Gió Lào là nỗi sợ hãi, cái nắng đổ lửa khiến nhiều người dân ngán ngẩm… nay đã thành thế mạnh để phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Nếu tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, những lợi thế này sẽ giúp Quảng Trị thu được một khoản đáng kể.

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet về tiềm năng bán tín chỉ carbon, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh “điều xa vời nay đã thành hiện thực”. Ông cũng khẳng định: phát triển điện gió, điện mặt trời; nâng cao chất lượng rừng; sản xuất nông nghiệp bền vững theo hướng hữu cơ… sẽ là thế mạnh của tỉnh trong lộ trình giảm phát thải và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon.

- Hiện nay, các bộ ngành đang rốt ráo đẩy mạnh hoạt động để xây dựng thị trường tín chỉ carbon và đưa vào vận hành. Ông có thể chia sẻ về tiềm năng tín chỉ carbon trong lĩnh vực nông lâm nghiệp của tỉnh Quảng Trị khi tham gia thị trường hàng hoá mới này?

Ông Hà Sỹ Đồng: 

Chúng tôi có rừng. Dù diện tích rừng tự nhiên không lớn như các tỉnh thành khác, song Quảng Trị có nhiều khu rừng lâu đời với đa dạng các loài gỗ quý hiếm, cây bản địa, động thực vật hoang dã. Đây là cơ sở để đánh giá việc hấp thụ và lưu giữ carbon lớn, kể cả về thế mạnh du lịch sinh thái. 

Năm 2023, rừng tự nhiên ở Quảng Trị đã thu được tiền từ việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải. Số tiền này sau đó được phân chia ngay cho người dân, cộng đồng và các tổ chức quản lý rừng. Điều này cho thấy, bán tín chỉ carbon thu tiền không còn là điều xa vời.

Bên cạnh đó, hiện nay, Quảng Trị còn có trên 121.400ha rừng trồng, trong đó với hơn 26 nghìn ha rừng trồng của các hộ gia đình, cá nhân và các công ty lâm nghiệp đã được tổ chức quốc tế đánh giá cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, VFCS/PEFC. Thế nên, chúng tôi tính toán, ngoài rừng tự nhiên còn có thể bán tín chỉ carbon từ rừng trồng.

Ngoài ra, nông nghiệp cũng là lĩnh vực tiềm năng để tham gia thị trường này khi sản xuất theo hướng sạch, xanh, tuần hoàn. Đồ án quy hoạch của tỉnh đang đánh giá về các tiểu vùng khí hậu để xây dựng kịch bản và định hướng cho các địa phương tích tụ ruộng đất sản xuất thành những cánh đồng lớn sản xuất hữu cơ, vùng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh theo hướng tuần hoàn. 

Dự kiến đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh sẽ có những cánh đồng kiểu mẫu hữu cơ, cánh đồng sinh thái. Trong đó, lúa hữu cơ là mũi nhọn và là bước phát triển đột phá để tham gia thị trường tín chỉ carbon. 

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.100 ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ, trong đó có 346,58 ha lúa sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ và canh tác tự nhiên; 502,5 ha sản xuất theo hướng hữu cơ và 94,3 ha lúa theo hướng VietGap; 160,6 ha lúa sản xuất ATTP. Xét về mặt khoa học và các tiêu chí để tham gia vào thị trường carbon thì nông nghiệp hữu cơ là hướng đi đầu tiên. Đây là mô hình thành công của tỉnh để nhân rộng, từ đó hình thành các cánh đồng hữu cơ, tuần hoàn, xoá dần dấu chân carbon trên các mảnh vườn, thửa ruộng.

- Được biết, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp và tổ chức quốc tế tìm đến Quảng Trị để hợp tác làm tín chỉ carbon, thưa ông?

Đúng vậy. Công ty Inproba Hà Lan đang đàm phán chi trả tự nguyện cho lượng hấp thụ carbon khoảng 1.500 tấn/năm, tương đương 15.000 Euro (1 tấn = 10 Euro). Hay như Công ty Etifor - Italia đàm phán để tài trợ tự nguyện khoảng 50.000 Euro/năm cho cộng đồng để duy trì chứng chỉ FSC-ES, thực hiện bảo vệ rừng, phục hồi làm giàu rừng và trồng rừng các điểm sạt lở do thiên tai gây ra năm 2020.

