Đến bây giờ, không còn ai nghi ngờ việc sở hữu khả năng ngôn ngữ phát triển mạnh, linh hoạt và không ngừng tự tiến hóa, thích ứng, hoàn thiện nhanh chóng theo nhu cầu thực tế là một trong những năng lực quan trọng nhất giúp loài người trở nên mạnh mẽ và chiếm lĩnh được thế giới như ngày nay. Từ đơn giản đến phức tạp, từ nói đến viết, cuộc hành trình của ngôn ngữ đã song hành với tiến trình phát triển của loài người từ những ngày sơ khai nhất. Để hiểu về bản thân mỗi con người cũng như về tất cả loài người, hiểu biết về ngôn ngữ là một phần không thể thiếu. 

Với bất cứ ai quan tâm đến khía cạnh này trong chúng ta, “Lược sử ngôn ngữ - Chuyện kể về phát minh vĩ đại nhất của loài người” (How language began – The story of humanity’s greatest invention) của Daniel L. Everett  là một lựa chọn hợp lý để có một cái nhìn ngắn gọn và toàn diện về quá trình xuất hiện của công cụ, giao tiếp ngôn ngữ ở con người, cùng những điểm khác biệt của nó so với giao tiếp ở các loài động vật khác, cũng như những lợi thế nó đem đến cho con người.

Tác giả Everett chia cuốn sách của mình thành bốn phần. Phần một lược thuật lại giai đoạn hình thành các sinh vật linh trưởng nhân hình cũng như các bước tiến ngôn ngữ đầu tiên của các sinh vật này. Phần hai tập trung vào các đặc điểm tiến hóa sinh học ở loài người nhằm “ưu ái” sự phát triển năng lực ngôn ngữ như một lựa chọn ưu tiên. Phần ba và phần bốn dành cho hai khía cạnh tiến hóa về hình thức thể hiện của ngôn ngữ cũng như vai trò định hình nên các nền văn hóa của ngôn ngữ khi xã hội văn minh của con người đã hình thành.

Trong phần một “Những tông Hominini đầu tiên”, Daniel L. Everett tập trung vào chủ đề khó có được nhất quán và phải dựa nhiều vào suy đoán: ngôn ngữ hình thành ở loài người nói riêng và trong tự nhiên nói chung từ khi nào?

Chương 1 “Sự trỗi dậy của tông Hominini đầu tiên” điểm lại những học thuyết khác nhau về sự hình thành ngôn ngữ, thực tế của lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ, những đặc trưng của ngôn ngữ. Trong chương này, thông qua điểm lại lịch sử hình thành sự sống trên Trái Đất nói chung và cây gia hệ của các loài linh trưởng nói riêng, tác giả đã lược thuật lại cách thức thông tin di truyền được lưu giữ và biến đổi qua các thế hệ của mỗi loài sinh vật, cũng như những tác động nội tại và ngoại sinh dẫn tới sự biến đổi, thích nghi với môi trường sống và tiến hóa của các thực thể sống. Đồng thời, từ cây tiến hóa chung của sinh giới, các loài khỉ nhân hình cũng hình thành nên những mầm mống độc đáo trong tương tác giữa các cá thể, làm cho khả năng tương tác trong bầy đàn của chúng vượt trội hẳn so với những loài sinh vật khác, đặt nền móng cho việc hình thành ngôn ngữ.

Chương 2 “Những kẻ săn tìm hóa thạch” phân tích những bằng chứng khảo cổ từ các hóa thạch người tiền sử đã khẳng định các giả thiết về nguồn gốc loài người từ châu Phi cũng như quá trình thay đổi cấu trúc cơ thể người để thích ứng từ cuộc sống leo trèo truyền thống của các loài linh trưởng sang cuộc sống trên mặt đất với tư thế đứng thẳng, trong đó có những thay đổi về cấu trúc bộ não và cơ quan phát âm, những điều kiện tiên quyết cho sự hình thành tư duy và ngôn ngữ ở con người. Bên cạnh đó, chương cũng cung cấp thông tin về các bằng chứng trong vật chất di truyền của loài người về một nguồn gốc tổ tiên chung ở châu Phi.

