Lời tòa soạn:
Trường Sa, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ví như "những mảnh đất xa xôi, chập chờn trên sóng gió Biển Đông", mãi là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Ở nơi đầu sóng ngọn gió, giữa mênh mông trùng khơi ấy, mỗi người con đất Việt đều mang trong mình một sứ mệnh cao cả: Gìn giữ từng tấc đất, từng con sóng của quê hương.
Có chàng trai đôi mươi, tuổi đời còn xanh, rời xa phố thị phồn hoa để ra đảo Đá Đông A, hiến dâng tuổi trẻ cho biển đảo quê hương. Có những người chỉ huy tận tâm, ngày đêm ấp ủ khát vọng biến Trường Sa thành một ốc đảo xanh tươi giữa đại dương bao la. Có những bác sĩ quân y tài năng, tận tụy chăm sóc sức khỏe cho quân và dân trên đảo. Và có cả những người thuyền trưởng gan dạ, kiên cường bảo vệ chủ quyền biển đảo, sẵn sàng xả thân cứu giúp ngư dân trong cơn hoạn nạn.
Chính họ, những con người bình dị mà phi thường ấy, đã góp phần thắp lên ngọn lửa yêu thương, sưởi ấm những mảnh đất xa xôi, gắn kết Trường Sa với đất mẹ, để ngư dân yên tâm bám biển, để Tổ quốc mãi mãi vững vàng nơi đầu sóng.
VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài "Trường Sa - Vững vàng nơi biển cả", như một lời tri ân sâu sắc đến những con người bình dị mà cao cả, đã sống và cống hiến hết mình vì Tổ quốc.
Trong hành trình tới Trường Sa, hòn đảo đầu tiên tôi được đặt chân lên thăm là Song Tử Tây. Hòn đảo rợp cây xanh như bóng hình một làng chài ven biển. Chỉ có điều, tôi tự hỏi, vì sao thân những cây tra, cây bàng vuông, phong ba… to lớn lại bị cưa nhánh thô bạo tới vậy? Mang theo băn khoăn này trong lòng, cho tới khi tới thăm đảo Đá Tây, gặp Thượng tá Lê Ngọc Nam, Chính trị viên đảo tôi mới hiểu, câu chuyện thảm khốc phía sau những thân cây bị cưa cụt ở Song Tử Tây.
Là người con của vùng biển Hải Tiến, Thanh Hóa, lại làm “lính đảo” dạn dày với sóng gió Trường Sa nhưng Thượng tá Lê Ngọc Nam chưa từng chứng kiến sự tàn phá thảm khốc nào như cơn bão số 9 (bão Rai) cuối năm 2021.
Năm đó, Thượng tá Nam là chính trị viên phó của đảo Song Tử Tây. Đảo nhận được tin báo trước 5 ngày bão đổ bộ. Các lực lượng trên đảo khẩn trương chằng buộc, vận chuyển trang thiết bị tới vị trí an toàn, trong tâm thế sẵn sàng đón bão.
Sáng ngày 18/12, trời trong vắt, mặt nước phẳng lặng, không một gợn sóng. Chẳng ai có thể ngờ rằng, sau đó là những trận cuồng phong như cơn ác mộng.
“12h ngày 18/12, bão ập tới. Từng đợt sóng cao 10-15m đổ ập xuống hòn đảo nhỏ bé giữa trùng khơi. Sức gió của cơn bão lên tới cấp 16, giật cấp 17. Sóng đẩy, gió quật, nhà chỉ huy rung như động đất. Kính cường lực vỡ vụn. Ngói trên mái tốc bay như lá. Nước biển dâng ngập hết tầng 1. Cả đảo mênh mông nước... Có lẽ từ trên cao nhìn xuống, đảo chỉ còn những bóng nhà, bóng cây lô nhô giữa đại dương xanh ngắt.
Sóng và gió quét đi khiến mọi thứ trên đảo ngả rạp sang một bên, không lâu sau bão quay trở lại, quật tung mọi thứ sang phía ngược lại. Tôi chưa từng thấy cơn bão nào khủng khiếp tới thế”, Thượng tá Lê Ngọc Nam nhớ lại.
Thượng tá Nam cho hay, trước khi bão đổ bộ, ban chỉ huy ở đảo sắp đặt các bộ phận thành từng cụm để đảm bảo an toàn. Các cháu nhỏ được thầy giáo đưa lên tầng 2 của trường học chăm sóc. Còn bố mẹ của các cháu ở nhà để sẵn sàng xử lý khi có tình huống xấu xảy ra. Sóng to gió giật mạnh, nếu có ai sơ sẩy ra khỏi nơi tránh trú là bị sóng cuốn phăng đi.
