{keywords}

Khi bài viết này được thực hiện thì mục tiêu tái đắc cử của Tổng thống Mỹ đang bị treo lơ lửng. Ông đang nỗ lực giành chiến thắng trong trận chiến pháp lý nhằm đảo ngược kết quả chung cuộc của cuộc bầu cử đang bị cáo buộc gian lận tại một số bang quan trọng. 

Đây là thời điểm thích hợp để nhìn lại những gì ông Donald Trump đã và chưa làm được trong nhiệm kỳ Tổng thống vừa rồi. 

{keywords}

Ông Trump bước vào Nhà Trắng với một mục tiêu chính: Xóa bỏ di sản ông Barack Obama để lại sau 2 nhiệm kỳ. Ở góc độ này, ông chính là kẻ hủy diệt vĩ đại. Ông đã lần lượt đảo ngược các chính sách đối nội: nhập cư bất hợp pháp, năng lượng, biến đổi khí hậu, ngân hàng, luật pháp và trật tự, tư pháp hình sự và thuế; đồng thời bổ nhiệm 3 thẩm phán Tòa án tối cao và hàng trăm thẩm phán liên bang. 

Ông Trump cũng đảo ngược các chính sách đối ngoại của ông Obama: quốc phòng, thương mại, Trung Đông, NATO, EU, Trung Quốc, Nga, Triều Tiên và Biển Đông. 

Nhưng ông cũng là tác giả của một số thất bại không thể chối cãi: đại dịch Covid-19, Obamacare, cơ sở hạ tầng, an ninh mạng và phổ biến vũ khí hạt nhân. Đại dịch dường như đang phủ chiếc bóng hắc ám lên các thành tựu của ông, đặc biệt là sự phục hồi kinh tế sau khi đóng cửa. 

Chỉ trong 4 năm, chương trình nghị sự chính sách của ông Trump đã vượt xa bất kỳ tổng thống nào khác, ngay cả những người tại vị 8 năm. Hai ngoại lệ duy nhất chỉ có thể là Tổng thống Franklin Roosevelt, tác giả của Thỏa thuận Mới và chiến thắng trong Thế chiến thứ hai, và Tổng thống Lyndon Johnson, người theo đuổi mô hình “Đại Xã hội” và thất bại trong cuộc chiến của Mỹ ở Việt Nam. 

{keywords}

Những việc ông Trump đã làm được càng trở nên ấn tượng hơn khi đặt trong bối cảnh của một nhiệm kỳ hỗn loạn liên miên: Các cuộc điều tra chống lại ông với cáo buộc thông đồng với Nga; điều trần luận tội về cáo buộc liên quan đến Ukraine; các vụ điều tra tội phạm vô căn cứ; nhiều lần bị kiện ra toà; các phiên toà nhằm ngăn chặn ông theo đuổi các chính sách của mình; và các dự luật bế tắc tại Quốc hội khó được thông qua. 

Cùng lúc đó, ông phải đối mặt với sự thù địch của truyền thông và sự cản phá của các phe phái ngầm là những công chức trong bộ máy công quyền nhất định không chấp nhận ông. Rồi tiếp đến là nhóm chính khách Cộng hoà không ưa ông, được gọi là “never Trumpers”… Chưa có một tổng thống nào từng bị chống đối cả công khai và bí mật đến mức như vậy. 

{keywords}

Ông Obama cũng đã từng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nghị sỹ Cộng hoà, thậm chí cả nghị sỹ Dân chủ. Sự bế tắc tại Quốc hội khiến ông ấy nản đến mức bắt đầu đưa ra những quyết định đơn phương đầy tranh cãi. 

Ông Trump đã áp dụng nguyên xi chiến lược của ông Obama để đảo ngược chương trình nghị sự chính sách của người tiền nhiệm. Ông cũng đưa ra một chương trình cắt giảm tối đa các quy định hiện hành, mức độ cắt giảm cao nhất so với các đời Tổng thống trước đó. Ông ra lệnh cho các cơ quan bãi bỏ càng nhiều quy định càng tốt. Các cơ quan chỉ được phép ban hành 1 quy định mới sau khi đã bãi bỏ 2 quy định cũ. 

Trong hầu hết các trường hợp, các chỉ thị và quy định của ông Trump cũng có thể dễ dàng bị người kế nhiệm đảo ngược. 

Chính quyền Mỹ hoạt động hiệu quả nhất khi Quốc hội phê chuẩn và đưa các đề xuất chính sách thành luật. Lúc đó sẽ khó mà đảo ngược lại được. Và hệ thống chính trị trở nên ổn định hơn rất nhiều. 

{keywords}

Trong số các quan chức chính quyền, không có ai ngoài ông Trump sẵn sàng đối đầu với cái gọi là “phải đạo chính trị” và các phong trào kêu gọi công bằng xã hội khắp nước Mỹ. Các phong trào này đặc biệt mạnh lên khi các cuộc bạo động nổ ra khắp các thành phố Mỹ năm 2020 sau các vụ nổ súng của cảnh sát, cái chết của George Floyd và nhiều vụ việc khác, cùng với âm mưu làm gián đoạn hoạt động xã hội và quản trị quốc gia của những kẻ vô chính phủ và những kẻ cực đoan. 

Chẳng hạn, một số chính sách của ông Trump về nhập cư bất hợp pháp đã bị phe đối lập gọi là phân biệt chủng tộc và phát xít, nhằm chia rẽ đất nước và khiến ông mất tín nhiệm. 

