icon icon

Đã hơn 4 tháng kể từ thời điểm 3 liệt sĩ phòng cháy chữa cháy (PCCC) - Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, hy sinh khi làm nhiệm vụ, thân nhân của họ vẫn chưa hết nguôi ngoai.

Chia sẻ với VietNamNet, ông Đỗ Văn Tư, bố của liệt sĩ Đỗ Đức Việt nói: “Làm sao mà nguôi ngoai được. Đó là một khoảng trống rất lớn, sẽ rất lâu mới lấp đầy".

"Bà nhà tôi mỗi lần nhìn ảnh con vẫn khóc. Nhà có mấy người, bữa cơm hay công việc gì vẫn luôn đầy đủ, ấm cúng, quây quần bên nhau. Chúng tôi nhiều lúc cố dằn lòng, kìm nén, không muốn nhắc lại những kỷ niệm… để bớt đau lòng.

Ngày 24/11 là sinh nhật Việt. Các bạn, đồng đội của con mua bánh sinh nhật, mua hoa… đến tổ chức để tưởng nhớ em. Biết là các bạn thương nhớ Việt, nhưng chúng tôi chưa hết đau lòng”, ông Tư tâm sự.

Ông Đỗ Văn Tư bộc bạch: "Người mất cũng đã mất rồi, chẳng thể lấy lại được, nhưng những tình cảm của tất cả lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố và người dân toàn quốc khiến gia đình rất xúc động".

Bố của Thượng úy Đỗ Đức Việt, ông Đỗ Văn Tư cũng công tác trong ngành Công an. Từ ngày còn nhỏ, ngưỡng mộ người cha của mình, Việt đã quyết tâm theo nghiệp của cha, để trở thành người chiến sĩ trên mặt trận chống lại giặc lửa, bảo vệ bình yên cuộc sống.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thu Huyền, vợ của liệt sĩ Đặng Anh Quân cũng không giấu được sự xúc động. "Mọi người trở lại cuộc sống bình thường rồi nhưng lòng tôi vẫn nặng trĩu nỗi mất mát. Thay mặt gia đình, tôi xin cảm ơn sự động viên, chia sẻ của mọi người khi khó khăn nhất. Mẹ con tôi vượt qua cú sốc cũng một phần nhờ sự động viên của tất cả mọi người", chị Huyền nói.

Từ khi anh Quân hy sinh, chị trở thành trụ cột cho cả gia đình. Vừa lo công việc cơ quan, chị thay chồng chăm sóc mẹ và hai con. Công việc cuối năm bộn bề, từ việc to đến việc nhỏ, chị đều xắn tay, thay chồng…

Nỗi đau mất mát theo thời gian chưa hẳn đã nguôi ngoai đối với bà Trần Thị Thuỷ - mẹ Thượng tá Đặng Anh Quân. Quán nước nhỏ bên hồ Láng vẫn được bà duy trì, phần có thêm thu nhập, phần đỡ trống trải, bớt nghĩ đến người con hiếu thảo bao năm qua cùng mẹ tảo tần chăm lo gia đình, giúp mẹ nuôi em gái đến khi trưởng thành.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, mẹ liệt sĩ Nguyễn Đình Phúc chia sẻ: Việc xảy ra với con dù gia đình rất đau xót, nhưng đây là nhiệm vụ, công việc Phúc lựa chọn.

"Trước khi đi thực hiện nghĩa vụ, Phúc đã thi đỗ đại học và học tiếng Anh rất giỏi. Khi đi nghĩa vụ, Phúc trưởng thành hơn nhiều, biết nghĩ đến mẹ hơn, chăm lo hỏi han mẹ nhiều hơn”, bà Hạnh ngậm ngùi.

Ngày Phúc còn bên mẹ, bà Hạnh cho biết, Phúc thường xuyên chia sẻ, còn nói đi nghĩa vụ không phải là chấm dứt con đường học tập. Phúc lựa chọn đi nghĩa vụ và làm nhiệm vụ chữa cháy bởi yêu thích công việc này. "Vì thế, Phúc thường xuyên xung phong đi làm nhiệm vụ mỗi khi có việc", bà Hạnh kể.

“Mất con thì người mẹ nào không đau xót, nhưng mẹ tự hào về con, con hy sinh nhưng nhiều người giành được sự sống”, bà Hạnh nghẹn giọng.

Tâm sự về 3 đồng đội hy sinh, Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH TP Hà Nội xúc động: "Đây là những đồng đội được tôi rèn, là những cán bộ xuất sắc, đam mê và luôn nhiệt huyết trong công tác". 

Nói về sự ra đi của 3 chiến sĩ cứu hỏa, Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Hải Trung bày tỏ: "Dù có nói bao nhiêu đi chăng nữa, viết bao nhiêu đi chăng nữa, dùng bao nhiêu mỹ từ đi chăng nữa cũng chẳng thể nói hết được sự hy sinh cao cả, phẩm giá trong sáng của các chiến sĩ".

Người đứng đầu Công an thành phố cũng xót thương chia sẻ: "Dẫu biết rằng con người có số, ai rồi cũng phải chết, nhưng cái chết của các đồng chí đã nhường lại sự sống cho biết bao người khác; như đã có thơ rằng "có cái chết hóa thành bất tử", "sống là cho, chết cũng là cho".

Vậy nên các đồng chí sẽ sống mãi trong lòng những người thân, những người đồng chí, đồng đội và tất cả những người có lương tri và phẩm giá".

Kiên Trung - Đình Hiếu - Thiết kế: Vũ Minh Hòa

Đi đến trang sự kiện