Thời kỳ chống Mỹ xâm lược, trước yêu cầu chi viện sức người, sức của vào chiến trường miền Nam với quyết tâm giành độc lập, thống nhất đất nước, tháng 5/1959, Quân uỷ Trung ương đã quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ. 

Năm 1965, Mỹ đưa hàng chục vạn quân viễn chinh tiến hành chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên chiến trường miền Nam Việt Nam, đồng thời tiến hành chiến tranh phá hoại với cường độ ngày càng ác liệt ở miền Bắc.

Đối với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn, Mỹ sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị, phương tiện chiến tranh hiện đại, tiến hành “chiến lược ngăn chặn” đánh phá ngày đêm hết sức ác liệt hòng chặn đứng chi viện của bộ đội ta.

Chỉ tính trong mùa khô năm 1966-1967, không quân Mỹ đã tổ chức hơn 12.500 trận đánh phá toàn tuyến, chưa kể các cuộc hành quân bằng bộ binh, thám báo, biệt kích…

Trong khi đó, phương thức vận chuyển trên đường Trường Sơn của ta vẫn còn lấy tư tưởng “phòng tránh, bí mật tuyệt đối” là chủ yếu, các đội hình vận chuyển độc lập, chưa có sự phối hợp của lực lượng chiến đấu bảo vệ như phòng không, công binh, nên khi địch đánh phá, ta thường rơi vào thế bị động, chịu tổn thất nặng nề. 

Mặt khác, do chú trọng vận tải thô sơ, nhỏ lẻ nên năng lực vận chuyển thấp, hàng hóa bị dồn đọng, kết quả vận chuyển chưa cao trong khi nhu cầu về lực lượng, vật chất ở chiến trường miền Nam ngày càng lớn.

Trong bối cảnh đó, tháng 1 năm 1967, Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định giao Đại tá Đồng Sỹ Nguyên, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Chủ nhiệm Tổng Cục hậu cần tiền phương ở tuyến Nam Quân khu 4, kiêm Tư lệnh Đoàn 559 (Đoàn Vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn). 

Có dịp tiếp xúc, nghiên cứu nhiều tài liệu về cố Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, PGS. TS Trần Thanh Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa Vận tải, Học viện Hậu cần (Bộ Quốc phòng) nhận định: “Thực tiễn chỉ huy, chỉ đạo xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là kho tàng kinh nghiệm phong phú, quý giá. 

Ông là người có công lao to lớn đối với tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh) trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đưa con đường vận tải chiến lược này thành một trong những mấu chốt quyết định thắng lợi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước”. 

Khi ông Đồng Sỹ Nguyên tiếp nhận vị trí Tư lệnh, Đoàn 559 có 5 tiểu đoàn xe với 750 xe chia thành 4 binh trạm, việc chi viện vào chiến trường miền Nam còn rất khó khăn. 

Thực hiện phương châm chiến lược mới đề ra, từ ngày 23 - 25/3/1967, bộ đội Trường Sơn tổ chức chuyến vận chuyển với hiệp đồng binh chủng chiến đấu đầu tiên (gồm bộ đội vận tải, cao xạ, công binh) nhằm giải toả qua đèo Cốc Mạc (cây số 70- Đường 128 Tây Trường Sơn).

Theo đó, trước sự đánh phá ác liệt của không quân địch, bộ đội cao xạ bố trí ngay sát trọng điểm anh dũng chiến đấu, giáng trả mãnh liệt, buộc máy bay địch phải lên cao, giảm hiệu quả đánh phá.

Tranh thủ thời gian, lực lượng công binh ào ra làm đường, san lấp hố bom. Nắm bắt thời cơ, gần 200 xe vận tải nối đuôi nhau vượt trọng điểm an toàn.

