{keywords}

 

Những hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và phần ký ức hào hùng của dân tộc hiện lên một cách chân thật, rõ nét trong một buổi chiều đến thăm nhà người họa sĩ mù Lê Duy Ứng. Ông là Đại tá Lực lượng vũ trang nhân dân, họa sĩ, nhà điêu khắc, thương binh hạng 1/4. Hiện nay, ông đang sống tại phố Hoàng Mai (Hà Nội).

Với hơn 3000 bức tranh, tượng điêu khắc về Hồ Chủ tịch, họa sĩ Lê Duy Ứng đã để lại một gia tài đồ sộ, mang nhiều ý nghĩa về nghệ thuật và lịch sử. Trong đó, bức tranh Bác Hồ được vẽ bằng máu từ đôi mắt bị thương của ông được xem là biểu tượng của niềm tin chiến thắng và sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

Kể về bức chân dung Bác Hồ được mình vẽ bằng máu, Lê Duy Ứng trầm ngâm: “Bức tranh Bác Hồ bằng máu trong chiến đấu được tôi vẽ khi bị thương rất nặng, hỏng hai mắt trong trận chiến đấu ác liệt tại cửa ngõ Sài Gòn. Khi quân đội Việt Nam cộng hoà cố thủ, bảo vệ vòng ngoài Sài Gòn, tôi theo đoàn quân, mũi cánh đông, tiến vào giải phóng. Đến căn cứ Nước Trong, bộ đội chiến đấu 3 ngày liền, nhiều đồng chí đã hy sinh tại cửa ngõ.

Rạng sáng 28/04/1975, tôi bị thương rất nặng vì trúng đạn súng chống tăng. Tôi ngã ra, bất tỉnh, bên cạnh một đồng đội là người chiến sĩ trinh sát đã hy sinh. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình nằm trên sàn xe tăng đó. Sau này tôi mới biết, phát đạn đó bắn trúng vào xích bên tay phải nên hất mạnh vào mặt, vào người tôi. Phát đạn đó không làm cháy xe tăng mà chỉ làm đứt xích thôi. Thế là xe tăng đứng một chỗ và xung quanh bom đạn rất chát chúa, kinh khủng.

{keywords}


Khi tỉnh dậy, tôi nghe tiếng bom đạn, tiếng hô xung phong của các chiến sĩ. Tôi rất tỉnh táo vì trước đó đã vẽ được 19 ký họa, chụp một cuộn phim và quay mấy mét phim rồi. Khi trúng đạn, những thứ đó vẫn nằm bên cạnh mình. Giây phút đó, tôi nghĩ mình sắp hy sinh bởi kinh nghiệm trên chiến trường nhiều năm cho tôi biết rằng, bị thương mà tỉnh táo nghĩa là sắp hy sinh. Bởi vậy, nên tôi rút cặp vẽ bên cạnh đó, chấm máu từ đôi mắt để vẽ chân dung Bác Hồ trên nền cờ Tổ quốc, cờ Đảng và đề là “Ánh sáng niềm tin! Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân. 28/04/1975”, ký tên rất cẩn thận và bỏ vô túi ngực bên trái tim mình rồi ngất đi, không biết gì nữa”.

Khi cận kề giữa sự sống và cái chết, người chiến sĩ ngoan cường vẫn nghĩ đến Tổ quốc, Bác Hồ và niềm tin chiến thắng. Ông bùi ngùi nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ một đôi bàn tay rất khỏe của người chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 kéo tôi ra khỏi xe tăng. Đồng chí ấy đặt tôi xuống bên vệ đường rồi tiếp tục chiến đấu. Đến phát đạn thứ 2, chiếc xe tăng đó bắt đầu cháy, lửa táp vào nên chiến sĩ khác lại bê tôi ra xa hơn và đưa vào trạm phẫu thuật Tiền phương. Tôi tắt thở, người ta đưa tôi vào nhà xác.