Hiện nay, còn có nhiều doanh nghiệp, tổ chức tới Quảng Trị để tìm hiểu, điều tra và đánh giá về tín chỉ carbon ở các ngành tiềm năng, trong đó có rừng. Chúng tôi cũng sẽ lựa chọn một số nhà đầu tư liên doanh liên kết dài hạn để xây dựng kế hoạch bán tín chỉ carbon.

- Quảng Trị còn có tiềm năng phát triển năng lượng sạch. Đây là nguồn năng lượng tái tạo để thúc đẩy sản xuất xanh và cũng để tham gia thị trường tín chỉ carbon?

Quảng Trị là tỉnh chịu tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, thời tiết thì khắc nghiệt. Song, chúng tôi đã từng bước biến khó khăn này thành thế mạnh để phát triển bền vững. 

Trước kia, nói tới gió Lào, người dân ở Quảng Trị ai cũng sợ hãi, cái nắng nóng đổ lửa khiến nhiều người ngán ngẩm. Giờ những nỗi sợ này đã thành nguồn năng lượng sạch vô tận phục vụ cuộc sống của người dân, phục vụ sản xuất… tạo thành một chuỗi giá trị. Nói chung giờ đã trở thành nguồn thu đáng kể.

Thế nhưng, Quảng Trị cũng phải quy hoạch dựa trên tổng thể quy hoạch năng lượng quốc gia, làm bài bản và công phu, tính đến không gian phát triển, giải quyết vấn đề việc làm, sinh kế của người dân, hài hoà lợi ích các bên.

Gió Lào từng là nỗi sợ hãi của người dân Quảng Trị, nay đã thành nguồn năng lượng sạch vô tận. Ảnh Lương Bằng

Ở tỉnh có dãy Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh… là những nơi có tốc độ gió rất lớn, phù hợp với phát triển điện gió. Từ 2019-2022 tỉnh đã phê duyệt 31 dự án, trong đó 19 dự án đã đi vào hoạt động và đang thi công chuyển tiếp 10 dự án. Dự kiến đến năm 2027, sản lượng điện gió sẽ góp phần đảm bảo nguồn điện phục vụ cho khu vực miền Trung, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi sang sản xuất xanh ở các khu công nghiệp của tỉnh và của vùng.

Tuy nhiên, các dự án này phải đáp ứng yêu cầu chọn những khu vực đất trống để thi công, không làm ảnh hưởng đến rừng nguyên sinh, không ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, sinh kế của người dân…

Mới đây, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 1737/QĐ-TTg 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó nhấn mạnh, xây dựng Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng sạch của miền Trung.

Theo đó, phát triển năng lượng tái tạo, điện sinh khối, điện hydrogen. Tập trung phát triển các nguồn nhiệt điện khí, năng lượng điện gió và công nghiệp khí tại vùng ven biển và đảo Cồn Cỏ; ưu tiên áp dụng công nghệ sản xuất khí hydro xanh và khí amoniac xanh từ các nguồn năng lượng tái tạo, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện sử dụng năng lượng hóa thạch trên địa bàn. 

Khi sàn giao dịch tín chỉ carbon đi vào hoạt động, đây cũng là tiềm năng để khai thác và bán tín chỉ.

- Xét về góc độ dân sinh, với các dự án điện gió thì dân sẽ được hưởng lợi gì?

Chúng tôi đưa ra bộ quy định rõ ràng, khi vận hành các dự án điện gió đều phải tuân theo. 

Dự án đi vào hoạt động sẽ trở thành cánh đồng điện gió phía trên, phía dưới tận dụng quỹ đất để người dân canh tác, tạo cảnh quan môi trường làm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách.

Dự án đều thực hiện ở vùng đồi núi, khó khăn nhất về hạ tầng giao thông. Trong phát triển, tỉnh cho phép doanh nghiệp làm các con đường. Với 31 dự án, các doanh nghiệp đã làm trên 100km đường giao thông, đem lại hiệu quả lớn trong việc giao thông, phát triển sinh kế của người dân. 

