Ghi nhận trên thị trường, các loại trái cây nhập khẩu như nho, táo, cam, quýt, cherry, lê, na,... nhập khẩu được bày bán la liệt trong các siêu thị, đổ bộ chợ với số lượng lớn. Nhiều thời điểm, trái cây nhập khẩu có giá rẻ hơn cả trái cây nội địa.

Đáng chú ý, ngoài trái cây Trung Quốc, một số loại trái cây nhập khẩu từ các nước khác cũng về ồ ạt nên giá giảm mạnh. Đơn cử, trên “chợ mạng” các loại cherry Mỹ, New Zealand, Chile rao bán tràn ngập. Song, thay vì có mức giá lên tới 600.000-800.000 đồng/kg như trước, nay loại trái cây sang chảnh này giá giảm chỉ còn 300.000-550.000 đồng/kg tuỳ loại.

Hay như quýt Úc ngày thường có giá dao động trong khoảng 110.000-150.000 đồng/kg, nhưng ở chợ Tết Quý Mão một số cửa hàng trái cây nhập khẩu rao bán với giá 60.000-70.000 đồng/kg. Mức giá này còn rẻ hơn cả cam đường canh, quýt sim của Việt Nam. 

Tương tự, cam Úc cũng được bày bán trong nhiều hệ thống siêu thị lớn giá 40.000-75.000 đồng/kg; hồng giòn Hàn Quốc giá 79.000 đồng/kg; nho sữa Hàn 400.000-60.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, bên cạnh những loại trái cây có giá rẻ, trên thị trường Tết Quý Mão có rất nhiều loại trái cây nhập khẩu tăng giá mạnh, thậm chí có loại giá được điều chỉnh tăng gấp đôi.

Cụ thể, các dòng táo nhập khẩu ngày thường có giá dao động từ 55.000-100.000 đồng/kg thì nay loại rẻ nhất có giá 75.000 đồng/kg, còn lại dao động từ 90.000-350.000 đồng/kg; các loại táo nhập khẩu từ Nhật Bản giữ giá ở mức 1-1,3 triệu đồng/kg tuỳ loại.

Đáng chú ý, táo fuji Nam Phi tăng giá gấp đôi, lên mức 235.000 đồng/túi 3kg; táo envy có thời điểm chỉ 80.000-120.000 đồng/kg nay tăng lên 250.000-350.000 đồng/kg; lê nâu Hàn Quốc cũng tăng mạnh, hiện có giá 150.000 đồng/kg...

Các loại nho xanh, nho đen nhập khẩu dịp này giá cũng lên mức 220.000-320.000 đồng/kg tuỳ loại, tăng thêm từ 70.000-100.000 đồng/kg; dâu Hàn Quốc giá dao động từ 600.000-900.000 đồng/kg...

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Đặc Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội trái cây Việt Nam, cho biết, khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại, thuế nhập khẩu nhiều loại trái cây về mức rất thấp, thậm chí 0% nên hàng về ồ ạt. Cùng với đó là chất lượng tốt, chủng loại đa dạng, lạ mắt,... nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Ở các thành phố lớn, trái cây ngoại chiếm thị phần áp đảo, bày bán ngày càng nhiều ở siêu thị và chợ”, ông cho hay.

Trái cây nhập khẩu bày bán tràn ngập thị trường (Ảnh: Thu Trang)

Anh Lương Thế Đoàn - quản lý chuỗi cửa hàng trái cây nhập khẩu lớn tại Hà Nội - nhận xét, giá bán trái cây ngoại phụ thuộc theo mùa. Khi trái cây vào chính vụ, giá nhập về và bán tại thị trường Việt Nam rất rẻ. Ví như, thời điểm giữa năm kiwi New Zealand vào chính vụ thu hoạch, hàng nhập về giá chỉ trên dưới 100.000 đồng/kg, rẻ bằng nửa hiện nay. Các loại quả khác cũng tương tự.

“Dịp này trái cây nhập khẩu vào cao điểm tiêu thụ Tết. Hiện mỗi ngày chuỗi cửa hàng làm vài trăm giỏ trái cây để trả đơn hàng khách đặt”, anh Đoàn nói và cho biết thêm, trái cây được nhiều người chọn làm quà biếu tặng Tết vì giá không quá đắt đỏ lại sang trọng. 

Đây là một trong những lý do nhiều loại trái cây nhập khẩu không phải chính vụ giá tăng mạnh, thậm chí tăng gấp đôi, anh chia sẻ.

Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Việt Nam chi ra gần 2,08 tỷ USD để nhập khẩu các loại rau quả. Đây là năm có giá trị kim ngạch nhập khẩu rau quả cao nhất từ trước đến nay, gấp 3,3 lần so với năm 2015, gấp hơn 2 lần so với năm 2016, còn so với năm 2021 thì tăng 40,3%.

Trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường cung cấp rau quả nhiều nhất cho Việt Nam với giá trị lên tới hơn 858 triệu USD, tăng 85,8% so với năm 2021. Thứ hai là thị trường Mỹ có giá trị nhập khẩu 356,3 triệu USD. Nhập khẩu từ các thị trường Úc, New Zealand, Myanmar giá trị lần lượt là 158,2 triệu USD, 124,5 triệu USD và 109,4 triệu USD.  

Theo Báo cáo xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông thôn, tính đến tháng 10/2022, táo, nho là hai loại trái cây đứng đầu trong danh sách, chiếm 23% giá trị nhập khẩu rau quả về Việt Nam.