Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên đã lên tới cực điểm trong năm 2017. Bình Nhưỡng liên tục thử hạt nhân và tên lửa bất chấp việc bị cộng đồng quốc tế chỉ trích và bao vây cấm vận. Cuộc khẩu chiến giữa Washington và Bình Nhưỡng vô cùng gay gắt và nhiều lúc tưởng chừng đã đẩy hai nước tới bờ vực chiến tranh.
Tháng 9/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: "Nếu Mỹ buộc phải bảo vệ mình và đồng minh thì sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phá hủy hoàn toàn Triều Tiên". Ông thậm chí còn gọi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là "Người tên lửa". Đáp trả, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lên tiếng cảnh báo Tổng thống Trump sẽ phải "trả giá đắt" vì đe dọa phá hủy Triều Tiên.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, tình trạng này đột ngột thay đổi, khi Triều Tiên liên tiếp có những động thái hạ nhiệt căng thẳng. Trước hết, nước này "làm lành" với Hàn Quốc bằng cách cử đoàn tham gia Thế vận hội Mùa Đông và có nhiều hoạt động tích cực cải thiện quan hệ với miền Nam.
Vào tháng 2/2018, nước này thông báo sẵn sàng đàm phán với Mỹ. Một tháng sau, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để tìm kiếm một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân. Đây là một dấu hiệu rõ ràng để cải thiện mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên và là cuộc gặp lịch sử được cả thế giới mong đợi.
Trong vòng một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cụ thể hơn rằng, ông sẽ gặp lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6/2018, với "2 hoặc 3 địa điểm" được cân nhắc cho cuộc gặp. Và đến ngày 10/5/2018, Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận nước này là chủ nhà tổ chức cuộc gặp Trump - Kim vào ngày 12/6/2018.
Trong khoảng thời gian quan trọng này, sự kiện thu hút sự chú ý của toàn thế giới là hội nghị thượng đỉnh lịch sử Hàn Quốc-Triều Tiên vào ngày 27/4/2018, khi ông Kim Jong Un bước qua ranh giới ngăn cách hai bên để sang miền Nam gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In. Hội nghị đạt nhiều kết quả tích cực, mở đường thuận lợi hướng tới hội nghị Mỹ-Triều Tiên.
Hiểu rõ thời điểm để nắm bắt cơ hội hóa giải xung đột, cả Mỹ và Triều Tiên đã thực hiện một loạt hành động ngoại giao tích cực, dù vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng. Nổi bật là chuyến đi tới Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo để họp chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh. Kết thúc chuyến đi, ông Pompeo về nước cùng với ba công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do.
Việc Triều Tiên phóng thích ba tù nhân Kim Dong-chul, Kim Hak-song và Kim Sang-duk - những người Mỹ cuối cùng bị phía Triều Tiên giam giữ - đã phát đi một thông điệp tích cực cho thấy chính quyền ông Kim Jong Un nghiêm túc hướng đến mục tiêu chấm dứt nhiều thập niên đối đầu với Mỹ và đồng minh. Đây cũng được xem là hành động cụ thể đầu tiên của Bình Nhưỡng nhằm cải thiện quan hệ với Washington, kể từ sau khi ông Trump nhậm chức.
Tiếp đó, Triều Tiên tiếp tục chứng tỏ quyết tâm thực hiện cam kết phi hạt nhân hóa bằng cách tháo dỡ bãi thử hạt nhân duy nhất Punggye-ri, nơi từng diễn ra 6 vụ thử hạt nhân kể từ năm 2006 của nước này. Nhiều nhà báo nước ngoài đã được mời đến chứng kiến tận nơi. Hành động này tiếp tục được đánh giá nhằm hạ nhiệt căng thẳng.