Không biết điều kỳ diệu gì đã xảy đến khi đột nhiên tôi tỉnh dậy, cảm thấy mình khát nước trong khi vẫn nghe đầy tiếng bom đạn ngoài kia. Tôi kêu nước, người chiến sĩ quân y đi phía ngoài nghe tiếng và vào bế tôi ra khỏi nhà xác. Ngay sau đó, một phát pháo nổ rầm, đất đá nổ tung, tôi nằm trong một cái hố nông choẹt. Chiến sĩ quân y ấy bảo tôi: “Anh cao số thật, khi nãy tôi đi ngang, thấy tiếng nói phát ra từ nhà xác mới vào và thấy anh còn sống nên bế ra”. Vừa rồi pháo nổ sập nhà xác, đè luôn 4 xác người trong đó, không thể lấy ra được nữa. Tôi đã may mắn sống sót như vậy.

Nhưng khi đưa tôi ra ngoài vùng Xuân Lộc thì tôi lại tắt thở một lần nữa. Người ta cũng đã đưa đi chôn, làm huyệt nhưng tôi đã tỉnh dậy lần thứ hai. Sau đó, họ đưa tôi ra tuyến sau”.

{keywords}


Lê Duy Ứng bảo ở những khoảnh khắc khó khăn nhất ông vẫn luôn một lòng hướng về Hồ Chủ Tịch và lá cờ Tổ quốc thân yêu. Và niềm tin của ông đã thành sự thật, 30/4/1975, Sài Gòn giải phóng, ông vui vì hai miền Tổ quốc không còn bị chia cắt. 

Sau giải phóng, ông nằm tại bệnh viện quân y Nha Trang một tháng 10 ngày, sau đó được trực thăng đưa ra Hà Nội, vào quân y viện 108 nằm tiếp mấy tháng trời cho đến cuối năm. Mấy năm sau đó (1982), ông được GS.BS Nguyễn Trọng Nhân cấy ghép thành công trong 4 tiếng đồng hồ và mắt ông đã sáng trở lại. Khi nhìn thấy ánh sáng trở lại, ông miệt mài sáng tác, ngoài Bác Hồ còn vẽ cánh rừng thương binh nằm, vẽ về những người y tá, bác sĩ sau trận chiến...


Hoạ sĩ Lê Duy Ứng bảo trong một lần đi giao lưu và triển lãm tại nước ngoài, tại Thụy Điển, Nhật Bản ông nhận được câu hỏi: “Tại sao lúc ngã xuống trong bom đạn ác liệt như vậy mà hoạ sĩ không nghĩ đến cha mẹ mà lại vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh?” Tôi trả lời rằng: "Bác Hồ của chúng tôi là một vị lãnh tụ vĩ đại, một người giúp gia đình tôi có cơm no, áo ấm và Bác Hồ là điều thiêng liêng đối với tôi. Khi nghĩ đến Bác Hồ, trong tâm khảm bừng lên nguồn sáng bất diệt. Nguồn sáng đó đã thôi thúc tôi, đã gây cho tôi nhiều cảm hứng để sáng tạo nghệ thuật. Cho nên sau này tôi mới vẽ Bác Hồ, cũng như tạc tượng Bác Hồ nhiều đến như vậy”.

Dành trọn tình yêu và sự kính trọng đi theo lý tưởng của Đảng và xem Bác Hồ là lẽ sống, hoạ sĩ Lê Duy Ứng không thể nhớ nổi mình đã vẽ bao nhiêu bức họa về Bác Hồ. Ông kể từng được đi nhiều nơi, giao lưu, thưởng lãm khắp mọi miền Tổ quốc và cả nước ngoài. Sau mỗi cuộc trò chuyện, ông thường vẽ chân dung Bác để tặng lại những nơi từng đi qua, từ cơ quan, người dân, em bé cho đến cụ già, hễ ai muốn được tặng chân dung Bác, ông đều vẽ. Cho đến nay, ông đã có hàng ngàn bức ảnh và tượng về Bác Hồ. Một trong những bức ảnh ấy, do niềm xúc cảm đặc biệt khi sáng tác, ông đã đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước.

