{keywords}

LTS: Nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc về khát vọng đất nước hùng cường sánh vai với các cường quốc năm châu trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp Việt nói riêng đang chịu nhiều khó khăn và thách thức rất lớn do tác động của đại dịch Covid-19.

Trong bức thư gửi các em học sinh, nhân ngày khai trường đầu tiên dưới chế độ mới, ngày 05/9/1945, Bác Hồ đã nói về khát vọng xây dựng đất nước hùng cường. Bác viết: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Có thể coi đây là bản Tuyên ngôn về đất nước hùng cường sau bản Tuyên ngôn Độc lập. Độc lập - Hùng cường là những giá trị cốt lõi của sự nghiệp cách mạng ở nước ta.

Chọn thời điểm ngay sau ngày Quốc khánh, đúng vào ngày khai trường đầu tiên, chọn đối tượng là các em học sinh – chủ nhân tương lai của đất nước để truyền đi thông điệp và gửi gắm niềm tin về xây dựng đất nước hùng cường, có lẽ không có sự lựa chọn nào thích hợp hơn. Vì như Bác thường nói: “Vì lợi ích trăm năm phải trồng người” và xây dựng đất nước hùng cường là sự nghiệp của trăm năm.

{keywords}

Để tăng gia sản xuất, Bác bảo có bốn điều cần coi trọng.

Một là, “Công - Tư đều lợi”. Bác chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần để kết hợp công – tư, trong đó có kinh tế quốc doanh, hợp tác xã, tư bản nhà nước, tư bản tư nhân, cá thể, tiểu chủ… đều là những “lực lượng cần thiết” cho kiến thiết kinh tế nước nhà, nhưng phải phù hợp với sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia.

Hai là, “Chủ - Thợ đều lợi”. Đây chính là quan điểm xây dựng quan hệ lao động hài hòa mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện.

Ba là, “Công - Nông giúp nhau” qua phát triển thương nghiệp làm sợi dây đoàn kết “Liên minh Công Nông”.

Bốn là, “Lưu thông Trong - Ngoài” là mở cửa, hội nhập quốc tế.

Những nội dung cơ bản của mô hình kinh tế tổng quát đó đã được Bác nói rất rõ trong tác phẩm “Thường thức chính trị” được xuất bản vào năm 1953. Mô hình này là tương đồng với “Chính sách kinh tế mới” của Lênin (NEP) được áp dụng ở nước Nga Xô Viết (trong những năm 1921 - 1929).

Rất cần lưu ý, Bác chủ trương thực hiện mô hình nền kinh tế nhiều thành phần ở Việt Nam lúc đó khi ở nước Nga chính sách này đã chính thức bị xoá bỏ, sau khi Lê Nin qua đời. Điều này càng cho thấy tư duy độc lập, sáng tạo, thực tiễn và rất Việt Nam của Bác, khác biệt với những gì diễn ra phổ biến trong hệ thống XHCN thế giới vào thời gian này.

Nhìn xa hơn, chủ trương thực hiện chính sách “Tân kinh tế” của Lê Nin đã được Bác Hồ của chúng ta nêu ra từ rất sớm, từ năm 1925, trong điều lệ của Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội (Tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay). Trong văn kiện lịch sử này, Bác viết: “Sau này chúng ta sẽ thành lập Chính phủ Nhân dân và áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế”. Thành lập Chính phủ Nhân dân là thực thi nền Dân chủ, áp dụng nguyên tắc Tân kinh tế là chủ trương xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Đó là hai trụ cột của chế độ mới.

Vì vậy, công cuộc Đổi mới kinh tế ở Việt Nam, khởi đầu từ Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) chính là sự trở lại với tư tưởng Hồ Chí Minh, từ đầu thế kỷ 20, về nền kinh tế nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa.

{keywords}

Sau khi đánh đuổi thực dân Pháp giành lại nền độc lập cho dân tộc, từ năm 1945, Bác Hồ đã chủ trương trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư Pháp vào Việt Nam. Bác bảo “chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp cũng như Mỹ, Nga hay Tàu đến đây giúp việc cho chúng ta trong công cuộc kiến thiết quốc gia. Nhưng điều kiện chính là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này”.

Những quan điểm tương tự, cũng được Bác nêu rõ trong Lời kêu gọi gửi Liên hợp quốc giai đoạn 1945 - 1946. Trong văn kiện này, Bác viết: Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực, dành thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kĩ thuật nước ngoài trong tất cả các lĩnh vực công nghệ. Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự buôn bán và quá cảnh quốc tế. Việt Nam sẽ tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hợp quốc.