Sau một thời gian dài chuẩn bị, hai nhà lãnh đạo quyết định gặp nhau vào ngày 12/6/2018 tại khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng Capella trên đảo Santosa của Singapore. Tổng thống Mỹ Donald Trump đến trước. Chủ tịch Kim xuất hiện sau đó 17 phút. Trước phông nền là quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo đứng trên thảm đỏ và bắt tay nhau, tạo nên khoảnh khắc có một không hai trong lịch sử.
Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 4 giờ, gồm cuộc gặp riêng giữa hai nhà lãnh đạo. Tiếp đến là đàm phán song phương giữa phái đoàn hai nước. Hình ảnh hai nguyên thủ tham gia vào các hoạt động chụp ảnh chung, đi dạo vào giờ ăn trưa trong khuôn viên khách sạn cho thấy một tương lai hợp tác đầy triển vọng. Ông Trump thậm chí đã giới thiệu cho ông Kim chiếc limousine "Quái thú" của mình.
Hội nghị ở Singapore kết thúc bằng một thỏa thuận hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên Bán đảo Triều Tiên. "Chúng tôi đã sẵn sàng để viết nên một chương mới" - Tổng thống Mỹ khẳng định tại cuộc họp báo sau đó.
Thỏa thuận gồm 4 điểm chính:
Thứ nhất, hai nước cam kết thiết lập quan hệ Mỹ-Triều Tiên theo nguyện vọng của nhân dân hai nước vì hòa bình và thịnh vượng.
Thứ hai, hai nước sẽ nỗ lực cùng nhau xây dựng một cơ chế hòa bình bền vững, ổn định trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ ba, tái khẳng định Tuyên bố Panmunjom ngày 27/4/2018, Triều Tiên cam kết tiến tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, tương tự cam kết mà Bình Nhưỡng đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4.
Thứ tư, Mỹ và Triều Tiên cam kết phục hồi tìm kiếm hài cốt POW/MIA (tù nhân chiến tranh/ những người mất tích khi làm nhiệm vụ), bao gồm việc hồi hương ngay lập tức những hài cốt đã được xác định.
Tuy nhiên, thỏa thuận này bị đánh giá là khá mơ hồ về thời điểm và cách thức thực thi vì không bao gồm thời hạn, lịch trình và quá trình xác nhận Triều Tiên đang thực hiện các điều khoản. Tổng thống Trump và nhóm của ông lý giải họ vẫn đang tìm cách thiết lập một qui trình để đàm phán một thỏa thuận mà trong đó, Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy hỗ trợ kinh tế từ Mỹ và các nước khác.
Mặc dù, hội nghị đã mang lại một số kết quả thực tế như việc Mỹ đình chỉ một số cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong lúc đàm phán tiếp diễn, hay như Triều Tiên trả lại hài cốt của 55 lính Mỹ thiệt mạng trong chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Song, theo giới phân tích, kể từ sau những gì diễn ra ở Singapore, tiến trình đàm phán giữa hai bên trên thực tế bị chững lại do những tranh cãi về các chi tiết liên quan đến cách thức giải giáp hạt nhân của Triều Tiên và gỡ bỏ trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
Diễn ra trong 2 ngày 27 và 28/2/2019 tại Hà Nội, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ 2 được kỳ vọng sẽ đưa ra được một tuyên bố chung cùng lộ trình phi hạt nhân từ Bình Nhưỡng và quyết định nới lỏng cấm vận từ phía Mỹ.
Có thể Tổng thống Donald Trump sẽ yêu cầu phía Triều Tiên xác minh những gì đã làm trong tiến trình phi hạt nhân hóa và cung cấp danh sách các địa điểm hạt nhân mà họ dự định sẽ tháo dỡ. Ông cũng sẽ thúc ép Bình Nhưỡng đưa ra được một khung thời gian cụ thể để loại bỏ những vũ khí này.
