Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, sự giao thoa, du nhập văn hóa của các vùng miền đang có xu hướng lấn át, làm mờ nhạt văn hóa bản địa. Một số giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số không còn lưu giữ được, hoặc bị biến đổi, không đúng nguyên gốc của nó.

Sự tác động mạnh mẽ của đời sống hiện đại đang bào mòn một số di sản văn hóa còn sót lại của đồng bào dân tộc ít người.

Một số phong tục tập quán mang nét đẹp văn hóa lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao đang bị biến tướng một cách phản cảm, không phù hợp với bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào, như tục “bắt vợ”, “kéo vợ” của đồng bào Mông, hay tục uống rượu “khát vọng”, “tắm tiên” của đồng bào Thái…

Trước kia, ở các phiên chợ các chàng trai, cô gái thường thổi kèn lá để tìm bạn tình; khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, dùng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu; đi chơi hội Gầu tào, họ dùng đàn ống để làm phương tiện chuyển tải tình cảm của mình… Nhưng nay, nhiều nơi nhất là lới thanh, thiếu niên đã “quên” dùng nhạc cụ “khèn”, “lá” “sáo”, “đàn môi”….

Hàng nghìn buôn, bản, làng truyền thống với giá trị văn hóa tiêu biểu cho các dân tộc đang có nguy cơ biến mất, hoặc biến dạng. Nhiều dân tộc chỉ còn lại khoảng vài chục người già, cao tuổi biết tiếng của dân tộc mình, rồi những lễ hội truyền thống, những tục lệ đẹp nhiều khi chỉ còn trong trí nhớ của một số nghệ nhân, già làng, trưởng bản.

Không thể phủ nhận, quá trình đô thị hóa cùng sự bùng nổ thông tin bởi công nghệ hiện đại, sự giao lưu văn hóa diễn ra rất nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số đang đứng trước những thách thức lớn do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển.

Bởi vậy, báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, một trong những nhiệm vụ và giải pháp về công tác dân tộc trong thời gian tới xác định phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cụ thể:

Một là, nâng cao chất lượng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tiếp tục đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gắn với di tích lịch sử văn hóa ở từng vùng, từng địa phương; tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc cho đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều phương thức như: Ban hành các chính sách khuyến khích xây dựng thư viện tư nhân, thư viện cộng đồng, tủ sách xã; các ban, bộ ngành Trung ương phối hợp chỉ đạo, tăng cường luân chuyển sách báo và phát triển hệ thống các điểm phục vụ lưu động tại cơ sở; chú trọng đến các xuất bản phẩm bằng tiếng dân tộc; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hai là, có chính sách hiệu quả để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Ba là, tăng cường công tác truyền thông bằng tiếng dân tộc trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nâng cao năng lực cho các phóng viên, biên tập viên các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa, ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, hỗ trợ phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao, hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ văn hóa là người dân tộc thiểu số.

Văn Minh, Quốc Tiến, Văn Điệp