{keywords}

Nhấn mạnh “tư duy thị trường” thay vì chỉ “tư duy sản xuất”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nói việc nuôi trồng phải “theo chỉ dẫn của thị trường”.

Bến Tre có dừa, có tôm, vườn cây giống lớn nhất nhì cả nước… Đó là những tiềm năng tỷ USD và Bến Tre đang trên đường nâng tầm các thế mạnh này thành những chuỗi sản phẩm “tỷ USD”.

{keywords}

Bà Trương Thị Cẩm Hồng, chủ một cơ sở chế biến và cả 1 siêu thị sản phẩm dừa lớn ở Bến Tre nhiều năm nay đã dày công nghiên cứu để các sản phẩm từ dừa ngày càng đa dạng.

Người phụ nữ tuổi 60 xem nghiên cứu các sản phẩm từ dừa như một niềm “đam mê ăn vào máu thịt” và khi vào siêu thị của bà, một cảm nhận mới về dừa Bến Tre đã khác: Không còn chủ lực kẹo dừa, khô dừa mà thay vào đó là mỹ phẩm từ dừa, thực phẩm chức năng gốc dừa…

Năm 2012, bà nghiên cứu mặt nạ dưỡng da từ nước dừa. Sản phẩm được tung ra thị trường từ 2013 và phát triển đến hôm nay. Năm 2018, bà làm ra giấy thấm dầu dành cho phụ nữ làm đẹp, giấy lót thực phẩm…

XEM VIDEO: 

Đặc biệt, năm 2019, bà tiếp tục nghiên cứu sản xuất ống hút từ nước dừa, thân thiện với môi trường. Mỗi tháng xuất khẩu được 100 nghìn ống đi Canada, Mỹ, Úc và nhu cầu đặt hàng hơn 300 ngàn ống/tháng nhưng bà chưa thể đáp ứng. Trên kệ của siêu thị có son môi, dầu dưỡng da cho đến giấy tẩy trang… đều từ dừa.

Và càng bất ngờ hơn khi Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết, hiện có 150 mặt hàng chế biến từ dừa và xuất đi nhiều nước, cả châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản…

Bến Tre có thể nói là thủ phủ của dừa với 73 nghìn ha trồng dừa. Hồi xưa sản xuất chế biến chủ yếu là dầu dừa, kẹo dừa, than hoạt tính… thì nay đi đến các dòng sản phẩm cao cấp hơn như sữa dừa, mặt nạ dừa, son dưỡng môi… Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đến nay đạt 300 triệu USD/năm và đang phấn đấu hướng đến 1 tỷ USD.

{keywords}

Nhưng để có được tỷ USD, Bến Tre phải làm hiện đại hoá, làm mới và nâng cao chất của dừa. Những hướng đi của bà Hồng đang đưa dừa Bến Tre vào một thế hệ mới, Lương Quới - DN gia đình đang là nhà cung cấp sản phẩm từ dừa có tiếng trên thế giới. Họ đầu tư những dây chuyền hiện đại của các hãng hàng đầu châu Âu - Mỹ với quan điểm đơn giản: Cạnh tranh toàn cầu phải làm chuẩn từ đầu.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Tứ - Giám đốc công ty TNHH sản xuất chế biến nông thủy sản Thuận Phong - có một nhà máy ở Tiền Giang, mỗi năm xuất khẩu bánh tráng, bánh hỏi, bánh phở… cả nghìn tỷ đồng đã tiến sang Bến Tre đầu tư gần 1.000 tỷ mở nhà máy chế biến dừa và nông sản.

Dây chuyền đang hoàn thiện, những sản phẩm đầu tiên được chào hàng. Mời khách cốc nước dừa đóng hộp có vị không khác gì dừa tươi, ông Tứ cam kết: “Sản phẩm của tôi hoàn toàn không sử dụng hóa chất, không sử dụng chất bảo quản nào hết”.

{keywords}

Và điều đặc biệt, trên bàn làm việc của ông bên cạnh sản phẩm của mình luôn có sản phẩm cùng loại của 2 hãng lớn từ Thái Lan và Srilanka. Ông đặt quyết tâm, Bến Tre dừa thơm ngon nhất thế giới. “Mục tiêu của tôi là sản phẩm làm ra cạnh tranh với 2 “ông trùm” hàng đầu thế giới”.

{keywords}

Không còn là dự tính, con tôm là sản phẩm tỷ USD sẵn có ở Bến Tre. Hiện sản lượng tôm đạt 230 nghìn tấn. Nếu tính 100 nghìn một ký tôm thì đã có 23 nghìn tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD. Nếu đẩy mạnh chế biến thì con số không dừng lại ở tỷ đô nữa mà là vài tỷ đô, đi vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Giá trị thô của tôm hiện đã rất tốt rồi, giờ cần nâng giá trị gia tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi mong muốn. Và muốn nâng giá trị lên gấp rưỡi, gấp đôi, không gì khác ngoài việc áp dụng các công nghệ nuôi trồng, chế biến mới, thay cho phương pháp truyền thống.

