Thời đại ngày nay, những tập đoàn quy mô toàn cầu với ảnh hưởng lớn lao lên nền kinh tế thế giới là một thực tế quen thuộc với chúng ta. Song chí ít những “gã khổng lồ” đó vẫn chịu sự kiểm soát của hệ thống pháp luật tại các quốc gia họ hoạt động.
Nhưng quá khứ đã từng có một công ty tư nhân thực sự nắm trong tay quyền lực “một tay che trời” theo đúng nghĩa đen của khái niệm này, khống chế bộ máy cai trị, kiểm soát nền kinh tế và có quyền định đoạt số dân đông đảo của hầu hết tiểu lục địa Ấn Độ, thậm chí khai chiến với đế chế Mãn Thanh hùng mạnh nhất Viễn Đông vào nửa đầu thế kỷ 19. Một công ty có lúc tạo ra nửa giá trị thương mại của nước Anh, hình thức hoạt động như doanh nghiệp nhưng thực tế là một nhà nước chuyên quyền nhằm mục đích lợi nhuận trên hết, một đế chế đích thực trong lòng đế chế Anh thời cực thịnh. Đó là Công ty Đông Ấn (East India Company - EIC).
Câu chuyện có thực nhưng kỳ vĩ, kịch tính với đủ cung bậc bi tráng về EIC đã được William Dalrymple thuật lại một cách sống động, cuốn hút trong tác phẩm Đế chế Đông Ấn Anh (The Anarchy: The relentless rise of the East India Company).
Tác phẩm thuật lại giai đoạn lịch sử của EIC từ năm 1599, khi công ty được một nhóm cổ đông sẵn sàng mạo hiểm đánh cược vào cơ hội làm giàu đang mở ra ở phương Đông, phía sau đường chân trời theo cánh buồm của những kẻ phiêu lưu trong kỷ nguyên Khám phá thành lập tại London cho tới năm 1803. Đúng hơn là cho tới ngày 11/9/1803, khi quân đội thuộc EIC dưới quyền chỉ huy của tướng Gerard Lake giành chiến thắng trong trận Delhi, mở đường cho EIC chiếm giữ lâu dài thủ đô cũ của đế chế Mughal, hoàn tất cuộc chinh phục Ấn Độ. Đó cũng là lúc chính quyền Anh “giật mình” trước sự lớn mạnh quá nhanh của EIC và bắt đầu có những biện pháp phòng xa nhằm kiềm tỏa thứ định chế “vô chính phủ” của EIC tại Ấn Độ trước khi nó gây ra hệ quả khó lường.
William Dalrymple, người có tổ tiên cùng họ đã chết bi thảm tại Ấn Độ trong thời gian đầu cuộc chiến một mất một còn giữa EIC và các vương quốc bản địa, là một sử gia đương đại có uy tín chuyên nghiên cứu và viết về giai đoạn thuộc địa hóa Ấn Độ của người Anh thế kỷ 18 - 19. Sống ở Delhi và dày công tìm hiểu, nghiên cứu về giai đoạn này, Dalrymple đã xuất bản nhiều đầu sách được đánh giá cao đi sâu vào nhiều khía cạnh khác nhau của thời kỳ lịch sử đầy biến cố.
Trong đó, Đế chế Đông Ấn Anh gây chú ý khi nội dung bao quát toàn bộ hơn hai thế kỷ từ khi những đại diện đầu tiên của EIC xuất hiện tại triều đình đế chế Mughal đang ở đỉnh cao thịnh vượng vào thế kỷ 17, cho tới khi một số lượng nhân sự cốt lõi người Anh (nắm trong tay đội quân đánh thuê được tuyển mộ từ rất nhiều sắc tộc khác nhau đông gấp đôi quân đội Anh ở chính quốc) trở thành những ông vua không ngai của hàng triệu cư dân tiểu lục địa Ấn Độ.
Ngay cả bây giờ, đã hơn hai thế kỷ sau khi quá trình có một không hai này kết thúc, những gì EIC làm được với số nhân sự ít ỏi như vậy tại Ấn Độ vẫn là một kỳ tích.
William Dalrymple với giọng tường thuật trung lập pha lẫn chất châm biếm ngấm ngầm trong việc lựa chọn những tình tiết, trích dẫn rất đắt giá đã cung cấp cho người đọc không chỉ diễn biến mà cả sự lý giải cho các biến cố xảy ra. Bên cạnh câu chuyện về EIC từ lúc thành lập, quá trình cạnh tranh tìm chỗ đứng ở phương Đông với một số công ty tương tự thuộc các quốc gia châu Âu khác như Pháp, Hà Lan đến khi vững vàng tại Calcutta vào nửa đầu thế kỷ 17, tác giả cũng đồng thời thuật lại bối cảnh lịch sử đương thời của Ấn Độ. Đặc biệt là sự tụt dốc nhanh chóng của Đế chế Mughal sau khi Aurangzeb, vị hoàng đế có năng lực và nắm được thực quyền đã qua đời năm 1707.
Chính sự suy yếu của Đế chế Mughal và sự trỗi dậy của các thế lực khác đã làm đảo lộn mối quan hệ dù không phải lúc nào cũng “cơm lành canh ngọt” nhưng ít nhất vẫn được duy trì ở thế ổn định giữa EIC và các vương quốc bản địa, dẫn tới việc tiểu vương Bengal tấn công Calcutta năm 1756.
Một cách tình cờ, đó cũng là năm bùng nổ cuộc Chiến tranh Bảy năm (1756-1763) ở châu Âu, cái cớ để Anh và Pháp, cụ thể là các thế lực hiện hữu tại thực địa của hai quốc gia này, như EIC của Anh và Compagnie des Indes của Pháp tại Ấn Độ, bước vào một cuộc chiến quy mô toàn cầu nhằm tranh giành ảnh hưởng tại thuộc địa.
Biến cố này cũng khởi đầu cho gần nửa thế kỷ không ngừng mở rộng ảnh hưởng của EIC trên đất Ấn Độ, loại bỏ người Pháp khỏi tiểu lục địa theo tinh thần Hiệp ước Paris năm 1763, đồng thời khuất phục các tiểu quốc Ấn Độ vừa bằng sức mạnh quân sự vừa bằng cách khéo léo khai thác xung đột sắc tộc và tôn giáo bản địa. Không có sự chia rẽ này, chắc chắn EIC không thể xây dựng được đội quân đánh thuê đông đảo và sử dụng nó để chiến thắng hết lần này tới lần khác, từ trận Plassey (1757) cho tới trận Delhi (1803), những cuộc chiến góp phần đào tạo cho nước Anh không ít sĩ quan xuất sắc, điển hình là Arthur Wellesley, người đánh bại Napoleon tại Waterloo năm 1815.
Kết thúc cuốn sách, William Dalrymple đề cập tới những mầm mống bất ổn hứa hẹn đe dọa sự kiểm soát chuyên quyền của EIC ở Ấn Độ, điều trở thành hiện thực khi binh lính của công ty gây biến năm 1857, buộc chính quyền Đế chế Anh phải trực tiếp quản lý Ấn Độ và chấm dứt giai đoạn “đế chế trong đế chế” vô tiền khoáng hậu trong lịch sử.