Thầy giáo khó tính nhất khoa thanh nhạc

- Có lẽ "Điều còn mãi" không phải chương trình xa lạ với Phúc Tiệp, năm nay anh dự định mang điều gì bất ngờ tới chương trình?

Hòa nhạc Điều còn mãi 2024 có nhiều điều mới hơn so với những lần tôi tham gia trước đó. Giám đốc âm nhạc của chương trình là anh Trần Mạnh Hùng - một người rất giỏi về chuyên môn, đứng đầu trong việc chuyển soạn tác phẩm hát cùng dàn nhạc giao hưởng. Năm nay, dàn nhạc chơi trong chương trình cũng là dàn nhạc tuyển chọn, chất lượng tốt, mang tầm quốc tế. 

Trong chương trình không chỉ có những nghệ sĩ chuyên biệt về dòng nhạc thính phòng, cổ điển mà còn có những yếu tố mới. Đó là những tác phẩm mới hay những nghệ sĩ biểu diễn trẻ như Oplus. Điều này tạo nên sự đa dạng, đặc sắc cho chương trình.

Xuất hiện trong Điều còn mãi 2024 là vinh dự của người nghệ sĩ. Vì vậy, chúng tôi có bổn phận, trách nhiệm làm tốt nhất có thể, lan tỏa những tác phẩm âm nhạc tới khán giả. 

Năm nay, tôi hát bài Hò kéo pháo theo bản gốc của nhạc sĩ Hoàng Vân. Chúng tôi có chút áp lực vì phải hát sao cho có màu sắc của riêng mình mà vẫn phải đúng tinh thần vốn có của tác phẩm. 

z5707520275758_e2dbeffd1433917df0a2814ec34857fe.jpg
Không chỉ là ca sĩ, Phúc Tiệp đã có 17 năm giảng dạy âm nhạc.

- Nhiều người tự hào về tiền tài, danh vọng khi làm nghề, sau 24 năm, nghề hát mang lại cho anh những gì?

Tôi khẳng định nghệ sĩ không bao giờ giàu nếu chỉ đi hát, đặc biệt là nghệ sĩ hát nhạc cổ điển. Nhưng chúng tôi giàu sự trải nghiệm, cảm xúc, giàu về bạn bè và các mối quan hệ. Chúng tôi đi đâu cũng được yêu quý, trân trọng vì có nhiều đóng góp trong sự phát triển âm nhạc, văn hóa. Đó là điều tôi thấy được nhất khi theo đuổi thể loại âm nhạc hàn lâm.

Về kinh tế, chúng tôi chỉ tạm đủ trang trải cho nhu cầu tối thiểu ở phân khúc trung lưu. Chúng tôi không giàu có về vật chất. Tài sản của chúng tôi là âm nhạc, có thể chia sẻ, giao lưu điều đó với mọi người trong xã hội.

- Ai cũng nói nhạc cổ điển thính phòng kén người nghe, điều gì khiến anh kiên trì theo đuổi dòng nhạc này suốt 24 năm?

Cũng có nhiều người hỏi tôi tại sao không chuyển hướng đi hát thể loại khác đúng thị hiếu hơn để kiếm tiền. Tuy nhiên, trong đầu tôi luôn giữ vững một niềm tin và tình yêu với âm nhạc thính phòng.

Khán giả tiếp cận thể loại nhạc cổ điển chắc chắn sẽ ít hơn nhưng họ rất “tinh”. Những gì khó, hiếm, ít thì đương nhiên sự phổ quát trong xã hội là không thể nhiều được. 

Tôi còn nhớ một buổi biểu diễn mới đây ở Nhà hát Hồ Gươm. Khi tôi hát xong, khán giả vỗ tay 10 phút không về. Đó là những thứ chúng ta bỏ tiền không mua được. Nghệ sĩ chỉ sống bằng những khoảnh khắc đó thôi. Tôi may mắn được trải qua những điều như vậy nên luôn có niềm tin dù theo nghề có khó khăn, thiệt thòi nhưng vinh quang nhận lại thì hoàn toàn xứng đáng. Triết lý cuộc sống của tôi là đi đến cùng, thành công đến đâu còn phải do cái duyên.

416659541_8147285331955137_5969944926561363744_n.jpg
Phúc Tiệp có nhiều trăn trở với âm nhạc cổ điển, thính phòng Việt Nam.

- Ở vai trò một giảng viên âm nhạc, những trăn trở của anh với âm nhạc hàn lâm là gì?

