Thế giới trong lửa đạn
Thế chiến thứ Hai là một trong những giai đoạn giàu kịch tính, cuốn hút nhất trong toàn bộ chiều dài lịch sử đầy thăng trầm của loài người.
Thế chiến thứ Hai là cuộc xung đột vũ trang có quy mô lớn nhất, gây thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử loài người và có ảnh hưởng lâu dài tới thế giới trong suốt nửa sau thế kỷ 20, thậm chí “dư chấn” của cuộc chiến này còn tác động tới cuộc sống ngày nay. Ngoài ra, với những ai yêu thích tìm hiểu và đọc về lịch sử, Thế chiến thứ Hai cũng là một trong những giai đoạn giàu kịch tính, cuốn hút nhất trong toàn bộ chiều dài lịch sử đầy thăng trầm của loài người.
Tuy nhiên, đây cũng là một cuộc chiến quá kỳ vĩ, phức tạp, với nhiều khía cạnh hết sức đa dạng tới mức những tác giả viết về nó cho tới nay vẫn chưa cạn nguồn khai thác để đưa ra những cuốn sách mới về Thế chiến thứ Hai, còn người đọc có lẽ sẽ ngợp trước số lượng khổng lồ những cuốn sách dày mỏng, từ phổ thông tới chuyên sâu, từ tổng hợp tới chi tiết, viết về từng khía cạnh, câu chuyện cụ thể hay về cả cuộc chiến.
Để bắt đầu tìm hiểu về Thế chiến thứ Hai, có lẽ cách hay nhất là xuất phát từ một cuốn sách không quá nặng nề cả về mức độ học thuật của nội dung lẫn số trang sách cung cấp cho ta một cái nhìn đầy đủ, toàn diện, tuần tự về những biến cố chính yếu nhất của cuộc xung đột chấn động thế giới này từ đầu đến cuối. Với bạn đọc Việt Nam, “Thế chiến thứ Hai” (The second World War) của Anthony Beevor vừa được chuyển ngữ sang tiếng Việt là một lựa chọn có lẽ sẽ khiến đa số độc giả háo hức tìm hiểu về thời kỳ lịch sử đầy biến động này cảm thấy hài lòng.
Anthony Beevor là một tác giả người Anh chuyên về chủ đề lịch sử, trong đó các đầu sách nổi tiếng nhất của ông chủ yếu có chủ đề về thời kỳ Thế chiến thứ Hai. “Thế chiến thứ Hai” chính là cuốn ký sự tóm lược lại trọn vẹn tiến trình của cuộc xung đột đã làm rung chuyển thế giới suốt từ tháng 9/1939 đến tháng 9/1945. Thu gọn sáu năm khốc liệt với những chiến trường nằm rải khắp châu Âu, châu Á và châu Phi và bốn trong năm đại dương trên Trái Đất chỉ trong gần 1.200 trang sách quả là một kỳ công của tác giả, một nỗ lực lớn lao để đưa đến cho người đọc một cái nhìn chỉnh thể trọn vẹn của cuộc Thế chiến chỉ trong khuôn khổ của một cuốn sách duy nhất.
“Thế chiến thứ Hai” bao gồm một phần dẫn nhập và 50 chương nội dung chính thức. Phần dẫn nhập tóm lược ngắn gọn bối cảnh quốc tế từ khi Thế chiến thứ Nhất kết thúc đến những ngày cuối cùng trước khi Thế chiến thứ Hai bùng nổ. Với những ai tò mò muốn tìm hiểu về thời kỳ này song chưa quen thuộc về nó, phần dẫn nhập cung cấp một hiểu biết nền vừa đủ để tất cả bạn đọc bước vào nội dung chính của sách đã được chuẩn bị để hiểu nguyên do dẫn tới các biến cố của Thế chiến thứ Hai.
Chương 1 “Chiến tranh nổ ra” là câu chuyện về 3 tháng cuối cùng trước thời điểm ngày 1/9/1939. Đó là quãng thời gian với nhiều biến động lớn như xung đột Xô - Nhật ở Mông Cổ, đỉnh điểm là trận Khankhil Gol, đánh dấu khẳng định tài cầm quân của Georghi Zhukov cũng như quyết định diễn biến về sau ở mặt trận châu Á – Thái Bình Dương, hay sự căng thẳng tăng dần tại châu Âu, nhất là giữa Đức và Ba Lan, sau cuộc xâu xé Tiệp Khắc trước đó, và những nỗ lực ngoại giao bất thành để ngăn cản sự bành trướng của nước Đức Quốc xã do sự nghi ngờ lẫn nhau giữa Anh – Pháp và Liên Xô, dẫn tới việc ký kết hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức vào những ngày cuối tháng 8/1939. Tất cả đã quá muộn để ngăn cơn ác mộng không trở thành hiện thực.
