Trong một thế giới thay đổi hàng ngày, rủi ro và biến động là những tác nhân không thể tránh khỏi. Đứng trước hiện thực có phần khốc liệt, câu hỏi “làm sao để ứng phó với sự thay đổi?” hay “phải thích nghi, thay đổi và chống chọi như thế nào?”… luôn được những nhà lãnh đạo, điều hành quan tâm.
Bằng nhiều thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực marketing, tác giả Beth Comstock sẽ mang đến cho người đọc năng lực tạo ra những sự thay đổi mang tính sống còn. Đó là giải pháp gồm 5 giai đoạn mang tên “Tưởng tượng để đón đầu”, giúp kiến tạo nên tương lai can đảm, sáng tạo và biến thay đổi trở thành sức mạnh.
Phần I: Tự cho phép truyền đi bài học về việc cần phải thay đổi để thoát khỏi những kỳ vọng và hạn chế sẵn có. Theo đó, thay đổi để “lao” vào trong tương lai không hề biết trước một cách lạc quan và đầy can đảm là một kỹ năng phải được hình thành cũng như rèn luyện, thay vì trốn chạy hay là chối bỏ.
Đầu tiên ta phải hình thành cho bản thân, cho doanh nghiệp, cho bộ máy… thói quen hành động một cách quyết đoán, từ đó chủ động nắm quyền tự chủ. Ngay liền sau đó, việc vượt qua những “cai ngục” - những kẻ thao túng, báo chí và những nhà phê bình có ảnh hưởng xấu… sẽ là chướng ngại cần nhiều nỗ lực.
Những ai muốn các thay đổi có ảnh hưởng tích cực phải luôn thể hiện niềm tin không hề giảm sút vào các thử nghiệm. Ngoài ra cũng cần tự cho phép bản thân phá bỏ luật lệ không còn phù hợp và những nỗ lực không còn tác dụng.
Trong quá trình này, học cách chịu đựng những sự thất vọng là kỹ năng sống còn cho ai mong muốn tạo ra những sự thay đổi. Thất vọng, phản đối, chướng ngại, sự chống đối và chịu chi phối… là không tránh khỏi trong quá trình dài tạo ra thay đổi, tuy thế mỗi lần ta bị từ chối lại chính là mỗi lần phải tìm cách khác, từ đó thích nghi dần hơn với những biến động.
Thay đổi được những suy nghĩ của bản thân và tiếp tục học hỏi, loại bỏ nỗi sợ mất đi những gì đang có cũng như đẩy mạnh gắn kết với những người có cùng quan điểm để củng cố thêm thiên kiến của mình… là những bước đầu tiến đến quá trình “làm chủ cuộc chơi”. Hãy thôi lo âu và lên kế hoạch, không những chỉ một là chuẩn bị thật nhiều “kịch bản”. Để trong quá trình đó, mỗi người vượt qua được những tư tưởng cố hữu, từ đó cho phép bản thân vượt khỏi kỳ vọng hay là giới hạn. Dẫu biết đây là quá trình cần nhiều nỗ lực, nhưng hãy ghi nhớ” “khó chứ không phải hoàn toàn không thể”.
Phần II: Khám phá. Đây là bước kiến tạo khiến cho tất cả những bước tiếp theo trở nên khả dĩ. Khám phá là việc xem xét, trang bị cho bản thân mình một “tổ chức tinh thần” không ngại thách thức và luôn tò mò, từ đó biến thế giới này thành phòng học để liên tục học hỏi và “ươm mầm” cho những ý tưởng về các thay đổi có thể xảy ra. Khám phá là việc sử dụng thế giới xung quanh như một trường học, và rồi trích xuất ý tưởng từ nơi chốn ấy. Môi trường khám phá ngày càng kỳ quặc và nhiều cam go, thì cá nhân, doanh nghiệp, bộ máy… sẽ có càng nhiều cơ hội phát triển.
Một trong rất nhiều biện pháp kích thích khám phá là đưa vào một “tia lửa”. Đó là khái niệm để chỉ một người bên ngoài tổ chức thường có quan điểm khác biệt và khá độc đáo, từ đó trở thành “đòn bẩy” thách thức chúng ta suy nghĩ khác đi. Bên cạnh “tia lửa” cũng rất cần hình thành “tâm thức thị trường”. Khái niệm này được định nghĩa như là quá trình nhận ra những gì đang không hiện diện và rồi tưởng tượng những gì có thể hiện diện trong tương lai gần. Chính tư duy bám sát thị trường này sẽ thôi thúc ta mong muốn khám phá bằng cách ra khỏi văn phòng, rời mắt khỏi máy vi tính, và bước vào chuỗi quy trình hoạt động…
Bí quyết để có một tư duy thị trường nằm ở việc quan sát, thực hành và cảm nhận mọi việc bằng quan điểm của số đông mọi người. Thông qua bài tập “gặm cỏ trên cánh đồng tư duy”, đây là giai đoạn tìm kiếm, lang thang trong vùng an toàn… từ đó đối diện với những trải nghiệm mới lạ, công cụ hiện đại, những người xa lạ ta chưa từng biết đến. Để có chút lợi thế tương lai, ta phải sẵn sàng trở nên kỳ quặc.