Đáp lại, ông Trump đã hành động theo tinh thần của Luật pháp và Trật tự chống lại những kẻ đang đốt phá các thành phố, phá hủy tượng đài lịch sử, cướp bóc các cơ sở kinh doanh và phá phách nhà cửa và các khu dân cư, thường xảy ra ở các khu vực của người thiểu số. 

Một số người không thích cách ứng phó của ông khi ông đe doạ hoặc điều động quân đội vào để dập tắt bạo lực; và một số người khác thì thất vọng khi ông không cho quân đến tiếp quản các thành phố. Còn hầu hết người dân Mỹ hài lòng với các hành động can thiệp của chính phủ. 

{keywords}

Với nhiều người, cuộc bầu cử năm 2020 đã trả lời được một câu hỏi quan trọng: Ông Trump có đúng là người phân biệt chủng tộc và phát xít hay không. KHÔNG. Ông ấy chính là tác giả của nhiều chính sách quan trọng giúp cải thiện cuộc sống cho các cộng đồng thiểu số. Số lượng người thiểu số, người da đen và người gốc Latinh bỏ phiếu cho ông năm 2020 đạt mức kỷ lục. 

Trong những việc ông đã làm cho các cộng đồng này, phải kể đến việc ông đã đưa nền kinh tế phát triển lên mức kỷ lục theo cách mà tất cả người Mỹ đều được hưởng lợi. Ông là tác giả của Chương trình Vùng cơ hội và Sáng kiến Bạch kim với ngân sách 500 tỷ USD đầu tư cho các cộng đồng dân cư nghèo. 

Ông cấp tài trợ cho các trường đại học và cao đẳng dành cho người da đen và thúc đẩy các trường bán công nâng cao giáo dục cho cộng đồng thiểu số. Ông đã cải cách hệ thống tư pháp hình sự vốn không có lợi cho người thiểu số; và hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật để đảm bảo môi trường an toàn hơn tại các khu dân cư nghèo. 

{keywords}

Thật không may, ông Trump cũng biến cái gọi là “phải đạo chính trị” thành một rắc rối cho chiến dịch tranh cử khi ông chỉ trích thị trưởng và thống đốc của nhiều tiểu bang lớn do phe Dân chủ kiểm soát vì đã không ngăn chặn bạo lực đang xảy ra ở các thành phố. Để trả đũa, họ đã khăng khăng phản đối các chính sách của ông. 

Ông cũng chỉ trích các vận động viên chuyên nghiệp người da đen vì họ ủng hộ các cuộc biểu tình khắp nước Mỹ. Điều này có thể được coi là không khôn ngoan vì những vận động viên này có thể chiếm lĩnh toàn bộ các trang nhất khi họ bị công kích. 

Ông Trump quá nổi tiếng với việc vừa làm được một việc thì chẳng mấy chốc kiểu gì cũng lại làm hỏng nó. 

{keywords}

Một lát cắt quan trọng nhất của nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump là việc ông sử dụng Twitter làm công cụ truyền thông cho mình. 

Năm 2016, khi ra tranh cử, ông Trump đã được giới truyền thông ca tụng hết lời rằng ông là một doanh nhân chứ không phải một chính trị gia, một nghệ sỹ giải trí, người một mình chống lại giới chóp bu trong đảng và chống lại giới tinh hoa Washington. Truyền thông đã kiếm được bộn tiền nhờ ông, còn ông thì được truyền thông miễn phí. Báo chí lúc đó không hề nghĩ ông Trump sẽ thắng cử, đặc biệt khi đối thủ của ông lại là bà Hillary Clinton. 

Khi ông Trump đắc cử Tổng thống, giới truyền thông đã đồng loạt quay lưng lại với ông. Các nghiên cứu khách quan cho thấy 90-95% các tin bài về ông trên truyền thông có nội dung tiêu cực và tin tích cực thì không được đưa. 

{keywords}

Ông Trump đã sử dụng Twitter để qua mặt giới truyền thông và tương tác trực tiếp với người dân. 

Ông sử dụng Twitter không chỉ để thông báo hay bảo vệ các chính sách của mình mà còn để chỉ trích đối thủ, thường bằng cách đặt cho họ những biệt danh khó nghe. Những người bênh ông thì nói rằng ông ấy cần tự gửi đi những thông điệp của mình vì không thể trông cậy vào báo chí. 

Những người chỉ trích ông lại cho rằng những dòng thông báo của ông trên Twitter đã quá đơn giản hóa các vấn đề phức tạp, tấn công đối thủ một cách không công bằng hoặc không khôn ngoan, đưa thông tin sai lệch và khiến rất nhiều người khó chịu. 

Ông Trump thường xuyên, có thể nói quá thường xuyên, sử dụng Twitter làm kênh thông báo sa thải nhân viên và các bộ trưởng của mình, tạo ra những kẻ thù có ngày sẽ quay lại ám ông. Những người ủng hộ ông phản bác rằng họ không quan tâm đến việc ông làm trên Twitter; họ chỉ quan tâm đến những thành công chính sách của ông ấy. 

Trong phần 2, chúng ta sẽ cùng nhìn lại những chính sách đối nội và đối ngoại thời ông Donald Trump. 

Tiến sỹ Terry F. Buss - Chuyển ngữ: Đào Thúy 

Thiết kế: Quốc Dũng

Nhiệm kỳ Donald Trump: Thành công và thất bại

Phần 2: Nhiệm kỳ Donald Trump: Thành công và thất bại

Nhìn chung, những thành tựu chính sách của nhiệm kỳ Donald Trump thực sự ấn tượng, bên cạnh một số thất bại.