Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, sương mù giăng ngập lối trên tuyến đường DT Tân Long - Lìa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Ở vùng biên cương Tổ quốc, thấp thoáng những đốm lửa bập bùng của người dân. Nhà nào nhà nấy trang trí chậu hoa mai, hoa cúc, phảng phất hương thơm, hòa quyện cùng bản nhạc Xuân chào năm mới.
Gói bánh beng cùng dân bản
Đồng hồ đang đếm ngược từng giờ và đang dần tiệm cận giây phút chia tay năm cũ. Gia đình già làng Hồ Văn Lý (66 tuổi, thôn A Ho, xã Thanh, huyện Hướng Hóa) cùng cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đang tất bật chuẩn bị món bánh beng truyền thống của người đồng bào Pa Kô - Vân Kiều.
Cầm nắm nếp trên tay, già làng Lý đon đả kể, món bánh này có tự xa xưa. Tổ tiên bao đời truyền lại, chẳng ai tỏ tường có từ lúc nào, song nó như một nét truyền thống, hiện diện vào các ngày lễ lớn như cúng, cưới, đặc biệt là dịp Tết đến Xuân về…
Theo già Lý, bánh có hình trụ, dài, đường kính bằng cán rựa, được gói trong lá chuối hoặc dong. Sau khi nếp được đưa vào khuôn, buộc lại bằng lạt, bánh được ngâm khoảng 1 giờ. Khâu cuối cùng là nấu bánh trong khoảng 3-4 tiếng.
Bánh có hình trụ, dài, đường kính bằng cán rựa, được gói trong lá chuối hoặc dong.
Giải thích thêm về ý nghĩa của bánh beng, ông Lý nói rõ: “Nếp được chọn từ loại “thượng hạng” của gia đình. Bánh beng có hình như cán rựa vì đây là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình của đồng bào Pa Kô - Vân Kiều. Điều này nói lên ý nghĩa cần tôn trọng những nét văn hóa của đồng bào, mong muốn một vụ mùa bội thu. Đặc biệt, những ngày cận Tết hằng năm, chúng tôi luôn được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh đến động viên tinh thần, cùng làm bánh trong thời điểm giao thoa giữa năm cũ và năm mới”.
Ngồi cạnh già Lý, Thượng úy Hồ Văn Thông – cán bộ vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Thanh đang thoăn thoắt tạo khuôn, đặt nếp, buộc lạt. Chỉ chưa đầy 5 phút, Thượng úy Thông đã gói xong một chiếc bánh beng. Chỉ vào chiếc bánh vừa được hoàn thiện, Thượng úy Thông chia sẻ: “Chữ “beng” trong tiếng người Pa Kô - Vân Kiều có nghĩa là đoàn kết. Các sợi lạt buộc vào bánh được liên kết chặt chẽ với nhau, như tình đoàn kết, gắn bó của người dân nơi miền sơn cước này”.
Trung Tá Hoàng Minh Dũng - Đồn phó Đồn Biên phòng Thanh cho biết, bên cạnh túc trực canh gác, bảo vệ bờ cõi biên cương với 32km đường biên giới. Đơn vị cử nhiều chiến sĩ đến từng nhà dân động viên tinh thần bà con dân bản, giúp đỡ các gia đình hoàn cảnh khó khăn với phương châm “không có bà con đói trong dịp Tết”.
Chữ “beng” trong tiếng người Pa Kô - Vân Kiều có nghĩa là đoàn kết
Dịp Tết này, Đồn Biên phòng Thanh đã trao tặng hàng trăm suất quà cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với tổng trị giá hơn 120 triệu đồng.
Tết ấm tình quân dân
Ngược hướng Bắc, cách xã Thanh chừng 25km, Đồn Biên phòng Quốc tế Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa), trong đêm giao thừa diễn ra lễ tiếp đón Đồn Biên phòng nước bạn Lào. Tại vạch ranh giới, cán bộ, chiến sĩ 2 bên chào nhau, bắt tay chúc mừng thời khắc giao thời của năm mới.
Lễ tiếp đón Đồn Biên phòng nước bạn Lào
Vừa hoàn thành buổi giao lưu với đoàn cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng nước bạn Lào, Thượng tá Phan Mạnh Trường, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo cho hay, thường niên, Đồn Biên phòng nước bạn luôn sang thăm hỏi, tặng quà nhân dịp chuẩn bị đón năm mới. Đây là điều giúp đồn biên phòng của hai quốc gia láng giềng gắn kết tình cảm khăng khít hơn. Từ đó, phối hợp bảo vệ an ninh, trật tự xã hội nơi vùng biên của Tổ quốc.
Hướng ánh mắt về sân chính của đơn vị, nơi có đám đông đang chuẩn bị cho “buổi tiệc” giao thừa bên đốm lửa lớn, Thượng tá Trường tâm sự, Tết với bộ đội đơn sơ lắm, nhưng ấm tình quân dân.
“Các chiến sĩ thay phiên nhau túc trực canh gác các điểm chốt 24/24. Một số chiến sĩ khác đốt lửa, soạn mứt, bánh rồi mời bà con, dân bản đến cùng nhau đón Giao thừa. Không khí Tết ấm áp, tình quân dân được tô thắm. Bên cạnh đó, chiến sĩ ở đây cũng đỡ phần nào nỗi nhớ nhà”, Thượng tá Trường chia sẻ.
