Đó là câu chuyện của bà Hoàng Thị Phương Vinh (nguyên cán bộ thuộc đoàn văn công Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) – người có nhiều lần được gặp Bác Hồ.

Tuổi 83, mái tóc trắng như cước, dáng người chậm rãi từ tốn, gương mặt phúc hậu. Một ngày tháng 5, bà Hoàng Thị Phương Vinh lật đật đi họp mặt với mấy chị em đoàn văn công thuộc Tổng cục Chính trị. Hai năm dịch Covid-19 không được gặp nhau, những người bạn già hồ hởi tay bắt mặt mừng, hầu hết trong số họ đã có vài lần được gặp Bác Hồ. Mỗi lần gặp Bác, trong khoảng thời gian ngắn ngủi, với từng bối cảnh, nội dung sự kiện khác nhau, nhưng ấn tượng để lại trong lòng họ về vị lãnh tụ kính yêu đều rất gần gũi, thân thiết.

Sinh thời, Bác Hồ là người rất yêu quý thanh thiếu niên, nhi đồng, Người luôn dành tình cảm quan tâm đặc biệt đối với thế hệ trẻ của đất nước. Tình cảm và sự quan tâm chăm sóc của Bác được thể hiện ở nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau.

Phương Vinh là con gái cả trong gia đình có sáu chị em ở vùng quê chè Thanh Ba (Phú Thọ). Tuổi thơ của bà gắn bó với người mẹ khi phải lo liệu việc trong gia đình, hái chè và cơm nước... tất bật đêm ngày. Thời đó, những vạt chè trên đồi quanh nhà bà trải dài, nhấp nhô như sóng lượn, xanh ngút mắt; những tưởng cả thanh xuân sẽ gắn bó nơi đó.

Tuy bận học hành và công việc gia đình, nhưng Phương Vinh vẫn nhiệt tình tham gia phong trào thanh thiếu niên, dạy bình dân học vụ, tham gia đội văn nghệ xã, làm thư ký của Uỷ ban Kháng chiến hành chính xã, văn hoá đã học hết lớp 5.

Đầu tháng 5, men theo con đồi với những hàng cọ xanh, các anh bộ đội về đến Thanh Ba tuyển quân cho đoàn văn công Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam. “Không hiểu ai chỉ cho mà đến được nhà tôi. Đang đi gác thì bầm (mẹ) chạy ra gọi tôi về. Các anh cho tôi xem ảnh của đoàn và hỏi: ‘Em có thích tham gia văn công không? Tôi đắn đo suy nghĩ”, bà Vinh mở đầu câu chuyện khi nhớ lại cơ duyên đến với quân đội.

Các anh động viên hát thử vài bài. Từ bài “Sắp qua cầu” dân ca quan họ rồi hát xướng âm Đồ Rê Mi Son La, các anh cứ ngồi lặng im nghe cô gái mới chớm tuổi thanh niên hát say sưa.

Bố mẹ của Phương Vinh rất tin tưởng bộ đội nên cho bà tự quyết định.

Qua “cửa ải” tuyển chọn và được gia đình đồng ý, Phương Vinh lại phải thuyết phục thêm chính quyền xã. Khi đó bà mới là đoàn viên lại có năng khiếu hát, múa, đóng kịch; tham gia nhiều công việc ở văn phòng ủy ban nên lãnh đạo xã không muốn mất đi một người “đa năng, chăm chỉ” như bà.

“Lúc đó tôi thuyết phục mãi, với lý do em chưa biết Hồ Hoàn Kiếm, chưa biết Hà Nội trông như thế nào. Cho em đi mấy hôm rồi em về”, bà bật cười với lý do trẻ con thời đó.

Ngày 8/5/1956, Phương Vinh chính thức được nhập ngũ ở tuổi 17, hành trang xuống thủ đô mang theo hai bộ quần áo và chiếc đồng hồ do bố mẹ tặng để xem giờ giấc.

Về đội văn công, đầu tiên được biên chế vào đội hát, sau đó Phương Vinh chuyển sang làm diễn viên múa. Những ngày ở Hà Nội, cô gái vùng trung du miệt mài tập luyện với những điệu múa, câu hát, vì thuộc lớp người trẻ nhất đoàn lại xa gia đình nên được anh chị em đoàn văn công đùm bọc, yêu thương như người nhà. Trụ sở và đồng nghiệp thuộc Tổng cục Chính trị ở phố Lý Nam Đế trở thành “gia đình thứ hai” của bà. Buổi biểu diễn đầu tiên của bà trước đông khán giả diễn ra ở Nhà Hát lớn. Đó cũng là đợt tổng duyệt để chuẩn bị đi công du ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Những điệu múa nón, múa rông chiêng của đồng bào Tây Nguyên, múa sạp của đồng bào Tây Bắc, rồi múa sắc bùa… đều được bà biểu diễn thành thục.

Tập luyện múa được một năm thì bà được đi cùng đoàn đại biểu, biểu diễn ở một số nước: Trung Quốc, Mông Cổ, Triều Tiên, Liên Xô và được dự Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới lần thứ 6 ở Mạc Tư Khoa (Moscow ngày nay). Trên hành trình tàu liên vận, trong 6 tháng, đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam khi đó đã mang văn hóa, bản sắc Việt Nam đi khắp các nước. Đoàn Việt Nam đi tới đâu nhận được sự ủng hộ đến đó.

“Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Võ Nguyên Giáp” - mỗi khi đoàn biểu diễn ở nhà hát hay vườn hoa là người dân ở nước đó họ đồng loạt hô vang như thế. Phong trào cách mạng rồi hình ảnh con người Việt Nam được bạn bè quốc tế rất ngưỡng mộ. Bà Vinh xúc động nói: “Có những bà mẹ Liên Xô đứng đợi chúng tôi hàng giờ đồng hồ chỉ để gặp mặt, ôm hôn. Những chiếc nón chúng tôi mang đi tặng vẫn không đủ”.

Và thật may mắn, thời điểm đoàn văn công diễn ở Bình Nhưỡng (Triều Tiên) đã có cơ hội gặp Bác Hồ. Khi đó, Người cũng đang có chuyến thăm tới các nước xã hội chủ nghĩa. Khi chụp ảnh, ai cũng cố chen vào để được đứng ngồi gần Bác. Thấy Phương Vinh nhỏ tuổi nhất đoàn lại chưa được đến gần Bác lần nào nên mấy anh trong đoàn đã nhường bà. “Đoàn chúng tôi đã nhiều lần gặp Bác ở trong nước, biểu diễn cho Bác xem, nhưng lần này đặc biệt nhất khi gặp Bác ở nước ngoài, hơn nữa tôi còn được đứng ngay cạnh Người”, bà Vinh tự hào kể.

Lúc đó, bà mới nghĩ mình đúng là may mắn và vinh dự, đi cùng đoàn được ra nước ngoài, nay lại được Bác tới thăm. Khi đó khoảnh khắc Bác Hồ tới thăm đoàn văn công được chụp lại, sau vài năm bà được nhận bức ảnh đó và coi như “báu vật”. Bức ảnh chụp ở Triều Tiên được bà treo trang trọng chính giữa nhà với trung tâm là Hồ Chủ tịch, xung quanh là nam nữ thanh niên rạng rỡ, ngay sau lưng Bác là cô văn công Phương Vinh trong bộ áo dài say sưa ngắm nhìn và nghe Bác nói.

Trong không gian nhà riêng với đầy kỷ vật quân ngũ, nâng cốc nước chè tươi, mắt bà Phương Vinh nhoè nước khi ôn lại những kỷ niệm về Bác Hồ. Lần thứ hai bà được gặp Bác Hồ đúng nhân kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1959). Năm đó, Phương Vinh cùng Tuấn Hồng – hai cô thiếu nữ của đoàn ca múa Tổng cục Chính trị có tiết mục biểu diễn chào mừng Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm Việt Nam. Phương Vinh biểu diễn tiết mục múa “Ô Nam Dương”, được Tổng thống khen hay.

Chiều đó, cấp trên đến giao nhiệm vụ đặc biệt cho hai nữ chiến sĩ nhưng không nói rõ nhiệm vụ, khiến hai người rất tò mò. Hai chị em sau khi ăn cơm tối xong mới dặn nhau mặc quân phục thật trang trọng vì không biết đi làm nhiệm vụ gì. Xe đến đón chở đến cổng cạnh vườn hoa Bách Thảo, đến đây thì cả hai mới ngờ ngợ. Vào trong Phủ Chủ tịch, gặp ông Vũ Kỳ (thư ký của Bác) mới nói: “Nay Bác Hồ cho gọi hai cháu vào để gặp và xem phim cùng với Bác”.

“Lúc đó tôi với chị Hồng vui sướng tột độ, ôm chầm lấy nhau vì không ngờ có được may mắn gặp riêng Bác như thế”, bà xúc động nói. Những cảm xúc lẫn lộn, vừa hạnh phúc, hồi hộp lại đan xen sự lo lắng chưa kịp ngoai thì vài phút sau, tiếng chân người bước xạo xạo trên con đường đầy sỏi. Hai cô văn công biết là Bác đến liền chạy lại. Bác mặc quần áo miền Nam, đi đôi dép cao su. Đôi mắt sáng như sao của Người, đôi mắt ấy vừa hiền từ vừa cương nghị, Bác gầy vì lo cho nước, cho dân. Dù là lãnh tụ nhưng Bác lại rất giản dị, gần gũi.

Hai người đi hai bên, vì sợ trời mưa nên Tuấn Hồng cầm ô, còn Phương Vinh cầm khăn để quàng cho Bác đỡ lạnh. Mấy Bác cháu và các cán bộ trong phủ ngồi trong phòng xem bộ phim “Chung một dòng sông”.

Theo dòng ký ức của bà, khi ấy, Bác ân cần hỏi thăm từng người, nghe ông Vũ Kỳ giới thiệu xong, Bác khen: “Các cháu giỏi lắm”. Lời khen của Bác rất ngắn gọn nhưng ai cũng xúc động.

Sau khi xem phim xong, về phòng khách Bác mời hai cô văn công ăn kẹo. Bác hỏi: “Các cháu đã là đoàn viên chưa?” Phương Vinh trả lời: “Chúng cháu là đoàn viên rồi ạ”. Bác nói: “Thế thì tốt, các cháu phải làm thế nào cho xứng đáng là đoàn viên nhé”.

Lần nào cũng vậy, hễ có đồng bào, em nhỏ hay các tầng lớp nhân dân đến thăm, Người cũng đều tặng lại một vài món quà nhỏ đôi khi chỉ là cái kẹo, nhành hoa…Lần gặp hai cô văn công này cũng không ngoại lệ.

Bà Vinh tủm tỉm cười nhớ lại kỷ niệm đẹp trong lần gặp Bác: “Lúc chuẩn bị ra về, chú Kỳ mới thưa với Bác rằng ‘bé Vinh đã có bạn rồi’, tôi mới xấu hổ quá nói “Chú!” - mặt đỏ bừng ngại ngùng chỉ thốt ra được một câu với chú Kỳ. Bác Hồ thấy thế liền bảo ‘À thế có bạn thì thêm một phần nữa”. Phương Vinh thẹn thùng giới thiệu với Bác đó là bộ đội từng chiến đấu ở Điện Biên Phủ, nay đang học văn hóa ở Lạng Sơn.

Bác chia kẹo và một bông hoa ngọc lan cho Phương Vinh thêm một phần nữa để gửi về cho “người thương”. Nhận phần quà tuy nhỏ nhưng đầy tình cảm từ Bác, hai cô văn công đều rơi nước mắt. Ngay khi về đến đơn vị, Phương Vinh đã cẩn thận gói lại cái kẹo và bông ngọc lan cho vào phong bì gửi đến “người thương” ở Lạng Sơn. “Người thương” đó chính là chồng bà - Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Đặng Đức Song.

Đại tá Song kể: “Tôi với Vinh xa nhau nên thường thư từ qua lại, hôm nhận được bì thư này, tôi ngạc nhiên vì dày đến kỳ lạ. Vì ngại với đồng đội nên sau giờ học tôi mới mở ra xem thì biết đó là quà Bác Hồ gửi tặng. Niềm sung sướng trong tôi vỡ òa khi được quà của Bác”.
Bông hoa ngọc lan để mấy ngày thì khô nhưng vẫn tỏa hương thơm ngát, còn kẹo do tiếc mà ông Song không dám ăn, để lâu bị chảy nước làm ông tiếc mãi. 

Về sau để ghi lại khoảnh khắc và kỷ niệm đẹp trong lần gặp Bác, bà Vinh đã làm một bài thơ.

Có lẽ với vợ chồng ông Song và bà Vinh, những năm tháng đó thì chiếc kẹo, bông hoa của Bác Hồ cho không còn là kẹo, là hoa nữa, mà đó là kỷ vật, là niềm tin yêu cuộc sống. Sau đó bà Vinh tiếp tục công tác trong đoàn văn công Tổng cục Chính trị, rồi công tác tại nhà máy thông tin M1 (Binh chủng Thông tin liên lạc) cho đến năm 1989 bà về hưu. Nay tuổi đã cao, thi thoảng bà gặp lại bạn bè, đồng đội để ôn lại kỷ niệm xưa, niềm vui lớn nhất của bà là thấy con cháu trưởng thành, thành công trong cuộc sống. Bà luôn giáo dục cho con cháu về truyền thống cách mạng, tấm lòng thành kính dành cho Bác Hồ qua những lời dạy của Người.

Trần Thường - Thiết kế: Phạm Luyện

Bài viết có sử dụng tranh ghép tem về Bác Hồ của hoạ sĩ Đỗ Lệnh Tuấn

Hai lần Bác Hồ đến thăm và kỷ niệm của con trai Giáo sư Nguyễn Xiển

Hai lần Bác Hồ đến thăm và kỷ niệm của con trai Giáo sư Nguyễn Xiển

Gia đình Giáo sư Nguyễn Xiển có vinh dự được Bác Hồ hai lần tới thăm,… những lời ân cần, chỉ dạy của Bác khiến các thành viên trong gia đình trí thức tiến bộ phải suy ngẫm.

Bữa cơm đặc biệt ở ven đô trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập

Bữa cơm đặc biệt ở ven đô trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập

Nằm sâu trong con ngõ An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi nhà đặc biệt, được coi là “địa chỉ đỏ”, vinh dự được đón Bác Hồ từ Việt Bắc về trước khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập.

Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên

Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên

Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, từng được Bác Hồ bế ẵm và đặt tên trong ngày đầy tháng. Bà là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc.

Vị Thiếu tướng và hồi ức cậu bé 'đi lạc' vào bức ảnh chụp Bác Hồ

Vị Thiếu tướng và hồi ức cậu bé 'đi lạc' vào bức ảnh chụp Bác Hồ

Ký ức về cậu bé 8 tuổi từng “to gan” dám làm phiền Bác Hồ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí Thiếu tướng Hồ Sỹ Hậu, đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào xen lẫn xúc động khi nhắc tới vị Cha già của dân tộc.