Đề cập đến nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu hoàn thành 4.000ha nuôi tôm công nghệ cao và giá trị sản xuất đạt 1 tỷ USD vào năm 2025, ông Trần Ngọc Tam cho biết vừa có chuyến khảo sát mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại xã An Điền, huyện Thạnh Phú. Một số mô hình nuôi đã chứng tỏ rất hiệu quả, có hộ dân thu được 30 tỷ đồng/vụ, cao hơn gấp nhiều lần so với phương pháp nuôi truyền thống.

{keywords}

“Nuôi tôm công nghệ cao có nghĩa ứng dụng công nghệ trong việc nuôi và chăm sóc tôm, công nghệ nuôi tôm nhiều giai đoạn. Nếu nuôi theo cách truyền thống, cỡ tôm (size) nuôi đến thu hoạch đạt 100 con/ký được xem là hiệu quả, thì nay size tôm có thể lớn hơn rất nhiều theo công nghệ do một công ty của Thái Lan chuyển giao. Điều đó cho thấy ứng dụng khoa học công nghệ và nuôi tôm nhiều giai đoạn sẽ phát huy hiệu quả”, lãnh đạo tỉnh Bến Tre giải thích.

Con tôm Bến Tre không còn là tôm nguyên liệu thông thường mà sẽ là con tôm công nghệ, tôm chế biến sâu… Tỉnh muốn thông qua phát triển chuỗi chế biến tôm để có thể xuất khẩu trực tiếp,  bằng cách xây dựng nhà máy chế biến thủy sản tập trung ở vùng nguyên liệu Bình Đại. Bên cạnh đó, Bến Tre sẽ nghiên cứu xây dựng cụm chế biến cho tất cả các loại thủy hải sản ở Bình Đại để đảm bảo quy trình và chất lượng.

{keywords}

Nếu con tôm là truyền thống Bến Tre thì bò là thế mạnh mới, vật nuôi mới xuất hiện trong quá trình thích ứng biến đổi khí hậu. Những vùng nhiễm mặn không trồng lúa, cây ăn quả chuyển qua trồng cỏ - nuôi bò. Và bò ‘thuận thiên’ đã thành một thế mạnh mới.

“Đàn bò của Bến Tre có 230 nghìn con, mỗi con 50 triệu đồng thì giá trị đã là trên 10 nghìn tỷ. Nếu làm tốt chuỗi con bò, từ con giống, làm ra thịt, giá trị gia tăng của các sản phẩm từ thịt bò cũng hướng tới tỷ đô”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre chia sẻ.

Tất nhiên, để có được con số đó, tỉnh đã có kế hoạch kêu gọi DN đầu tư chuẩn hoá giống, làm thương hiệu, đầu tư chế biến để hướng tới bò Bến Tre được nhắc tới như 1 đặc sản mới.

Ông Phan Văn Mãi cho biết: “Bến Tre có kế hoạch phát triển chuỗi sản phẩm cho 8 sản phẩm, nhưng trước mắt tập trung làm mấy sản phẩm tỷ đô trước.

Ví như chỉ ở miền Chợ Lách, một năm Bến Tre sản xuất 40-50 triệu cây giống hoa kiểng, cũng có thể xây dựng được chuỗi tỷ đô”.

{keywords}

Để tạo ra được nhiều sản phẩm “tỷ đô”, Bến Tre xác định công nghệ đóng vai trò quan trọng, phát triển công nghiệp chế biến theo hướng 4.0 tập trung; tạo chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ con giống, cây giống, thức ăn, phân bón đến sản xuất chế biến, tiếp cận thị trường nội địa và quốc tế “tại chỗ”.

Với tư duy chinh phục thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh cũng nhận ra rằng chưa tận dụng được nhiều hiệp định thương mại tự do để xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là xuất khẩu trái cây tươi. Dự kiến trong 5 năm tới, Bến Tre sẽ dồn lực thực hiện các công đoạn chọn và tiếp cận thị trường châu Âu, 5 năm tiếp theo có thể nhân rộng liên kết với các đối tác ở tất cả các thị trường…

Nhấn mạnh “tư duy thị trường” thay vì chỉ “tư duy sản xuất”, Bí thư Tỉnh ủy Phan Văn Mãi nói việc nuôi trồng phải “theo chỉ dẫn của thị trường”.

“Tất cả phải theo thị trường. Làm kinh tế mà không có tư duy thị trường, chỉ tư duy sản xuất thì không ổn”, ông Mãi khẳng định.

* Kỳ tới: Biến điều không thể thành có thể nhờ chuyển đổi số

Lương Bằng

Thiết kế: Huệ Nguyễn

Bến Tre ‘đồng khởi mới’ để thay đổi số phận

Bến Tre ‘đồng khởi mới’ để thay đổi số phận

“Bây giờ mình cứ than nghèo kể khổ mãi để nhận sự trợ cấp từ Trung ương hay mình tự lực vươn lên?”, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre trăn trở.