Lời tòa soạn:

Thấm nhuần tư tưởng “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, Đảng và Nhà nước ta từ lâu đã luôn chú trọng việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài.

Gần đây nhất, trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhấn mạnh đến việc “thu hút và trọng dụng nhân tài”.

Câu chuyện “đãi cát tìm nhân tài" và giữ chân người tài vẫn là trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo qua các nhiệm kỳ.

Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại nhiều phiên chất vấn, thảo luận tại nghị trường trong nhiều kỳ họp Quốc hội.

Hiện, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án Chiến lược Quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Chính phủ ban hành trong năm 2023.

Với tầm quan trọng của đề án này, VietNamNet tổ chức loạt bài ‘Chìa khóa' thu hút và giữ chân nhân tài với mong muốn góp thêm tiếng nói khách quan, nhiều chiều vào chiến lược này.

Một trong những chủ trương lớn đưa Đà Nẵng trở thành “thành phố đáng sống” chính là tập trung xây dựng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Từ những năm 1998, Đà Nẵng đã đưa ra các chính sách, chế độ đãi ngộ hấp dẫn để thu hút nhân tài. Chẳng hạn như bố trí nhà ở trong thời gian từ 5 - 7 năm (miễn tiền thuê nhà); tạo điều kiện tham gia đào tạo, bồi dưỡng; được hưởng kinh phí hỗ trợ ban đầu từ 80 - 280 mức lương cơ sở tùy vào trình độ và cơ sở đào tạo…

Kết quả, đến nay thành phố đã tiếp nhận và bố trí công tác cho hơn 1.200 người tốt nghiệp đại học công lập, chính quy trở lên và từ đó trẻ hóa cũng như tạo chuyển biến về chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Thời gian đầu triển khai chính sách thu hút nhân tài, Đà Nẵng đã tập trung thu hút nhân lực đối với 18 ngành nghề theo cấp độ ưu tiên. Đối tượng thu hút gồm có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2, bác sĩ nội trú, người tốt nghiệp đại học một số chuyên ngành thành phố có nhu cầu...

Không chỉ thu hút nhân tài bằng các chế độ đãi ngộ, Đà Nẵng còn tập trung bồi dưỡng những người xuất sắc từ các trường đại học. Từ năm 2004, thành phố triển khai công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao bằng việc cấp học bổng ngay từ bậc đại học.

Khác với nhiều địa phương khác thường chú trọng vào sau đại học, Đà Nẵng đã cấp học bổng để đào tạo ngay bậc đại học cho học sinh trung học phổ thông xuất sắc.

Chủ trương này được triển khai bằng dự án đào tạo bậc đại học tại các cơ sở trong và ngoài nước cho học sinh trung học phổ thông chuyên Lê Qúy Đôn, hay còn gọi là Dự án 151 (Đề án 47).

Đến năm 2006, Đà Nẵng tiếp tục phê duyệt Đề án Đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại các cơ sở nước ngoài (Đề án 393).

Năm 2011, hai đề án trên được gộp chung thành Đề án 922. Thành phố đã cử hơn 600 người là học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú, học viên bậc đại học, học viên bậc sau đại học… đi học với kinh phí khoảng 680 tỷ đồng.

Tiếp tục từ những thành công của quá khứ, cuối năm 2022, HĐND TP Đà Nẵng thông qua Nghị quyết xây dựng Chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2023-2025 với mức chi từ 50 - 200 lần mức lương cơ bản, tức là từ 70 triệu đến gần 300 triệu đồng. Kinh phí thực hiện ước tính gần 27 tỷ đồng…

Theo đánh giá của UBND TP Đà Nẵng, đối tượng thu hút đã bổ sung một lực lượng lao động trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức thành phố. Từ đó, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý cho thành phố.

Đà Nẵng đã bố trí tại cơ quan hành chính 591 người và bố trí về đơn vị sự nghiệp 678 người. Trong đó, có 145 người được bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng trở lên.

Nhiều người được đào tạo ở nước ngoài thể hiện sự năng động, tự tin trong các quan hệ giao tiếp quốc tế, năng lực phản biện trong tham mưu đề xuất, xúc tiến và triển khai các dự án hợp tác quốc tế; tạo ấn tượng tốt với các đối tác nước ngoài, các nhà đầu tư.

Đồng thời cải thiện môi trường làm việc, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của thành phố và phát triển được một số đơn vị kỹ thuật cao về các lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ nhất là công nghệ thông tin...

Theo ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, những thành tựu phát triển của TP trong 20 năm qua là kết quả của sự nỗ lực chung, trong đó có sự đóng góp hiệu quả của những cán bộ được tuyển chọn thông qua các chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xuyên suốt trong quá trình phát triển, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài luôn được Đà Nẵng đặc biệt quan tâm, bồi dưỡng. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách thu hút nhân tài của thành phố đã bộc lộ một số hạn chế.

Cuối năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng, chị Trần Thị Thu Mai được Sở Nội vụ TP Đà Nẵng tuyển dụng theo diện thu hút nhân lực chất lượng cao, vào làm việc tại văn phòng UBND phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu), được hưởng nguyên lương và hưởng thêm phụ cấp 0,3% lương cơ bản mỗi tháng. Đến năm 2017, chị được HĐND phường bầu làm Phó Chủ tịch UBND phường.

Chị Mai chia sẻ, chính sách thu hút nhân tài của TP thời điểm đó rất ưu việt, người trẻ có cơ hội phát triển, cống hiến khả năng của mình. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay những chính sách ấy không còn phù hợp.