PGS. TS Trần Thanh Nam nhấn mạnh, với chiến thắng Cốc Mạc đã khẳng định đúng đắn tư tưởng chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên và được áp dụng trên toàn tuyến trong suốt cuộc kháng chiến, xuất hiện ngày càng nhiều chiến công tại các trọng điểm vang danh như: Ngã ba Đồng Lộc, phà Xuân Sơn, Siêng Phan, Văng Mu, Tha Mé, Tà Khống…

“Cứ như thế, từ năm 1967 - 1975, bộ đội Trường Sơn đã đánh hơn 100.000 trận (chủ yếu là hiệp đồng binh chủng), bắn rơi hơn 2.300 máy bay các loại, bảo đảm cho hàng trăm nghìn lượt xe, hàng triệu tấn vật chất ra vào các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia.

Chuyển từ vận chuyển thô sơ sang cơ giới là đóng góp xuất sắc của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên. Bởi vì cuối năm 1960 ta mới vận chuyển được 23.000 tấn vũ khí, đạn nhưng đầu năm 1968 đã lên đến 63.000 tấn. 

Đến chiến dịch Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đã vận chuyển hàng triệu tấn vũ khí, đạn dược và hàng vạn người vào Nam một cách an toàn”, PGS. TS Trần Thanh Nam thông tin.

Người Mỹ từng cho rằng chúng ta không thể thắng, không thể bắn rơi B52, không thể làm đường sá, cầu cống, đưa xe tăng và những quân đoàn chủ lực vượt qua nổi dãy Trường Sơn. Thế nhưng với tài thao lược của tướng Đồng Sỹ Nguyên cùng tập thể Bộ Tư lệnh Trường Sơn, chúng ta đã thực hiện tốt nhiệm vụ vận chuyển chi viện chiến trường.

“Tuyến vận tải chiến lược đã hoàn thiện 3 phương thức vận tải cơ giới - đường bộ, đường sông và đường ống, trong đó lấy vận tải ô tô là chính, đường ống là quan trọng, vận tải đường sông là hỗ trợ. 

Từ đơn thuần đường bộ kết hợp vận tải đường sông, xây dựng tuyến đường ống xăng dầu nối từ hậu phương miền Bắc đến miền Đông Nam Bộ, đường dây thông tin tài ba… thế trận cầu đường Trường Sơn đã trở thành “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” buộc kẻ thù dù đã huy động tối đa vũ khí, khí tài huỷ diệt cũng thất bại”, PGS. TS Trần Thanh Nam nhấn mạnh.

Không những thế, Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cũng là người nắm vững quy luật thời tiết, đặc điểm khí hậu Trường Sơn và khái quát “có khi địch đánh không bằng trời đánh”. Để khắc phục “địch đánh” và “trời đánh”, tướng Đồng Sỹ Nguyên đã nhanh chóng chỉ đạo đơn vị “đá hóa mặt đường”, mở đường chính, đường phụ, đường tránh, đường nhánh, kiên quyết xóa thế độc đạo.

“Từ vận chuyển ban đêm đến tổ chức ô tô chạy lấn sáng, lấn chiều rồi làm đường kín. Tướng Đồng Sỹ Nguyên đã cùng đồng đội bảo đảm cho chiến trường miền Nam và chiến trường Nam Đông Dương bước vào giai đoạn quyết định kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Theo đó, tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã xây dựng được hệ thống đường vận tải và hành quân cơ giới với tổng chiều dài gần 17.000km với nhiều trục dọc, trục ngang nối từ miền Bắc vào tới các chiến trường miền Nam, Trung - Hạ Lào, Đông Bắc Campuchia. Đồng bộ với đường vận tải cơ giới là hệ thống đường giao liên, đường dây thông tin và trên 1.400km đường ống xăng dầu”, TS Trần Thanh Nam thông tin.

Trong 16 năm hoạt động (1959-1975), tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn đã vận chuyển khoảng 2,3 triệu tấn vật chất, đưa đón trên 1 triệu lượt người ra vào các chiến trường. “Phần lớn trong số này được thực hiện trong thời gian Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên làm Tư lệnh”, PGS. TS Trần Thanh Nam nhấn mạnh. 

Theo PGS. TS Trần Thành Nam, thời gian có thể xóa mờ dấu chân con người trên tuyến lửa Trường Sơn năm nào, nhưng công lao, đóng góp to lớn của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên cho sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, cho sự phát triển của tuyến chi viện Trường Sơn nói riêng sẽ còn lưu mãi.