- Trở lại "Điều còn mãi" với vai trò Giám đốc âm nhạc, anh mong mỏi mang đến điều gì cho chương trình?

Điều còn mãi là hoà nhạc đi đầu trong việc tôn vinh những giá trị nghệ thuật của âm nhạc Việt Nam, từ thanh nhạc tới khí nhạc, từ những truyền thống tới hiện đại, từ các nghệ sĩ lớn tới các tài năng trẻ… tất cả hội tụ trong một ngôn ngữ âm nhạc quốc tế nhưng vẫn chứa đựng thẩm mỹ và cảm xúc của người Việt. Tính quy mô, đồ sộ về mặt nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật là bài toán tôi cần phải giải. Tôi không tự tạo áp lực, nói đúng hơn là giữ tâm thế thoải mái khi bước vào chương trình.

Dấu ấn ở chương trình năm nay chính là lần đầu tiên đưa yếu tố "quốc tế" vào với sự tham gia của Dàn nhạc Giao hưởng Mặt Trời cùng nhạc trưởng người Pháp Olivier Ochanine. Họ là những người giỏi nghề, có yêu cầu rất cao về mặt chuyên môn.

Do đó, tôi phải dành nhiều thời gian làm việc, trao đổi và giám sát kỹ lưỡng việc tập luyện riêng với hợp xướng, nhóm nhạc và từng nghệ sĩ trước khi vào ghép với dàn nhạc. 

Chúng tôi không quan trọng làm mới tác phẩm mà mục đích cao nhất là làm đúng, phù hợp ngôn ngữ quốc tế. Làm sao để dung hòa được giá trị cũ và mới, vừa để người nghe có thể cảm nhận sự hùng tráng mà trữ tình của từng tiết mục. 

QUOTE_1.jpg

- Nhiều nghệ sĩ gọi anh là “nhạc sĩ khó tính nhất Việt Nam” vì sự quyết liệt, kỹ tính, đôi lúc cực đoan trong công việc. Anh đón nhận lời nhận xét đó từ người trong nghề ra sao?

Thú thật khi làm việc với các nghệ sĩ nước ngoài tôi tự thấy mình dễ tính, đôi lúc còn dễ dãi đấy chứ. 

Phần lớn nghệ sĩ Việt quen với cách làm việc môi trường âm nhạc tạp kỹ trong nước. Khi nhận một tác phẩm, thay vì tập theo góp ý của nhạc sĩ, người chuyển soạn, họ thích hát theo cảm xúc cá nhân.

Nhiều ca sĩ còn lên YouTube xem người trước hát thế nào, họ sẽ hát lại y hệt như thế. Phương pháp này giống với nghệ thuật dân gian đặt nặng tính truyền khẩu. Song với nhạc giao hưởng thì không thể như thế. 

Với tôi, không gì quan trọng hơn chất lượng âm nhạc. Việc hát sai nhạc, sai nhịp, chơi nhầm nốt… là điều khó chấp nhận. Chúng ta phải tuân thủ kỷ luật, quy tắc, không thể tùy tiện và chủ quan được.

Tôi nghĩ sự chuyên nghiệp bài bản phải hình thành từ điều nhỏ nhất để giúp nghệ thuật phát triển lâu dài. Đó là thước đo âm nhạc chung của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. 

- Anh có phải tranh đấu nhiều để giữ quan điểm nghề, hoặc ít nhất là bảo vệ lòng kiêu hãnh của bản thân?

Tôi không đấu tranh hay kèn cựa điều gì phức tạp cả. Chỗ nào phù hợp, có người đồng điệu thì gắn bó lâu dài, ngược lại cứ rời đi thôi.

Tất nhiên mỗi nghệ sĩ sẽ có cá tính, bản ngã riêng. Tôi không phê phán hay trách móc một cá nhân nào bởi họ không làm mình hài lòng. Tôi chỉ nghĩ đơn giản các bạn chưa thỏa mãn được tiêu chí của nghệ thuật âm nhạc. 