“Lòng tôi như lửa đốt, ban chỉ huy đảo thường xuyên liên lạc với công chức ủy ban, giáo viên và các hộ dân”, Thượng tá Nam nhớ lại.
Chỉ trong 2 giờ tâm bão đi qua, 90% cây xanh của Song Tử Tây bị quật ngã. Bước chân lách qua những gốc cây, những công trình gãy đổ, trước mắt người chính trị viên phó là cảnh hoang tàn như vừa trải qua trận chiến khốc liệt.
Bão đi qua, trời đổ mưa lớn triền miên, sau đó là liên tiếp những ngày nắng gay gắt. Song Tử Tây vốn là đảo nhiều cây xanh thì nay héo hắt. Những cây tra, phong ba, bàng vuông... to sừng sững giờ cháy đen lá. Đất trên đảo bị nhiễm mặn.
“Giữa những thiệt hại quá lớn, chúng tôi có một tin tốt lành. Tất cả cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo được an toàn. Ra khỏi nơi tránh trú, chúng tôi ghì chặt lấy tay nhau không nói nên lời. Những giọt nước mắt lăn dài. Còn người là còn tất cả... Quân và dân quyết tâm không nản trí, lúc này hơn bao giờ hết cần sự đoàn kết, phát huy tinh thần vượt khó của người lính”, Thượng tá Nam kể.
Ngay sau đó, các lực lượng trên đảo cắt gọn tán, co kéo để trồng cây trở lại. Một chuyến tàu từ đất liền chở nước ngọt, đất, phân bón, trang thiết bị... tiếp sức, giúp đảo rửa mặn, khắc phục sau bão.
Cũng chính trong cơn bão ấy, vị chính trị viên phó càng thấy nể phục, tin tưởng và yêu mến các đồng chí, đồng đội của mình.
Vì sao trải qua cơn bão “thập tử nhất sinh” anh vẫn tiếp tục xung phong để rồi nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Tây?
Thượng tá Nam tâm tình với giọng bình thản: “Bạn vừa đi qua thăm Song Tử Tây thì thấy đó, những cây bàng vuông, cây phong ba bị quật ngã năm ấy giờ đây đã xanh tốt và tỏa bóng trở lại. Ở đảo Đá Tây cũng vậy, cây ngã rồi lại đứng vươn lên. Người lính hải quân giữa trùng khơi đâu sợ khổ. Trường Sa đối với tôi không đơn thuần chỉ là nơi thực hiện nhiệm vụ, đó còn là mảnh đất trĩu nặng ân tình”.
Thượng tá Nam đã 2 lần nhận nhiệm vụ công tác ở Song Tử Tây. Lần thứ nhất từ tháng 7/2016 tới tháng 6/2018 trên cương vị chính trị viên cụm chiến đấu 2, sau đó anh vào đất liền học tại Học viện Chính trị 2 năm. Từ tháng 7/2021 tới tháng 9/2023, anh trở lại Song Tử Tây công tác trên cương vị chính trị viên phó.
Nhận nhiệm vụ ở đảo Đá Tây, nơi có nhiều hộ dân sinh sống, anh mong muốn “xây dựng mối quan hệ quân dân chặt chẽ, tiếp tục tôi luyện ý chí người lính hải quân, bất luận hoàn cảnh nào, dù có phải hy sinh cũng quyết tâm bảo vệ Trường Sa”.
Những lời này đâu đó có người nghĩ là đao to búa lớn, nhưng với người lính hải quân, với người chỉ huy đảo, đó là lời thề họ dành cho mảnh đất sóng gió và đầy thiêng liêng, tự hào này.
Dẫn chúng tôi dạo một vòng trước khi rời đảo, vị chính trị viên tự hào khi Đá Tây ngày càng khang trang với công trình Nhà Đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, trường học, chùa, am thờ Lý Thường Kiệt, nhà máy sản xuất cung ứng trên 800 cây đá/lần/ngày cho tàu cá của ngư dân, có dãy nhà của các hộ dân cư được gọi vui như “nhà phố liền kề”... Đặc biệt, nơi đây có âu tàu lớn, khu dịch vụ hậu cần nghề cá một thời là tổ hợp nuôi trồng thủy sản, nhà tránh trú bão với sức chứa 2.000 người, là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Cũng từng công tác ở đảo Song Tử Tây, giờ đây Thượng tá Phạm Sỹ Thoại được phân công làm chỉ huy trưởng ở đảo Sinh Tồn. Hòn đảo xanh mát như viên ngọc giữa đại dương này giờ đây đã là nơi nặng ân tình với Thượng tá Thoại.