“Bây giờ sinh viên ra trường đa số chọn môi trường năng động, có thu nhập cao. Trong khi đó mức lương cơ sở thấp hơn bên ngoài rất nhiều nên không đảm bảo để họ gắn bó. Khi mức sống không đảm bảo thì họ khó yên tâm cống hiến. Vì vậy, thành phố cần có những chính sách ưu việt hơn để thu hút, giữ chân nhân tài”, chị Mai chia sẻ.

Qua các đợt tổng kết đánh giá chính sách, Đà Nẵng nhận ra rằng, tiêu chí lựa chọn người để thu hút còn nặng về bằng cấp, chưa quan tâm đúng mức thực tài và đào tạo kỹ năng làm việc thực tiễn.

Một số đơn vị thụ động, miễn cưỡng trong việc tiếp nhận, tuyển dụng vào biên chế đối với đối tượng thu hút và học viên đào tạo.

Đồng thời do số lượng biên chế hành chính ít nên chưa kịp thời tuyển dụng vào biên chế đối với các đối tượng này; chưa tạo môi trường thuận lợi, phát huy hiệu quả nhân lực thu hút và đào tạo, khiến họ thiếu an tâm công tác.

Đáng chú ý là mức lương thấp, việc thành phố dừng hỗ trợ hằng tháng sau thời hạn đãi ngộ theo quy định khiến nhiều người được thu hút vào chưa yên tâm công tác.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng các đối tượng thu hút và đào tạo không thực hiện đúng cam kết, nghỉ việc trước khi hoàn thành nghĩa vụ để tìm kiếm công việc khác với mức lương cao hơn.

Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi) Nguyễn Hồng Hậu cũng nhìn nhận có nhiều trường hợp được thu hút vào rồi lại thôi việc. 

Theo ông Hậu, có nhiều lý do họ xin nghỉ việc như chuyển công tác theo chồng hoặc vợ ra ngoài tỉnh, về công tác gần gia đình. Đáng chú ý là có một số trường hợp xin nghỉ việc từ khu vực công để chuyển qua khu vực tư, với lý do mức lương Nhà nước quá thấp. 

Quảng Ngãi còn là một tỉnh nghèo, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức còn thấp nên chưa thu hút được những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ về tỉnh công tác, đặc biệt là trong lĩnh vực công.

Ông Lê Phú Nguyện, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho biết, mới đây TP đã thông qua đề án “Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người có tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030”.

Đề án này sẽ tập trung 2 nhánh. Đầu tiên đó là bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý các cấp.

Theo đó, ngoài các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, thì TP sẽ cử cán bộ công chức, viên chức đi đào tạo ứng dụng chuyên môn cao ở nước ngoài, tập trung các ngành quan trọng, lĩnh vực mũi nhọn của TP.

Đà Nẵng sẽ lựa chọn các quốc gia như Mỹ, Phần Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Singapore, Hà Lan, Nhật Bản, Đức… nơi có kinh nghiệm phát triển và có các cơ sở đào tạo đứng đầu thế giới để cử cán bộ lãnh đạo, quản lý đi đào tạo, bồi dưỡng.

“Bộ máy không phải thu hút vài người giỏi vào là thay đổi chất lượng, con người hiện có mới là quan trọng. Do đó thành phố hướng đến chính là đào tạo thường xuyên, nâng cao. Ngoài việc đào tạo thông thường theo quy định, thì sẽ có nhóm bồi dưỡng chất lượng cao như đưa các y bác sĩ giỏi đến những bệnh viện lớn trên thế giới để đào tạo, tham gia kíp mổ kỹ thuật cao nhằm tiếp cận công nghệ y tế hiện đại. Từ đó, các bệnh viện ở Đà Nẵng sẽ hình thành được các kíp mổ giỏi sau khi được đào tạo, đem lại lợi ích cho người dân”, ông Nguyện chia sẻ.

Ở nhánh thứ hai, ông Nguyện cho biết, TP sẽ có các cơ chế chính sách về thu hút, trọng dụng người có tài năng. Cụ thể, TP tập trung thu hút đối tượng là chuyên gia, nhà khoa học ở khu vực ngoài nhà nước, người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài đến làm việc theo hình thức hợp đồng ngắn hạn.

Thu hút cán bộ lãnh đạo, quản lý và sinh viên tốt nghiệp đại học, sau đại học đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo Quyết định số 28/2019/QĐ- UBND đến làm việc lâu dài tại các cơ quan, đơn vị thuộc TP. Việc thu hút được thực hiện đồng bộ với quy trình tuyển dụng công chức, viên chức.

Thu hút người có tài năng đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật, thể thao đến hợp đồng làm việc (theo hình thức ngắn hạn hoặc lâu dài).

“Lâu nay chúng ta thu hút nhân lực đưa vào biên chế trở thành công chức. Còn bây giờ TP sẽ thu hút, mời những người đã giỏi trên lĩnh vực đó, họ là người có tên tuổi đến làm việc ngắn hạn để phục vụ các chương trình, dự án lớn của thành phố trên các lĩnh vực mũi nhọn.

Việc này đảm bảo tính linh hoạt, sát với nhu cầu, tối ưu hóa mục đích sử dụng. Đây cũng là việc rất khó, đòi hỏi nhiều vấn đề nhưng TP sẽ cố gắng tiếp cận”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho hay.

Kỳ tới: Sinh viên xuất sắc chọn lương nghìn USD hơn là vào cơ quan Nhà nước