Trong quá trình làm việc, hai bên cùng sàng lọc nhau. Các nghệ sĩ không thích cách làm việc của tôi có thể tìm đối tác khác. Ngược lại, có trường hợp ca sĩ, nhạc sĩ nào không phù hợp, tôi cũng chủ động xin dừng lại. 

QUOTE_2.jpg

- Trần Mạnh Hùng được đánh giá là nhạc sĩ thành công của nền khí nhạc hiện đại Việt Nam. Nhưng anh kín tiếng và ít chịu bước ra đám đông, sự kín kẽ ấy với anh là tính cách hay một sự lựa chọn?

Không phải do tôi đâu. Tôi rất bận rộn với công việc chuyên môn mỗi ngày. Còn việc tìm những thông tin trên Google về Trần Mạnh Hùng rất ít thì có thể vì xã hội không quan tâm điều chúng tôi đang làm. Hoặc giả dụ truyền thông chưa thấy đây là thứ cần thiết chăng? Dẫu sao đó là một sự lựa chọn, chúng tôi không chùn lòng hay lăn tăn gì cả. 

Tôi hay dạy sinh viên rằng: “Các bạn yêu ai thì cứ lấy người đó, không phải vì họ nhiều tiền hay nổi tiếng”. Nó giống như việc bạn viết bài thơ ca ngợi vẻ đẹp một cô gái còn tâm trí lại dành cho cô gái khác. Như thế chắc chắn bài thơ đó chả có ý nghĩa gì. 

Nỗi lo "cha già con mọn"

- Là người con đất Bắc, anh chọn Nam tiến và từng nói đùa rằng “người nghèo thì nên vào Sài Gòn, nơi nhà rẻ hơn, đất rộng hơn…”. Hơn 10 năm, anh đã “bớt” nghèo chưa?

Tôi vào đây 12 năm, hiện đã hơn 50 tuổi, chắc chưa đến chục năm nữa nghỉ hưu. Bao nhiêu năm đi làm hẳn ai cũng dành dụm được chút gì đó. Tôi hiện có nhà, có xe, một ít tài sản chăm lo vợ con. 

Mỗi ngành nghề đều có thu nhập, giá trị riêng. So với người làm kinh tế thị trường, nghệ sĩ như chúng tôi còn xa lắm. Trước nay tôi có thói quen nhìn ngang và nhìn xuống chứ ít khi nhìn lên. Đối với người lao động, tôi thấy dân làm nhạc còn sung sướng, thảnh thơi hơn nhiều. 

Tôi chỉ quan trọng người nghệ sĩ có tạo ra được giá trị nghệ thuật hay không. Nếu bạn làm ra một bài hát, người ta chỉ nghe vài tháng hoặc 1-2 năm rồi vứt thì tôi thấy uổng cuộc đời làm nghề lắm. Thu nhập tôi trung bình song tự tin với những giá trị bản thân tạo dựng.  

QUOTE_3.jpg

- Anh hiếm khi nhắc về bà xã, chị ấy đã hỗ trợ anh thế nào?

Bà xã tôi là giảng viên dạy piano. Tôi biết ơn vợ vì bỏ hết cả công việc, cơ hội, các mối quan hệ để một mình vào TPHCM cùng tôi gây dựng tổ ấm. 

Bà xã kín tiếng, ít xuất hiện trước đám đông tuy nhiên luôn hỗ trợ tôi hết lòng. Lắm khi tôi ngạc nhiên thấy vợ cảm nhận những thành tựu trong công việc của chồng như chính của cô ấy. 

Trong đời sống, chúng tôi không phân biệt vai trò, thích san sẻ mọi việc với nhau. Tôi sẵn sàng vào bếp nấu ăn, rửa bát, quét nhà giúp vợ. Lúc bà xã vắng nhà tôi tắm rửa và chăm các con chu đáo. Chúng tôi thích những khoảnh khắc bình dị như thế. Đó cũng là cách để cả hai gìn giữ hạnh phúc gia đình.  

