Từ thực tiễn thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ cũng như các chính sách vượt trội khác, các bộ ngành, địa phương cũng nhận thấy một số bất cập của các chính sách này.
Bộ Tài chính cho rằng, Nghị định số 140/2017 thực chất mới chỉ quy định chủ yếu về công tác tuyển dụng đầu vào.
Ngoài ra, chế độ lương, phụ cấp theo quy định tại Nghị định 140/2017 cũng còn bất cập. Chẳng hạn như trường hợp không trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch hoặc hết thời gian 5 năm được hưởng phụ cấp tăng thêm thì công chức được tuyển dụng cơ bản không còn được hưởng chế độ đãi ngộ tăng thêm như lúc đầu.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng nêu thực tế, điều kiện và môi trường làm việc dành cho nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi tuyển dụng còn khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chính vì vậy đã xảy ra tình trạng không giữ chân được “nhân tài” sau khi tuyển dụng.
Một số trường hợp sau khi tiếp nhận, bố trí công tác lại ngại khó, chưa thật sự gắn bó với công việc, có tâm lý thăm dò, thử việc, đôi lúc còn so sánh mức lương và chưa thực sự an tâm công tác nên xin thôi việc hoặc chuyển công tác đến cơ quan khác.
Bên cạnh đó, lĩnh vực tư nhân với môi trường làm việc năng động, linh hoạt và chế độ tiền lương hấp dẫn đang thu hút ngày càng nhiều nhân lực chất lượng cao từ khu vực công, trong đó, có cả những sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ được thu hút theo chế độ đặc cách.
PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ minh họa cho thực tế này bằng câu chuyện của TP.HCM. Năm 2014, TP.HCM ban hành chính sách thu hút nhân tài, trong đó có quy định tiền lương thỏa thuận nhưng tối đa 150 triệu, kèm theo nhiều ưu đãi khác về nhà ở, về đi lại…
Sau 5 năm, TP.HCM thu hút 19 chuyên gia. Đến 2019, TP.HCM chuyển sang các chế độ chính thức thì 14 người bỏ đi, còn lại 5 người và không tuyển được thêm người mới.