Mở đất mới, vươn ra biển

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi bắt đầu cuộc trò chuyện với Tuần Việt Nam ngay tại sảnh nhà khách tỉnh khi đồng hồ điểm 8 giờ tối. Ông không đi kèm theo trợ lý, không mang theo mình những bản báo cáo dài ngoài một cuốn sách có tên “Khát vọng Bến Tre 2045” mà ông là đồng tác giả.

{keywords}
Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi

Bắt đầu từ những con số cơ bản, ông Mãi cho biết, tổng chi ngân sách toàn tỉnh khoảng 11 nghìn tỷ đồng, trong đó ngân sách địa phương chỉ tự chủ được 50%. Bến Tre phấn đấu trong vòng 5 năm nữa, số thu ngân sách đảm bảo 70-80% chi tiêu toàn tỉnh. Trong tổng số chi 11 nghìn tỷ đồng, có 2-3 nghìn tỷ là chi cho đầu tư phát triển, còn chi thường xuyên khoảng 7-8 nghìn tỷ.

“Chúng tôi có lộ trình đến năm 2025 cân đối 70-80% chi thường xuyên, và đến năm 2030 là tự cân đối ngân sách”, Bí thư Phan Văn Mãi nói và thừa nhận “đó là mục tiêu rất tham vọng” nhưng “có thể đạt được”. Và để đạt được thì Bến Tre xác định chỉ có một con đường để đi lên: Nghĩ khác, làm khác!

Cái khác đó là nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ định hướng phát triển Bến Tre về hướng Đông, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển nhanh và bền vững… Phấn đấu xây dựng Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của vùng đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2025 và của cả nước vào năm 2030.

Hướng Đông tức là hướng ra biển, để khai thác các tiềm năng thế mạnh lâu nay chưa khai thác hết, thậm chí Bến Tre còn kế hoạch táo bạo là “lấn biển”. Ông Mãi giải thích: Mình có chủ trương phát triển tỉnh về hướng Đông, hướng ra biển để mở rộng không gian địa lý. Nếu làm thành công, điều này sẽ mở ra không gian rất tốt cho Bến Tre phát triển. Thứ hai là thúc đẩy chuyển đổi số, khai mở không gian số để có thêm dư địa phát triển.

Phía Đông, Bến Tre có địa dư rất lớn với đất đai, vùng biển, vùng trời và nhất là cửa kết nối liên vùng và quốc tế để làm bật lên vị trí chiến lược của mình. Mới chỉ khởi động nhưng phía Đông đã sôi động với nhiều dự án điện gió, với 4.000ha tôm nuôi công nghệ cao, với định hình quy hoạch các khu công nghiệp lớn và cả cảng nước sâu, từ đây còn có thể kết nối lên TP.HCM bằng đường bộ chỉ 60km, vươn ra Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ 30km đường biển.

Nhưng mở không gian mới đòi hỏi thời gian và nguồn lực. Hướng Đông không phải là chuyện một sớm một chiều, làm cũng phải tính nguồn lực. Bên cạnh nguồn lực từ ngân sách, Bến Tre cũng chủ trương huy động vốn xã hội hóa để làm hạ tầng. Hạ tầng được xác định đi trước và yếu tố quyết định rút ngắn khoảng cách vật lý và khoảng cách kinh tế của Bến Tre với các trung tâm lớn của cả nước.

Trong kế hoạch, Bến Tre đang gấp rút cho việc làm đường ven biển, làm thêm cầu bắc qua sông Tiền để rút ngắn khoảng cách từ đi TP.HCM còn 60km. Bí thư Phan Văn Mãi nói: Quan điểm của tôi là hợp tác công tư PPP, ngân sách chỉ đầu tư vốn mồi thôi vì tôi biết 'bầu sữa' ngân sách không nhiều. Cái nào nhà đầu tư làm chứng tỏ nó hiệu quả, còn không hiệu quả họ không làm đâu.

Tiến vào không gian số

Một không gian mới mà Bến Tre xác định mở rộng và tiến vào mạnh mẽ, đó là không gian số. Năm 2020, Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết số 01-NQ/TU về chuyển đổi số giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo nghị quyết, tỉnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Chuyển đổi số đi vào từng lĩnh vực, từng người dân và để chính DN, người dân được thụ hưởng chính là động lực để đi nhanh của một tỉnh còn nghèo nhưng giàu tinh thần quyết tâm. Hướng đến gần 100% dịch vụ công cấp độ 4, ứng dụng số hoá vào ngăn mặn và chăn nuôi tôm, đồng hành cùng tuổi trẻ khởi nghiệp số… Bến Tre đã đi nhanh để hướng tới: Chính quyền số hoá để phục vụ người dân và DN tốt hơn; DN số hoá để từ quê dừa đi lên đẳng cấp toàn cầu; người dân số hoá để học tập, làm việc xây dựng quê dừa hiện đại văn minh hơn…

Tầm nhìn và hành động, khát vọng và kế hoạch thực thi đã được cụ thể hoá bằng những quy hoạch bài bản, có tính khả thi; cán bộ phải có khát khao, coi cái nghèo của tỉnh là “sự xấu hổ”. Khởi nghiệp, thoát nghèo bằng cách nào?

