XEM VIDEO:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Thượng tướng, nhờ có các thế hệ cha anh, đất nước mới có được độc lập hòa bình tự do. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thực hiện 35 năm Đổi mới. Có bao giờ ông nhìn thấy ở thế hệ trẻ hôm nay một bóng hình của Nguyễn Huy Hiệu thời trận mạc?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi rất tin tưởng thế hệ trẻ ngày hôm nay. Phần lớn, các bạn có học thức, được tiếp cận với thông tin đa chiều, phân biệt được cái đúng cái sai, cái thật cái giả. Ước nguyện của các bạn là muốn làm giàu cho bản thân mình và cho đất nước. 

Có nhiều cháu học sinh rất giỏi đi thi quốc tế. Việt Nam là một trong những nước đạt giải cao trên các lĩnh vực khoa học. Tôi tin rằng thế hệ này luôn mang hình dáng của chúng tôi những ngày đi bộ đội. Đó là hình dáng của khát vọng, mà con người phải có khát vọng, có lý tưởng, và có ước mơ. 

Con người phải luôn dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Chúng tôi ngày xưa cũng vậy. Thời bây giờ, tôi nghĩ rằng số đông các bạn cũng có những lý tưởng cao đẹp. Tôi vẫn thấy hình dáng đó trên các mặt trận khoa học, đối ngoại, kinh tế, ngoại giao...  Trên tất cả các lĩnh vực, vẫn có những con người như thế. 

Tôi rất tin tưởng rằng thế hệ sau này sẽ giỏi hơn chúng tôi bởi vì các cháu có điều kiện học tập và tiếp cận những tinh hoa của thế giới. Vấn đề còn lại là các bạn có biết để vận dụng vào sự nghiệp của mình, của đất nước hay không. Tôi nghĩ rằng, điều đó sẽ tùy thuộc vào chính thế hệ trẻ.

Nhà báo Phạm Huyền: Cũng là một ngày tháng 7, ngày 17/07/1966, thông qua Đài Tiếng nói Việt Nam và Báo Nhân Dân, khắp cả nước đều được nghe Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, Người đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đến thời điểm này, ông nhìn nhận những mục tiêu và tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện đến đâu?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Bác Hồ đã từng kêu gọi sau kết thúc chiến tranh, ta sẽ xây dựng lại đất nước to đẹp hơn, đàng hoàng hơn để sánh vai với các cường quốc năm châu. 

Tôi nghĩ mục tiêu này, chúng ta đã phấn đấu bằng cả một quá trình xây dựng và đổi mới của đất nước, đến giờ cũng được 35 năm rồi. Chúng ta đã xây dựng được về mặt kinh tế, quốc phòng an ninh, đối ngoại để hợp tác và hội nhập trên nhiều lĩnh vực khác. 

Nhìn chung, chúng ta đã đạt được các mục tiêu chính. Còn lại, để đạt được mục tiêu như lời hịch của Bác, tôi nghĩ chúng ta còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa. Đây mới là chặng đường đầu. 

Chúng ta cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa để đạt các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Điều đó đòi hỏi cả một quá trình phải chiến đấu, phải xây dựng để đưa đất nước ta lên tầm cao mới. Có như vậy, chúng ta mới đạt được những mục tiêu như lời Bác mong muốn.  

Nhà báo Phạm Huyền: Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã nêu rõ, mục tiêu vào năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Ông có nghĩ việc thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng ngày nay so với thực hiện khát vọng Việt Nam độc lập tự do ngày xưa có khó hơn?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Dù là khát vọng để Việt Nam thịnh vượng, hùng cường hay khát vọng Việt Nam độc lập, tự do thì đều là khát vọng của cả dân tộc mà ngàn đời chúng ta mong muốn thực hiện. Hai mục tiêu này rất cao cả. Với mục tiêu giành độc lập dân tộc, chúng ta phải chiến đấu 9 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ mới giành được độc lập tự do, thống nhất đất nước. 

Nhưng bây giờ, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là hội nhập và đổi mới thì đây mới là chặng đường đầu. Chúng ta còn phải phấn đấu rất nhiều, rất quyết liệt hơn nữa mới đến được đỉnh cao đó.

Bởi vì xây dựng kinh tế, an sinh xã hội, vấn đề xây dựng nền hòa bình vững chắc trong thời hội nhập còn khó hơn nhiều. Nên chúng ta phải phấn đấu gấp nhiều lần mới có thể đạt được mục tiêu mà chúng ta đang ước vọng: thịnh vượng, hùng cường.

Nhà báo Phạm Huyền: Ngày xưa chúng ta nhìn thấy rất rõ kẻ thù. Thời nay, theo Thượng tướng, đâu sẽ là kẻ thù của chúng ta?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Trước kia, kẻ thù rất rõ ràng, có giới tuyến và có mục tiêu để chúng ta chiến đấu. Nhưng bây giờ, kẻ thù nội xâm còn nguy hiểm hơn kẻ thù ngoại xâm. Kẻ thù nội xâm là từ trong chính chúng ta. 