Trước đây, nguồn lực ngân sách nhà nước chưa đáp ứng được, bây giờ lồng ghép vào nguồn lực xã hội hoá thông qua dự án điện gió để xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Tức là, vừa phát triển được nguồn năng lượng sạch, dân lại vừa có đường to đẹp để đi, liên kết các thôn, các bản, tận dụng được cơ sở hạ tầng để người dân phát triển kinh tế, sản xuất. 

- Tỉnh Quảng Trị đã sẵn sàng tham gia vào thị trường tín chỉ carbon, thưa ông?

Quảng Trị là 1 trong 6 tỉnh tham gia vào đề án giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ trong giai đoạn 2023-2025. Nghĩa là việc tính toán lượng giảm phát thải đối với diện tích rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh cũng đã được Quỹ đối tác cacbon trong lâm nghiệp (FCPF) thông qua Ngân hàng thế giới đo đếm, cam kết chi trả. Đây cũng chính là nền tảng để tham gia vào thị trường tín chỉ các bon sau năm 2025.

Ngoài ra, đối với diện tích rừng trồng, đặc biệt là rừng trồng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chúng tôi cũng đang thỏa thuận với tập đoàn của Italia để đánh giá tiềm năng giảm phát thải nhằm tiến đến mở rộng giao dịch tín chỉ các bon. 

Còn với những ngành nghề khác thì phải chờ kiểm kê khí nhà kính, chờ ban hành hành lang pháp lý, có sàn giao dịch. 

- Ông đã chia sẻ rất nhiều về tiềm năng sản xuất xanh như có nguồn năng lượng sạch, có nguồn thu tín chỉ carbon từ rừng, nông nghiệp… Vậy Quảng Trị có đặt ra lộ trình giảm phát thải và tiến tới Net Zero?

Chính phủ cam kết đến 2050 sẽ đưa phát thải ròng về 0 - Net Zero. Quảng Trị là tỉnh tiên phong trong quản trị rừng bền vững, đi đầu trong phát triển năng lượng sạch, trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ… nên tôi nghĩ tỉnh sẽ đưa phát thải ròng của tỉnh về 0 trước năm 2050.

Tỉnh Quảng Trị định hướng phát triển xanh. Ngoài rừng thì sẽ có nông nghiệp xanh, các khu công nghiệp cũng dần chuyển sang sản xuất xanh.

Riêng về năng lượng, Quảng Trị có rất nhiều địa hình đồi núi thuận lợi cho phát triển thuỷ điện. Nhưng nếu làm thuỷ điện sẽ ảnh hưởng đến môi trường rừng nên chúng tôi không cấp phép mới cho dự án thủy điện nữa. 

Trước đó có cấp phép nhà máy điện than công suất 1.200MW. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ cam kết ở COP26 đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Quảng Trị đã đàm phán với nhà đầu tư dừng dự án điện than này. Hiện nay, chúng tôi đề xuất với Chính phủ chuyển sang điện khí LNG, cơ bản việc này đã được chấp nhận. 

Net Zero là xu hướng trên toàn cầu rồi. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều người đều mong muốn môi trường sống được hài hoà, trong sạch từ hơi thở đến nhịp sống trong xã hội. Phải được thưởng thức luồng gió mát, không khí sạch. Thế nên, cách chúng ta ứng xử với thiên nhiên bây giờ ra sao sẽ để lại kết quả môi trường cho con cháu mai sau…

Cá nhân tôi có một ao ước nhỏ: Một ngày nào đó, người dân, du khách tới Quảng Trị sẽ được thấy những chú hươu, nai chạy tung tăng bên những cánh rừng, giống như ở một số nước châu Âu, Mỹ. Đó sẽ là minh chứng cho thành công của tỉnh trên con đường phát triển của mình. 

Thiết kế: Nguyễn Cúc

Quảng Trị bán tín chỉ carbon rừng, bà con chia nhau tiền tỷ

Quảng Trị bán tín chỉ carbon rừng, bà con chia nhau tiền tỷ

“Tiền tín chỉ carbon về rồi. Đầu năm nay bà con được nhận, ai cũng mừng và phấn khởi”, ông Hồ Văn Chiến - một trong những người được chi trả tiền tín chỉ carbon rừng ở Quảng Trị chia sẻ sau chuyến đi tuần tra bảo vệ cánh rừng mà cộng đồng được giao.