Ngày đặt chân lên đảo làm nhiệm vụ, người đầu tiên anh gặp là một đồng đội ở đơn vị cũ - lữ đoàn 147 Vùng 1 Hải Quân. Sau hành trình hàng trăm hải lý ngất ngư sóng gió, hòn đảo giữa biển khơi bỗng trở nên ấm áp, gần gũi như tình đồng chí, đồng đội. Nỗi nhớ nhà cũng nguôi ngoai đi phần nào...
Sinh Tồn nằm xen kẽ giữa các đảo của ta và các đảo bị chiếm đóng trái phép. Nơi đây có vị trí chiến lược và cũng chính vì thế, trên đảo khắc ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”.
“Bạn biết đấy, đã bao nhiêu mồ hôi và cả máu đổ xuống để giữ gìn mảnh đất linh thiêng này. Là người chỉ huy đảo, tôi luôn tự dặn mình tuyệt đối không được để đảo rơi vào tình huống bị động.
Chúng tôi tổ chức thực hiện việc huấn luyện và luân phiên trực sẵn sàng chiến đấu, làm chủ được tình hình trong mọi thời điểm...”, Thượng tá Thoại chia sẻ.
Nhận nhiệm vụ từ tháng 7/2023, tới nay đã gần 1 năm anh xa gia đình nhỏ nhưng đã “lời” thêm một gia đình lớn là Sinh Tồn. Anh có nhiều kỷ niệm với các gia đình trên đảo, cả niềm vui lẫn những đau thương mất mát.
Có chiến sĩ không thể thắp hương khi bố mẹ qua đời, anh cùng cán bộ động viên vượt qua đau thương. Anh em lập bàn thờ để các lực lượng trên đảo thăm viếng và nhờ người ở trong đất liền tới gửi vòng hoa phúng viếng.
Vị “đảo trưởng” ghi nhớ hoàn cảnh của từng hộ dân và mỗi cán bộ chiến sĩ. “Những anh chị em và hộ dân ra Trường Sa công tác chung nỗi nhớ người thân ở quê nhà. Chúng tôi đều xa nhà, xa đất liền nên cần đùm bọc, sẻ chia với nhau. Là chỉ huy đảo, tôi thấy ai có vướng mắc ở đâu thì cố gắng “gỡ”, cái gì vượt ngoài thẩm quyền thì kiến nghị lên cấp trên. Cố gắng làm sao để Sinh Tồn là một khối đoàn kết, là một tập thể mạnh ở nơi đầu sóng”, người chỉ huy trưởng bộc bạch.
Không chỉ là người chỉ huy trưởng chân thành, được tin yêu, anh còn là “kiến trúc sư”, tiếp tục góp sức tạo nên những mảng xanh cho đảo.
Anh quán triệt trong đơn vị, mỗi người trên đảo sẽ trồng 1 cây và chăm sóc tốt tươi trước khi hết thời gian công tác. Ngoài ra, mỗi cán bộ, chiến sỹ và người dân được phân công tưới tắm, chăm sóc cây trong suốt quá trình sinh sống và làm việc ở đảo.
Dẫn chúng tôi thăm vườn ươm bàng vuông, mù u, phong ba..., Thượng tá Thoại tự hào khoe, năm 2023, quân và dân trên đảo tự chiết được khoảng 1.000 cây xanh các loại như bàng quả vuông, tra, phong ba, mù u...
Nếu Đá Tây A tự hào khoe sắc vườn dưa hấu "Mai An Tiêm" trĩu quả, đảo Nam Yết ngát hương dừa xanh mướt, thì Sinh Tồn lại ngọt ngào say đắm lòng người với "vựa" đu đủ vàng ươm, căng mọng. Giữa trùng khơi sóng gió, những quả đu đủ, na, dừa ấy không chỉ là thức quà thơm thảo, mà còn là tấm lòng đồng đội sẻ chia, là vòng tay ấm áp dang rộng đón những ngư dân vượt bão tố tìm về.
Trên mảnh đất đầy nắng và gió ấy, những người lính đảo kiên trung, như Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn hay Chính trị viên đảo Đá Tây A, đã biến nghịch cảnh thành sức mạnh phi thường. Họ không chỉ gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng, mà còn thổi vào đó sức sống mãnh liệt, xây nên những "vựa" cây trái ngọt lành, xanh tươi. Bằng bản lĩnh và trí tuệ, họ đã biến những hòn đảo tưởng chừng chỉ có đá và cát thành những vườn cây trĩu quả, thành biểu tượng của ý chí và khát vọng vươn lên.
Kỳ tới: Những người vẽ hình hài Tổ quốc ở Trường Sa
Thiết kế: Hồng Anh