Đó là những chủ trương dẫn dắt cho công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước ta suốt trong những năm qua. Chúng ta đã sớm gia nhập WTO, đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài, đã tham gia đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chúng ta đã chủ động tham gia có trách nhiệm vào các tổ chức quốc tế. Việt Nam là mô hình thành công trong hội nhập. Vị thế uy tín quốc tế của chúng ta ngày càng cao.

Một trong những điểm đặc sắc khác trong tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng về vai trò kiến tạo của Nhà nước và vai trò chủ thể của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế.

Lúc sinh thời, Bác rất quan tâm tới đội ngũ doanh nhân. Từ chiến khu Việt Bắc trở về thủ đô Hà Nội, chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, Bác ở nhà của một gia đình tư sản dân tộc - ông Trịnh Văn Bô và bà Hoàng Thị Minh Hồ. Ngôi nhà số 48 Hàng Ngang đã đi vào lịch sử. Tại đây, Bác đã viết Bản Tuyên ngôn độc lập. Hai tuần sau ngày Quốc khánh, ngày 18/09/1945, trong tuần lễ vàng, giới chức xã hội đầu tiên được Bác tiếp tại Phủ Chủ tịch cũng lại là các nhà tư sản dân tộc - đại diện của giới Công thương gia Hà Nội.

Một tháng sau, ngày 13/10, nhân ngày giới doanh nhân thành lập Công thương Cứu quốc Đoàn và gia nhập Mặt trận Việt Minh, Bác Hồ đã gửi thư động viên, cổ vũ. Bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân. Bác viết: “Trong khi các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng... Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công thương trong công cuộc kiến thiết này”.

Đó là quan điểm rất hiện đại về quản trị quốc gia của chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo. Còn giới công thương mới là lực lượng chủ thể làm nên nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng của quốc gia.

Quan điểm về nhà nước kiến tạo cũng được Bác nhắc lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong một phát biểu sau này, Bác bảo: “không phải Chính phủ xuất tiền ra để làm (kinh doanh) Chính phủ chỉ giúp khuyến khích và cổ động”.

{keywords}

Với những tư tưởng vượt thời gian như vậy, có thể khẳng định rằng, Bác Hồ của chúng ta, không chỉ là nhà yêu nước, nhà cách mạng mà còn là nhà kinh tế học về kinh tế thị trường.

Về các mô hình phát triển kinh tế, tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vô cùng sắc sảo. Bản di chúc của Bác là một văn kiện mẫu mực về tinh thần phát triển bền vững. Lúc sinh thời, Bác phát động “Tết trồng cây” hằng năm.

Trước lúc ra đi, Bác yêu cầu hỏa táng và trồng cây để có bóng mát cho bà con, để bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan. Bác bảo: “Phải chăm lo đời sống người lao động”. Khi đến thăm doanh nghiệp, Bác không lên phòng giám đốc, mà xuống thẳng nhà vệ sinh, nhà bếp xem doanh nghiệp chăm lo người lao động thế nào. Bác dặn: “phải cần kiệm. Cần mà không kiệm khác nào như gió vào nhà trống, nếu kiệm mà không cần thì không phát triển được, nếu mà vậy thì không có gì mà kiệm”.

Bác còn nói: “phải nâng cao năng suất”. Muốn vậy phải sáng kiến, sáng tạo. Người dặn phải làm cả 2 việc: “ở tầm sáng tạo lớn, có ảnh hưởng rộng là phát minh, sáng chế, ở tầm thấp, nhỏ hơn thì là sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong quản lý sản xuất, Bác bảo: phải “cải tiến kĩ thuật và giữ vững kỷ luật lao động”. Bác định nghĩa thật đơn giản dễ hiểu về năng suất: “sản xuất phải nhanh, nhiều, tốt, rẻ”!

Bác cổ vũ người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, nhưng cũng không quên căn dặn doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất ra hàng hóa đáp ứng yêu cầu của người dân, phải kinh doanh có văn hoá, có trách nhiệm xã hội, hàng hoá dịch vụ phải bảo đảm sức cạnh tranh.

Bác nhiều lần nhắc rằng: “Đồng bào ta nồng nàn yêu nước nên rất muốn dùng hàng của ta sản xuất. Nhưng trước hết, người sản xuất phải làm hàng tốt và rẻ. Người sản xuất phải thật thà sản xuất hàng tốt cho đồng bào dùng, không nên làm hàng trưng bày thì tốt mà hàng bán thì xấu, giá cả phải chăng không lừa dối người mua”.

