{keywords}

Sinh năm 1961 ở Phù Cát, Bình Định, nhà toán học Nguyễn Sum đã có hơn nửa cuộc đời gắn bó với quê hương, với Trường Đại học Quy Nhơn.

PGS Nguyễn Sum kể ông sinh ra và lớn lên ở một khu vực mà chiến tranh xảy ra thường xuyên (trước năm 1975) nên việc học thường bị gián đoạn vì gia đình phải di tản nhiều lần. Trong quá trình học có nhiều năm không được học đầy đủ chương trình, nên việc tự học và tự tìm hiểu đã hình thành trong ông từ lúc còn bé. Sở thích làm Toán của ông cũng được hình thành một cách tự nhiên trong quá trình học tập, mọi việc hoàn toàn tự lực, mọi kiến thức chỉ được tích lũy từ việc học tập ở trường và tự học, không đi học thêm và không có sự hỗ trợ của ai cả.

Tới năm 1979, ông được chọn vào đội tuyển của tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định) tham dự kỳ thi Toán quốc gia lần đầu tiên được tổ chức trong cả nước. Ông nói kết quả của mình không cao nhưng niềm say mê của một cậu học trò trường huyện đối với Toán học bắt đầu từ đó.

{keywords}

Tháng 9 năm 1979, ông chọn thi vào ngành Sư phạm Toán của Trường ĐH Quy Nhơn. Tại nơi này, trước khi chuyên tâm cho công tác giảng dạy và nghiên cứu, PGS Nguyễn Sum đã có thời gian dài làm công tác quản lý ở nhiều vị trí khác nhau. Ông kinh qua các vị trí Trưởng khoa Toán, Trưởng phòng Đào tạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn.

Năm 2009, khi PGS Nguyễn Sum đang là một Phó Hiệu trưởng, thì Đại học Quy Nhơn trải qua một giai đoạn khủng hoảng. Ông Sum nhận trách nhiệm Quyền Hiệu trưởng trong 5 tháng, từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2009, nhưng một mực từ chối chức vụ Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo kiên trì thuyết phục. 

“Thú thực tôi đã từ chối nhận nhiệm vụ làm công tác quản lý từ năm 2004 khi được đề cử chức vụ Phó Hiệu trưởng, nhưng không từ chối được”- PGS Nguyễn Sum nhớ lại.

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng gọi việc ông từ chối chức hiệu trưởng là "điều tôi chưa từng thấy trong xã hội hiện nay".

Chia sẻ về lý do không làm Hiệu trưởng đại học, PGS Sum nói ở thời điểm đó đã hết nhiệm kỳ Phó Hiệu trưởng, cũng đã trải qua 15 năm làm công tác quản lý ở khá nhiều vị trí để đóng góp cho sự phát triển của trường. Hơn nữa sức khỏe của ông tại thời điểm đó cũng không cho phép tiếp tục công việc, và muốn dành tất cả thời gian còn lại để giảng dạy và nghiên cứu khoa học nên đã xin không tiếp tục làm công tác quản lý nữa.

“Từ chối là một quyết định đúng đắn của đời mình nên không có gì phải luyến tiếc”.

{keywords}

Dù gắn bó với một trường đại học địa phương, PGS Nguyễn Sum từng nhận Bằng Lao động sáng tạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 1997; Giải thưởng Công trình toán học năm 2013, 2015 và 2016; Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2017 với công trình "Về bài toán hit của Peterson" trên tạp chí Advances in Mathematics - một trong những tạp chí hàng đầu thế giới về toán học (On the Peterson hit problem, dvances in Mathematics, Vol. 274, 432–489).

Đây là công trình khoa học được đánh giá là đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực tô pô đại số, giải quyết được một trường hợp đặc biệt (k=4) của giả thuyết “hit” do nhà toán học người Mỹ Frank Peterson đề xuất cách đây 30 năm. Công trình này được coi là một bước tiến mới trong việc giải quyết giả thuyết Peterson kể từ năm 1990, được thực hiện hoàn toàn trong nước bởi một tác giả duy nhất là PGS Nguyễn Sum.

Đây cũng là công trình 'đỉnh cao' của một thầy giáo dạy toán vốn xuất thân và gần như cả đời gắn bó với tỉnh lẻ. 

Năm 2018, ông có tên trong danh sách 100 nhà khoa học hàng đầu châu Á.

{keywords}

Từ công trình "Về bài toán hit của Peterson" tới nay, ông đã làm gì? 

Nhà toán học Nguyễn Sum: Trước đây tôi làm bài toán này tương đối độc lập, nhưng từ năm 2018 đến nay, có thêm hai học trò làm việc khá tích cực và công bố khá nhiều kết quả về bài toán này trên các tạp các quốc tế uy tín.