Chương 3 “Sự dịch chuyển của loài người” là câu chuyện về cuộc hành trình của người đứng thẳng Homo erectus rời khỏi châu Phi để rồi lan tỏa sự có mặt của mình trên khắp các vùng đất liền của Trái Đất. Cuộc hành trình được thực hiện không phải ngẫu nhiên mà có tính toán một cách thông minh. Cuộc dịch chuyển không ngừng của các Homo erectus bản thân nó là một kỳ công vĩ đại của sức mạnh cộng đồng, một minh chứng cho khả năng giao tiếp và tư duy mạnh mẽ họ sở hữu, đồng thời cũng chính sự dịch chuyển đó không ngừng mài sắc tư duy cho người đứng thẳng, đóng vai trò quan trọng trong việc làm ngôn ngữ hình thành, phát triển ở loài người sau này.

Chương 4 “Ai cũng nói ngôn ngữ tín hiệu” bàn về các luận điểm lý thuyết đã được đưa ra về nguồn gốc ngôn ngữ. Từ các hình thức tồn tại hiện hành của ngôn ngữ, từ những ngôn ngữ phát triển cao độ về ngữ pháp, từ vựng, chức năng như tiếng Anh cho tới các ngôn ngữ phi văn tự như ngôn ngữ của tộc người Pirahã. Từ đó, với xuất phát điểm là sử dụng các chỉ dấu, điều mà mọi động vật đều sử dụng, các loài linh trưởng của chi Homo đã đi xa hơn để chuyển từ chỉ dấu thành hình tượng, rồi đến Homo erectus đã đi xa hơn nữa tới ký hiệu, biểu tượng, và nhiều khả năng đã sở hữu ngôn ngữ đúng nghĩa như các tiến hóa về nhận thức của họ cho thấy.

Phần hai của cuốn sách - “Những thích nghi về mặt sinh học dành cho ngôn ngữ” phân tích những đặc điểm về mặt cấu tạo sinh học con người có được từ quá trình tiến hóa thích nghi để có được khả năng biểu đạt ngôn ngữ, trong khi các loài động vật khác hầu hết không vượt qua được mức độ sử dụng chỉ dấu.

Chương 5 “Con người có bộ não ưu việt hơn” bắt đầu phần này từ yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành, phát triển, sử dụng ngôn ngữ: bộ não. Quá trình tiến hóa của bộ não của loài người đã diễn ra từ khi người và tinh tinh tách ra trên cây tiến hóa (giai đoạn nền tảng), rồi trải qua những bước tiến hóa đã diễn ra với sự xuất hiện của Vượn người phương Nam, của người đứng thẳng để rồi đạt được mức độ tối đa về kích thước cũng như sự tinh vi vào 500.000 năm trước. Và ở người thông minh hiện đại, bộ não tiếp tục có những tiến hóa để tạo nên con người ưu việt hơn, đặc biệt là dưới sự thúc đẩy của sự kết hợp giữa ngôn ngữ và văn hóa.

Chương 6 “Cách bộ não tổ chức ngôn ngữ” phân tích cấu trúc bộ não người, tập trung vào những bộ phận thực hiện các chức năng liên quan tới ngôn ngữ, những lý thuyết liên quan tới việc bộ não giúp chúng ta vận hành, phát triển chức năng ngôn ngữ của mình, sự linh hoạt của bộ não trong đảm nhận chức năng ngôn ngữ thay vì có những vùng chuyên biệt hóa bẩm sinh cho thấy bộ não có tiềm năng rất lớn trong việc hình thành, thực thi những loại hình hoạt động mới, và ngôn ngữ của nhân loại vẫn còn dư địa để phát triển, hoàn thiện.

Chương 7 “Khi bộ não gặp trục trặc” xem xét mối quan hệ giữa ngôn ngữ và bộ não thông qua mối tương quan giữa các trường hợp suy giảm, thậm chí khuyết thiếu hoàn toàn chức năng ngôn ngữ như hội chứng suy giảm ngôn ngữ chuyên biệt, chứng ASD hay tự kỷ với những dấu hiệu về rối loạn di truyền. Nhiều giả thiết đã được đưa ra để lý giải các khiếm khuyết về chức năng, hành vi có liên quan tới ngôn ngữ, nhưng không tồn tại rối loạn di truyền chuyên biệt về ngôn ngữ, điều cho thấy ngôn ngữ là một phát minh trong quá trình tồn tại của con người, không phải là một thứ bẩm sinh đã được mã hóa sẵn trong vật chất di truyền của chúng ta.