Từ việc “gặm cỏ” cũng như hình thành tâm thức thị trường, “vườn ươm” mang tên “đột phá của trí tưởng tượng” sẽ là nơi chốn nuôi dưỡng những điều mới mẻ. Liên tục quan sát, thử nghiệm, sửa sai và điều chỉnh… quá trình qua nhiều bước này dễ khiến ai đó “phát điên” nhưng rất cần thiết. Ta phải bước khỏi cái chai, từ đó có hướng tiếp cận từ ngoài vào trong để có được những cải tiến cho các sản phẩm hoặc quy trình của mình.
Ở trong bước này, ta phải chấp nhận một số cấp độ của từ ‘có thể’ cũng như nghĩ đến đồng thuận về mặt tư duy trước khi nghĩ đến lợi ích từ các thị phần. Ta cũng rất cần chú ý đến những sự kiện liên tục lặp lại, từ đó hình dung tương lai với các chiến thuật dự đoán tương lai (như giả lập tình huống đối lập, tình huống xấu nhất, song song, thay đổi thời gian, thay đổi quyền kiểm soát, phá vỡ rào cản, vấn đề ảo, kết hợp các điểm kỳ lạ…). Từ những điều này, ta sẽ tìm thấy sức mạnh của các hạn chế và cùng với những những “tia lửa”, thấy được những thứ lạ thường hay xu hướng mới.
Phần III: Thách thức cân não. Đổi mới là kết quả của việc hiểu rõ những sự căng thẳng chứ không phải là tránh né chúng. Đổi mới cũng không phải là tìm kiếm những sự đồng thuận mà trong thực tế, đó là quá trình khuyến khích tất các bất đồng được tự do diễn ra.
Bởi vì mâu thuẫn là động lực chính của việc sáng tạo cũng như cải tổ nên trong vận hành những căng thẳng giữa tầm nhìn và thực tế, ý tưởng, hành động, những mâu thuẫn và các rắc rối thường xuyên giữa những cá tính và các công việc khác nhau… sẽ giúp triển khai ý tưởng một cách rõ ràng và nhanh chóng. Ý tưởng sẽ được hình thành qua các hoạt động trao đổi và những tranh luận có phần căng thẳng. Đây là những cuộc đối thoại có thể quyết liệt hoặc tàn bạo, nhưng rất cần thiết giữa những cá nhân, bởi “kẻ thù chính là người thầy tốt nhất” cho sự thay đổi.
Cũng nên học cách tin tưởng vào sự nghi ngờ, học cách đối diện với lời chỉ trích… vì chúng là phần quan trọng trong việc quản trị những sự thay đổi ở giai đoạn này. Ta cũng cần hòa đồng hơn vào đời sống công sở để thấu hiểu, từ đó “vốn liếng” xã hội, lòng tin và sự thẳng thắn… cũng sẽ gia tăng. Từ những “hạt nhân” tưởng nhỏ bé đó, tinh thần cải tổ, việc dám chấp nhận rủi ro và hiệu quả công việc sẽ được khuếch tán và tăng lên theo.
Sau những căng thẳng ở trong nội bộ, người khởi phát cũng cần hiểu rằng: “Thất bại chính là cơ hội để ta đón đầu”. Học hỏi từ những thất bại chính là trải nghiệm mang tính chiến lược, do đó đừng ngại vượt quá thẩm quyền khi cố thay đổi những cách thức cũ. Những người từ bên ngoài, những người phá vỡ luật lệ, những người sở hữu trí tuệ nổi loạn… sẽ giúp chúng ta phá vỡ luật lệ, giúp cho văn hóa doanh nghiệp có thêm được “chất xúc tác” để tái tạo cũng như liên tục đổi mới. Do đó các hạn chế, thất bại và trở ngại là luôn cần thiết, từ đó làm nên kết quả có phần tuyệt vời.
Trong vai trò người thay đổi chắc chắn ta sẽ gặp đủ loại thất bại, nhưng điều quan trọng hơn là học được gì từ những thất bại. Tầm quan trọng của bài học đương đầu mà không chạy trốn xung đột, của việc mời gọi những người ngáng đường liên tục cộng tác … chính là phương thuốc hữu hiệu và thúc đẩy chúng ta không ngừng tiến về phía trước.
Phần IV: Nghệ thuật kể chuyện. Chiến lược là câu chuyện rất hay, nhưng để thành công ta phải biết cách diễn đạt nó. Vì thế khi một dự án (nếu trong tình trạng xấu nhất) đi đến thất bại, hãy bắt đầu quá trình thích nghi bằng những tốt đẹp mà nó mang lại. Đó là những cái có được, từ đó ta mới rút ra được những kinh nghiệm, và thêm sức mạnh “xua tan bóng tối”. Chúng ta không thể khiến sự không chắc chắn biến mất, nhưng có thể thay đổi cách ta phản ứng với nó. Mỗi sự không chắc chắn là một tương lai khả dĩ hoàn toàn mới.