Về công việc của cá nhân, thời gian gần đây, ngoài các kết quả đã công bố, tôi đã có một kết quả khá lớn trong tiến trình giải quyết bài toán hit của Peterson. Kết quả này được viết dưới dạng tóm tắt trong một bài báo dài hơn 30 trang được đăng tải trên website của VIASM (Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán) vào cuối năm 2019, nhưng chưa sắp xếp được thời gian để hoàn thiện vì công việc giảng dạy trong hai năm gần đây chiếm khá nhiều thời gian. Bản chi tiết của bài báo này có thể dài hàng trăm trang nên việc hoàn thiện và công bố đòi hỏi một thời gian khá dài và liên tục.

Mặc dù chưa công bố chính thức nhưng những kết quả này là một bước tiến mới trong tiến trình giải quyết bài toán và đã được sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này.

Nhiều GS toán học của ta đã hoặc từng xuất ngoại để thuận lợi cho việc nghiên cứu. Dù vậy ông lại không đi theo con đường này mà gắn bó máu thịt với một trường đại học địa phương, ông có khi nào suy nghĩ về điều này?

Nhà toán học Nguyễn Sum: Cá nhân tôi, được cộng đồng đánh giá cao sự độc lập và tự lực ở trong nước, nhưng không thể so sánh được với một số GS này.

Tôi có một số cơ hội để được đi học ở nước ngoài song vì điều kiện xã hội lúc đó, tôi không thể hoàn thành các thủ tục để đi học. Tuy nhiên tôi chưa bao giờ cảm thấy nuối tiếc về điều đó. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng nên ai có điều kiện đi đến các nước tiên tiến thì sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, sẽ có cơ hội để phát triển cao hơn, tôi chúc mừng họ. Nếu không có điều kiện tốt thì mình phải thích nghi với hoàn cảnh để phát triển bản thân, đóng góp cho xã hội.

Làm việc ở trong nước nhưng tôi may mắn được sớm tiếp cận với hướng nghiên cứu hiện đại có tính thời sự ngang tầm với quốc tế (tôi sớm được làm việc với GS. Huỳnh Mùi, người đã chuyển từ Đại học Tokyo, Nhật Bản, về nước làm việc từ sau năm 1975), do đó nếu cố gắng và quyết tâm với sự hướng dẫn của thầy thì mình sẽ thành công.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong việc đi nước ngoài, tôi rất ủng hộ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ được đi học ở nước ngoài khi tôi làm công tác quản lý ở Trường Đại học Quy Nhơn.

{keywords}

Được biết, ông đã rời Trường Đại học Quy Nhơn vào TP.HCM? Ở tuổi bên kia sườn dốc của sự nghiệp và cuộc đời, ông lại công tác ở một trường đại học mới toanh, có khó khăn gì với ông không?

Nhà toán học Nguyễn Sum: Tôi công tác ở Trường Đại học Quy Nhơn nhưng gia đình tôi đã ở TP.HCM từ năm 2011. Đến năm 2018, cả hai con của tôi đều nhận được học bổng đi học ở nước ngoài nên tôi chuyển công tác vào TP.HCM vì ở đây thuận tiện cho các cháu khi các cháu trở về thăm gia đình.

Khi tôi có ý định vào TP.HCM, một số bạn bè khuyên tôi nên vào một trong các trường lớn, nhưng ở Khoa Toán Ứng dụng, Trường Đại học Sài Gòn có người cùng lĩnh vực chuyên môn với tôi (PGS.TS. Phan Hoàng Chơn), có thể trao đổi và hợp tác về chuyên môn. Hơn nữa, theo tôi tìm hiểu thì Trường Đại học Sài Gòn có những chính sách tốt để hỗ trợ cho người là công tác nghiên cứu khoa học, Khoa Toán - Ứng dụng có đội ngũ giảng viên trẻ trung, có năng lực nghiên cứu tốt và đang phát triển mạnh. Vì vậy tôi đã chọn Trường Đại học Sài Gòn để chuyển đến.

Đến công tác tại một trường mới, tôi chỉ có một khó khăn là phải giảng dạy các môn mới nên năm học đầu có một chút khó khăn là phải dành thời gian chuẩn bị bài, không sắp xếp được thời gian cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, Trường và Khoa cũng tạo điều kiện sắp xếp công việc thuận lợi nên khó khăn cũng chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn.

{keywords}

Con trai ông cũng là 1 tiến sĩ toán học, ông đã dạy con những bài toán đầu tiên như thế nào?

Nhà toán học Nguyễn Sum: Con trai tôi cũng làm Toán nhưng ở chuyên ngành khác với tôi (con trai tôi làm về "Control and Optimization" còn tôi làm về "Algebraic Topology"), hiện đang làm việc tại một vị trí postdoc ở Pháp.

Trong quá trình học tập của các con, tôi chỉ hướng dẫn cho các con tự học, không theo học các lớp học thêm. Về chuyên môn chính thì tự chọn và làm theo những gì mà chúng tự thấy mình có năng lực và yêu thích, bố mẹ không áp đặt. Những kiến thức các con có được đều học từ các thầy cô giảng dạy ở trường và tự học, tôi chỉ hỗ trợ khi cần thiết chứ không chủ động giảng dạy hay đặt ra bất kỳ bài toán nào.

Lê Huyền (thực hiện)

Ảnh: Trương Thanh Tùng