- Sau thành công bộ phim truyền hình 'Sống chung với mẹ chồng', chị thấy như thế nào khi được khán giả biết đến với vai trò là một nhà biên kịch?

Thực ra, tôi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp - khoa Ngữ văn - chuyên ngành về Ngôn ngữ và Văn hoá Hàn Quốc và có gần 20 năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, nghiên cứu chuyên sâu về Hallyu - làn sóng Hàn Quốc. 

Viết kịch bản, đầu tiên là công việc giúp tôi kiếm tiền từ các dự án hợp tác với điện ảnh, truyền hình Hàn Quốc. Sau đó, tôi may mắn có cơ hội tham gia viết kịch bản phim truyền hình Việt Nam. Không ngờ một số phim lại được yêu thích nên nhiều người gọi tôi là biên kịch. 

Bản thân tôi chưa dám tự nhận là biên kịch vì cũng thấy hơi ngượng, bởi nó giống như việc khoe khoang trong khi thực tế tôi không được ăn học về nghề này một cách bài bản. 

Tôi chỉ giới thiệu mình là nhà báo, hay Tiến sĩ Văn hoá khi xuất hiện trong các hoạt động liên quan đến học thuật, giáo dục. Hiện tôi là Giám đốc đối ngoại tại một tập đoàn của Hàn Quốc ở Việt Nam. Mỗi lần có cơ hội xuất hiện trên báo, tôi thường lo lắng, năn nỉ các bạn đồng nghiệp rằng, hỏi gì tôi cũng được trừ việc dùng danh xưng biên kịch thì tôi rất cảm ơn.

- Chị tâm đắc nhất với ‘đứa con tinh thần’ nào?

Tôi thường hợp tác viết kịch bản cùng phía Hàn Quốc, nhưng chủ yếu là bán chất liệu và tham gia các dự án chung giữa hai quốc gia. Ở Việt Nam, những phim được nhiều người biết là Tết cháy Ô sin, Cầu vồng tình yêu, Sống chung với mẹ chồng

'Văn mình vợ người', đã do mình viết ra thì ‘đứa con’ nào tôi cũng tâm đắc. 

Nhưng quan trọng là người đọc, người xem có đón nhận và yêu mến tác phẩm đó hay không? Còn để chọn thứ tâm đắc thật sự tôi thích những thứ thật, đơn giản nhất mà mỗi ngày tôi thoải mái post lên trang cá nhân của mình.

- Việc là con gái của đạo diễn, NSƯT Đặng Tất Bình có góp phần hình thành năng lực của chị?

May mắn lớn nhất cuộc đời tôi là được bố mẹ "chống lưng". Có bố là nghệ sĩ nổi tiếng nên tôi được ưu ái từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn như việc cô giáo chủ nhiệm cấp 1 là fan hâm mộ các vai diễn hay giọng đọc của bố tôi. Thế nên, mặc dù bố mẹ thường lưu diễn xa, không thể đi họp phụ huynh cuối kỳ, cuối năm nhưng tôi cũng không cần trình bày gì nhiều mà luôn được cô hỗ trợ. 

Sau này, khi tôi từ Hàn Quốc về nước, hoạt động trong lĩnh vực báo chí, phim ảnh, cái mác "con bố Tất Bình" đương nhiên giúp tôi thuận lợi hơn những bạn không phải con nhà nòi một chút. Còn về tài năng, bố giống như một “từ điển sống - thư viện tổng hợp” của tôi và các con. 

Nếu đến giờ, tôi có được chút thành công nào trong sự nghiệp, chắc chắn tôi sẽ tự hào rằng mình không dốt bởi do gen (cười)

- Đến thời điểm hiện tại nhiều người vẫn khen 'Sống chung với mẹ chồng' là bộ phim đáng xem nhất trong mấy năm gần đây, theo chị đâu là bí quyết làm nên thành công của bộ phim?

Sống chung với mẹ chồng gặt hái nhiều thành công nhờ hội tụ đủ các yếu tố ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà'. Phim xuất sắc, kịch bản hay chỉ góp một phần. Quan trọng hơn còn nhờ định hướng, sự đầu tư từ đơn vị sản xuất, tài năng của đạo diễn cùng đội ngũ diễn viên...

Về bộ phim này đã có rất nhiều bài viết đề cập đến. Tôi nghĩ khán giả sẽ hứng thú chờ đón những tác phẩm mới, nghe chuyện mới của tôi hơn.

- Sau những bộ phim truyền hình, liệu chị có quyết định thử sức trong mảng phim điện ảnh không?

Chắc vì chưa dành thời gian cho việc này nên tôi chẳng có gì để "chào hàng" với các nhà sản xuất phim điện ảnh.

- Gần đây, chị mới ra mắt tự truyện đầu tay 'Cảm ơn vì Tôi bị Ung thư' và trong phần mở đầu tự gọi mình là Mèo Ú, phải chăng đây là biệt danh mà người thân thường gọi chị? 

Tôi rất thích đọc Doraemon và Mèo Ú là nhân vật tôi yêu mến đặc biệt. Vì thế, khi học đại học, một số người bạn thân đặt cho tôi biệt danh Mèo Ú. Đây cũng là tên mà tụi bạn dùng để giới thiệu tôi với ông xã, khi anh ấy lần đầu gặp chúng tôi tại Đại học Tổng hợp năm 1993. Rất tự nhiên, chồng tôi nhớ nickname này và cứ thế gọi thôi.

- Ông xã và gia đình đã ở bên khi chị phát hiện bạo bệnh ra sao?

Tôi nghĩ mình thật may mắn, khi được gia đình song hành và luôn trao cho nhau ngập tràn yêu thương. 

