“Cá nhân tôi không đủ tư cách để nhận xét về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nhưng những tư liệu chúng tôi có về Trung tướng, rõ ràng vai trò của ông trong chiến dịch Hồ Chí Minh rất quan trọng”- Đại tá, Tiến sĩ Vũ Tang Bồng, nguyên cán bộ Viện Khoa học Lịch sử quân sự Việt Nam khẳng định.
Trung tướng-nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên |
“Thời đó ông là Tư lệnh 559 (Bộ Tư lệnh Trường Sơn), Bộ Tư lệnh có nhiệm vụ đảm bảo cơ động việc chuyển quân, vũ khí, đạn dược, khí tài, vật chất kỹ thuật áp sát các mục tiêu lớn”.
Đồng Sỹ Nguyên - Vị tướng tài ba
Trước khi chiến dịch Hồ Chí Minh nổ ra, người Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng hòa đều nhận định quân đội miền Bắc muốn áp sát Sài Gòn cần ít nhất 2 tháng.
Tuy nhiên, thực tế các cánh quân từ miền Bắc chỉ cần chưa đầy 20 ngày để làm điều đó. Cuộc tiến công thần tốc, vũ bão của quân đội ta sau này được giải mã gắn liền với tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, và Trung tướng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên.
Trong cuốn hồi ký “Đồng Sỹ Nguyên - Trọn một con đường”, lịch sử hình thành con đường huyền thoại được lý giải cặn kẽ. Bắt nguồn từ yêu cầu thực tế chiến trường, những năm 1964-1965 ô tô vận tải trên Trường Sơn đã có nhưng chưa thành tuyến, chỉ vận chuyển nhỏ lẻ từng cung đường, chặng đường theo từng tốp, từng đơn vị nhỏ.
Việc tổ chức vận tải trên địa bàn Trường Sơn núi cao, vực sâu…, địch đánh phá ngăn chặn quyết liệt, bộ đội phải trần mình ra giành giật từng cung đường, từng chuyến hàng. Trải qua nhiều trận chiến, đúc rút kinh nghiệm và chuẩn bị hàng chục năm, tuyến đường đã hình thành trên chiều dài hàng ngàn km để đến trận chiến cuối cùng-chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từng đoàn quân rầm rập tiến vào Sài Gòn qua tuyến đường Đông Trường Sơn - Tây Trường Sơn và dọc duyên hải miền Trung, làm nên thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc.
Đóng góp quyết định cho thành công của cuộc tiến quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh 1975 là hai sư đoàn ô tô vận tải 571 và 471 thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn.
Cũng theo Đại tá Vũ Tang Bồng, những công trình nghiên cứu của ông về sư đoàn ô tô vận tải 571 và nhiều công trình khác đã cho ông nhìn nhận rõ hơn về vai trò đặc biệt quan trọng của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn suốt từ 1/1/1967 đến khi kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển tuyến đường huyền thoại, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trực tiếp gắn bó, chỉ huy, không chỉ hoàn thành tuyến đường vận chuyển quân lương, vũ khí, khí tài chiến tranh mà còn hoàn thiện đường ống dẫn xăng, dầu từ Bãi Cháy (Quảng Ninh) vào tận Nam Bộ chi viện cho chiến trường lớn Miền Nam.
Đến năm 1974, Bộ Tư lệnh Trường Sơn có hai sư đoàn và trung đoàn ô tô cơ động vận tải, biên chế trên 8.000 xe, đủ sức chở cả quân đoàn có trang bị vũ khí, khí tài hạng nặng. Từ Đường 9 vào Nam Tây Nguyên đi mất 5 ngày. Xe tăng và pháo tầm xa 130 ly đều cơ động được trên hai trục đông - tây Trường Sơn, có thể cơ động cả tên lửa.
Trực tiếp “nếm mật, nằm gai” ngoài trận tuyến, có mặt trong khói đạn, trên những cung đường sạt lún vì mưa rừng Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên khi thì hội ý Bộ Tư lệnh đưa ra những chỉ lệnh, giải pháp cấp bách đáp ứng thực tiễn chiến trường, những chỉ lệnh kịp thời khắc phục sự cố hỏng đường, hỏng xe, khi khác lại có mặt trong những cánh rừng động viên bộ đội.
Lật sang trang Việt Nam phát triển
Bên con phố nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, dưới tán xà cừ cổ thụ là căn nhà của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên. Khuôn viên nhỏ nhưng thoáng đãng, hàng ngày là nơi để ông tập khí công, tìm sự thanh tịnh bên khóm huệ tây, hồng bạch thi nhau bung những chùm hoa trắng muốt. Ở khoảnh sân đầy nắng, ông đặt một bộ bàn đá giản dị, là nơi tiếp khách và đọc báo mỗi ngày.
Ở sát cái tuổi “bách niên”, năm tháng đã lấy đi sự hoạt bát nơi vị tướng Tư lệnh Trường Sơn năm nào. Đôi chân từng đạp lên từng con dốc, nhấn bùn lầy, bom đạn; đôi chân từng vượt bao chuông, bao suối, chịu ngàn vạn muỗi, vắt Trường Sơn tưởng đã “mình đồng da sắt”, giờ không chống lại được với thời gian. Ở tuổi 96, đôi chân đã mỏi, nhưng tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn giữ được tinh thần minh mẫn.
Bên chiếc bàn đá, thỉnh thoảng ông lại nhớ về một thời hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và mừng vui chứng kiến sự đổi thay, chuyển mình của thời đại.
Đất nước hết khói bom đã gần nửa thế kỷ, điều ông nặng lòng nhất vẫn là những vết thương chiến tranh chưa thật sự lành. Đâu đó vẫn còn những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, chủ quyền biên giới, nhân quyền gây chia rẽ, khiến việc hòa giải, hòa hợp dân tộc khó khăn hơn.
Dẫn lại câu nói của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội 8 của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến về quá khứ, thành phần giai cấp, chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc; làm sao để Mặt trận các cấp thực sự là trung tâm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng xã hội, là nơi mọi người có thể nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, đóng góp trí tuệ, công sức cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, tướng Đồng Sỹ Nguyên cho rằng tất cả chuyện cũ hãy cho nó qua đi, lật qua một trang mới - trang sử Việt Nam phát triển, đi lên từ sự hòa giải, hòa hợp.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên từ trần
Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay, ông Đồng Sỹ Nguyên đã từ trần hồi 11 giờ 42 phút trưa nay.
Theo VOV