Nơi đây không chỉ thích hợp để bảo tồn môi trường sinh thái, để phát triển du lịch cộng đồng và phát huy những nét văn hóa độc đáo, tập tục và lối sống phong phú của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Thái.

Nhận thấy tiềm năng du lịch từ các tài nguyên du lịch tự nhiên cũng như tài nguyên du lịch nhân văn, trong những năm gần đây tỉnh Nghệ An đã có chủ trương phát triển loại hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa ở các huyện miền Tây Nghệ An.

Để đáp ứng nhu cầu lao động phục vụ phát triển loại hình du lịch này, một bộ phận cộng đồng miền Tây Nghệ An đã được tập huấn qua các chương trình, dự án khác nhau. 

Tại huyện Con Cuông, Dự án hỗ trợ xây dựng mô hình Phát triển du lịch sinh thái, làng nghề dệt thổ cẩm gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững được xây dựng tại bản Xiềng, xã Môn Sơn. Người dân nơi đây được tham dự các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch phục vụ du khách cho cộng đồng và tập huấn về bảo vệ, khoanh nuôi, rừng và bảo tồn, phát triển cây nhuộm màu tự nhiên.

Với mô hình du lịch này, khách du lịch sẽ được tham quan làng dệt thổ cẩm, trải nghiệm công việc dệt vải, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, … Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ, trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp. Nhiều hộ gia đình đã cùng liên kết với nhau, tạo thành các hợp tác xã về du lịch, được chứng nhận Ocop 3 sao để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, Con Cuông còn nhận được sự tiếp sức từ Dự án Phát triển Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đệm VQG Pù Mát do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SPG) tài trợ. Dự án được triển khai tại xã Môn Sơn (Con Cuông) và Tam Đình (Tương Dương) nhằm hướng tới mục tiêu trước mắt là góp phần bảo tồn đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững với phát triển du lịch sinh thái.

Qua thời gian thực hiện, du lịch cộng đồng ở miền Tây Nghệ An đã có những khởi sắc. Lượng khách du lịch đến miền Tây Nghệ An thời gian qua gia tăng nhanh chóng. Trong những năm gần đây, huyện Con Cuông thu hút lượng khách du lịch ngày càng đông. Nhờ đó, đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ có thêm nguồn thu nhập mà nhiều những nét văn hóa truyền thống đã tiếp tục được giữ gìn và phát triển.

Trong thời gian tới, chính quyền và người dân Con Cuông sẽ tiếp tục chú trọng các công tác đào tạo, ý thức sâu sắc về giá trị văn hóa địa phương mình. Song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá tiền năng du lịch như đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, quan tâm bảo vệ môi trường và tôn tạo tài nguyên, phát triển văn hóa truyền thống kết hợp khôi phục và bảo vệ các làng nghề truyền thống của làng bản. Đồng thời tăng giải pháp đầu tư, huy động vốn đầu tư, cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, quản lý du lịch cộng đồng để thu hút du khách đến với huyện Con Cuông ngày càng tăng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Huyện.

Lan Anh, Vũ Lụa, Thanh Sơn, Ngọc Ánh