Để mỗi người là một “Công dân toàn cầu" – "Công dân Vũ trụ"


Sau thành công của bộ sách Một đời quản trị, Một đời tìm đườngMột đời thương thuyết, mới đây tác phẩm mới nhất của Giáo sư Phan Văn Trường: Công dân toàn cầu, Công dân vũ trụ của Nhà xuất bản Trẻ đã được giới thiệu đến đông đảo bạn đọc Việt Nam.

Là giáo sư, cố vấn của chính phủ Pháp về Thương mại quốc tế, nên GS. Phan Văn Trường với vốn sống phong phú, đa dạng cùng nhiều trải nghiệm đã viết nên một tác phẩm đầy thời sự và cũng cần thiết trong xu thế hội nhập hiện nay.Với 10 chương của cuốn sách này, định nghĩa về một "công dân toàn cầu" sẽ được làm rõ, từ đó cho thấy trách nhiệm cũng như vai trò của từng cá thể một trong thế giới ngày nay. Đầy kiến thức và những kinh nghiệm được chia sẻ, đây là cuốn sách mà bất cứ ai cũng nên đọc để tìm lại mình và tìm thấy chính mình. 

Chương 1: ADN của những công dân toàn cầu lướt qua những tấm gương sáng và những đặc điểm chung nhất trong cuộc đời của họ. Đó là nhà vật lý thám hiểm châu Phi Livingstone, triết gia Hy Lạp cổ đại Socrates, bác sĩ Yersin cũng như những danh nhân văn hóa và anh hùng dân tộc như Nguyễn Du, Phan Bội Châu, Trương Vĩnh Ký…

Có thể thấy được điểm chung của những nhân vật trên, là họ luôn gìn giữ văn hóa dân tộc, nhưng cũng không quên tôn trọng và yêu văn minh của những đất nước khác. Họ hiểu được hệ sinh thái toàn cầu, họ yêu xã hội, nhận tròn trách nhiệm của một công dân tốt. Họ đầy tự trọng, ngay thẳng, minh triết, tiết hạnh. Họ không chỉ là công dân cống hiến cho riêng đất nước  mình, mà còn là cho văn hóa chung của toàn nhân loại

Trong chương sách này, GS. Phan Văn Trường cũng làm rõ từ khi nào xuất hiện khái niệm “công dân toàn cầu” và đặc điểm chung của họ là gì. Theo đó vào những những năm 1970 khi nhiều thỏa hiệp thương mại xuyên biên giới xuất hiện, các phương tiện truyền thông phát triển nhanh, thì khái niệm trên đã xuất hiện sau tư tưởng toàn cầu hóa.

Không có một cơ cấu chung, nhưng điểm dễ thấy của những “công dân toàn cầu” là họ hiền hòa, suy nghĩ bằng lý trí và kiểm soát cảm xúc, không để cảm xúc tiêu cực tràn ngập trái tim. Những cá thể này thường có tư duy thương thảo và thỏa hiệp.

Họ cũng yêu địa cầu và không tự giới hạn dưới những đường biên giả tạo. Họ tôn trọng mọi người và những sinh vật giống mình. Họ cũng tự trọng và thành thật với bản thân. Họ tạo ra giá trị chứ không pha giá trị và luôn sống tích cực. Họ tôn kính người xưa, họ không gây khó dễ cho ai, không đưa ai vào việc vô ích hay tình huống không có lời giải. Họ nắm vững nghệ thuật tự làm, tự lực, tự cường, tự quản. Họ cũng hiếu kỳ, hiếu học, siêng năng, tự học suốt đời…

Chương 2: Những kiểu người tiêu biểu qua nhiều thời đại lướt theo những thời kỳ của lịch sử loài người. Theo đó phong cách “công dân” cũng thay đổi theo từng thời điểm. Ngày nay, “công dân toàn cầu” là công dân “thuận tự nhiên”, bám theo các “phong trào giãn cách” cũng như sống hài hòa cùng tự nhiên.

Theo đó, đây là mẫu công dân mới manh nha xuất hiện vào đầu thế kỷ 21. Một trong những lý do khiến nó xuất hiện là những ảnh hưởng từ dịch bệnh, từ đó họ có phong cách làm việc 100% online và “đóng đô” bên ngoài những thành thị bon chen.

Đặc điểm của thế hệ này là họ sống hòa thuận với vụ trụ, với đất trời, tự nhiên và không mấy quan tâm đến vật chất hão huyền. Họ sẽ ở trong một thế giới văn minh, nơi làm việc gì và cư ngụ ở đâu cũng sẽ cho phép họ tự nuôi sống mình. Môi trường theo đó cũng là một mối quan tâm lớn của họ, khi yêu thích lối sống ẩn dật và thuận theo tự nhiên.

Chương 3: Công dân toàn cầu đầu tiên tôi từng gặp là một ví dụ về “công dân toàn cầu” mà GS. Phan Văn Trường có dịp tiếp xúc. Đó là anh Andrew ở Jakarta, Indonesia. Theo những ký ức của ông, anh là người có sự tự kỷ luật cao. Anh tuân theo một thời gian biểu vô hình với óc tổ chức có sắp xếp, gọn gàng. Anh Andrew tập trung cao độ khi làm việc và mục đích tối thượng là tìm đến lợi ích cho cả hai bên, mang giá trị tích cực cho mọi người.