Tài sản lớn nhất là tinh thần đồng khởi!

Ở Bến Tre bây giờ, chúng ta có thể cảm nhận tinh thần Đồng khởi trong mỗi người dân, DN, bởi “cuộc Đồng khởi mới” về kinh tế này không thể thiếu bóng dáng những người dân, doanh nhân khởi nghiệp. Nếu ai từng tiếp xúc với con người Bến Tre chắc hẳn đều ngạc nhiên trước tư duy làm kinh tế của những người con xứ dừa này: Năng động, nhiệt huyết, sáng tạo. Có như vậy, Bến Tre mới có thể đổi vận, mới vươn lên được, chứ không phải chỉ dừng lại ở những “bánh vẽ lung linh màu sắc”.

Trong cuộc trò chuyện, Bí thư Phan Văn Mãi không quên nhắc đến lịch sử hào hùng là cái nôi của Đồng khởi. “Một quê hương, vùng đất, con người như vậy, sao mấy chục năm giải phóng lại vẫn còn nghèo? Bây giờ mình cứ than nghèo kể khổ mãi để nhận sự trợ cấp từ Trung ương hay mình tự lực vươn lên?”.

Cùng chung nỗi niềm với quê hương xừ dừa, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam bộc bạch: Bến Tre có điểm xuất phát thấp nên sự phát triển không cao so với khu vực. Đó là trăn trở cho lãnh đạo tỉnh và cho bản thân tôi, làm sao để bứt phá đưa Bến Tre đi lên. Đó là khát vọng, phải vươn lên chứ không thể than nghèo kể khổ hoài.

Đó cũng chính là điều Bí thư Phan Văn Mãi trăn trở. Ông hạ quyết tâm: “Giờ đây, Bến Tre phải khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu, đi lên. Hôm nay tôi nhận trợ cấp từ trung ương, của xã hội nhưng không thể đeo bám chuyện đó mãi mà phải tự lực vươn lên”.

Hôm nay, Bến Tre bắt đầu một cuộc Đồng khởi mới cũng là lúc đối mặt thách thức mới. Lại thêm xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu có nguy cơ làm tỉnh thêm tụt hậu nếu không tìm cách “vươn lên, vươn lên và vươn lên” như lời vị Chủ tịch tỉnh nói. Khi xưa, người dân có khái niệm “sống chung với lũ”, giờ đây Bến Tre cũng như nhiều tỉnh đồng bằng sông Cửu Long phải “sống chung với biến đổi khí hậu”. Bởi đất còn đó, người còn đó, lẽ tự nhiên Bến Tre chẳng thể rời đi đâu khác được.

Cuốn “Khát vọng Bến Tre 2045” của nhóm tác giả Võ Thành Hạo (chủ biên), Phan Văn Mãi, Trần Ngọc Hải (đều là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh) khái quát như sau: Tuy có vị trí và tiềm năng kinh tế vườn, biển, nhưng Bến Tre vẫn là tỉnh nghèo, đứng thứ 28 về dân số, 46 về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), 58 về GRDP bình quân trên đầu người và 54 về tốc độ tăng trưởng GRDP. Điều ấy cho thấy Bến Tre đang ở đâu và vì sao phải thay đổi.

Và lời kết trong cuốn Khát vọng Bến Tre 2045 như thúc giục cuộc Đồng khởi mới của “quê hương xứ dừa” về đích trọn vẹn: “Thời gian 5 nhiệm kỳ, bằng ¼ thế kỷ, không phải là dài. Vì vậy, chúng ta hãy biết nắm lấy và làm chủ thời gian của chính mình, hãy tận dụng nó, hãy cống hiến và cống hiến mãi mãi; đừng để lãng phí dù chỉ 1 ngày hay 1 giờ, bởi thời gian giống như dòng sông chảy - chúng ta không thể tắm hai lần trên 1 dòng sông”.

* Kỳ tới: Khai mở những kho báu tỷ USD còn ẩn giấu

Lương Bằng

Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân Asin

Quảng Ninh ‘sực tỉnh’, nhận ra gót chân Asin

Từ việc chủ yếu dựa vào khai thác than, Quảng Ninh vươn lên trở thành địa phương giàu có nhờ du lịch, dịch vụ. Nhưng Covid-19 đã khiến Quảng Ninh “sực tỉnh” và nhận ra “gót chân Asin”.