Đó cũng chính là linh hồn và tư tưởng chỉ đạo đối với các cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam”, “hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam” và “phong trào năng xuất Việt Nam”… mà chúng ta đang phát động!

{keywords}

Bác khuyên các doanh nhân phải lập phường, lập hội, đoàn kết để sản xuất kinh doanh. Bác bảo: “những người sản xuất phải tập hợp lại thì mới có thể sản xuất được nhiều, tốt, không phí tài năng và thời gian”. Bác kêu gọi các doanh nhân “mau mau gia nhập Công Thương Cứu quốc đoàn cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích Quốc lợi Dân”.

Liên kết doanh nhân Việt vì công cuộc “ích quốc, Lợi dân” là những tôn chỉ, mục đích cao quý nhất của những người làm kinh doanh ngày nay đang theo đuổi. Bác bảo: “muốn đất nước giầu mạnh, nhân dân ấm no thì phải luôn sắp xếp để có thật nhiều người sản xuất trực tiếp”, tức là phải chăm lo phát triển doanh nghiệp để tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động.

Phàn nàn về bệnh hành chính quan liêu, Bác bảo “số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước còn quá nhiều” và “ở một số cơ quan còn quá nhiều cửa ải !”. Người nói: "Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy".

Đó chính là những quan điểm chỉ đạo công cuộc cải cách thể chế và thủ tục hành chính, vẫn đang còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay.

Mới chỉ điểm lại mấy lời Bác dạy, chúng ta đã thấy tầm tư tưởng vượt thời gian của Bác về khát vọng đất nước hùng cường, về kinh tế thị trường, và vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân, về yêu cầu cải cách thể chế và phát triển. Đó là ngọn đuốc soi đường, là niềm tin mãnh liệt, là điểm tựa vững chắc của Đảng ta, của Nhân dân ta trên chặng đường đi tới vì một Việt Nam Nước mạnh Dân giàu.

Cuối cùng, tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều: Bác Hồ nói: “phải yêu nước thương dân” và chúng ta hiểu rằng, cách thương dân thiết thực nhất là lo được việc làm đàng hoàng, đầy đủ cho người dân. Người tạo được nhiều việc làm đàng hoàng cho người dân nhất là người yêu nước nhất. Doanh nhân Việt Nam nguyện “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” để làm theo lời Bác, xứng đáng với danh hiệu “Anh Bộ đội Cụ Hồ” trên trận tuyến kinh tế, xây dựng “nền kinh tế quốc dân thịnh vượng” góp phần đưa Dân tộc Việt Nam “bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ.

Gần đây, VCCI tiến hành một cuộc khảo sát về thực trạng của cộng đồng doanh nghiệp, thì có tới 55% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục duy trì quy mô sản xuất hiện tại trong quý III, 22% có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh, chỉ 21% sẽ thu hẹp quy mô, tạm dừng hoạt động. Xu hướng này tốt hơn rất nhiều so với thực trạng doanh nghiệp mà VCCI công bố 1 tháng trước đây, khi tới 80% doanh nghiệp cho biết khó có thể trụ vững sau 12 tháng tới.

Một lần nữa sức sống, kiên cường, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện khó khăn, khủng hoảng lại bừng dậy. Một điều rất đáng trân trọng nữa là với nhiều doanh nghiệp, dù lợi nhuận không còn, thậm chí thua lỗ, doanh thu sụt giảm, nhưng các doanh nhân vẫn cố gắng tới mức cao nhất chăm lo cho người lao động, tỷ lệ việc làm vẫn duy trì ở mức rất cao, cho thấy tình cảm và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, doanh nhân. Họ chính là những cỗ máy tạo việc làm của nền kinh tế - những người dám đánh đổi sự bình yên của cá nhân và gia đình mình để làm giàu đất nước và lo sinh kế cho dân.

Cha ông ta thường nói: Tiền là “bạc”, thời gian mới là “vàng”. Khi tôi hỏi lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn, ngay cả trong lúc đang khó khăn nhất của đại dịch, xem họ cần gì, họ đã thẳng thắn và chân tình chia sẻ: biết Nhà nước khó khăn, doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế. Tâm thế đó của doanh nghiệp là tâm thế của người chiến thắng.

Chúng ta càng hiểu một điều giản dị là chính sự minh bạch hóa, đơn giản hóa để rút ngắn tối đa thời gian và chi phí thực hiện các thủ tục hành chính mới là giải pháp cứu cánh bền vững cho doanh nghiệp.

Lan Anh ghi

Thiết kế: Thu Hằng

Ảnh: Lê Anh Dũng