Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ vừa tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, nhân tài là nguồn lực rất quan trọng trong phát triển quốc gia. Do đó, việc thu hút, trọng dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm.

Thời gian qua có hiện trạng cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực chuyển sang khu vực ngoài Nhà nước do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chế độ đãi ngộ, điều kiện, môi trường làm việc chưa đáp ứng nhu cầu và mong mỏi của đội ngũ. Việc đó dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực công.

TS. Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam

Ông Tuấn cho biết, việc xây dựng chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài là thực hiện chủ trương của Đảng đã được thể hiện trong các văn kiện, được quy định trong Luật Cán bộ, Công chức, Luật Viên chức.

Các nội dung của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài phải là "khung" cơ bản, là gốc để các bộ, ngành, địa phương căn cứ cụ thể hóa bằng các chính sách phù hợp với đặc điểm và yêu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.

Trong đó, trước hết cần xác định thống nhất nhân tài phải là người có đức, có tài với năng lực vượt trội, có tinh thần cống hiến, chịu hy sinh, thiệt thòi; giải quyết được các vấn đề nan giải hoặc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được mọi người và cơ quan công nhận.

Nhân tài phải có đức, có tài, có công trạng, thành tích, như Bác Hồ từng nói: "Có tài mà không có đức thì vô dụng, không phục vụ được nhân dân, đất nước. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài thời gian qua mới tập trung vào thu hút, đãi ngộ là chính, còn trọng dụng vẫn còn hạn chế từ sử dụng, phân công công tác, bổ nhiệm, quy hoạch,... cho tới đãi ngộ, bảo vệ nhân tài.

Ông Tuấn cho biết, thực tế cho thấy, chúng ta đang có nhiều người tài giỏi nhưng chưa được bố trí và sử dụng đúng. Khi không được trọng dụng, không được sử dụng đúng, không được đãi ngộ phù hợp thì những nhân tài này rất dễ “ra đi để tìm một chỗ đứng khác dưới ánh nắng mặt trời".

4 năm thu hút 5 nhân tài

Từ thực tiễn thực hiện nghị quyết về mức thu nhập chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt của TP.HCM, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phạm Đức Hải khẳng định: “Điều đầu tiên và quan trọng nhất là chính sách đãi ngộ, bởi không có chính sách đãi ngộ thì không thu hút được nhân tài”.

Dẫn chứng cho nhận định này, ông Hải cho biết, TP.HCM đưa ra chính sách khi các chuyên gia mới nhận vào được trợ cấp 100 triệu đồng, sau đó lĩnh lương Nhà nước như quy định với mức lương trên 8,0. Ngoài ra còn có các chính sách khác như sinh hoạt phí 30 - 50 triệu đồng, nếu không có nhà công vụ thì được trợ cấp thêm 7 triệu đồng/tháng…

Kèm theo đó là chính sách khuyến khích các chuyên gia có công trình ngoài công việc thường xuyên. Công trình đó sẽ được thưởng tùy theo giá trị. Ví dụ công trình trị giá 100 tỷ thì họ được 1 tỷ.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM

Bài học quan trọng thứ 2 với TP.HCM là quy chế tuyển chọn. Theo đó, các chuyên gia sẽ có một buổi trình bày những điều sẽ làm được và sẽ làm những gì khi được thu hút chứ không phải dựa vào bằng cấp.

Ông Hải cho biết: "Ròng rã từ năm 2018 đến cuối năm 2022, TP.HCM mới thu hút được 5 người, trong đó có 1 người Việt Nam, 1 người Mỹ, 3 người Nhật”.

Từ đó ông Hải đề xuất, phải có cơ chế, chính sách rõ ràng, vượt trội mới thu hút được nhân tài.

Mấu chốt là đãi ngộ

Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ cho rằng, khung chính sách dành cho nhân tài phải có chính sách thu nhập, nhà ở, vị trí việc làm phù hợp, môi trường làm việc. Nếu không có chính sách thật sự hấp dẫn ở 4 khía cạnh này thì khó thu hút được nhân tài.

Vì vậy, phải có kế hoạch tài chính cho chiến lược này, bởi “nói hay đến mấy nhưng không có tiền để làm thì lại quay về câu chuyện đang diễn ra là chỉ hô hào và kêu gọi”.

Theo ông Sỹ, nên đổi mới tư duy từ việc “phát hiện, thu hút, ưu đãi trọng dụng” sang “ưu đãi, trọng dụng và thu hút”. Trước hết phải ưu đãi trọng dụng đã.

Ông cho rằng, do điều kiện chúng ta lâu nay chỉ mới có thu hút, mời gọi bằng lời hiệu triệu, còn chế độ chính sách thật sự thu hút họ hầu như không đủ hấp dẫn.

PGS.TS Đinh Dũng Sỹ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật – Văn phòng Chính phủ

“Ví dụ, năm 2014, TP.HCM ban hành chính sách thu hút nhân tài, trong đó có quy định tiền lương thỏa thuận nhưng tối đa 150 triệu, kèm theo nhiều ưu đãi khác về nhà ở, về đi lại… Sau 5 năm, TP.HCM thu hút 19 chuyên gia. Đến 2019, TP.HCM chuyển sang các chế độ chính thức thì 19 chuyên gia thu hút được bỏ đi 14 người, còn lại 5 người và không tuyển được thêm người mới”, ông Sỹ dẫn chứng.

Qua câu chuyện này cho thấy, chế độ đãi ngộ hấp dẫn thu hút 19 người, đến 2019 đi vào chính thức lương theo hệ số Nhà nước thì lập tức 14 người bỏ đi.

“Phải chăng điều mấu chốt của chúng ta là đãi ngộ? Tôi đề nghị là hãy tập trung vào xây dựng chính sách đãi ngộ, trọng dụng bằng vị trí việc làm phù hợp và môi trường công tác phù hợp thì người tài mới thể hiện được mình”, ông Sỹ nói.

TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, thực tế về thu hút, trọng dụng nhân tài của địa phương cần được tổng hợp, đánh giá để từ đó tìm ra nguyên nhân và có phương hướng nhằm tăng cường hiệu quả thu hút, trọng dụng nhân tài.

Yếu tố quan trọng là phải trọng dụng được nhân tài thì sẽ thu hút được nhiều nhân tài cho khu vực công. Để trọng dụng nhân tài, phải tạo môi trường, tạo điều kiện để họ phát triển cùng với đó là đãi ngộ dành cho nhân tài.