Ngoài biểu diễn, tôi còn có 17 năm kinh nghiệm giảng dạy âm nhạc. Sau những gì bản thân trải qua, tôi thấy việc truyền lửa cho các bạn trẻ đủ đam mê theo lĩnh vực âm nhạc cổ điển là bài toán khó với tất cả các giảng viên như tôi.

Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian công sức mới đào tạo được một vài nghệ sĩ tài năng. Trong khi đó, những người có tài năng đi kèm với trí tuệ, đạo đức và lý tưởng thì lại càng khó. Chính vì vậy, chúng tôi chấp nhận việc rơi rụng trong quá trình đào tạo.

Tôi luôn khuyến khích sinh viên của mình phải đi, phải trải nghiệm mới có nhiều cảm xúc thật sự hay khi trình diễn.

Tôi cũng luôn nói rằng, việc của nghệ sĩ âm nhạc cổ điển không phải là để giải trí mà là đóng góp cho sự phát triển âm nhạc, văn hóa.

Những người truyền lửa như chúng tôi phải bám vào, móc vào thế hệ đi trước để tạo ra sự tiếp nối cho thế hệ đi sau. 

Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn có nhiều tín hiệu đáng mừng với âm nhạc hàn lâm. Văn hóa tổ chức biểu diễn các sự kiện liên quan đến âm nhạc thính phòng, hàn lâm đang là trào lưu. 

Với khán giả nước ngoài, nghệ sĩ hát thính phòng chính là những bác sĩ chữa lành tâm hồn cho khán giả. Chúng ta đang hội nhập. Rồi sẽ đến một ngày, chúng ta cũng sẽ như họ. Tôi tin âm nhạc thính phòng cổ điển sẽ quay trở lại vị trí vốn có của nó.

426692664_8296408937042775_555593832875931600_n.jpg
Nam nghệ sĩ có thế mạnh khi thể hiện những bài hát có tính chất hào sảng, hùng tráng.

Dạy nhạc giúp tôi sửa chính mình

- Việc làm giảng viên giúp ích anh thế nào khi đi biểu diễn?

Tôi có giọng hát hợp với những bài hát mang tính hào sảng, ngợi ca, hùng tráng, sử thi. Việc làm giảng viên khiến tôi trầm xuống, chậm lại, nhìn các ngóc ngách của các bạn sinh viên để soi lại chính mình. Tôi đi tìm sự cân bằng, hát những bài hát mang tính tự sự, giàu tính nội tâm. Tôi có ra một số sản phẩm nhưng không phải chuyển sang hát thể loại nhạc như vậy đi kiếm tiền. Mà là tôi muốn minh chứng con người và âm nhạc là sự tổng hòa của cảm xúc. Tôi là nghệ sĩ opera không có nghĩa là không hát được thể loại tự sự, giàu tính cảm xúc nhẹ nhàng hơn. 

- Tại sao một người nghệ sĩ thính phòng lại không ra sản phẩm âm nhạc cổ điển - thứ mà mình làm tốt nhất?

Tôi là nghệ sĩ giao hưởng thính phòng, hoàn toàn phải biểu diễn bằng năng lực vốn có của bản thân, không có nhiều trang thiết bị hỗ trợ. 

Tôi muốn hát thể loại nhạc khoe vẻ đẹp chất giọng, khoe được màu sắc giọng nam trung trầm của mình. Đó phải là những bài hát giàu tính tự sự, cảm xúc, nhấn nhá. Nếu hát những tác phẩm mang tính trầm hùng nhiều thì nghe sẽ bị mệt nên tôi tìm những sản phẩm có thể thủ thỉ, lắng đọng.

Tôi ra 2 sản phẩm âm nhạc để khai thác điều đó. Sản phẩm đầu tiên của tôi có tên Vết xưa. Ngày 14/8, tôi phát hành sản phẩm âm nhạc mang tên Còn thương nhớ nhau trên các nền tảng số. Còn thương nhớ nhau bao gồm các ca khúc đa dạng, cũ có mới có. Điều xuyên suốt trong sản phẩm này là những nỗi nhớ, kỷ niệm. 

Nếu muốn ra sản phẩm âm nhạc cổ điển, việc thu lại khi biểu diễn trực tiếp là tốt nhất. Nghệ sĩ thính phòng, cổ điển chỉ thăng hoa tốt nhất khi có khán giả, trên sân khấu. Khi nghe tiếng vỗ tay của khán giả sẽ hát sung hơn rất nhiều. Vì vậy ước mơ của tôi là làm một concert nhạc cổ điển trong tương lai.

- Sự cố đáng nhớ nhất của anh trong nghề là gì?

