Sáu năm trước, tôi là mẹ đơn thân, nuôi con gái 3 tuổi.
Do không muốn bố mẹ phiền lòng về cuộc hôn nhân đổ vỡ của mình nên tôi dắt con đến thuê trọ ở một con ngõ nhỏ dành cho những lao động có thu nhập thấp ở Hà Nội.
Tết Trung thu năm đó, có một nhóm người mang bánh kẹo đến phát cho lũ trẻ trong xóm. Khi gõ cửa nhà tôi, chàng thanh niên - cũng là chồng tôi bây giờ nán lại nói chuyện rất lâu.
Biết hoàn cảnh của chúng tôi, từ đó, cứ cuối tuần, anh lại mang quà đến cho hai mẹ con. Khi thì chút đồ ăn, lúc là đồ gia dụng. Con gái tôi quý anh ngay lần gặp đầu tiên. Còn tôi, không biết từ lúc nào cũng đã dành tình cảm cho anh.
Nửa năm kể từ ngày quen, anh chính thức ngỏ lời và đưa tôi về ra mắt gia đình.
Thế nhưng, ngay buổi ra mắt ấy, tôi đã bị bố mẹ anh dội cho một gáo nước lạnh. Không ai trong gia đình đồng ý cho anh quen tôi. Mẹ anh còn nói nhiều lời cay nghiệt để tôi không gặp anh nữa. Thế nhưng, khi tôi càng trốn tránh thì anh lại càng tìm đến.
Hôm phát hiện tôi mang thai đứa con của mình, anh xin bố mẹ cho cưới tôi làm vợ. Thế nhưng, bố mẹ anh vẫn không đồng ý. Để anh đỡ khó xử, tôi dắt theo con gái vào TP.HCM mà không nói với anh một lời nào.
Mấy tháng sau, không hiểu bằng cách gì, anh tìm được chỗ ở của mấy mẹ con tôi. Tôi nhớ, lúc anh xuất hiện ở cửa phòng trọ, thấy tôi bụng đã to vượt mặt, anh bật khóc.
Ít ngày sau, anh dẫn tôi về Hà Nội làm đăng ký kết hôn rồi lại vào TP.HCM sinh sống.
Bố mẹ anh biết chuyện, vô cùng tức giận. Họ đóng băng tài khoản ngân hàng của anh và không cho bất cứ ai trong họ giúp đỡ chúng tôi.
Anh đành bán đi chiếc đồng hồ - món đồ anh rất quý để mua chiếc xe máy cũ rồi đi làm xe ôm. Thấm thoắt, 3 năm trôi qua, tôi đã sinh cho anh 2 đứa con. Cộng cả con gái của tôi với người chồng trước, chúng tôi - gia đình 5 người sống trong phòng trọ 20m2.
Hàng ngày, anh chạy xe ôm còn tôi bán rau ở khu chợ tạm. Cuộc sống tuy chật vật nhưng vẫn nhiều tiếng cười.
Cho đến gần Tết năm 2022, vợ chồng tôi gặp phải biến cố lớn. Chiếc xe anh vẫn dùng để chạy xe ôm và lấy hàng cho tôi bán đã bị kẻ cắp lấy mất. Chưa hết, con gái tôi lại bị ốm nên hai vợ chồng phải "vét sạch cửa nhà" để đóng tiền viện phí.
Lúc con được khỏi bệnh về nhà, hai vợ chồng còn đúng 230 nghìn đồng. Chồng tôi ra chợ mua bánh chưng, nửa cân giò và ít thịt lợn để cả nhà ăn Tết.
Nhưng bữa trưa hôm ấy, do lâu ngày mới được ăn ngon nên lũ trẻ ăn lấy ăn để. Chồng tôi thương con, quyết định “tháo khoán”, mang tất cả giò, bánh cho lũ trẻ ăn thỏa thích.
Chiều cuối cùng của năm 2021, nhìn căn nhà trống hơ trống hoác, không có chút không khí Tết trong khi hàng xóm gọi nhau vớt bánh chưng, mua quần áo mới cho con… hai vợ chồng nhìn nhau rơi nước mắt.
Khoảng 5h chiều, điện thoại tôi bỗng dưng báo tin nhắn. Mở ra, tôi thấy tài khoản được thêm 20 triệu đồng kèm lời nhắn: “Mẹ cho 3 cháu sắm Tết”.
Nửa phút sau, lại có tiếng “ting ting” vang lên. Tài khoản tôi được thêm 10 triệu nữa kèm lời nhắn: “Các con mua vé về nhà”.
Đọc tin nhắn, nước mắt tôi trào ra. Hai vợ chồng ôm lấy nhau nức nở. Đó là những giọt nước mắt hạnh phúc, không phải chỉ bởi số tiền giúp chúng tôi có một cái Tết đủ đầy. Tin nhắn của mẹ còn cho thấy, bố mẹ đã chấp nhận chúng tôi.
Vậy là, mùng 2 Tết, cả gia đình tôi đã được sum họp cùng bố mẹ chồng.
Đến giờ, gần một năm đã trôi qua, mỗi lần nghe thấy tiếng “ting ting”, tôi lại thấy xúc động bồi hồi, một cảm giác khó tả mà thời đại công nghệ đã mang đến cho tôi.
Độc giả Tâm An
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |