Không nhiều người đam mê chạy bộ biết anh Ngô Lâm (SN 1981, Bà Rịa - Vũng Tàu) về đích các giải chạy phong trào, hoàn thành cự ly marathon đường nhựa, siêu marathon đường núi dài 70km... từng chật vật chống lại căn bệnh ung thư máu. 

Sau thời gian dài chiến đấu và chiến thắng tử thần, anh tự nhủ mỗi tháng cố gắng tham gia ít nhất một giải chạy bộ. 

"Nhiều người nghĩ ung thư là án tử, nhưng tôi cho rằng đó là khởi đầu của một quá trình kỳ diệu. Chính bản thân tôi là một minh chứng, giúp người mắc ung thư thay đổi cách nhìn”.

Sinh ra và lớn lên ở cù lao quận Phú Nhuận, TP.HCM, anh Ngô Lâm có tuổi thơ chạy nhảy chơi đùa như bao bạn bè. Tuy nhiên, chàng trai năm ấy yếu ớt và rất dễ ốm. Thấy thể trạng con trai như vậy, gia đình và người thân hướng anh theo học ngành thiết kế thời trang, một nghề “hot” dễ xin việc thời đó.

Ra trường, anh Lâm lại có duyên với nghề xây dựng, làm thiết kế cho một công ty bất động sản. Để thuận lợi cho công việc, anh cùng vợ con chuyển ra Vũng Tàu sinh sống.

Áp lực kinh tế dần khiến cho anh bị cuốn vào vòng xoay của những cuộc nhậu với bạn bè, có ít thời gian dành cho gia đình và vợ con.

Năm 2015, cơ thể anh Lâm có những dấu hiệu báo động về sức khỏe như thường xuyên ốm vặt, dễ bị cảm và liên tục nhiệt miệng.

"Từ nhỏ, mẹ thường xuyên nói tôi có sức đề kháng yếu. Vì thế, tôi mặc định việc mình đau ốm là chuyện đương nhiên và không có động lực để rèn luyện sức khỏe. Tôi cũng chủ quan không đi khám và cũng không muốn tâm sự cùng ai", anh Lâm nhớ lại.

Khi liên tục bị nhiệt, vết loét từ trong họng ra ngoài miệng, anh Lâm mua thuốc uống. “Tôi cứ uống thuốc 2-3 tháng, vết thương lành được 1 tuần xong lại bị, tôi vẫn không hiểu vì sao”, anh kể.

Những biểu hiện sức khỏe suy giảm khiến anh luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi và sống thu mình. Tình trạng này kéo dài 2 năm, cho tới khi liên tục bị chảy máu mũi, anh mới tới bệnh viện khám.

“Bác sĩ phát hiện có khối u nhỏ trong mũi tôi và lấy mẫu sinh thiết. Kết quả, tôi bị ung thư máu hệ bạch huyết và chuyển sang bệnh viện Ung bướu”.

Nghĩ mình chỉ sống được 3 tháng nên anh Lâm hoàn toàn suy sụp. Anh buông xuôi tất cả, tự nhốt mình trong phòng. 

Một hôm, anh nghe thấy vợ dạy con học rồi 2 mẹ con tranh cãi và ôm nhau khóc. Người đàn ông 36 tuổi khi đó bừng tỉnh. Nhìn lại thấy các con của mình còn quá nhỏ, cha mẹ già chưa kịp phụng dưỡng, anh quyết tâm phối hợp với bác sĩ để điều trị bệnh.

Những ngày đầu điều trị, khoảnh khắc sinh tử cận kề, anh vẫn nói với bác sĩ: “Tôi không đầu hàng số phận. Tôi không muốn ra đi, để lại gánh nặng cho vợ con lúc này”.

Chỉ trong hơn 1 năm chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác, anh Lâm đã phải trải qua 25 lần xạ trị, 6 lần hóa trị.

Cơ thể anh trở nên ốm yếu, kiệt sức, mất cân đối. Toàn thân anh tích nước, phù thũng, nặng hơn 80kg. Anh Lâm gần như chỉ nằm một chỗ do các cơ bắp teo lại, mềm nhũn.

Sau vài tháng điều trị, cơ thể anh đáp ứng tốt với thuốc và có những chuyển biến tích cực.

Khi đang ở dưới đáy của biểu đồ sức khỏe, anh Lâm được người thân và bác sĩ động viên tập thể dục để tăng cường thể lực.

“Mỗi hành trình vạn dặm đều bắt đầu từ những bước chân nhỏ bé”, câu nói như một khẩu hiệu để anh Lâm cố gắng mỗi ngày. Anh tự “cài đặt” cho mình một suy nghĩ tích cực, một niềm tin mới rằng mình sẽ sống khỏe mạnh.

Anh lên mạng tìm hiểu các cách rèn luyện sức khỏe. “Tôi đọc được cuốn sách rất hay nói rằng hãy tập luyện ở nơi có rừng, có núi và có biển. Đó là môi trường rất nhiều oxy, cực kỳ tốt cho bệnh nhân ung thư”.

Việc đi bộ 100m lúc đó với người đàn ông U40 đã là quá sức, toàn thân anh đau nhức tới tận xương tủy. Anh Lâm lại một lần nữa định bỏ cuộc.

Đúng lúc đó, anh tình cờ xem được clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bị khuyết tật ở tay, chân nhưng vẫn về đích trong một giải marathon tại Vũng Tàu.

Thêm một clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông khác tham gia chạy ở đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), khi gần về đích, dù kiệt sức nhưng bằng một ý chí phi thường, người đó lăn, bò… để về đích đã truyền cảm hứng cho anh Lâm. 

“Xem clip đó tôi thấy tại sao người ta khuyết tật mà lại có ý chí như vậy. Tôi vẫn còn 2 con quá nhỏ, còn cha mẹ già, còn nhiều dự định dang dở... tại sao tôi lại bỏ cuộc", anh tâm sự.

Nhờ sự hướng dẫn của một người bạn, anh Lâm tập chạy bộ theo phương pháp điều hòa hơi thở và nhịp tim.

Từng bước một, anh dần chinh phục quãng đường chạy từ 10m, 50m, 100m rồi đến 1km, 3km... Mỗi ngày anh cố gắng một chút để có thành tích “khoe” với vợ.

Anh Lâm không thể quên cảm giác lần đầu tiên chạy 1 vòng bờ biển Vũng Tàu với cự li gần 30km.

"Khi về đích, cơ thể tôi 'biểu tình' khủng khiếp, đôi chân không thể nhấc lên. Nhưng sau lượt chạy vượt ngưỡng của bản thân đó, tôi như thức tỉnh và thấu hiểu cơ thể mình. Tôi hưng phấn đăng ký tham gia các giải chạy phong trào như một cách để thử sức và khẳng định bản thân". 

Nhờ việc kiên trì rèn luyện sức khỏe, anh Lâm có thể vượt qua bạo bệnh. Những thành tích anh đạt được trên đường chạy khiến nhiều người nể phục mà quên đi anh từng là bệnh nhân điều trị bệnh ung thư. 

Tham gia các hoạt động phong trào không chỉ để người đàn ông ấy vượt lên chính mình mà còn để lan truyền động lực tập luyện thể dục thể thao tới cộng đồng.

“Với tôi, đó là một hành trình dài khi phải thay đổi. Tôi thay đổi từ cách tư duy tới chế độ ăn uống. Tôi phải chiến thắng bệnh tật để có thể truyền cảm hứng giúp những người ở hoàn cảnh tương tự có thêm niềm tin và động lực”, anh Lâm nói.

Để hoàn thành các chặng marathon với một người bình thường đã khó, với một người mắc bệnh ung thư như anh Lâm còn khó hơn rất nhiều.

Vợ chính là người quan trọng nhất, luôn đồng hành cùng anh trên mỗi chặng đường. Lần đầu tiên, chính chị đã chủ động đăng ký cho anh Lâm tham gia giải chạy tại Vũng Tàu với cự ly 42km. Khi đó, chị đăng ký cự ly 21km để được song hành cùng anh.

“Em đăng ký rồi, anh chạy cùng em nhé”, chị nói với anh khi “sự đã rồi”. Ở cuộc đua đó, anh Lâm đã về đích sau hơn 5 tiếng chiến đấu với chính bản thân mình, chiến thắng nỗi sợ hãi bên trong.

Sau lần đó, chạy bộ và tham gia các giải đua marathon với quãng đường ngày càng dài hơn là cách anh đặt ra những giới hạn mới cho bản thân.

Việc anh tham gia giải chạy khốc liệt với cự ly 70km địa hình đồi núi tại Sa Pa (Lào Cai) năm 2022 và về đích với thành tích 19h21' quả thực là một kỳ tích.

"Trước đó, chưa bao giờ tôi dám hình dung chồng mình lại hoàn thành được quãng đường 70km. Đối với tôi, đó là điều rất tuyệt vời và đáng để tự hào”, vợ anh Ngô Lâm nói.

Từ đó, ít nhất mỗi tháng một lần, anh Lâm đều dành thời gian tham gia các giải chạy bộ không chỉ tại Vũng Tàu mà còn ở khắp các tỉnh thành, truyền năng lượng tích cực tới cộng đồng.

Bên cạnh việc lan tỏa tinh thần tập luyện thể chất, anh Lâm cũng thường xuyên chia sẻ chế độ ăn uống thuần chay theo phương pháp âm dương ngũ hành mà anh áp dụng trong nhiều năm qua. 

"Tôi đã chiến đấu và chiến thắng tử thần nhờ kiên trì tập luyện và tuân thủ chế độ ăn 5 đúng. Đó là đúng màu, đúng vị, đúng thời điểm, đúng cơ địa và đúng thổ nhưỡng. Việc bổ sung dinh dưỡng chủ động kết hợp tập thể dục giúp tôi có cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn", anh Lâm chia sẻ.

Hiện tại, anh Lâm là chủ một nhà hàng chay tại Vũng Tàu và một trung tâm chăm sóc sức khỏe hướng dẫn cộng đồng chế độ ăn uống tập luyện lành mạnh. Một phần lợi nhuận từ nhà hàng và trung tâm, anh dành cho việc chăm sóc người già neo đơn tại các mái ấm, trồng cây gây rừng, bảo vệ môi trường biển…

Giờ đây, anh Lâm hoàn toàn tự tin đi chia sẻ, truyền cảm hứng vượt qua bệnh tật cho những người rơi vào hoàn cảnh giống như anh trước đây.

“Hành trình nào cũng có đích đến. Niềm tin và suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn chiến thắng. Tôi từng bị ung thư máu, từng hóa trị và xạ trị. Nhưng thần chết cũng phải chào thua tôi. Tôi làm được, chắc chắn bạn sẽ làm được tốt hơn tôi”. 

Ảnh: NVCC

Thiết kế: Minh Hòa