Vừa rồi, tôi diễn một chương trình ở Nhà hát Hồ Gươm. Trước khi ra sân khấu, tôi bị sốt 39 độ, hoàn toàn không nói được. 6h chiều, tôi đi ra bệnh viện tiêm trong khi 7h30 là chương trình bắt đầu. Điều kỳ diệu của âm nhạc đến vào những lúc mình không ngờ nhất. Tôi thậm chí chuẩn bị phương án cuối cùng là sẽ ra sân khấu xin lỗi khán giả. Nhưng không hiểu sao khi ra sân khấu tôi lại hát được. Sau chương trình, tôi về ốm đến hiện tại vẫn chưa khỏi. Âm nhạc kỳ diệu như vậy đấy.

Nghệ sĩ nhạc cổ điển chơi golf giỏi nhất Việt Nam

- Nhiều người mặc định golf là bộ môn thể thao quý tộc, dành cho người giàu. Hình như anh là ca sĩ hiếm hoi chơi chuyên nghiệp và đoạt nhiều giải thưởng trong bộ môn này?

Có thể nói, Phúc Tiệp là nghệ sĩ hát nhạc cổ điển chơi golf giỏi nhất ở Việt Nam. Đó là bộ môn khó, khó như âm nhạc cổ điển. Với riêng tôi, đó là môn thể thao vua.

Sau 4 năm chơi, tôi nhận thấy golf dạy cho người ta nhiều thứ: sự kiên trì, điềm đạm, ý chí. Golf không có đối thủ trực tiếp mà đối thủ là chính mình. Khi chơi, chúng ta phải có cả trăm phép tính cần giải quyết trong vòng mấy chục giây trước mỗi cú đánh.

Tôi từng nói về mối quan hệ giữa âm nhạc cổ điển và golf. Chúng ta phải mất tối thiểu 10 năm để tạo ra một nghệ sĩ hát nhạc cổ điển thành công trên sân khấu. Golf cũng vậy, người ta hay nói môn này khó 10 năm đầu.

Khi chơi golf, con người càng ngày càng điềm đạm nhưng ý chí ngày càng mãnh liệt và giữ được sự cân bằng. Lúc người ta tập trung nhất trên đời là lúc họ trông khoan thai nhất. Đỉnh cao của âm nhạc cổ điển cũng vậy.   

445174493_8760703910613273_4701680951480042053_n.jpg
Phúc Tiệp là ''nghệ sĩ hát nhạc cổ điển chơi golf giỏi nhất Việt Nam''.

- Anh ít khi chia sẻ về bà xã, vì sao vậy?

Có lẽ tôi phải dành 3 ngày mới nói hết được. Bà xã đồng hành với tôi trước khi tôi đi theo con đường âm nhạc. Trước kia, tôi có cá tính rất mạnh, hướng ngoại vô cùng. Bà xã tôi thì hướng nội. Chúng tôi bù đắp cho nhau những thứ đối phương thiếu.

Chúng tôi cưới năm 2006. Lúc đó tôi còn mải chơi lắm. Bà xã phải chịu đựng điều đó suốt tuổi trẻ, đồng hành với tôi đến giờ này. 

Tôi không phải người hay nói những lời đường mật với vợ dù là nghệ sĩ nhưng tôi luôn thầm cảm ơn cô ấy vì đã chăm lo chu toàn cho gia đình, hy sinh rất nhiều, ủng hộ, đồng hành với tôi trên con đường nghệ thuật.

Hiện tại, tôi thấy gia đình tôi hạnh phúc, thấu hiểu và chia sẻ được với nhau, vì nhau mà thay đổi.

326558340_537800644804057_2423021056431569605_n.jpg
Với Phúc Tiệp, bà xã là người đã hy sinh cả tuổi trẻ cho gia đình.

- Phúc Tiệp có phải một người chồng, người bố khó tính như trong công việc?

Tôi là thầy giáo khó tính nhất khoa thanh nhạc, làm mọi thứ chỉn chu, nghiêm túc nhưng khi chơi thì luôn chơi hết cỡ. Trong gia đình cũng vậy. Tôi có thể làm mọi thứ khiến vợ con vui vẻ, chiều chuộng khi đi chơi nhưng cũng luôn giữ nguyên tắc trong việc dạy con. Với tôi, con cái là sản phẩm của giáo dục. Tôi luôn định hướng, đồng hành bên cạnh các con.

Tôi có thể sẵn sàng chấp nhận mang tiếng ác để rèn luyện cho con. Một hàng cây sẽ không thể tươi tốt, thắp tắp đúng hàng lối không thể thiếu sự chăm sóc tỉ mỉ, chỉn chu. Tôi cũng phát triển cho con song song về mặt thể chất và tinh thần.

Ảnh, clip: NVCC