Từ chương 2 đến chương 11 là diễn biến của Thế chiến thứ Hai từ tháng 9/1939 đến trước ngày Đức tấn công Liên Xô. Anthony Beevor dành phần này để tường thuật lại chiến dịch Ba Lan (chương 2), nơi “chiến tranh chớp nhoáng” của người Đức lần đầu tiên cho thấy sức mạnh khủng khiếp của nó, cũng như “cuộc chiến Cuội” (chương 3) – thời kỳ án binh bất động của liên quân Anh – Pháp ở mặt trận phía Tây từ tháng 9/1939 đến tháng 4/1940, bất chấp cam kết trợ giúp Ba Lan. Chương 5 đến chương 7 là câu chuyện về chiến dịch thắng như chẻ tre của Đức khi đánh chiếm Na Uy, Đan Mạch rồi ngoặt sang phía tây đánh tan tác liên quân Pháp – Anh, buộc nước Pháp phải đình chiến, trên thực tế gần như là đầu hàng, vào tháng 6/1940.
Từ chương 8 đến chương 11 là quãng thời gian nước Anh đứng một mình cự lại sức mạnh của Đức Quốc xã, cùng diễn biến của chiến cuộc tại Bắc Phi, trên biển Đại Tây Dương, nơi người Anh phải chiến đấu bảo vệ lãnh thổ thuộc địa và các tuyến đường tiếp vận sống còn cho sự sinh tồn của mình, cũng như diễn biến chiến tranh tại Balkan, bước chuẩn bị cuối cùng của Hitler trước khi tấn công Liên Xô. Ngoại lệ duy nhất ở phần đầu này là chương 4, nơi Beevor hồi cứu lại ngược thời gian cuộc chiến Trung – Nhật đã khởi đầu từ năm 1931 và lan rộng năm 1937, để rồi chính thức trở thành một phần của Thế chiến thứ Hai từ tháng 9/1939.
Từ chương 12 đến chương 23 là giai đoạn ngọn lửa chiến tranh của Thế chiến thứ Hai đạt tới đỉnh điểm khi Đức tấn công Liên Xô vào tháng 6/1941, khơi mào cho mặt trận trên bộ ác liệt nhất của cuộc chiến, rồi sau đó Nhật tấn công hạm đội Mỹ vào tháng 12/1941, bắt đầu cuộc hải chiến lớn nhất của Thế chiến thứ Hai trên mặt Thái Bình Dương. Giai đoạn đầu của cuộc Thế chiến giờ đây đã ở vào mức khốc liệt nhất của nó đánh dấu thắng lợi vang dội của phe Trục. Người Đức liên tục đẩy lùi Hồng quân Liên Xô và tiến sát Moskva trước khi chịu thất bại đầu tiên trong cuộc chiến trước cửa ngõ thủ đô Liên Xô, buộc phải rút lui chỉ ngay trước khi người Nhật kéo nước Mỹ vốn cố hết sức trung lập ở ngoài cuộc vào vòng chiến sau cuộc tập kích Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, rồi sau đó ào ạt chiếm toàn bộ Đông Nam Á cùng một vùng rộng lớn trên Thái Bình Dương.
Hệ quả của các biến cố này là bước ngoặt quan trọng bậc nhất cuộc chiến: sự hình thành phe Đồng Minh do Liên Xô – Mỹ - Anh là ba trụ cột lớn vào đầu năm 1942 với mục tiêu đánh bại triệt để phe Trục (Đức – Italia – Nhật) và vãn hồi hòa bình trên toàn cầu. Dù vẫn chiếm ưu thế tạm thời, sức mạnh của phe Trục đã chứng tỏ những giới hạn của nó với các thất bại của Đức tại Moskva mùa đông năm 1941 (chương 15), của Nhật tại Midway vào tháng 6/1942 (chương 20) cùng các thất bại thê thảm của Italia trước đó tại Balkan (chương 10), Bắc Phi và Đông Phi (chương 11, 21). Những nỗ lực quan trọng cuối cùng nhằm dành được thắng lợi quyết định của Đức (chương 22) và Nhật (chương 23) trong nửa cuối năm 1942 cũng vấp phải những khó khăn lớn do sự giáng trả quyết liệt của phe Đồng Minh, báo hiệu gió sắp đổi chiều.
