Cuối năm 2023, Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác để bảo vệ bản quyền và phát triển thị trường sách trên nền tảng thông qua dự án #BookTok. Thỏa thuận hợp tác giữa Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok Việt Nam tập trung vào 4 nội dung chính: Hỗ trợ quảng bá sách và văn hóa đọc tại Việt Nam; Triển khai Ngày #BookTok định kỳ mỗi tháng trên nền tảng TikTok; Ngăn chặn các hoạt động mua bán sách giả, sách lậu trên nền tảng; Tổ chức chương trình đào tạo về khai thác hiệu quả TikTok Shop. VietNamNet xin giới thiệu một số điểm nhấn quan trọng, gương mặt nổi bật trong chiến dịch #BookTok tại Việt Nam và sự phát triển của nền tảng này trên thế giới 3 năm qua.
Với mong muốn thúc đẩy văn hoá đọc, chiến dịch #BookTok được phát triển thông qua sự hợp tác giữa TikTok và Hội Xuất bản Việt Nam. Theo đó, các nội dung sáng tạo trên TikTok bao gồm việc tóm tắt sách và giới thiệu sách mới, đã thu hút sự chú ý của hàng trăm nghìn người và thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.
Chương trình hàng tháng của TikTok Shop phối hợp với các nhà xuất bản và tác giả, cung cấp sách với giá cả phải chăng, đảm bảo rằng độc giả có thể tiếp cận tri thức một cách dễ dàng.
Tại Việt Nam, trong lần đầu khởi động, #BookTok đã thu về 2,5 tỷ lượt xem và 840 nghìn video đăng tải. Theo ước tính, chiến dịch có hơn 11 triệu lượt xem và 3.000 video mới trung bình mỗi ngày, xoay quanh những nội dung đầy thú vị từ review sách, tóm tắt các tựa sách nổi tiếng hay chia sẻ kinh nghiệm viết.
Theo ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, sự xuất hiện của Internet, đặc biệt là các nền tảng như TikTok, đã thay đổi cách mà mọi người tương tác với sách. Các tác giả cũng thích nghi, sử dụng những phương tiện mới như trả lời phản hồi của độc giả để viết tiếp câu chuyện. Trên TikTok, việc chia sẻ suy nghĩ, bình luận về sách đã trở thành một phần quan trọng của cộng đồng, tạo nên hiệu ứng tích cực.
Vị đại diện TikTok Việt Nam khẳng định có khoảng 30% lượng sách giấy được mua bán thông qua nền tảng TikTok.
‘’Tại TikTok, có rất nhiều bạn lên livestream đọc sách vào buổi tối, thu hút hàng trăm nghìn người xem. Mỗi người có thể tặng quà như hoa hồng để ủng hộ và tăng thu nhập cho người đọc sách. Tôi tin rằng việc này sẽ tạo ra một môi trường đọc sách tích cực trên nền tảng” - ông Nguyễn Lâm Thanh tiết lộ.
Là đơn vị tích cực tham gia chiến dịch #BookTok, nhà sáng lập Sbooks, tác giả tựa sách bán chạy Tư duy ngược, doanh nhân Nguyễn Anh Dũng khẳng định #BookTok là một hashtag ấn tượng, là chiến dịch lan tỏa văn hóa đọc, kết nối những người yêu sách nhận được nhiều quan tâm nhất trên TikTok. Cuộc cách mạng này tạo cơ hội cho những nhà làm sách dám tiên phong để thay đổi, bắt kịp xu hướng, tạo đà phát triển.
‘’Từ khi tham gia vào chiến dịch này, chúng tôi đã gặt hái được những kết quả khả quan: các video của Sbooks đạt hơn 10 triệu view mỗi tháng từ lượt click thông qua gắn #BookTok; gần 100 nghìn cuốn sách phát hành mỗi tháng được các độc giả đón nhận thông qua #BookTok; mỗi tháng tiếp cận hơn 40.000 độc giả mới; đóng góp khoảng 5.000 video cho #BookTok bắt đầu từ năm 2023; tạo ra thêm nguồn thu nhập cho hàng nghìn người trong cộng đồng yêu thích sách dưới hình thức hợp tác affiliate (còn gọi là tiếp thị liên kết, là hình thức marketing dựa trên hiệu suất, trong đó nhà cung cấp sẽ hợp tác với đơn vị thứ ba để quảng bá sản phẩm, dịch vụ - PV)” - ông Nguyễn Anh Dũng cho biết.
Cũng theo tác giả tựa sách bán chạy Tư duy ngược, việc tham gia chiến dịch #BookTok là một trong những cách thức tiềm năng để lan tỏa trí tuệ, tiếp cận đông đảo độc giả Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung, hướng đến giới thiệu được tối đa những cuốn sách hay.
Tuy nhiên, cách thức này cũng tồn tại một số nhược điểm như: tất cả những người tham gia vào chiến dịch #BookTok có thực sự đem đến giá trị hay không - đây là điều mà #BookTok không thể lọc ra. Và khi #BookTok trở nên phổ biến, độc giả cũng đối diện với nguy cơ nhiễu loạn thông tin, khó tiếp cận những thể loại sách yêu thích hoặc bị dẫn dắt bởi sự hoa mỹ hóa, trong khi thực tế giá trị của nó mang lại không được như vậy.
Trao đổi với VietNamNet, chị Đào Mai Ly, Trưởng phòng Truyền thông Nhà xuất bản Trẻ cho hay: "Với mong muốn kết nối với độc giả ở các nền tảng đa dạng, Nhà xuất bản Trẻ đã lập kênh TikTok vào nửa cuối năm 2023 và nhanh chóng nhận tick xanh. Hiện nay, kênh này đã có hơn 12.000 người theo dõi, hơn 54.000 lượt thích, nội dung do Nhà xuất bản Trẻ tự sản xuất, giới thiệu sách hướng đến tệp khách thường dùng TikTok. Có những clip đạt hơn 100.000 view về truyện tranh, sách lịch sử, sách văn học...”.