Năm đầu tiên đón cái Tết xa nha, chiến sĩ Hoàng Hoa Thám bẽn lẽn ngồi bên một cô gái tuổi đôi mươi, bắt đầu câu chuyện với nụ cười rạng rỡ.
Thám bộc bạch, gia đình anh cách đơn vị đóng quân chừng 90km. Lần đầu đón Tết xa nhà, tâm trạng của chiến sĩ trẻ đan xen nhiều cảm xúc khó tả.
Theo Thám, những năm trước, độ 25 Tết, gia đình lại quây quần dọn dẹp nhà cửa, đi chợ sắm hoa mai, hoa đào… Năm nay, mọi thứ đều khác, công việc dọn dẹp vệ sinh, trang trí cành đào, cây quất cũng được thực hiện nhưng lại trong đơn vị, vừa lạ vừa quen đối với chiến sĩ mới Hoàng Hoa Thám.
“Thoáng chút buồn vì chưa lần nào ăn Tết xa bố mẹ, nhưng tôi được đồng đội, bà con dân bản thương yêu, đùm bọc nên cũng vơi bớt nỗi nhớ nhà. Ba mẹ tôi cũng thường xuyên gọi điện động viên, thăm hỏi nên nỗi nhớ nhà cũng vơi dần. Đây cũng như trải nghiệm của tuổi trẻ, một kỷ niệm mà bản thân tôi chắc chắn sẽ nhớ mãi”, chiến sĩ Thám tâm sự.
Ngồi cạnh cán bộ của đồn, Khóm trưởng khóm Ka Tăng (thị trấn Lao Bảo) Hồ Văn Hoan cười vui, nhắc lại câu chuyện được đơn vị cho mỗi bản 1 con heo, 50kg nếp vào ngày 22 Âm lịch vừa qua.
“Được cán bộ, chiến sĩ tặng heo và nếp, chúng tôi đã mở tiệc chiêu đãi toàn bộ bản. Món quà này động viên nhân dân rất lớn khi Tết đến Xuân về. Xuyên suốt trong năm, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm từ Đồn Biên phòng Quốc tế Lao Bảo. Đơn vị đã giúp những hoàn cảnh khó khăn, đến Tết luôn có quà cho bà con, đêm Giao thừa mời người dân đến chung vui”, ông Hoan hồ hởi.
Xuyên giao thừa bảo vệ biên cương
Trời về khuya, cái lạnh miền sơn cước thấm vào từng thớ thịt. Đây là thời điểm nhóm cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Quốc tế Lao Bảo lên đường tuần tra dọc biên giới. Đồn phụ trách kiểm soát, quản lý gần 16km (12km trên sông, hơn 3km trên bộ) đường biên giới.
Cung đường tuần tra dọc bờ sông Sê Pôn và một đoạn đường bộ. Dẫn đoàn, Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường thông tin, thời điểm này là lúc hoạt động xuất nhập cảnh hàng hóa lậu như pháo, ma túy rất dễ xảy ra.
Sông mùa này nước cạn ráo, nhìn thấy đáy, nên việc di chuyển giữa 2 nước dễ dàng. Vì vậy, các đường mòn, lối mở được cán bộ, chiến sĩ quản lý chặt chẽ, túc trực 24/24.
Con đường tuần tra khúc khuỷu với đèo cao, suối sâu. Để dễ quan sát, phát hiện các đối tượng nghi vấn, cán bộ đồn phải dùng ống nhòm nhiệt nhìn trong đêm.
Vừa đi, Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường vừa nói: “Ngày thường, cán bộ, chiến sĩ túc trực tuần tra, song dịp cuối năm, chúng tôi càng kiểm tra, giám sát kỹ hơn”.
Thời gian gần Tết, pháo được vận chuyển từ Lào về các đường mòn, lối mở. Vừa qua, Đồn Biên phòng Quốc tế Lao Bảo bắt 4 vụ nhập pháo trái phép vào Việt Nam. Mới đây nhất, đơn vị phối hợp với lực lượng Hải quan bắt 180kg pháo.
Theo Thượng tá Phan Mạnh Trường, biên giới 2 nước chỉ cách nhau bởi dòng sông Sê Pôn. Người dân làm nương rẫy qua lại mưu sinh. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã mang hàng hóa cấm vào Việt Nam.
“Các đối tượng ngày càng tinh vi khi xé lẻ từng gói hàng để dễ vận chuyển, bọn chúng còn trao đổi việc mua bán trên các trang mạng xã hội như Telegram. Những đối tượng bị bắt thường chỉ là chân rết nên để đánh án cần thời gian dài.
Thời điểm chia tay năm cũ để bước sang năm mới, chúng tôi càng nâng cao tinh thần bám chắc địa bàn, vừa hỏi han, thăm hỏi, chúc Tết bà con, mong mọi người đón một cái Tết đoàn viên”, Thượng tá Trường chia sẻ.
Rạng sáng, sương giăng phủ càng lúc càng dày đặc. Các cán bộ, chiến sĩ vẫn miệt mài rọi đèn đến từng điểm khả nghi. Đôi chân không biết mỏi mệt vẫn tiếp tục hành quân, tuần tra trên mọi nẻo đường biên viễn với quyết tâm bảo vệ an ninh Tổ quốc, giúp người dân đón Tết Giáp Thìn an vui.