Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Giáo viên dạy Tiếng Anh Trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) chia sẻ cùng VietNamNet những lỗi thí sinh thường mắc khi làm bài trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội.

Theo cô Nguyệt Ngư, đọc không hết câu hỏi đã khoanh đáp án là một trong những lỗi cơ bản học sinh hay mắc.

Thực tế trong bài thi, một số câu hỏi, ngữ liệu để chọn đáp án đúng nằm ở phần sau. Tuy nhiên, một số thí sinh không đọc hết câu hỏi đã vội khoanh đáp án, dẫn đến việc chọn đáp án không chính xác.

Ngoài ra, thí sinh cũng hay nhầm lẫn khi chuyển đáp án từ đề thi sang phiếu trả lời trắc nghiệm. Theo cô Nguyệt Ngư, lỗi này xảy ra không nhiều, tuy nhiên vẫn có những thí sinh mắc phải.

“Lỗi này thường xảy ra cuối giờ làm bài, thí sinh thường vội vàng nên dễ nhìn nhầm dòng trong phiếu tô trắc nghiệm”, cô giáo Tiếng Anh Trường THCS Thái Thịnh cho hay.

Cô Nguyễn Nguyệt Ngư - Giáo viên dạy Tiếng Anh Trường THCS Thái Thịnh.

Hơn thế, một số thí sinh cũng mắc lỗi không để ý đề bài, hay nhầm phần trái nghĩa sang phần đồng nghĩa. Trong một số câu chọn từ trái nghĩa vẫn có đáp án đồng nghĩa với từ gạch chân trong câu mẫu. Theo lối tư duy thông thường, thí sinh hay chọn từ đồng nghĩa. Khi kiểm tra lại bài, thí sinh không để ý đề bài nên không soát được lỗi này.

Ngoài ra, vẫn có những thí sinh tô không kín hết đáp án hoặc tẩy đáp án không sạch. “Nhiều thí sinh tô nhanh, không cẩn thận, dẫn đến việc tô không kín hết ô tròn trong phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi quét máy, phần mềm sẽ không nhận những đáp án như này và đương nhiên thí sinh sẽ bị mất điểm ở những câu như thế. 

Một số thí sinh sau khi thay đổi đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm nhưng không tô sạch đáp án sai. Khi máy quét, phần mềm tự nhận diện là 2 đáp án, nên những câu như này thí sinh không được tính điểm”, cô Nguyệt Ngư khuyến cáo.

Để tránh mất điểm ở những lỗi cơ bản, thí sinh cũng cần lưu ý, khi được phát phiếu trả lời trắc nghiệm, các em ghi luôn phần thông tin cá nhân trên phiếu, ghi số báo danh và tô số báo danh. 

Khi được phát đề thi, thí sinh nên ghi và tô luôn mã đề, tránh trường hợp cuối giờ, vội vàng, quên ghi và tô mã đề. Những trường hợp không tô mã đề, phần mềm quét tự động cho kết quả điểm là 0.

Sau khi tô xong mã đề, theo cô Nguyệt Ngư, thí sinh đọc đề từ câu 1 đến hết câu 40, câu nào dễ làm trước, đánh dấu những câu chưa làm ở đầu câu hỏi để tránh trường hợp bỏ sót.

Trong quá trình chọn đáp án, thí sinh nên phân tích câu hỏi và loại trừ phương án sai trước. Sau khi loại được phương án sai, phần còn lại chọn đáp án đúng trở nên dễ dàng hơn. 

Ví dụ:  She rarely stays up late, ________? 

A. is she B. does she  C. doesn’t she D.  isn’t she

Câu trên là một câu hỏi đuôi, ta có rarely là trạng từ nghĩa phủ định, vậy phía sau phải là đuôi khẳng định. Từ đó loại được đáp án C và D. Tiếp tục, stays là động từ thường, nên loại đáp án A vì có động từ TO BE. Chốt đáp án cuối là B.

Khi tô phiếu trắc nghiệm, thí sinh nên tô kín hết và tô đậm ô tròn trong mỗi câu hỏi. Tất cả những đáp án tô không kín ô hoặc tô nhạt, phần mềm quét trắc nghiệm đều không nhận diện đáp án.

Với 60 phút làm bài thi, thí sinh nên dành 40 phút để khoanh đáp án trên bài thi trước, 20 phút còn lại là phần chuyển đáp án từ đề thi vào phiếu trả lời trắc nghiệm. 

“Trong trường hợp tẩy xóa đáp án, nếu tẩy không sạch, thí sinh có thể xin các thầy cô giám thị thay phiếu trắc nghiệm khác”, nữ giáo viên lưu ý với các sĩ tử tham dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay.

Mời quý phụ huynh, học sinh tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2023 trên VietNamNet