- Thật khó tưởng tượng một nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng “thét ra lửa” trên sân khấu sẽ ra sao nếu nhập vai ông bố pha sữa, thay bỉm cho con?

Tôi rất nghiêm túc trong khoản dạy dỗ các con đấy. Tôi hay đùa so với làm nhạc, làm cha khó hơn nhiều (cười). Từ chuyện học hành, giờ giấc sinh hoạt hay lúc con ốm đau… đủ khiến vợ chồng tôi quay cuồng. 

Chúng tôi sống trong Sài Gòn không có người thân họ hàng, mọi việc đều tự làm lấy. Hai vợ chồng thay phiên nhau, người này dạy thì người kia phải ở nhà. Lúc tôi đi công tác xa cả tuần, bà xã xoay sở rất vất vả. 

Tôi có 3 người con, con cả 13 tuổi, đứa thứ hai 3 tuổi rưỡi và con út mới 6 tháng tuổi. Tuổi này chăm con trẻ kể ra nhọc thật, bù lại có được niềm vui nho nhỏ. Khi gần con, tôi cảm giác mệt mỏi, áp lực bên ngoài đều tan biến. 

- Điều anh trăn trở nhất lúc này là gì?

Tôi đã lớn tuổi, trong khi các con quá nhỏ. Khoảng cách tuổi tác, quỹ thời gian thu hẹp dần là điều khiến tôi canh cánh. Có lẽ trong vài năm tới tôi phải chủ động giảm bớt công việc để bên con.

Nhiều người giống hoàn cảnh "cha già con mọn" như tôi thường lo lắng, vô tình khiến cuộc sống gấp gáp hơn. Tôi nghĩ có muốn đốt cháy giai đoạn cũng không được, thôi thì cứ thuận theo tự nhiên. 

Độ tầm 10 năm nữa, khi tôi già, sức khỏe yếu hơn, rất khó có sự gần gũi, đồng cảm với các con. Vì thế từ bây giờ điều gì cần bảo ban tôi sẽ chia sẻ cùng mỗi bé. Tôi muốn các con đoàn kết và là điểm tựa cho nhau trong cuộc sống. 

May mắn là bọn trẻ nhà tôi rất yêu thương, quấn quýt nhau. Nhìn các anh lớn âu yếm nắm tay nắm chân bé út, tôi ngạc nhiên, thắc mắc sao chúng lại tình cảm đến thế. Đó là niềm hạnh phúc giản dị của người làm cha mẹ. 

QUOTE_4.jpg

- Có con ở tuổi không còn trẻ, các ông bố thường dồn hết những thứ quý giá nhất đời cho chúng. Với Trần Mạnh Hùng, “tài sản” anh muốn để lại cho các con là gì?

Tôi sinh ra trong hoàn cảnh mẹ mất từ nhỏ, cha bươn chải vất vả nên đã sớm tự nuôi sống mình từ 18 tuổi. Tôi nghĩ các con sau này vẫn thế thôi. 

Từ nhỏ, tôi rèn cho chúng lối sống độc lập như ngủ riêng, bố mẹ không bế bồng suốt ngày… Tôi càng không có suy nghĩ để lại tài sản tiền bạc, vật chất hay thứ gì to tát. 

Tôi không đặt nhiều kỳ vọng hay áp lực cho con. Mỗi đứa trẻ sẽ có cuộc đời của chúng, hãy cứ để con bước vào thế giới muôn hình ngoài kia. Các con hãy sống cho mình, là chính mình chứ đừng là bản sao của cha mẹ.

BOX 01 sv.jpg

Ca sĩ Tùng Dương hát ca khúc "Tâm hồn của đá" do nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng phối khí tại "Điều còn mãi" 2019

Ảnh: Huỳnh Kiệt, NVCC

Thiết kế: Hoàng Cúc

anh box cam on.png