Cách đây 6 năm (2016), trong cuộc làm việc với nguyên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Sở GD-ĐT TP.HCM đã kiến nghị những cơ chế đặc thù, trong đó đề nghị giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo đó, Bộ GD- ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi toàn quốc. Cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường, cả trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại….
 
Đến năm 2018, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017 - 2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TP.HCM tiếp tục đề xuất vấn đề này.

Năm 2021, trong báo cáo tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8/6/2012 và Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017, Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa kiến nghị được áp dụng cơ chế đặc thù. Bộ GD-ĐT giao quyền cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm tra đánh giá, công nhận tốt nghiệp THPT.  

Mới đây nhất, trong dự thảo Báo cáo công tác phát triển giáo dục đào tạo TP.HCM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 của ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT gửi Thường trực UBND thành phố, Sở GD-ĐT kiến nghị Bộ GD-ĐT giao UBND TP.HCM chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT tại địa phương. Đề thi do các Sở GD-ĐT tự xây dựng theo quy định của quy chế thi và bảo đảm đúng cấu trúc, định dạng đề thi do Bộ GD-ĐT ban hành. Dự kiến đề xuất này sẽ được đề đạt trong cuộc làm việc với Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vào hôm nay (25/2). 

Có được không?
 
Tự chủ trong tốt nghiệp THPT được đưa ra bàn luận nhiều nhất 2 năm vừa qua khi dịch Covid-19 căng thẳng. Lúc đó TS Luật học Nguyễn Ngọc Sơn lý giải rằng Luật Giáo dục năm 2015 và Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định rất rõ đối với chương trình THPT, dự thi đạt yêu cầu thì được cấp bằng tốt nghiệp. Nhưng Luật không quy định tổ chức thi dưới hình thức nào hay cụ thể như thi tập trung, địa phương, từng trường tổ chức. 
 
Chia sẻ với VietNamNet, một chuyên gia giáo dục ở TP.HCM, cho rằng TP.HCM đề xuất tự chịu trách nhiệm toàn diện chỉ đạo thực hiện tất cả các khâu tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, ra đề thi là đúng luật nhưng điều lo là đầu vào ĐH không đồng đều nếu mỗi tỉnh đều tự ra đề. Việc này cũng không đánh giá năng lực của học sinh trong cả nước để so sánh, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
 
Theo ông nếu học sinh TP.HCM học theo chương trình riêng biệt thì việc tự chịu trách nhiệm thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT, ra đề thi tốt nghiệp là đúng, nhưng vấn đề hiện nay là chương trình giáo dục phổ thông thì chung cho cả nước. Nếu bây giờ địa phương nào cũng tự ra đề thi tốt nghiệp sẽ nảy ra sinh các vấn đề tiêu cực như lò luyện thi, đề thi chênh lệch, không khách quan… Trong khi đó, trình độ học sinh TP.HCM so với các địa phương khác chỉ có môn Tiếng Anh là tốt hơn.

Lê Huyền

Bộ GD-ĐT công bố chi tiết lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, trong đó thông báo rõ lịch thi từng buổi.