Nói về sự hợp tác với #BookTok, ông Nguyễn Văn Giàu - Giám đốc Trung tâm Thương mại điện tử Fahasa cho hay: “Chúng tôi đã và đang sản xuất video ngắn trên TikTok kèm hashtag #BookTok trong mỗi video để giới thiệu những đầu sách mới, hay đến độc giả. Đặc biệt là việc quảng bá cho cuốn Không diệt không sinh đừng sợ hãi - phiên bản đặc biệt, với doanh thu vượt ngoài sự kỳ vọng”.
“Các video được up trên TikTok khi gắn hashtag #BookTok đều dễ dàng hơn trong việc tiếp cận người đọc và đa phần nhận được sự quan tâm tích cực. Fahasa cũng có cơ hội được kết nối với nhiều KOC, KOL chất lượng, tiềm năng và được đồng hành cùng họ trong việc quảng bá sách. Chúng tôi tin rằng việc kết hợp với nền tảng truyền thông xã hội là một cách cực kỳ hiệu quả để phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là trong thời đại số ngày nay” - vị đại diện Fahasa nhấn mạnh.
Với một bộ phận người trẻ, các video dạng ngắn #BookTok rất dễ xem và hữu ích. Bởi chỉ cần ấn vào #BookTok thôi là hiện lên vô vàn video gợi ý những đầu sách nên đọc, các sự kiện văn học đáng chú ý, thậm chí là miêu tả điểm nhìn (pov-point of view).
“#BookTok với ngôn ngữ đa dạng từ tiếng Việt cho đến tiếng Anh cùng một số ngôn ngữ khác nên dễ dàng khám phá. Tuy nhiên, chính vì có quá nhiều nội dung được sản xuất với các chủ đề khác nhau nên mỗi lần theo dõi #BookTok, mình sẽ làm thêm thao tác kiểm tra độ chính xác của thông tin hoặc chỉ theo dõi những kênh có nội dung ‘sạch’”, sinh viên Nguyễn Phương Oanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ.
Những ưu điểm của #BookTok trong việc lan toả văn hóa đọc là điều không thể phủ nhận. Nhưng theo phân tích của ông Nguyễn Anh Dũng - nhà sáng lập Sbooks thì chiến dịch mới này vẫn tiềm ẩn những hạn chế. Đó là một số người giới thiệu sách không hiểu đúng về ý nghĩa tác phẩm hoặc lợi dụng #BookTok nhằm hạ bệ đối thủ. Những kẻ làm sách giả, sách lậu có thể nhân cơ hội này để trục lợi, đầu cơ.
Trước nghi vấn về nạn sách lậu, sách giả có khả năng xuất hiện trên nền tảng TikTok? ông Lâm Thanh - đại diện TikTok Việt Nam khẳng định với VietNamNet: “Tại TikTok Shop tất cả sách được đưa lên đều phải có nguồn gốc và người tiêu dùng mua sách trên nền tảng của chúng tôi được đảm bảo về chất lượng. Khi gặp sản phẩm nghi ngờ không rõ nguồn gốc hoặc không đúng với mô tả của người bán, người mua hàng có thể báo cáo trực tiếp đến TikTok Shop để được xử lý và nhận được đền bù thoả đáng. Chúng tôi sẽ tiến hành các bước xử lý cần thiết đối với nhà bán hàng bị kiến nghị vi phạm”.
Giải thích tại sao có nhiều quy định khắt khe trong việc mở cửa hàng sách trên nền tảng TikTok, ông Lâm Thanh cho biết: “Ngành sách là một ngành kinh doanh có điều kiện, không phải ai cũng có thể tự viết và tự xuất bản một cuốn sách. Các cuốn sách khi được xuất bản phải được sự phê duyệt của một nhà xuất bản có giấy phép. Các nhà xuất bản, nhà phát hành có thể có các cá nhân hoặc tổ chức sở hữu gian hàng và bán sách.
Tuy nhiên, không có nghĩa là những người khác không được phép bán sách. Một tác giả hoặc người viết nhận xét về một cuốn sách có thể bán sách thông qua quảng cáo và chia sẻ những kinh nghiệm, bài học họ nhận được từ tác phẩm đó. Nhiều độc giả có thể mua sách thông qua tài khoản của họ và họ sẽ được hưởng phần trăm doanh thu từ việc bán sách, thường là 10 - 15%. Điều này cho thấy không nhất thiết phải trở thành một nhà bán sách để có thể bán sản phẩm.
Có hai thành phần chính trong quá trình mua bán sách: người cung cấp hàng hóa, tức là nhà bán hàng và những người sáng tạo nội dung như người giới thiệu sách".
Tháng 4/2024, TikTok chính thức tái khởi động chiến dịch #BookTok với mục tiêu lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, tạo điều kiện phát triển cho các tác giả trẻ. Đồng thời, mở rộng cơ hội tăng doanh thu cho các nhà sách, đơn vị xuất bản và phát hành sách nội địa trên TikTok Shop, hướng đến sự phát triển bền vững của thị trường sách tại Việt Nam.
Các sáng kiến trong khuôn khổ chiến dịch #BookTok năm nay đều nằm trong thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Hội Xuất bản Việt Nam và TikTok vào cuối năm 2023.
Bài 2: Điều gì khiến CEO Nguyễn Tuấn Quỳnh từ bỏ công ty doanh thu 4000 tỷ để làm sách?
Ảnh: NVCC
Thiết kế: Cúc Nguyễn