Hơn 1 tuần nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội sẽ diễn ra. Để giúp học sinh đạt điểm cao, cô Vũ Thị Minh Nguyệt - giáo viên dạy Toán trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), chia sẻ về cách ôn thi cũng như cách tránh một số lỗi sai thường gặp ở môn Toán.

Theo cô Minh Nguyệt, để ôn thi hiệu quả, đầu tiên học sinh cần giữ gìn sức khỏe tốt, phân bố thời gian hợp lý giữa việc học với việc nghỉ ngơi.

Các em cũng cần nắm chắc kiến thức cơ bản, bám sát ma trận và đề minh họa môn Toán kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 do Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố. Căn cứ theo ma trận của đề minh họa, sẽ có khoảng 7,25 điểm cho các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu. Với các dạng câu hỏi này, học sinh cần có kĩ năng làm bài tốt, tính toán chính xác, tránh mất điểm trình bày một cách đáng tiếc.

Để đạt được điểm 9, học sinh cần làm được các câu hỏi ở mức độ vận dụng. Các em cần luyện tập tốt về bài toán min, max (chú ý mức độ không quá khó), tìm x thỏa mãn phương trình, bất phương trình, biểu thức nhận giá trị nguyên, ứng dụng hệ thức Viet, các kiến thức về tam giác đồng dạng, hệ thức lượng, vị trí tương đối của đường thẳng và đường tròn, góc với đường tròn…

Để đạt được 9,5 đến 10 điểm, học sinh cần làm được các câu hỏi vận dụng cao về hình học phẳng, chứng minh bất đẳng thức, tìm giá trị lớn nhất, giá trị nhỏ nhất của biểu thức, giải phương trình vô tỉ. Học sinh cần căn cứ theo năng lực để luyện tập kỹ những dạng bài theo khả năng, làm được đến đâu chắc điểm đến đó.

co nguyet2.jpeg
Cô Minh Nguyệt và các học sinh

Các em cũng lưu ý, không nên đi học quá nhiều và học dàn trải mà cần dành thời gian tự ôn tập ở nhà để “ngấm” kiến thức và có thể rèn luyện chắc các kĩ năng. 

Bên cạnh việc chỉ ra cách ôn tập sao cho có hiệu quả, cô Minh Nguyệt cũng chỉ ra loạt lỗi sai mà thí sinh hay mắc như:

- Lỗi viết sai đề dẫn đến mất điểm rất nhiều ở một bài nào đó. Đây là lỗi nặng nhất. Vì vậy học sinh cần viết đề chính xác và kiểm tra lại một lần nữa sau khi viết đề.

- Lỗi đọc đề bài Hình không kĩ, vẽ sai hình hay viết thiếu điểm trên hình. Đây cũng là một lỗi khiến học sinh thường mất nhiều điểm. Vì thế, học sinh cần đọc đề kĩ, vẽ hình một cách chính xác.

- Lỗi đọc không kĩ nên bị sót yêu cầu của đề bài hoặc hiểu sai yêu cầu của đề. 

- Lỗi đặt điều kiện sai hay thiếu điều kiện, ra kết quả quên không đối chiếu điều kiện để kết luận đúng.

- Lỗi trình bày: Chữ số viết nhầm và viết đè lên để sửa là không nên hoặc thiếu gạch phân thức, viết tên điểm lẫn nhau: M với N, H với K, D với O, E với F…

- Lỗi viết câu không chính xác trong bài giải bài toán bằng cách lập phương trình hay hệ phương trình, viết sai đơn vị hay thiếu đơn vị. Ví dụ: Bài toán năng suất  học sinh chỉ viết: “Gọi số sản phẩm tổ 1 làm một ngày là x (sản phẩm) ” mà không ghi là theo kế hoạch hay thực tế. Đây là lỗi gọi sai và bị trừ rất nhiều điểm. 

- Lỗi thiếu kết luận: Đây cũng là lỗi học sinh hay mắc. Vì thế, câu kết luận cần ngắn gọn chính xác.

- Bài toán thực tế thường liên quan đến 3 hình không gian: Hình trụ, hình nón, hình cầu. Bài này ở mức độ bài nhận biết nên học sinh dễ được điểm khi thuộc công thức. Nhưng học sinh cũng dễ mất điểm khi không thuộc công thức và nhầm đường kính với bán kính khi thay số. 

- Câu a, b bài hình cần làm chi tiết, rõ ràng, đầy đủ các lí do, căn cứ vì lời giải không có nhiều bước nên tránh làm tắt để mất điểm. Có học sinh có khả năng làm được câu c Hình hay bài 5 nhưng cứ nghĩ trong đầu là câu khó nên hay bỏ. Khi làm câu c, nếu hình phức tạp, các em có thể vẽ thêm một hình khác to rõ hơn để dễ nhìn ra hướng làm.

"Trên đây là một số kinh nghiệm cô giáo muốn chia sẻ và nhắc nhở các con chú ý trước khi đi thi. Hy vọng những kinh nghiệm này sẽ giúp ích cho các con trong giai đoạn ôn tập “nước rút”. Với sự vững vàng về kiến thức, chuẩn xác về kĩ năng, các em sẽ “về đích” một cách ngoạn mục và hiện thực hoá được ước mơ", cô Nguyệt cho biết.

>>>Cập nhật tin tức thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2024 trên cả nước mới nhất<<<