icon icon

Một sáng giữa tháng 11, Nguyễn Tú Anh (SN 1985, TP.HCM) tất bật chuẩn bị hoạt động Đọc sách tặng cây ở một góc Nhà văn hóa Thanh Niên TP.HCM.

Anh bày biện, sắp đặt những chậu cây xanh, sửa lại kệ trưng bày hàng trăm cuốn sách rồi mời khách đến đọc miễn phí. Tại đây, sau khi đọc sách, khách sẽ được Tú Anh tặng một cây xanh tùy thích.

Đây là một trong những hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc của Tú Anh sau hơn 11 năm miệt mài thực hiện khát vọng xây dựng 1001 thư viện cho trẻ vùng sâu, vùng xa.

Tú Anh trong hoạt động Đọc sách tặng cây do anh tổ chức mới đây.

Tú Anh kể: “Năm 2011, tôi lên vùng cao du lịch. Tại đây, tôi thấy các em nhỏ rất vất vả. Dù tuổi còn rất nhỏ, nhiều em đã phải đi núi, đi rừng. Các em đã phải cầm cuốc để cuốc những rẻo đất nhỏ hẹp, trải đầy sỏi đá ở bên đường để trồng bắp, trồng khoai...

Tôi nán lại làm quen, trò chuyện, chơi đùa cùng các em. Lúc đó, tôi không có quà gì để tặng các em ngoài việc nhớ ra mình mang theo vài quyển sách. Tôi đưa sách cho các em xem và thấy rằng các bé vô cùng thích thú”.

Trở về nhà, hình ảnh trẻ em vùng cao đối mặt với tương lai mờ mịt luẩn quẩn mãi trong tâm trí chàng trai trẻ. Tú Anh cảm thấy mình phải làm gì đó để các em sau này cuộc sống tốt hơn, tươi sáng hơn.

Tú Anh mong muốn các em nhỏ ở vùng cao, vùng khó khăn được tiếp cận tri thức thông qua những quyển sách.

“Tôi cho rằng, muốn thoát khỏi cảnh tương lai mờ mịt, các em phải có tri thức. Nhớ lại lần lên bản chơi, tặng sách và được các em nồng nhiệt đón nhận, tôi nghĩ đến việc sẽ mang thêm sách từ dưới xuôi lên cho các em để các em giàu thêm tâm hồn, có thêm kiến thức”, Tú Anh nói.

Tin tưởng suy nghĩ của mình là đúng, Tú Anh háo hức tìm cách quyên góp sách. Anh cũng đến các tiệm sách cũ để xin, bỏ tiền túi ra mua.

Thời điểm ấy, có lúc Tú Anh rong ruổi ngoài đường cả ngày với chiếc xe máy cũ để tìm mua, xin sách. Cuối ngày, anh trở về với những chồng sách cũ, mới được cột chặt phía sau yên xe.

Gom đủ sách, Tú Anh ngồi phân loại, đóng lại thành từng thùng rồi lại hăm hở mang đến những bản làng xa ở vùng cao gửi tặng hoặc tổ chức lễ hội sách cho các em nhỏ.

Mỗi lần được nhận sách, các em đều rất vui và say sưa đọc. Nhiều em say sưa với những cuốn sách như thể đó là thứ các em lần đầu tiên được thấy trong đời. Những hình ảnh ấy đã tiếp thêm động lực cho chàng trai trẻ.

Tú Anh tự nhủ sẽ phải mang nhiều sách hơn đến cho các em. Anh quyết định đặt mục tiêu lập 1001 thư viện miễn phí cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, cao nguyên, hải đảo. Để hiện thực hóa ước mơ, Tú Anh mở rộng chiến dịch quyên góp sách cũ.

Những quyển sách của Tú Anh luôn được các bạn nhỏ ở  vùng cao nồng nhiệt đón nhận. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Anh cũng tự trích tiền lương của mình để mua bổ sung các loại sách mới, sách không xin được. Sau nhiều năm hoạt động đơn độc, Tú Anh bắt đầu lan tỏa được công việc đầy nhân văn của mình ra cộng đồng.

Dần dần, anh có thêm nhóm bạn, người cùng sở thích đồng hành trên hành trình hiện thực hóa giấc mơ xây 1001 thư viện sách khắp bản làng xa. Tú Anh đặt tên nhóm là Chủ Nhật yêu thương.

