Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Bình Định sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển theo định hướng đến năm 2030 trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, phía Nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế.
Để trở thành “điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, những năm qua, Bình Định không ngừng nỗ lực cải cách hành chính nhằm nâng cao tính năng động, minh bạch của chính quyền. Đồng thời luôn đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết các vấn đề, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án…
Tại buổi lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tổ chức cuối tháng 12/2023, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định - ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh:
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh về tiềm năng, thế mạnh địa phương: Vị trí địa lý, giá trị lịch sử - nhân văn; hạ tầng kỹ thuật; nguồn nhân lực dồi dào; môi trường đầu tư thông thoáng; đội ngũ lãnh đạo và bộ máy hành chính chuyên nghiệp, giàu quyết tâm, luôn kiên trì phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
“Theo quy hoạch, tỉnh Bình Định có 15 khu công nghiệp, tổng diện tích khoảng 6.700ha, 68 cụm công nghiệp - gần 3.500ha, trong đó, Khu Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex VSIP gần 1.400ha, có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, đáp ứng đầy đủ nhất các điều kiện đầu tư…”, Chủ tịch tỉnh cam kết.
Trong năm 2024, Bình Định thu hút mới 62 dự án của các doanh nghiệp trong nước và 4 dự án của doanh nghiệp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký khoảng gần 14.450 tỷ đồng.
Năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với tinh thần quyết tâm vượt khó, cùng sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của chính quyền và cộng đồng DN toàn tỉnh, nên tình hình kinh tế - xã hội của Bình Định tiếp tục phát triển, đạt được kết quả toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa 13 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chia sẻ, năm 2024, sự thay đổi rất lớn về hình ảnh, con người, văn hoá của Bình Định được lan toả ra cả thế giới. Ông dẫn dụ, “một người bạn của Bí thư tỉnh ở Mỹ đã chia sẻ “họ thấy hình ảnh đầm Thị Nại trên kênh truyền hình Mỹ” với một tâm trạng rất phấn khởi…”
Cuối tháng 3/2024, tại hội nghị Xúc tiến đầu tư do UBND tỉnh tổ chức, nhiều tỷ phú từ Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, UAE đã đến tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Nhiều tỷ phú thế giới cũng bày tỏ mong muốn được đầu tư tại tỉnh Bình Định. Cụ thể, tỷ phú Saif Ali Shahin Mohammed Altahri, TGĐ Tập đoàn Thương mại UB General Trading FZC - 1 trong những tập đoàn tài chính hàng đầu của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) bày tỏ mong muốn triển khai 2 dự án đầu tư tại Bình Định, gồm dự án nhà máy năng lượng và dự án xây dựng khách sạn tiêu chuẩn quốc tế.
Còn tỷ phú Peter Palanugool, Chủ tịch Tập đoàn Bangkok Assay Office - tập đoàn đầu tư đa ngành hàng đầu của Thái Lan, cũng đã tìm hiểu thêm nhiều thông tin liên quan để có thể xúc tiến nhanh dự án xử lý rác điện tử thành sản phẩm vàng và y tế thông minh tại tỉnh này trong thời gian sớm nhất.
Ngày 17/9, UBND tỉnh Bình Định đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Nhà máy sản xuất cà phê hoà tan sấy lạnh của Tập đoàn Future Enterprises Pte. Ltd. (Singapore).
UBND tỉnh Bình Định cho biết, dự án Nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh của Tập đoàn Future Enterprises Pte. Ltd. (Singapore) là dự án 100% vốn nước ngoài, do Tập đoàn Food Empire đầu tư Khu công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. Dự án có với diện tích 7,11 ha, vốn đầu tư hơn 2.002 tỷ đồng (tương đương 80,74 triệu USD) với quy mô là 5.400 tấn/năm.
Mục tiêu của dự án là sản xuất và xuất khẩu cà phê hòa tan sấy lạnh, với công suất 5.400 tấn sản phẩm/năm, tạo việc làm mới cho hơn 200 lao động. Dự án dự kiến hoàn thành, đi vào hoạt động chính thức vào đầu năm 2028.
Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, dự án nhà máy sản xuất cà phê hòa tan sấy lạnh khi đi vào hoạt động, không chỉ hứa hẹn mang lại những sản phẩm công nghiệp mới mà còn là động lực tăng trưởng cho ngành công nghiệp chế biến của tỉnh. Đồng thời, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu của ngành công nghiệp tỉnh Bình Định, mở ra những làn sóng đầu tư mới, tạo nhiều cơ hội việc làm và đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Ngày 22/10, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp và làm việc với ông Per Hornung Pedersen, Chủ tịch kiêm TGĐ điều hành Tập đoàn PNE (Đức) để thảo luận về dự án điện gió ngoài khơi trị giá 4,6 tỷ USD.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho hay, tỉnh rất quyết tâm thực hiện dự án điện gió ngoài khơi này, lãnh đạo tỉnh cũng đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu các công nghệ, dự án mà tập đoàn đang thực hiện ở Đức.
