Thông tin trên được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói trong buổi họp kinh tế xã hội chiều 1/11.
Ông Thượng cho biết, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tiếp tục giảm, không có ca nặng và tử vong. Mặc dù vậy, ngành y tế khá lo lắng về công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh này.
Hiện nay, TP đang cập nhật danh sách trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế, chuẩn bị cho kế hoạch tiêm vắc xin Covid-19. Tuy nhiên, khảo sát của Sở Y tế cho thấy, chỉ 10% số bà mẹ của nhóm trẻ trên đồng ý tiêm chủng. Do đó, dự báo công tác tuyên truyền vận động sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành y tế đã phối hợp với Đơn vị nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) làm khảo sát miễn dịch cộng đồng của người dân với bệnh Covid-19. “Nếu tiêm chủng thấp mà miễn dịch cao sẽ đỡ lo hơn so với việc miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 đều thấp”, Giám đốc Sở Y tế TP nói.
Liên quan đến các dịch bệnh khác, số ca sốt xuất huyết trên địa bàn TP giảm liên tục trong 4 tuần qua, diễn tiến khả quan. Tuy nhiên, số mắc còn cao so với cùng kỳ các năm, hiện tại đang cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021. Số tử vong vì sốt xuất huyết là 29 trường hợp.
Ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp như phân tầng điều trị, tập huấn cho các phòng khám, thành lập tổ chuyên gia, triển khai báo động đỏ… để kéo giảm số ca nặng, ca tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn.
Ông Thượng cho hay, nguy cơ bùng phát dịch sởi ở TP.HCM là rất lớn do hơn 5 tháng qua, vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng bị gián đoạn. Tình trạng này đã được Sở Y tế TP báo cáo với Bộ Y tế hàng tuần.
“Kinh nghiệm hằng năm, khi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng sởi của chúng ta đạt 95%, số 5% còn lại sẽ bùng thành dịch nhỏ sau mỗi 4 năm. Còn hiện nay, tỷ lệ tiêm sởi ở trẻ em chỉ khoảng 75%, khả năng bùng dịch rất lớn”, ông Thượng nói.
Cũng trong buổi họp, lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết, 9 tháng qua, TP.HCM có 1.282 nhân viên y tế công nghỉ việc. Trong khi cả năm 2021, con số tương ứng là 1.150.