Hiện, anh và thành viên Chủ Nhật yêu thương tự đóng góp số tiền nhiều trăm triệu đồng/mỗi lần mua sách để thành lập thư viện miễn phí cho trẻ vùng cao. Mỗi Chủ Nhật, nhóm sẽ tập hợp phân loại, sắp xếp sách để gửi đến nơi cần.

Tú Anh chia sẻ: “Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã thành lập được 700 thư viện ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Để đáp ứng cho việc thành lập thư viện, nhóm tự góp tiền mua sách. Có lần, chúng tôi mua đến vài trăm triệu đồng tiền sách.

Sau khi mua, chúng tôi cùng nhau sàng lọc, chọn lựa đóng dấu thư viện rồi đóng thành từng thùng theo từng cấp học như: mầm non, mẫu giáo, tiểu học… Sau đó, sách sẽ được chuyển đến từng địa phương, đơn vị đã liên hệ từ trước”.

Tú Anh và nhóm thành viên đang thực hiện nhiều hệ thống thư viện gồm: thư viện trong trường học, thư viện trong nhà văn hóa thôn bản, thư viện trong gia đình, trong cơ sở tôn giáo như: nhà thờ, chùa, thậm chí là nhà tù…

Hiện nay, đều đặn 2-3 lần mỗi năm, Tú Anh và nhóm đến các làng, bản, thôn, xóm thuộc vùng sâu vùng xa để tổ chức lễ hội sách cho các em nhỏ. Vừa qua, anh và Chủ Nhật yêu thương thực hiện thành công lễ hội sách cho các em nhỏ ở tỉnh Gia Lai.

Tháng 12 này, Tú Anh và nhóm sẽ đến tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn để tặng sách, máy tính, nhạc cụ và các thiết bị giáo dục cho các điểm trường ở xã, huyện khó khăn. Chỉ tính riêng năm 2022, nhóm đã tặng hơn 100.000 quyển sách các loại.

So với trước đây, việc thành lập thư viện, tặng sách của nhóm dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Ngày trước, mỗi khi Tú Anh đem sách lên vùng cao, địa phương khó khăn thường không được bà con đón nhận.

Nhiều người chỉ mong đợi được nhận quà từ thiện là thực phẩm và tiền mặt… Thấy anh mang sách đến tặng cho con em mình, họ không vui thậm chí phản ứng. Có trường hợp, Tú Anh và nhóm đem sách đến thành lập thư viện xong khi quay lại thì không còn quyển sách nào.

Tú Anh nói: “Những điều ấy khiến tôi rất buồn. Bởi công sức, tâm huyết của mình dành cho việc tặng sách, thành lập thư viện rất lớn. Tuy vậy, chúng tôi vẫn cố gắng để thay đổi nhận thức đó từng ngày. Đến nay, những trường hợp như thế hiếm dần.

“Chúng tôi tìm ra cách chỉ chuyển sách đến người cần, chứ không còn tình trạng đi vận động người khác nhận sách của mình nữa. Hiện nay, phần lớn các địa phương cần sách, thành lập thư viện miễn phí sẽ liên hệ với nhóm.

Tú Anh nói: "Dù không thể giúp tương lai các em tốt hơn trong ngày một, ngày hai nhưng chúng tôi đã và đang tạo cho các em thói quen đọc sách, trau dồi kiến thức”.

Tùy nhu cầu, chúng tôi sẽ gom sách, gửi đi. Tất cả các chi phí trong quá trình này, nhóm đều tự chi trả. Tôi và các thành viên rất hạnh phúc khi được một thư viện nào đó liên hệ, xin bổ sung sách. Bởi điều này cho thấy thư viện đã được đón nhận, hoạt động tốt”, anh nói thêm.

Với 700 thư viện miễn phí rải khắp các tỉnh thành trong cả nước, Tú Anh và Chủ Nhật yêu thương có thể tự hào khi đã tiệm cận ước mơ lập 1001 thư viện bản xa. Tuy vậy, Tú Anh không có ý định dừng lại.

Anh quả quyết sau khi hoàn thành chặng đường trên sẽ tiếp tục khởi động mục tiêu 1001 thư viện bản xa lần 2, lần 3… Anh quyết định không nghỉ ngơi vì “phải chạy đua với sự ảnh hưởng của các thiết bị điện tử di động đến văn hóa đọc”.

