Mới đây Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan có bài viết tựa đề Xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người. Mở đầu bài viết bàn về sức mạnh mềm ẩn chứa trong mỗi công trình nông thôn mới, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn viết: Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi.

Dẫn câu chuyện chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, góp phần tạo nên sức bật cho cả đất nước Hàn Quốc. Điều đặc biệt được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá nhân loại.

Người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt câu hỏi: "Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan toả toàn cầu?" và ông cũng đưa ra câu khẳng định: "Đấy chính là nhận thức về văn hoá như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước."

Từ câu chuyện truyền cảm hứng của Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc, ông Lê Minh Hoan đúc kết:

Nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển. Ấn tượng với câu khẩu hiệu của đất nước làm nên kỳ tích Saemuel Udong: “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”, quan điểm của ông Lê Minh Hoan về xây dựng nông thôn mới hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Làng quê giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa. 

Nông thôn cần được xem là một di sản. Trong khi đô thị được xem là hình ảnh đại diện cho mức độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, thì nông thôn chính là nơi gìn giữ trọn vẹn đời sống tinh thần, bản sắc văn hoá dân tộc, giá trị tinh thần cốt lõi. Không chỉ là không gian sống hữu hình, nông thôn còn là không gian tâm thức, trong đó văn hoá tạo ra giá trị tâm thức. Đó chính là các yếu tố để nông thôn trở thành di sản.

Xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần Sức mạnh mềm nông thôn mớicon người. Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá. Khi và chỉ khi văn hoá len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hoá” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hoá được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn.

Kết thúc bài viết ông Lê Minh Hoan đề xuất một số kiến nghị:

Một là, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “Gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Chương trình nhằm cụ thể hoá Luật Di sản Văn hoá, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc 2022. Chương trình huy động nguồn lực xã hội cùng tham gia hành động vì một Việt Nam hùng cường, giàu bản sắc, tự tin đóng góp cho kho tàng văn hoá nhân loại.

Hai là, cần có những chương trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hoá dân tộc liên tục. Chúng ta đang đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như: bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Đã có những đứt gãy văn hoá nông thôn.

Ba là, với ý nghĩa và tầm quan trọng của văn hoá nông thôn, cần đến tư duy hệ thống và hành động hệ thống. Văn hoá không thể áp đặt một cách khiên cưỡng. Cần xây dựng những tiêu chí về văn hoá nông thôn có thể đo lường được. Cần trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.

Yên Hưng (tổng hợp)