{keywords}


“Khi ở Nhật Bản, tôi cũng vẽ hàng trăm bức tranh Bác Hồ để tặng cho sinh viên và người dân Việt kiều tại đó. Hoặc bên Thụy Điển cũng vậy, tôi vẽ nhiều chân dung Bác Hồ. Cho đến nay, tôi không thể nhớ hết. Nói chuyện với quân y thì tôi vẽ Bác với quân y, nói chuyện với học sinh thì tôi vẽ Bác với học sinh, với nông dân, với những người công nhân. Tranh Bác với các chiến sĩ không quân, hải quân, bộ binh cũng nhiều vô kể” – họa sĩ Lê Duy Ứng tự hào khoe.

Người họa sĩ hào hứng: “Hiện nay, tôi có một bức tượng rất lớn mang tên “Bác Hồ chỉ đường cho chúng con bay” cao 1m65, gồm hai nhân vật là Bác Hồ và anh hùng Cốc. Trong tượng, Bác giơ tay chỉ lên bầu trời, anh hùng Cốc biểu tượng cho lực lượng không quân đứng ở dưới. Tôi đề dưới bức tượng là “Bác chỉ đường cho chúng con bay” và tặng cho Bảo tàng không quân Nha Trang.

Trong nhiều bức tượng Bác Hồ tôi đã tặng, có một bức tôi khắc dòng chữ “Hỏng mắt con tạc tượng Người, niềm tin ánh sáng trọn đời trong con” và tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh. Rất nhiều bảo tàng trong và ngoài nước lưu giữ tượng của tôi về Bác.

Cho nên phải nói rằng, Bác Hồ đối với tôi là một hình tượng đặc biệt, luôn gây cho tôi một cảm hứng xúc động trong tâm hồn. Nhờ đó, tôi có thêm những tác phẩm chất lượng.

Ngoài Bác Hồ, tôi cũng vẽ và tạc tượng nhiều về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – cánh tay phải và là học trò đặc biệt của Bác. Hai nhân vật này là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận trong con đường sáng tạo nghệ thuật của tôi".

{keywords}


Khi được hỏi về họa sĩ Lê Duy Ứng, người đồng đội - Đại tá Nguyễn Huy Toàn (Nhà nghiên cứu tư tưởng - Văn hóa quân sự) đã dành những lời ngợi khen: “Lê Duy Ứng có khối lượng tranh tượng đồ sộ mà bây giờ mắt không nhìn thấy gì nữa rồi. Mắt của anh ấy được Giáo sư Nguyễn Trọng Nhân ghép giác mạc một lần. Sau đó một thời gian nó cũng bị hỏng dần anh ấy lại sang Nhật để chữa lần thứ 2 nhưng không thể làm tiếp lần thứ 3. 

Nhưng anh ấy bằng trí nhớ vẫn vẽ Hồ Chí Minh rất giống những nét cơ bản, vẫn làm tượng Hồ Chí Minh rất đẹp. Hình tượng của Bác và khả năng hội họa phải trở thành tiềm thức, trở thành cái gì đó riêng trong trí tuệ của anh ấy. Đó là tấm lòng của Lê Duy Ứng dành cho Bác Hồ''.

Không chỉ cùng nhau chiến đấu, làm việc mà Đại tá Nguyễn Huy Toàn còn là người bạn lâu năm của người họa sĩ tài hoa. “Tôi rất thân với Lê Duy Ứng, chúng tôi có một đơn vị đóng quân ở Hà Bắc. Lê Duy Ứng có lên đấy chơi vài lần. Nhân dân ở đó họ cũng rất quý, họ biết Lê Duy Ứng rất thích lấy gỗ mít làm tượng. Khi ấy, tôi có xin người dân được một số gốc mít và dùng xe chở về tận Hà Nội cho Lê Duy Ứng để anh ấy có gỗ mít làm tượng. Tình bạn của chúng tôi thân thiết đến mức như thế” - đại tá Nguyễn Huy Toàn kể.