Để là người kể chuyện hay, ta phải thu thập dữ liệu về chính những gì chưa biết và còn mơ hồ. Sau bước đầu tiên đó, với sự kết hợp những công cụ phân tích dữ liệu, ta sẽ tổng hợp thành câu chuyện mới và mô hình lạ theo những ý tưởng chưa từng biết. Một câu chuyện hay là “tấm ván bật” cho các hành động tập thể. Do đó ta phải luôn trong những tình trạng thử nghiệm, nghĩa là không bao giờ được ngừng cải thiện, vì ta luôn có cơ hội để làm mọi thứ tốt hơn.
Chiến lược là câu chuyện. Vì vậy câu chuyện phải mang đến hơi thở cho chiến lược, chúng là hai mặt của một đồng xu. Nếu không làm được một thứ cũng sẽ không đạt được thứ còn lại. Vậy làm thế nào để có một câu chuyện hay? Một trong những giải pháp tốt đó là thành lập "Xưởng kiến tạo nội dung". Để hiện thực hóa điều này, ta cần có nguồn nhân lực đa dạng, gồm những người viết nội dung và những chuyên gia số liệu quen thuộc với kỹ thuật số trong một thời đại số hóa liên tục và luôn thay đổi.
Cần phải ghi nhớ quy tắc "luôn luôn là người đầu tiên" và nhận dạng được khách hàng nhỏ nhất. Thông qua những việc làm này, ta mới tạo được những sự phong phú cũng như đa dạng để thích nghi được với sự thay đổi. Ta cũng có thể tổ chức những cuộc hội thoại thuộc về nội bộ hoặc là đối với khách hàng… từ đó biến thứ vô hình thành hữu hình, thổi hồn vào dữ liệu để dần có sự thích nghi.
Tuy thế khiến mọi người chấp nhận những cách thức mới, thuyết phục được họ với một câu chuyện mới… chính là khó khăn của sự đổi mới. Thay đổi các khuôn mẫu tư duy đòi hỏi nhiều hơn một buổi diễn thuyết, do đó ta phải đưa ra một cách liên tục những minh chứng, thảo luận, khiêu khích và các thách thức.
Mặc cho điều đó, ta vẫn phải luôn hành động dựa trên bản năng và không chờ đợi dữ liệu bảo phải làm gì. Dựa vào ý nghĩa mà những số liệu mang lại, nhưng ta vẫn phải thiên vị cho óc tưởng tượng của mình, từ đó kích hoạt những suy nghĩ mới. Bởi cần phải chiếm lĩnh tâm trí trước khi chiếm được thị phần, kết hợp với sự giúp đỡ của nhiều nền tảng: như nguồn nội lực, sức mạnh thời đại cũng như máy móc.
Phần V: Tạo ra hệ điều hành mới. Thay đổi một “hệ điều hành” đối với doanh nghiệp đòi hỏi một tư duy mới, và thường là phải hành động trong sự bất định và nhiều khó khăn. Điều đó có nghĩa các ý tưởng sẽ được hình thành theo kiểu “thấm dần” từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong… Đòi hỏi các nhà lãnh đạo liên tục ủng hộ cũng như khuyến khích các cách làm việc linh hoạt và hiệu quả hơn.
Thách thức không phải là việc chối bỏ giữa quyền lực cũ và quyền lực mới, mà hòa hợp được cả hai phía, từ đó có được thêm sự cởi mở cũng như minh bạch đối với quyền lực lãnh đạo. Thông qua điều này ta sẽ tạo được một sự nhuần nhuyễn cũng như đồng đều từ cả 2 thứ quyền lực.
Ta không ra lệnh cho những thay đổi diễn ra theo cách mình muốn nhưng có thể tạo ra những điều kiện phù hợp để khắc phục nó. Và bí quyết là tận dụng sức mạnh của “cộng đồng”, trở nên độc đáo với những thay đổi mang tính “đột sinh” (tưởng như bất khả nhưng cũng có thể xảy ra). Ngoài ra thực hành Fast Works – tinh gọn cấu trúc, làm việc nhanh gọn, giảm thiểu những trở ngại trong chính nội bộ… sẽ giúp tạo ra những nhóm nòng cốt với hàng loạt những giao thức chia sẻ thông tin tối ưu, nhanh chóng và kịp thời.
Với những kinh nghiệm trong việc khởi xướng cũng như dẫn dắt qua những thay đổi, để dẫn đầu là một cuốn sách tạo được cảm hứng để khám phá, suy ngẫm… trong hành trình có nhiều biến động của các doanh nghiệp cũng như cá nhân mỗi người.
Thay đổi luôn luôn khó khăn nhưng lại cần thiết, thế nhưng với việc học hỏi, không ngừng làm chủ quá trình thay đổi… thì khó khăn này không có gì là không thể vượt qua. Nếu nhìn thấy được cách thức tốt hơn, ta phải có nghĩa vụ là theo đuổi nó. Đó chính là lời kêu gọi hành động của những người kiến tạo thay đổi.
Ngô Minh