Đường Trường Sơn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giành độc lập dân tộc, đồng thời là biểu tượng của tình đoàn kết nhân dân hai nước Việt- Lào. Tuyến đường Trường Sơn cũng là minh chứng sinh động cho mối tình anh em keo sơn trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Là cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 6 năm ở chiến trường Lào, Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Hoàng Kiền (nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam) hơn ai hết hiểu rõ vai trò của tuyến đường cũng như tình cảm của quân và dân trên tuyến đường huyền thoại này.
Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam cần phải chi viện sức người, sức của rất lớn. Năm 1959, Đảng và Bác Hồ đã vạch ra con đường Đông Trường Sơn ban đầu trên đất Việt Nam để làm tuyến hậu cần chiến lược trọng yếu cung cấp binh lực và vật lực.
Nhưng từ năm 1959-1961, đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp mở các cuộc hành quân quy mô lớn hòng cắt đứt sự chi viện từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam trên tuyến đường Đông Trường Sơn. Vì thế, việc chi viện có thời gian phải ngừng.
Trước tình thế đó, Trung ương Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã thoả thuận đi đến thống nhất mở con đường chiến lược Tây Trường Sơn; quyết định “lật cánh” đường vận tải chiến lược và đường giao liên từ phía Đông dãy núi Trường Sơn sang phía Tây Trường Sơn, mở đường vận tải chiến lược quân sự Tây Trường Sơn trên đất bạn Lào
Từ tháng 4/1961, dưới sự giúp đỡ của các đơn vị tình nguyện Việt Nam, lực lượng cách mạng Lào đã mở nhiều đợt hoạt động quân sự ở miền Trung và Hạ Lào, giải phóng một vùng rộng lớn, nhanh chóng tạo thành một hành lang dài và rộng theo chiều Đông - Tây.
Tướng Hoàng Kiền cho biết: “Chúng ta bắt đầu triển khai đầu tiên là đường mòn, đường đi bộ, gùi thồ, sau đó phát triển lên thành đường cho ô tô, đường ống xăng dầu, đường dây thông tin trần”.
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh mô tả: "Từ năm 1961 đến năm 1973, ta đã có tuyến đường Trường Sơn mở ra phía Tây, gồm 5 trục dọc thì có đến 4 trục dọc trên đất Lào, 21 trục ngang thì 3/4 trên đất Lào (7 tỉnh Nam Lào)".
“Trong suốt từ năm 1961 đến 1973, Mỹ đã ném bom ác liệt trên tuyến Đông Trường Sơn, nên chúng ta vận chuyển trên nước bạn Lào là chính. Tất cả các trục đường từ miền Bắc vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình, Vĩnh Linh thì phải vượt đường Trường Sơn phía Tây, đi dọc phía Tây Trường Sơn xuống Nam Lào, Campuchia. Tiếp tục vượt Trường Sơn Đông để chi viện cho cách mạng miền Nam Việt Nam, giúp đỡ hai nước bạn Lào, Campuchia”, tướng Hoàng Kiền phân tích.
Từ con đường Trường Sơn đã đưa vào chiến trường 1 triệu tấn vũ khí và 2 triệu lượt người ra vào; giai đoạn Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đã đưa 40 vạn quân vào chiến trường, với các chuyên gia kỹ thuật, chủ yếu đi trên đất Lào là chính.
Quân dân và các dân tộc Lào sinh sống dọc theo tuyến đường mòn Tây Trường Sơn đã phối hợp với các đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam kiên cường bảo vệ con đường chiến lược, chiến đấu giữ vững và phát triển vùng giải phóng Trung - Hạ Lào.
Nói về sự đóng góp này, Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn xúc động: “Nhân dân Lào đã giúp đỡ nhiều mặt cho bộ đội Việt Nam. Chiến tranh địch đánh phá rất ác liệt, đánh đường này ta mở đường khác đã tạo thành một mạng đường như trận đồ bát quái. Nhân dân Lào hy sinh rất lớn, người ta nhường tất cả những chỗ nào có thể làm đường được cho chúng ta mở đường. Địch đánh vào thì chúng ta mở đường, dân lại sơ tán”.
Nhân dân Lào cũng cung cấp cho bộ đội ta hậu cần tại chỗ, từ rau rừng, sắn, lương thực, thực phẩm. Tướng Hoàng Kiền cho biết, ngay cả đoàn của nhà tư sản địa phương khi đó cũng đã mua lương thực của nhân dân Lào để hỗ trợ bộ đội Việt Nam.
“Nhân dân Lào giúp đỡ chúng ta rất là vô tư, không có đòi hỏi gì. Chúng ta có một đoàn dân vận, cứ khi mở đường là ta vào vận động dân sơ tán, người dân không hề kêu ca phàn nàn gì cả. Toàn bộ bà con nhường đường, di dời làng bản đi chỗ khác để lấy chỗ cho bộ đội Việt Nam mở đường. Sự giúp đỡ của nhân dân Lào với bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước là vô cùng to lớn”, vị tướng già khẳng định.
Tuy nhiên, những mất mát, hy sinh trên tuyến đường này cũng không hề nhỏ, không quân Mỹ đánh phá đường Trường Sơn rất ác liệt, chủ yếu trên đất Lào, trên toàn Đông Dương phải hứng chịu 7 triệu tấn bom đạn, trong đó đường Trường Sơn phải chịu 4 triệu tấn. Cũng đã có nhiều người dân, chiến sĩ Lào hy sinh trên cung đường này.
Năm 1976, tướng Hoàng Kiền về nước, đến năm 1997 ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh. Từ đó trở đi ông đã có nhiều dịp sang Lào giúp bạn khảo sát các công trình, hỗ trợ các đơn vị công binh của Lào về công tác kỹ thuật, công tác huấn luyện, cung cấp tài liệu….
Đến năm 2014, Thiếu tướng Hoàng Kiền nghỉ hưu, năm 2017 ông tham gia Hội Trường Sơn Việt Nam làm Phó chủ tịch phụ trách Trung tâm thăm chiến trường xưa. Với đặc thù công việc trong hội, ông đã nhiều lần được quay trở lại đất nước triệu voi.
“Đến nay, chúng tôi tổ chức sang Lào 10 lần, đưa các đồng chí cựu chiến binh của bộ đội Trường Sơn, quân tình nguyện Việt Lào và nhân dân ta sang thăm nước bạn. Tôi vừa mới đi một chuyến 10 ngày, từ thủ đô Vientiane và Champasak đến Salavan, đi khắp các tỉnh Nam Lào. Đi đến đâu cũng được các đồng chí lãnh đạo của tỉnh đón tiếp nhiệt tình, trọng thị. Hai bên giao lưu, trao đổi với nhau thể hiện mối quan hệ hữu nghị đặc biệt đến nay đã nâng lên mối quan hệ vĩ đại”, ông bày tỏ.
Đối với mối quan hệ Việt – Lào, đường Trường Sơn trở thành biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đúng như lời phát biểu của Chủ tịch Kaysone Phomvihane tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháng 5/1990 tại Hội trường Ba Đình lịch sử: “… Nhân dân Lào vô cùng tự hào dọc theo phía Tây dải Trường Sơn đã có con đường mang tên Bác Hồ, con đường đã hiên ngang đứng vững trước hàng triệu tấn bom đạn của quân thù, cùng với con đường phía Đông Trường Sơn góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng nước Lào và miền Nam Việt Nam…"