Anh nói: “Tôi tin, những quyển sách hay sẽ kéo các em về với văn hóa đọc. Khi công nghệ phát triển, chúng tôi có thể nghĩ đến việc thành lập thư viện số ở những nơi xa xôi. Thế nên, tôi cảm thấy mình không thể dừng lại và sẽ không bao giờ dừng lại hành trình đem tri thức đến cho các em. Hiện tại, tôi thấy mình và nhóm phải cố gắng đem nhiều sách hơn, nhanh hơn và hay hơn đến cho các em”.

Lần tổ chức hoạt động Đọc sách tặng cây của nhóm mới đây, ngay ngày đầu tiên, Tú Anh đã đón nhận nhiều trường hợp các em nhỏ đến ngồi đọc sách say sưa.

Đặc biệt hơn cả là trường hợp bé gái lớp 2 đến ngồi đọc sách từ 16h-18h chiều dù không hề biết mình vừa được đọc sách miễn phí vừa được tặng cây. Cuối ngày, sau khi đọc trang cuối cùng của quyển sách, Tú Anh đến bên bé gái, ngỏ lời tặng bé một cây xanh tùy thích.

Anh kể: “Biết được tặng cây, bé vừa bất ngờ vừa rất phấn khích. Bé liên tục nhảy múa thể hiện sự vui mừng trong lúc đợi tôi lấy cây cho mình. Hôm sau, nhiều bé khác cũng đến đọc.

Mỗi lần như vậy, tôi chỉ động viên: “Các con cứ đọc đi. Đọc xong, các con sẽ được chọn một cái cây cao bằng chiều cao những quyển sách các con đã đọc”.

Những năm gần đây, Tú Anh và Chủ Nhật yêu thương nhận về nhiều hơn những kết quả ngoài mong đợi từ khát vọng thành lập 1001 thư viện bản xa. Những quyển sách của anh và nhóm đều được các em nhỏ dù ở nơi đảo xa hay vùng cao nghèo khó nồng nhiệt đón nhận.

Tú Anh nhớ lần mang sách ra một hòn đảo xa thuộc tỉnh Kiên Giang để tổ chức lễ hội sách cho các em nhỏ. Tại đây, anh vô tình được nghe được câu chuyện của 2 em đang học lớp 4. 

“Một bé chỉ về phía Tú Anh và nói với bạn: “Chú áo xanh này có nhiều sách hay lắm”. Điều này khiến anh rất hạnh phúc. Bởi nó khẳng định những quyển sách anh và Chủ Nhật yêu thương trao đi rất chất lượng và được các bé đón nhận bằng cả tấm lòng.

Một lần khác, Tú Anh “cõng sách” lên một bản làng cao nhất ở núi Tây Côn Lĩnh, tỉnh Hà Giang. Lần ấy, ngoài sách, nhóm của Tú Anh còn mang tặng cho các em sữa, bánh kẹo, thức ăn nhanh…

Tuy nhiên, nhiều em nhỏ lại chỉ thích đọc sách và quên luôn việc ăn những hộp bánh, sữa, kẹo, trái cây do anh vừa gửi tặng. Các bé cứ say sưa với những cuốn sách như thể đó là thứ các em lần đầu tiên được thấy trong đời.

Tú Anh chia sẻ: “Sau hơn 10 năm thực hiện ước mơ giúp đỡ các em, tôi nhận thấy con đường mình đang đi là đúng đắn dù rất chậm. Dù không thể giúp tương lai các em tốt hơn trong ngày một, ngày hai nhưng chúng tôi đã và đang tạo cho các em thói quen đọc sách, trau dồi kiến thức”.

“Những kỷ niệm, hạnh phúc vô hình ấy cho chúng tôi thấy việc làm này thật ý nghĩa. Hơn thế, nó chứng minh hành trình ấy mang lại hiệu quả và giúp chúng tôi có thêm động lực để đóng sách, xây thư viện đến khi nào không còn sức nữa”.

Bài: Hà Nguyễn

Ảnh: Chí Hùng

Thiết kế: Hoàng Cúc

Hà Nguyễn

Xem các bài viết của tác giả
Đi đến trang sự kiện