Phần còn lại của “Thế chiến thứ Hai”, từ chương 24 đến chương 50, chiếm già nửa số trang của cuốn sách, là câu chuyện các nước Đồng Minh phản kích đánh bại phe Trục trên tất cả các mặt trận. Tại mặt trận Xô – Đức, trận Stalingrad (chương 24) đã đẩy Đức Quốc xã vào thế bị động rồi từ đó đi từ thất bại này tới thất bại khác. Tại Bắc Phi, thất bại tại El Alamein vào cuối năm 1942 (chương 25) là khởi đầu cho thất bại hoàn toàn của Đức – Italia trên lục địa Đen. Chương 26 đến chương 30 điểm qua chiến sự giằng co trên khắp các chiến trường ở châu Âu, châu Á và châu Phi.
Chương 31 đến chương 40 tường thuật lại chủ yếu chiến cuộc giữa các nước Đồng Minh và Đức – Italia trong giai đoạn 1943 – 1944, bắt đầu từ nỗ lực tấn công mùa hè cuối cùng của người Đức vào tháng Bảy năm 1943 ở Kursk (chương 31) tới cuộc tấn công của Anh – Mỹ lên Sicily và bán đảo Italia (chương 32). Tình hình thuận lợi cho thấy thắng lợi của phe Đồng Minh chỉ còn là vấn đề thời gian, chiến lược hành động của Đồng Minh được thống nhất trong hội nghị Tehran (chương 33). Italia nhanh chóng bị đánh bại, đổi phe – ngoại trừ một lực lượng nhỏ rút lên phía bắc cố thủ (chương 35). Mùa thu-đông 1943 và mùa xuân 1944 đánh dấu những cuộc tấn công liên tục của Liên Xô trên mặt trận phía Đông và Anh – Mỹ tại Italia. Để rồi cuộc đổ bộ lên Normandy và chiến dịch Bagration (chương 39) làm quân Đức thua lớn phải rút lui trên cả hai mặt trận, dẫn tới binh biến trong nội bộ nước Đức với cuộc ám sát hụt Hitler (20 tháng Bảy năm 1944), Paris được giải phóng (tháng Tám năm 1944), trong khi lực lượng kháng chiến tại nhiều quốc gia bị chiếm đóng khác cũng vùng dậy như cuộc nổi dậy tại Warszawar (chương 40).
Trong khi phe Đồng Minh chủ trương “Đức trước”, chiến sự tại châu Á – Thái Bình Dương vẫn tiếp tục ác liệt (chương 37), người Nhật vẫn dành được một số thắng lợi trên lục địa tại Trung Quốc hay chiếm được Miến Điện, song ngày càng lâm vào thế hạ phong trước sức mạnh hải quân ngày càng vượt trội của Mỹ. Người Nhật thắng lợi trong chiến địch Ichi-Go để tạo hành lang nối thông vùng kiểm soát ở Trung Quốc với Đông Dương, nhưng hạm đội Nhật gần như tan tành trong hải chiến vịnh Leyte (chương 41). Từ đây, trên biển người Nhật chỉ còn biết cố thủ cảm tử các hòn đảo để làm chậm bước tiến của quân Mỹ tới các đảo nhà của nước Nhật mà không còn khả năng phản kích.
Những chương cuối của “Thế chiến thứ Hai” dành cho các cuộc phản kích của Đồng Minh tại châu Âu trên mặt trận phía Tây và Balkan (chương 43), mặt trận Xô – Đức (chương 44), tại châu Á trong cuộc chiến tranh “nhảy cóc” chiếm đảo của người Mỹ (chương 45). Chương 46 đến chương 48 kể lại cuộc gặp thượng đỉnh thứ hai của nguyên thủ Liên Xô – Mỹ - Anh tại Yalta trên bán đảo Crimea mới được Liên Xô giải phóng chưa lâu để dàn xếp về tương lai hậu chiến của châu Âu và thế giới, các cuộc tấn công đồng thời từ hai hướng đông và tây (chương 46, 47) và trận chiến đánh chiếm Berlin (chương 48). Chương 49 và chương 50 là đoạn kết của nước Nhật: những cuộc không kích dữ dội vào các thành phố của Nhật Bản, lần đầu tiên vũ khí phân hạch được sử dụng trên thực tế và cho thấy sức hủy diệt khủng khiếp của nó, và cuối cùng là quyết định đầu hàng vô điều kiện của người Nhật để tránh cho các đảo nhà của họ phải chịu thêm tàn phá.
Sáu năm chiến tranh khốc liệt với quá nhiều biến cố xảy ra ở những địa điểm quá xa nhau sẽ rất khó để độc giả theo dõi, vì vậy, “Thế chiến thứ Hai” được bổ sung 24 bản đồ về tình hình các chiến trường, các trận đánh quan trọng cùng một phụ lục ảnh tư liệu giúp người đọc có cái nhìn trực quan hơn, làm cho các tường thuật từ ngữ trở nên sống động, dễ hiểu và gần gũi hơn.
Dịch giả Lê Đình Chi