Theo Đại tá Toàn, hiện nay tại Việt Nam chỉ có 2 bức tranh vẽ bằng máu. Bức thứ nhất của họa sĩ Diệp Minh Châu vẽ Bác Hồ cùng ba em thiếu nhi, bức thứ hai của họa sĩ Lê Duy Ứng vẽ trong thời khắc sinh tử. Có thể nói, bức tranh của họa sĩ Lê Duy Ứng là bức tranh vô giá khi được vẽ lên từ dòng máu của người chiến sĩ bị thương đang nằm giữa trận địa.



{keywords}

Đại tá Nguyễn Huy Toàn cho biết trong thành công của họa sĩ Lê Duy Ứng không thể không kể đến bà Trần Thị Lê – người vợ luôn lặng lẽ đứng sau chăm sóc và cổ vũ người họa sĩ thương binh này.

Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và vợ gặp nhau tại Quảng Trị năm 1973, nhưng sau đó, vì nhiệm vụ khác nhau nên đã xa nhau. Sau này, nhận tin báo của một người bạn bà Lê tìm đến Bệnh viện 108 gặp hoạ sĩ Ứng. Tuy nhiên ông bảo, vì tàn tật nên không muốn lấy vợ nữa.

“Nếu anh lấy người khác, anh sẽ không biết mặt con mình ra sao. Nhưng nếu anh lấy em, anh có thể tưởng tượng ra gương mặt con mình như thế nào, vì anh đã nhìn thấy em khi đôi mắt còn sáng”, nhờ lời chia sẻ xúc động đầy thương yêu này của bà Trần Thị Lê mà hoạ sĩ Lê Duy Ứng đã thay đổi suy nghĩ. "Ngày 19/9/1976, chúng tôi đã quyết định làm lễ cưới tại khu tập thể Trương Định (Hà Nội)" - hoạ sĩ Lê Duy Ứng nhớ lại.

Hoạ sĩ Lê Duy Ứng và bà Trần Thị Lê đã có với nhau hai người con, một trai, một gái. Chuyện tình của họ được xem là mối tình đẹp trên tuyến lửa Vĩnh Linh đầy khốc liệt khi xưa. Mấy chục năm qua bà Lê bằng một tình yêu và sự chăm sóc đã đồng hành cùng hoạ sĩ Ứng để ông thả sức vẫy vùng với sáng tạo nên khối gia sản nghệ thuật đồ sộ của ngày hôm nay.

Họa sĩ Lê Duy Ứng đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, ông cũng đã có trong gia tài nhiều giải thưởng danh giá. Trong suốt 45 năm qua, ông vẫn bền bỉ sáng tác. Hàng ngàn bức tranh, tượng được ra đời dưới bàn tay nghệ thuật của ông. Ngoài sáng tác tranh, ảnh, ông còn tổ chức 44 cuộc triển lãm nghệ thuật, giành được 9 giải thưởng mỹ thuật trong và ngoài nước. Đến nay, cái tên Lê Duy Ứng là một trong những cánh chim đầu đàn trong làng họa sĩ cách mạng Việt Nam.

Với họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng, mỗi ngày sống đều là sự lao động miệt mài. Mỗi bức họa như là nơi để ông ký gửi tâm sự cuộc đời. Từng nét vẽ đôi khi bị nhòe đi, ảo mờ vì đôi mắt không thể cảm nhận hai miền sáng tối nhưng vẫn chất chứa đầy niềm yêu đời, yêu cuộc sống này.

Khánh Linh - Thanh Uyên - Minh Tuyền
Thiết kế: Hằng Trần

NSND Trà Giang bồi hồi trước ký ức khó quên về Bác Hồ

NSND Trà Giang bồi hồi trước ký ức khó quên về Bác Hồ

 - Trong chương trình Ký ức Việt Nam phát sóng trên VTV1, NSND Trà Giang đã chia sẻ những ký ức và cảm xúc của bà về Bác Hồ.