CHỢ NỔI Ở CẦN THƠ TỰ ĐÁNH MẤT KHÁCH

Chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ) nằm ở khu đắc địa ngã ba sông (nhánh sông Hậu và sông Cái Răng). Đây là vùng nước nông, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền neo đậu. Không chỉ là nơi buôn bán sầm uất, chợ này còn là địa điểm thu hút khách du lịch của TP Cần Thơ.

Những năm gần đây, khi giao thương đường bộ được đẩy mạnh, hoạt động trao đổi hàng hóa trên sông tại chợ nổi Cái Răng không còn nhiều. Khung cảnh tấp nập lúc sáng sớm được chuyển dần lên bờ khiến điểm du lịch này ngày càng vắng vẻ.

Trước đây, nếu chợ nổi Cái Răng nổi tiếng bởi kinh doanh lúa gạo, hàng tạp hóa thì nay người ta buôn bán nhiều loại trái cây và nông sản Đồng bằng sông Cửu Long (theo mùa). Các tiểu thương làm ăn trên chợ nổi chủ yếu phục vụ khách du lịch.

Một vài ghe lớn neo đậu cả ngày trên sông để bốc dỡ hàng hóa nhưng hiện nay không còn nhiều như trước.

Các mặt hàng tại chợ nổi chủ yếu là trái cây, đặc sản miền Tây. Phía trước các ghe, thương lái cắm một chiếc cọc tre có treo các loại củ, quả... để khách trên các thuyền nhỏ ghé mua.

Một trong những vấn đề lớn của việc bảo tồn chợ nổi là giữ chợ, giữ chân thương hồ. Tuy nhiên không khó để thấy cảnh tượng thưa thớt trên lòng sông, khác hẳn với những năm trước đây khi nơi này còn là điểm tập trung buôn bán sầm uất.

Các hoạt động phục vụ khách du lịch vẫn diễn ra mỗi ngày. Khách tới đây thường thuê ghe, xuồng máy với mức giá 200.000 - 350.000 đồng để tham quan chợ nổi, ghé một vài điểm ăn uống, check-in.

Phần lớn khách tới khu chợ vào buổi sáng để thưởng thức các món ăn đặc sản như bún riêu, hủ tiếu...

Một phần ăn sáng đầy đủ thường có giá 40.000 - 50.000 đồng.

Tou - một giáo viên quốc tế tới Việt Nam công tác và có dịp ghé qua Cần Thơ. Hôm nay cô được bạn bè dẫn đi tham quan chợ nổi và thưởng thức ẩm thực. "Tôi thấy đồ ăn rất ngon, nhiều hương vị, đặc trưng kiểu Việt Nam nhưng hơi tiếc vì không nhiều người tới đây lắm", cô nói.

Để giữ nhịp kinh doanh và các hoạt động trên sông, TP Cần Thơ đã triển khai các giải pháp đồng bộ, nhằm hỗ trợ thương hồ chợ nổi Cái Răng ổn định sinh kế, gia tăng thu nhập, hỗ trợ vốn vay, hỗ trợ nước sạch và trợ giá. 

Khi giao thông trên bộ phát triển vượt bậc, nông sản nhà vườn Đồng bằng sông Cửu Long đã có thương lái đưa xe tới tận nơi chở, đó là lúc cuộc sống của dân chợ nổi bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Còn khách du lịch dù lần đầu hay đã đến nhiều lần đều tỏ ra thất vọng khi chợ nổi vắng người bán, hàng hóa thưa thớt, không còn sự hấp dẫn.

Tình trạng chèo kéo, bám thuyền du lịch để bán hàng đôi lúc vẫn diễn ra. Trong khi đó các mặt hàng trái cây, đồ uống... được bán trên sông có giá thành đắt đỏ hơn nhiều so với ở trên bờ.

Chợ nổi thường sôi động vào buổi sáng, không khí mát mẻ, thuận tiện cho khách du lịch đi tham quan. Buổi chiều, thuyền bè đi lại thưa vắng hơn.

Phần lớn các tiểu thương cũng không đi bán hàng nữa, họ trở về căn nhà chòi được cất ngay ven sông.

Khu nhà xập xệ là nơi ở của hàng chục hộ gia đình là các lao động tại chợ nổi Cần Thơ. Họ đã sống ở đây nhiều năm, đều đặn mỗi sáng lấy hàng, đi bán rồi quay trở về nhà. 

Bà Hai Thứ sinh sống ven chợ nổi cho biết: "Thực trạng chợ nổi xuống cấp nhiều, rác thải rồi các nhà xưởng mọc lên xung quanh khiến khu vực ven bờ rất bẩn, hôi thối. Thành phố mấy năm nay bắt đầu quy hoạch để làm bờ kè nâng cấp khu chợ để duy trì du lịch. Nhà tôi cũng nằm trong diện giải tỏa để làm dự án, tôi vui vẻ rời đi thôi. Lấy đó làm điều mừng, mong là dự án sớm hoàn thành".

18h, hoàng hôn buông xuống cũng là lúc chợ nổi chìm vào cảnh vắng lặng, kết thúc ngày các tiểu thương buôn bán lênh đênh trên sông nước.