Vì vậy, vấn đề kẻ thù nội xâm cần phải có quyết sách thực hiện, cụ thể là bằng việc làm cho bộ máy Nhà nước và Đảng trong sạch, vững mạnh. Có như vậy, mới góp phần đánh bại và đẩy lùi nguy cơ tham nhũng, mới có thể góp phần đưa đất nước chúng ta vượt lên hoàn thành mục tiêu cao cả mà Bác Hồ hằng mong muốn.

Nhà báo Phạm Huyền: Vậy, việc xây dựng một con người trong thời bình để phát triển đất nước với khát vọng Việt Nam hùng cường so với việc xây dựng một con người trong thời chiến có gì khác nhau, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Xây dựng con người trong chiến tranh là cần có ý chí, nghị lực, lý tưởng và có quyết tâm. Lúc đó, có mục tiêu rất rõ ràng là giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Còn xây dựng con người trong thời bình là phải có trí tuệ, trình độ khoa học công nghệ, đồng thời cũng phải có ý chí và phải có nghị lực phi thường. Có như vậy, người ta mới có thể vượt qua được những khó khăn trong thời bình để hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, tôi lưu ý cần xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Người cán bộ có trung thành với sự nghiệp của nhân dân, của Đảng, của dân tộc hay không? Lý tưởng của người cán bộ là phải đặt lợi ích của dân tộc lên trên. Con người như vậy phải xây dựng từ những văn hóa và truyền thống của Việt Nam.

Nhất là trong thời kỳ hội nhập, phải xây dựng được bản lĩnh của con người Việt Nam. Điều tôi muốn nói đến chính là xây dựng đội ngũ cán bộ từ cơ sở đến Trung ương chứ không phải từ Trung ương trở xuống. Tất cả bộ máy này phải là một bộ máy trong sạch, có năng lực, có trí tuệ, có lý tưởng, có ước mơ, có hoài bão và sẵn sàng cống hiến cho sự nghiệp chung của cách mạng, trong đó có lợi ích của cá nhân mình. 

Nhà báo Phạm Huyền: Bên cạnh đội ngũ cán bộ, Thượng tướng nghĩ sao về những lý tưởng và khát vọng của thế hệ trẻ thanh niên hiện nay?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Như tôi nói bên trên, tôi rất tin tưởng thế hệ trẻ thanh niên hiện nay. Phần đông, họ có học thức, có ý chí, có nghị lực, có ước mơ. Họ ước mơ làm giàu và ước mơ trở thành những nhà doanh nghiệp, những người có ích cho xã hội. 

Đấy là số đông, còn lại một số ít thì ngược lại. Tuy rằng số ít đó rất hạn chế những vẫn còn tồn tại. Chúng ta cần phải đưa số đông đi lên để phát triển. Từ đó, kéo theo những số ít còn đang hạn chế đi theo sau. Số đông đó như là một tấm gương đi trước. Thế hệ bây giờ cũng là tấm gương để cho những thế hệ sau noi theo.  

Nhà báo Phạm Huyền: Thời tuổi trẻ của Thượng tướng, chỉ một cuốn sách cũng có thể truyền cảm hứng cho cả thế hệ. Vậy thời nay, phải làm thế nào để truyền tới các bạn trẻ những lý tưởng, khát vọng sục sôi như những người lính năm xưa?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Ngày xưa, đọc một quyển sách, chúng tôi có thể nhớ mãi và vận dụng làm theo một cách sáng tạo. (Ví dụ như cuốn “Thép đã tôi thế đấy” của Nicolai Ostrovsky chính là cuốn sách đã truyền cảm hứng cống hiến cho cả thế hệ chúng tôi).

Nhưng bây giờ, có rất nhiều sách, nhiều khuynh hướng nên người ta phải biết lựa chọn và chắt lọc để tìm ra những điều tốt, những chân lý, từ đó, vận dụng trong điều kiện của từng địa phương, Trung ương và của cá nhân từng người. Hiện nay chúng ta hội nhập nên có nhiều thông tin đa chiều. Vì vậy, ta càng cần phải biết lựa chọn, tìm cách vận dụng, sáng tạo trong điều kiện mới, nhất là trong điều kiện hội nhập.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa Thượng tướng, Đảng đã đánh giá: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Dưới lăng kính riêng , xin ông chia sẻ thêm góc nhìn của mình về những điều này?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Tôi cũng rất tự hào vì đánh giá của Đảng về việc đất nước ta có những cơ đồ chưa bao giờ được như ngày nay. Tuy nhiên, vẫn còn những mặt trái tồn tại cần nhận diện ở cơ đồ này.