Theo UBND tỉnh Bình Định, dự án điện gió ngoài khơi do Tập đoàn PNE đăng ký đầu tư sau khi hoàn thành với tổng công suất 2.000MW, đưa vào vận hành phát điện thì mỗi năm sẽ cung cấp khoảng 7,1 tỷ kWh điện cho hệ thống lưới điện quốc gia, đóng góp nguồn thu ngân sách hàng năm cho tỉnh ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.
Ngày 22/11, UBND tỉnh Bình Định phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Thái Lan tại TPHCM tổ chức hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp Thái Lan tại tỉnh Bình Định.
Thông tin tại hội nghị, hiện nay, tại tỉnh Bình Định có 10 dự án của các nhà đầu tư Thái Lan được triển khai với tổng vốn đăng ký trên 106 triệu USD, chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đáng chú ý có nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, có tính lan tỏa, đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Bình Định.
Sáng 18/12, UBND tỉnh Bình Định và Hội Hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam tại TP. Sakai, Nhật Bản đã ký kết thoả thuận hợp tác giữa 2 bên, nhằm phối hợp hỗ trợ các cơ quan, địa phương, DN tỉnh Bình Định kết nối, hợp tác với các đối tác Nhật Bản và ngược lại trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.
Bình Định hiện có 3 thỏa thuận hợp tác cấp địa phương đã ký kết với Nhật Bản gồm: UBND tỉnh Bình Định và Chính quyền TP. Izumisano thuộc tỉnh Osaka; UBND huyện Vĩnh Thạnh và Chính quyền thị trấn Yoshino thuộc tỉnh Nara; UBND TP. Quy Nhơn và Chính quyền TP. Ashikaga thuộc tỉnh Tochigi.
Có thể nói điểm sáng nổi bật của Bình Định thời gian quan chính nhờ ngoại giao kinh tế. Không chỉ tiếp đón nhiều tổ chức, doanh nghiệp và đối tác đến khảo sát, đăng ký đầu tư, Bình Định còn chủ động tổ chức các đoàn công tác xúc tiến tại các quốc gia như Đức, Pháp, Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan... để “mời đại bàng về làm tổ”.
Nhờ vậy, kết quả hoạt động kinh tế đối ngoại của tỉnh này rất nổi bật. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ước đạt 1.710 triệu USD, tăng 7,8% so với năm 2023. Trong năm, tỉnh thu hút 4 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Đến nay, Bình Định đã có 92 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,33 tỷ USD. Trong đó, 49 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 252,998 triệu USD; 43 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 942,534 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư thuộc nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Điển hình như Hoa Kỳ (288,93 triệu USD), Singapore (246,75 triệu USD) và Trung Quốc - bao gồm Hong Kong và Đài Loan (190,31 triệu USD) …
Theo Sở KH&ĐT Bình Định, lũy kế từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh thu hút 66 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 14.449,40 tỷ đồng, Trong đó có 62 dự án đầu tư trong nước và 4 dự án FDI.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh năm 2024 đạt khoảng 15.615 tỷ đồng, vượt 7,8% dự toán HĐND tỉnh giao và tăng 23,2% so với cùng kỳ.
Bình Định được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá thuộc nhóm 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước. Giá trị giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt khoảng 8.800 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch Thủ tướng giao.
Trong năm 2024, tỉnh này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 1.103 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 9.178 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tăng 5,4% về số doanh nghiệp đăng ký và tăng 6,7% về vốn đăng ký.
Với những kết quả đã được trong năm qua, Bình Định chạy đà cho mới với những mục tiêu lớn hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn khẳng định, 2025 được xác định là năm “tăng tốc” và “bứt phá”. Tỉnh đặt kế hoạch tăng trưởng GRDP 7,6 - 8,5%, nhưng phấn đấu để chỉ số này đạt trên 8,5%.
Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tổ chức hàng loạt hoạt động nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Bên cạnh đó, các yếu tố như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, tạo việc làm, … tiếp tục là quan tâm hàng đầu của Bình Định.
Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, tỉnh Bình Định luôn chào đón các DN, nhà đầu tư đến với tỉnh. Tỉnh xác định 5 sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư đó là: sẵn sàng về quy hoạch; hạ tầng giao thông kết nối; quỹ đất, mặt bằng sạch; nguồn nhân lực và cuối cùng là môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư…
Nguyễn Hiền - Nguyễn Nam