Trong sách Cảm ơn vì Tôi bị Ung thư, tôi viết rằng người thân khi biết mình mắc trọng bệnh còn chông chênh, đau khổ hơn mình. Với gia đình tôi, những ngày tôi đi điều trị, tất cả giữ nếp sinh hoạt bình thường. Rất nhanh chóng, tôi và chồng con đều nỗ lực để thích nghi với một sự bình thường mới. 

- Chị hay gửi tới chồng lời chúc 'Best friend forever' mỗi dịp sinh nhật anh ấy, phải chăng lời chúc ấy có hàm chứa thông điệp bí mật?

Tôi quan niệm rằng tình cảm xuất phát từ trong hôn nhân sẽ bền vững nhất. Chúng tôi không dùng sự đắm đuối, lãng mạn để ràng buộc, níu giữ hạnh phúc của mình. Mọi điều sẽ trở nên tuyệt vời khi vợ chồng là hai người bạn thật tốt. Bởi vì, khi là bạn tốt, sẽ có thể chia sẻ, hỏi han nhau đủ điều, không có khoảng cách, không sợ bị đánh giá, còn nếu quá đề cao đam mê, cuồng nhiệt... thường dẫn đến sự kiềm toả, ghen tuông, tự kỷ mang lại cho nhau cảm giác ngột ngạt. 

Tôi thường nghĩ tình yêu đôi lứa dễ ‘trở mặt’ và lạnh nhạt với nhau hơn mối quan hệ duy trì bằng nghĩa khí, sự trân trọng nhau kiểu tình đồng chí gắn bó. Tôi hạnh phúc khi được là chính mình, được sống đúng với con người, cá tính và sở thích của bản thân. Tôi chọn chồng là “Best Friend” nên dù đã là ‘nóc nhà’ 24 năm nhưng cảm giác vẫn như hồi chúng tôi mới gặp nhau vào những năm 1990. 

Thi thoảng, thấy mình vẫn lung linh, tự do trong thanh xuân. Vì ở trong nhà, tôi chưa từng bị chồng hạn chế bất kể điều gì, chỉ bởi vì tôi đã là vợ. Tự bản thân biết bước tiến bước lùi khi đã làm mẹ và bước vào tuổi trung niên chứ ông xã không hề đưa ra rào cản.

- Khi làm dâu Hàn Quốc, chị thấy những phong tục tập quán của gia đình Hàn và Việt Nam có gì khác nhau? Điều đó có gây áp lực cho chị không?

Tôi làm dâu Hàn Quốc đến nay đã 24 năm. Bản thân có tới 30 năm kinh nghiệm học tập, nghiên cứu, làm việc trong ngành văn hoá Hàn Quốc. Tôi thấy làm dâu ở đâu cũng như nhau thôi, khoảng cách văn hoá Hàn - Việt không chênh lệch. Vẫn là giữ lễ nghi, nề nếp, gia phong theo mỗi nhà. Cá nhân tôi không thấy áp lực gì. Ngược lại, tôi thấy rất sướng vì đến giờ có thêm sở thích kinh doanh ẩm thực Hàn nhờ được học hỏi từ những bí kíp ở gia đình chồng, một dòng họ thuộc hoàng tộc có lịch sử vẻ vang.

- Quan sát cuộc sống của những người Việt làm dâu Hàn Quốc khác, chị có muốn viết sách về chủ đề này không?

Lấy chồng, sinh con, làm dâu, kiếm tiền... luôn tạo nên những áp lực cho phụ nữ. Tôi cũng có chút hứng thú, có thể sẽ viết "Sống chung với mẹ chồng Hàn" (cười). 

Hy vọng tôi đủ sức khoẻ, vẫn duy trì được nhiều năng lượng để sớm bắt tay vào dự án mới của mình. 

- Phải chăng chị đang ấp ủ sẵn những dự án mới?

Hiện tôi cũng giảm bớt nhiều dự định, điều chỉnh các mục tiêu công việc từ dài hạn sang ngắn hạn để ưu tiên đầu tư cho sức khoẻ. Tuy nhiên, với bản tính "tăng động trong công việc" như bạn bè vẫn đùa vui tôi dường như vẫn bận rộn, cùng lúc làm nhiều việc như vốn dĩ vẫn thế.

Ở lĩnh vực chuyên môn nghiên cứu về Hàn Quốc học, tôi tham gia hướng dẫn luận văn, dự các hội thảo chuyên ngành. Trong lĩnh vực nghệ thuật, tôi đã trở lại vai trò biên kịch - biên tập ở một chương trình dự kiến phát sóng vào tháng 10. Ngoài ra, tôi vẫn xin gửi tới ‘vũ trụ' ước mơ cho mình được vui khoẻ, nuôi dưỡng đủ cảm xúc để sớm được tái ngộ khán giả qua một bộ phim hay.

- Là một người thành đạt và hạnh phúc trong hôn nhân, chị có lời khuyên gì dành cho các cô dâu Việt lấy chồng Hàn?

Chẳng có bí kíp gì đặc biệt, tôi chỉ nghĩ quyết định bước vào làm dâu nhà nào thì hãy dành hết tâm huyết để hiểu chồng mình, hiểu gia đình anh ấy để tự học cách thích nghi. Với các cô gái Việt Nam, khi lựa chọn làm dâu Hàn Quốc, hãy học ngôn ngữ, văn hoá và ẩm thực của họ trước tiên. Việc ăn - nói không thông sẽ là cản trở ban đầu trên hành trình phiêu du đến bến bờ hạnh phúc.

Thiết kế: Luyện Phạm