Đất nước ta cần xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc dân tộc. Đất nước ta phải giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng- an ninh mới đủ tiềm lực để bảo vệ nền độc lập trong tình hình mới.

Một nước độc lập, tự chủ cần được xây dựng trên nền tảng của mục tiêu mà Đảng đã xác định trong Đại hội XIII. Trong những nội dung đó, tôi thấy cần nhất là phải tiếp tục xây dựng con người. Vì con người mang tính quyết định, mà con người ở đây chính là xây dựng đội ngũ cán bộ. Xây dựng cán bộ chính là ở trong các cơ cấu tổ chức Đảng và tổ chức của Chính phủ, của nhân dân. 

Chúng ta phải phải phát huy được sức mạnh đó và từng bước hạn chế được tham nhũng. Chống tham nhũng có hiệu quả mới xây dựng được niềm tin. Niềm tin là sức mạnh. Việc xây dựng niềm tin trong công cuộc xây dựng và đổi mới của đất nước trong giai đoạn hội nhập này rất quan trọng. 

Đại đoàn kết dân tộc là trên cơ sở niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đối với chính quyền nên chúng ta phải đấu tranh để bảo đảm cho bộ máy của Đảng, Nhà nước được trong sạch, vững mạnh. Có vậy mới phát huy được hiệu lực của một nhà nước pháp quyền.

Nhà báo Phạm Huyền: Như Thượng tướng chia sẻ, yếu tố căn cơ quan trọng nhất vẫn phải là yếu tố con người.  Thế hệ trẻ ngày hôm nay có thể học hỏi được điều gì ở tinh thần, chí khí và cốt cách của những người lính năm xưa, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Có lẽ, thế hệ trẻ hôm nay của chúng ta phải học rất nhiều điều. Bài học của chúng ta là bài học từ nhân dân mà ra. Chúng tôi cũng thế, từ nhân dân mà chiến đấu. Bộ đội của dân, do dân, vì dân. 

Các thế hệ trẻ ngày nay cũng phải học với tinh thần cách mạng tấn công, một ý chí quật cường, một tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Nhưng điều quan trọng nhất của thế hệ hôm nay là phải làm chủ khoa học công nghệ. Bởi làm chủ khoa học công nghệ thì mới có năng lực trình độ để sáng tạo, vận dụng trong xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt là trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0. 

Tôi nghĩ, thế hệ trẻ ngày nay học rất nhiều điều nhưng mà có lẽ nhiều nhất là học nghị lực, quyết tâm, ý chí và tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đặc biệt là dám đổi mới để từ đó, xây dựng cho mình bản lĩnh chính trị vững vàng trên các cương vị khác nhau.

Nhà báo Phạm Huyền: Chúng ta còn 23 năm để thực hiện tròn giấc mơ Việt Nam 100 tuổi hùng cường, thịnh vượng. Mỗi một năm, Chính phủ đều có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và năm nay, đang trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19. Mong mỏi lớn nhất của Thượng tướng lúc này là gì?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Mong mỏi lớn nhất của tôi là xây dựng một nước Việt Nam giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng an ninh và có một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, là một đất nước độc lập và hòa bình để cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là việc ổn định chính trị. Tôi mong muốn dân tộc Việt Nam trường tồn vĩnh cửu. 

Nhà báo Phạm Huyền: Được biết, lịch công tác của Thượng tướng dày đặc và hẳn ông cũng có rất nhiều dự định riêng . Xin ông tiết lộ thêm về những kế hoạch của mình đồng hành cùng đất nước trong chặng đường tới?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Năm nay, tôi đã 75 tuổi. Nhưng tôi vẫn làm việc để cống hiến cho khoa học quân sự và góp một phần cống hiến cho an ninh và môi trường. Chỉ cần còn trí tuệ, còn sức khỏe, tôi sẽ vẫn tiếp tục cống hiến trong phạm vi của mình cho đất nước, cho dân tộc, cho đồng đội.

Tôi đã viết được 9 cuốn sách. Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục viết 3 cuốn sách mới. 

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn Thượng tướng rất nhiều về những chia sẻ gan ruột của mình. Được biết, ngày 27/7 còn là một ngày rất đặc biệt đối với ông- ngày sinh nhật. Chương trình xin được kính chúc ông- một thương binh 2/4 luôn dồi dào sức khỏe, tiếp tục truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ ngày hôm nay. 

Xin hẹn gặp lại độc giả ở chương trình Bàn tròn trực tuyến tháng 8.

(Xem lại phần I: “Trong những khoảnh khắc gian truân nhất, anh em vẫn vững niềm tin chiến thắng”.)

Thực hiện: Phạm Huyền; Ảnh: Phạm Hải; Thiết kế: Thu Hằng

Quay phim: Đức Yên- Xuân Quý- Huy Phúc; Dựng hình: Đức Yên

Trợ lý chương trình: Phương Linh