Chương 8 “Chuyện trò bằng tiếng nói” tập trung vào cấu tạo, hoạt động của cơ quan phát âm của chúng ta, sự tối ưu hóa về cấu trúc của cơ quan này ở con người để khiến chúng ta có thể sử dụng tiếng nói làm phương tiện chuyển tải ngôn ngữ một cách hiệu quả, đồng thời cũng phân tích nguyên do dẫn tới sự hình thành các phương ngữ, các âm khác nhau trong các ngôn ngữ khác nhau.

Phần ba “Sự tiến hóa của hình thức ngôn ngữ” là câu chuyện về sự hoàn thiện của ngôn ngữ từ dạng thể sơ khai nhất – ngôn ngữ nói – tới chỗ trở thành một phương tiện tư duy, giao tiếp ngày càng phức tạp.

Chương 9 “Cội nguồn của ngữ pháp” tóm lược tiến trình điều chỉnh một cách có ý thức và thông minh của con người để hình thức của ngôn ngữ - trước hết là ngôn ngữ nói, dạng nguyên thủy nhất - được mài giũa sao cho ngày càng hiệu quả khi sử dụng, dẫn tới hình thành hệ thống trật tự nhất quán, một thứ ngữ pháp sơ khai là cơ sở tạo nên ngôn ngữ viết ở nhiều thứ tiếng sau này.

Chương 10 “Chuyện trò khi có đôi tay” đề cập tới vai trò của những thành phần đồng hành với ngôn ngữ nói như cử chỉ, thái độ của người nói trong việc tạo nên tổng thể hoàn thiện của ngôn ngữ. Mỗi ngôn ngữ chỉ hoàn thiện khi đi kèm với hệ thống cử chỉ đặc trưng của những cộng đồng người tạo ra ngôn ngữ đó. Cử chỉ cũng có lịch sử tiến hóa, biến đổi riêng của nó khi đồng hành với sự hình thành, tiến hóa của ngôn ngữ. Thậm chí, với đặc trưng riêng của mình, cử chỉ có thể đạt được mức độ phổ biến không ngôn ngữ nào đạt được, đến mức có thể thay thế ngôn ngữ làm phương tiện giao tiếp trong nhiều trường hợp.

Chương 11 “Vừa đủ tốt” nhấn mạnh vào sự không hoàn hảo của ngôn ngữ. Ngôn ngữ là một phát minh có sức mạnh lớn lao, nhưng không phải là vạn năng. Hiệu quả của một ngôn ngữ phụ thuộc rất nhiều vào sự hợp tác giữa những người trao đổi bằng ngôn ngữ, những thông tin không được nói ra nhưng cần được ngầm hiểu, suy luận, cũng như văn hóa, ngữ cảnh mà ngôn ngữ được sử dụng.

Phần cuối cùng của cuốn sách –“Sự tiến hóa về văn hóa của ngôn ngữ” gồm một chương duy nhất, chương 12 “Những cộng đồng và sự giao tiếp”. Phần này nhìn nhận ngôn ngữ trong vai trò tạo dựng văn hóa cùng những vấn đề có thể phát sinh khi các nền văn hóa khác nhau tiếp xúc với nhau. Không thể hiểu trọn vẹn thông điệp một ngôn ngữ đưa ra nếu không hiểu nền văn hóa đi kèm với nó. Bởi mỗi nền văn hóa đều có những giá trị, quy ước riêng, làm cơ sở vận hành cho xã hội của nền văn hóa đó. Trong thế giới ngày nay, với sự giao thoa ngày càng nhanh và mạnh giữa các nền văn hóa, tạo dựng nên xã hội có các quy tắc tương thích với các nền văn hóa khác nhau cùng tồn tại trong một xã hội là hết sức quan trọng để thiết lập, duy trì ổn định, hài hòa trong xã hội.

Dịch giả Lê Đình Chi 
 Thiết kế: Thu Hằng