Chủ tịch Kim Jong Un được cho là sẽ tận dụng hội nghị ở Hà Nội để giành được nhiều nhượng bộ từ phía Mỹ, đồng thời yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt vốn đã khiến nền kinh tế Triều Tiên chịu tổn thất nặng nề. Ông còn có thể sẽ tìm kiếm một tuyên bố hòa bình nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên vì cuộc chiến này kết thúc năm 1953 chỉ bằng một thỏa thuận ngừng bắn.
NĂM 2018
Tháng 2: Triều Tiên bất ngờ thông báo với Hàn Quốc rằng nước này "hoàn toàn sẵn sàng" đàm phán với Mỹ.
Ngày 3/3: Triều Tiên bày tỏ mong muốn đàm phán với Mỹ trên cơ sở bình đẳng. Ngày 8/3, Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để tìm kiếm một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân.
Ngày 9/4: Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vào tháng 5 hoặc đầu tháng 6. Ngày 27/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, hiện chỉ có "2 hoặc 3 địa điểm" được cân nhắc cho cuộc gặp thượng đỉnh.
Ngày 9/5: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Triều Tiên để họp chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh. Kết thúc chuyến đi, ông Pompeo về nước cùng với ba công dân Mỹ được Triều Tiên trả tự do.
Ngày 10/5: Truyền thông Triều Tiên cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã bày tỏ lạc quan về cuộc gặp sắp diễn ra với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là thông tin đầu tiên về phản ứng của Triều Tiên liên quan đến cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra.
Ngày 13/5: truyền thông Triều Tiên đưa tin rộng rãi về quyết định của Bình Nhưỡng đóng cửa bãi thử hạt nhân của nước này. Ngày 17/5, Tổng thống Trump khẳng định sẽ không tìm cách áp dụng cái gọi là "mô hình Libya" với Triều Tiên.
Ngày 4/6: Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ gặp nhau vào lúc 9h sáng 12/6 tại Singapore.
Ngày 12/6: Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên diễn ra tại Singapore. Hai bên ký một tuyên bố cam kết thiết lập mối quan hệ tốt hơn và làm việc hướng tới phi hạt nhân hóa, nhưng không chỉ rõ cách thức thực hiện.
Ngày 25/9: Tổng thống Hàn Quốc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bình Nhưỡng để bàn về phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với Tổng thống Trump. Khi đó, ông Moon nói cuộc gặp có thể diễn ra vào cuối năm 2018.
Tháng 12: Tổng thống Donald Trump xác nhận hội nghị thượng đỉnh lần 2 với Triều Tiên sẽ diễn ra vào cuối tháng 1 hoặc tháng 2/2019. Ông thậm chí tiết lộ dự định mời ông Kim Jong Un tới Mỹ vào một thời điểm nào đó.
NĂM 2019
Tháng 1: Chủ tịch Kim Jong Un nói sẵn sàng gặp Tổng thống Trump lần nữa. Ngày 18/1, đặc phái viên của Triều Tiên Kim Yong Chol thăm Phòng Bầu dục trong 90 phút để thảo luận về phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh lần hai. Ông mang thư của Chủ tịch Kim gửi tới Tổng thống Mỹ. Ngày hôm sau, ông Trump xác nhận các kế hoạch đang được thực hiện cho hội nghị vào cuối tháng 2.
Ngày 5/2: Trong Thông điệp Liên bang, Tổng thống Trump đã thông báo hội nghị thượng đỉnh lần hai với nhà lãnh đạo Triều Tiêng, xác nhận địa điểm gặp tại Việt Nam.
Ngày 8/2: Tổng thống Trump đăng chi tiết về hội nghị lên mạng xã hội Twitter. Sau khi các trợ tá gặp nhau ở Triều Tiên để bàn bạc, ông Trump thông báo ngày gặp gỡ là vào 27-28/2 tại Hà Nội.
Ngày 26/2: Hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên đã có mặt ở thủ đô Hà Nội.
Bài: Thanh Hảo
Đồ họa: Diễm Anh - Trung Hiếu