Chính phủ.
Đối với doanh nghiệp, họ sẽ được loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh. Trên mạng lưới hiện nay, công nghệ 2G gây tốn điện. Vì thế, loại bỏ 2G không chỉ lợi cho doanh nghiệp mà còn có lợi cho xã hội, hướng tới phát triển xanh.
Còn đối với Chính phủ, việc tắt sóng 2G sẽ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ để chuyển sang dùng cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn, đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số.
Theo thống kê của Cục Viễn thông, tại thời điểm tháng 1/2024, các nhà mạng còn khoảng 18,2 triệu thuê bao 2G Only. Sau khi Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thúc đẩy nhanh quá trình tắt sóng 2G và hỗ trợ máy đầu cuối cho khách hàng, số lượng khách hàng chuyển sang 4G đã tăng rất mạnh.
Giám đốc True IDC VietNam, ông Nguyễn Đình Hùng phân tích, có nhiều lý do để một số nước châu Âu ‘níu kéo’, duy trì mạng 2G, trong đó có lý do ở những nước này, các số khẩn chạy trên nền tảng 2G hay nhiều siêu thị và nhà hàng của họ dùng 2G để đo đếm điện, nước tự động từ xa...
“Ở Việt Nam không có các dịch vụ này. Việt Nam nên tắt 2G càng sớm càng tốt. Chính phủ nên quyết liệt để đóng 2G càng sớm càng tốt, dành băng tần cho các công nghệ mới. Đây là băng tần vàng, nước ngoài coi đây là nguồn tài nguyên rất quý giá”, ông Nguyễn Đình Hùng nêu quan điểm.
Đại diện Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cũng nhận định rằng, Bộ TT&TT đã có những chính sách tốt để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G, tiêu biểu như vấn đề tiêu chuẩn hóa, không cho phép nhập khẩu thiết bị 2G Only. Nhờ vậy, việc tắt sóng 2G ảnh hưởng rất ít đến người sử dụng.
Ngày 15/10, Viettel tuyên bố chính thức khai trương mạng 5G. Đây là sự kiện kỷ niệm 20 năm kinh doanh dịch vụ di động Viettel Mobile. Như vậy, Viettel là doanh nghiệp đầu tiên cung cấp dịch vụ 5G tại Việt Nam.
Chính thức ra mắt chỉ sau 6 tháng nhận giấy phép sử dụng tần số 2.600 MHz, mạng 5G Viettel tại thời điểm khai trương có hơn 6.500 trạm thu phát sóng, phủ sóng 100% thủ phủ của 63/63 tỉnh, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng biển, sân bay, bệnh viện, đại học.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cho biết, hơn 6.000 trạm thu phát sóng 5G được phát sóng chỉ sau 6 tháng kể từ khi nhận giấy phép là nỗ lực và quyết tâm rất lớn của Viettel để Việt Nam tiếp tục trong nhóm các quốc gia dẫn đầu trên thế giới về thương mại hóa 5G. 5G tạo điều kiện cho phát triển các ngành kinh tế, tạo sự chuyển dịch cho các ngành như sản xuất, giáo dục, y tế, giao thông logistics… và góp phần nâng cao không gian tăng trưởng của Viettel, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến tháng 12/2024, VNPT cũng tuyên bố chính thức thương mại hóa 5G. MobiFone đưa ra kế hoạch thương mại hóa 5G vào năm 2025. Trước đó, cả 3 nhà mạng là Viettel, VNPT và MobiFone đều đã thử nghiệm công nghệ 5G.
Cùng với việc phát triển 5G, Bộ TT&TT cũng đã thành lập Nhóm phát triển thiết bị 6G. Việt Nam đặt ra mục tiêu đi cùng thế giới về 6G.