Cao tốc Mai Sơn – Quốc lộ 45 (qua Ninh Bình - Thanh Hoá) là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Dự án có 5 gói thầu xây lắp với tổng chiều dài hơn 63km, tổng mức đầu tư hơn 12 nghìn tỷ đồng từ vốn ngân sách do Ban Quản lý Dự án Thăng Long (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư.
Theo thiết kế, giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư xây dựng quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 6 làn xe, nền đường rộng 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Theo kế hoạch dự án hoàn thành tháng 12/2022.
Tuy nhiên, trung tuần tháng 12/2022, do nhiều yếu tố khách quan, Bộ GTVT đã ra quyết định lùi tiến độ hoàn thành dự án Mai Sơn - QL45 đến ngày 30/6/2023 thay vì ngày 31/12/2022 như dự kiến.
Thời điểm này, Bộ GTVT cũng yêu cầu, cao tốc Mai Sơn - QL45 sẽ thông xe kỹ thuật 31/12/2022 và hoàn thành đưa vào khai thác trước ngày 30/4/2023. Sau đó dự án kéo dài thời gian thực hiện đến ngày 30/6/2023 để hoàn thành các công việc còn lại.
Đến nay, theo Ban Quản lý Dự án Thăng Long, các gói thầu đang hoàn thiện những công đoạn cuối cùng sẵn sàng phục vụ người dân dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Riêng đoạn tuyến từ đầu dự án đến nút giao Đông Xuân (dài gần 54km) đưa vào khai thác dịp 30/4/2023 đã cơ bản hoàn thành.
Với chiều dài toàn tuyến khoảng 63,37km, cao tốc có hai hầm xuyên núi bao gồm: Hầm Tam Điệp, công trình hầm đầu tiên trên tuyến cao tốc Bắc - Nam, hiện đã sẵn sàng phục vụ thông tuyến đồng bộ với chiều dài 245m, quy mô 3 làn xe cơ giới.
Kế tiếp hầm Tam Điệp là hầm Thung Thi, đây là công trình lớn nhất trên tuyến cao tốc Mai Sơn – QL45 với chiều dài 680m cũng đang hoàn thiện công đoạn cuối cùng sẵn sàng đưa vào phục vụ đúng tiến độ.
Ngoài hai hầm, tuyến cao tốc cũng có 2 cầu tuyến chính Vĩnh An và Núi Đọ bề rộng 23,5m (bố trí kết hợp với đường dân sinh).
Trao đổi với VietNamNet, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45 (thuộc Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự kiến trên tuyến có 3 nút giao qua địa phận tỉnh Thanh Hoá đủ điều kiện đưa vào vận hành trong dịp nghỉ lễ này.
Theo đó, dự kiến phương tiện lưu thông theo hướng Hà Nội - Thanh Hoá đi trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình và Cao Bồ - Mai Sơn khi đến nút giao Mai Sơn (tiếp giáp đoạn cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn ở TP Tam Điệp) sẽ tiếp tục hành trình vào cao tốc Mai Sơn - QL45.
Nút giao Gia Miêu: Hướng tuyến lưu thông Hà Nội - Thanh Hóa đi qua hầm chui Tam Điệp (dài 245m) sẽ đến địa phận xã Hà Long, huyện Hà Trung (Thanh Hoá). Tại đây, trên tuyến sẽ có nút giao đầu tiên là Gia Miêu để ra QL217B. Trên QL217B, các phương tiện có thể rẽ về QL1A hoặc đi lên huyện Thạch Thành của tỉnh Thanh Hoá.
Nút giao Hà Lĩnh: Sau khi đi qua hầm Thung Thi (dài 680m) thì sẽ đến nút giao thứ hai trên tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 thuộc địa phận xã Hà Lĩnh (huyện Hà Trung) - nút giao QL217. Ở nút giao này, phương tiện khi ra QL217 để lên các huyện Cẩm Thuỷ, Bá Thước hoặc ra QL1A để vào TP Thanh Hoá.
Nút giao Đông Xuân: Nút giao cuối cùng được đưa vào vận hành khai thác trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 (xã Đông Minh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá).
Phương tiện từ Hà Nội khi đến nút giao này sẽ dễ dàng đi vào TP Thanh Hoá hoặc QL1A thông qua tuyến QL47 để đi về các tỉnh phía Nam như: Nghệ An, Hà Tĩnh… và ngược lại.
Được biết, ngoài 3 nút giao trên, tuyến cao tốc Mai Sơn - QL45 qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn có 2 nút giao khác vẫn đang trong quá trình thi công, hoàn thiện là nút giao Đồng Thắng và Thiệu Giang.
Như vậy, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam (qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa) có 5 nút giao. Tuy nhiên, trong dịp 30/4 - 1/5 sẽ chỉ có 3 nút giao nói trên chính thức đi vào hoạt động.
Ông Long cho biết thêm, hiện nay dự án chưa có chủ trương thu phí. Việc thu phí phải được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Về phương án chống ùn tắc cũng được các cơ quan của Bộ GTVT và 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hoá nghiên cứu, tuy nhiên ông Long dự báo với lưu lượng phương tiện tăng đột biến trong dịp này sẽ khó tránh tình trạng ùn tắc.
Sau khi hoàn thiện, tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 sẽ nối thẳng Ninh Bình vào đến địa phận thành phố Thanh Hóa (nút giao Đông Xuân). Đây là một trong những dự án giao thông quan trọng của đất nước giúp kết nối các tỉnh miền Trung với Thủ đô Hà Nội và TP.HCM. Việc hoàn thiện và thông xe tuyến cao tốc này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của người dân từ Hà Nội vào Thanh Hóa.