Trong đời sống cá nhân, anh không công khai vẻ hào nhoáng mà luôn lý trí hóa mọi phản ứng cảm tính. Về công việc, anh là tuýp người đa ngôn ngữ, sinh hoạt tiết kiệm tối đa nhưng vẫn phóng khoáng, dễ dãi. Nói chung anh chính là người của sự bền vững.

Chương 4: Công dân toàn cầu nhỏ tuổi nhất tôi từng gặp cũng là một điển hình khác. Theo đó, cậu bé Phú Đạt trên bãi biển Nha Trang mới 7 tuổi đã tự giác nhặt rác trên khắp bãi biển trước nhà mình. Thường ngày cậu có mặt lúc 5h30, nhặt hơn một tiếng và chỉ ngưng tay khi mặt trời bắt đầu mọc.

Cậu bé mơ về một thế giới sạch nõn nà như bếp của mẹ mình. Hành động của cậu êm ắng, thông minh, gọn nhẹ, tích cực, không màu mè hay là khoe khoang cảm tính. Điểm hay nhất của cậu bé này là việc nhận lấy phần đóng góp của mình một cách thản nhiên, không so bì, ngụy biện, tính toán thiệt hơn, không lo cho mình mà là cho cả xã hội.

Chương 5: Một nữ “công dân toàn cầu” đặc biệt nói rõ hơn nữa về việc gìn giữ một sự cam kết để trở thành một người tốt đẹp hơn. Đó là cô Viviane, một Tổng Thư ký của Câu lạc bộ Tòa Thánh tại thành phố lớn của Thụy Sĩ. Tuy đây là nhóm nhỏ về lợi ích, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Trong các cuộc bầu cử, cô Viviane không đứng về riêng phe nào, mà cô luôn cẩn thận gìn giữ sự thân thiện và đóng góp đồng đều cho mỗi ứng viên. Trong công việc, cô không bao giờ để cảm tính vượt ý nghĩ của mình. Khả năng tìm ra mọi giải pháp, trình bày khúc chiết, sáng suốt với lý luận chắc nịch… cùng với việc giữ lời hứa mà mỗi lời nói là một cam kết… đã khiến cô là một “công dân toàn cầu” đúng nghĩa.

Chương 6: Một công dân toàn cầu thật ấm áp và tử tế nói về Carlos Abedra, người giàu nhất Mexico mà GS. Phan Văn Trường có dịp tiếp xúc vào năm 1989. Thông qua ông Carlos, ta có thể thấy những triết lý vô cùng ý nghĩa như “Yêu nước tôi đã, rồi mới thương thuyết sau” hay “Đừng thắc mắc và toan tính quá nhiều. Cứ sống thoải mái số kiếp mà ta được ban. Sống trọn vẹn trong giây phút này”. Từ đó con người hòa hợp với vũ trụ, thiên nhiên và cuộc sống giản dị hiện ra, để cùng nhau xây dựng Trái đất thân yêu.

Chương 7: Công dân toàn cầu đi dự đại tiệc là những chia sẻ dựa trên trải nghiệm của GS. Phan Văn Trường trong việc tôn trọng văn hóa của các quốc gia khác nhau. Theo đó ông khuyên khi ra thế giới, chúng ta luôn phải quan sát những nền văn hóa ẩm thực khác nhau, từ đó có cách hành xử hợp lí. Một vài ghi chú cũng được ông cẩn thận ghi lại như việc tránh gắp thức ăn vào bát của nhau, không đưa đối tác đến nơi ồn ào, hay sự quan trọng của y phục…

Chương 8: Văn hóa làm việc và hành xử của công dân toàn cầu. Cũng như chương 7 bàn về tiệc tùng, chương này xoáy vào phong cách làm việc và những tinh thần mà một “công dân toàn cầu” phải có. Theo đó mỗi người phải có trách nhiệm thực hiện dự án theo tiêu chuẩn đã được đưa ra. Cùng đó là việc đảm bảo ngân sách, chất lượng, số lượng cũng như thời hạn bàn giao.

Để làm được điều đó thì việc phối hợp với những đồng nghiệp là rất cần thiết. Cần loại bỏ lối tư duy chơi cá nhân, mà thay vào đó là đảm bảo lợi ích chung. Con người hiện đại phải luôn giữ vững thái độ “cho hết” trong tinh thần liêm chính, ngoài ra cũng phải hiểu rõ lẽ vận hành của trời đất: có thắng có thua và luôn cố gắng hết sức mình.

Chương 9: Những điều tối kỵ với công dân toàn cầu là tập hợp những điểm nên tránh trong cuộc sống cũng như công việc. Theo đó, chúng ta cần tránh cho mình khỏi những vướng víu với các tập quán mâu thuẫn như kỳ thị màu da, chủng tộc, tôn giáo, giới tính...

Chúng ta cũng không thể nào xem thường luật chơi, phớt lờ các chuẩn văn hóa, xâm phạm người khác hay thiếu tôn trọng các cam kết đã được đưa ra. Về mặt xã hội, việc xem nhẹ truyền thông, kể cả lời xin lỗi, cũng như gia trưởng, mê tín, thiếu tự tôn, thừa tự ti là những điều nên tránh.

Chương 10: Thông điệp thầm kín là những đúc kết cuối cùng về những ai chưa là và đang trên con đường trở thành “công dân toàn cầu”. Theo GS. Phan Văn Trường, đó là một hành trình dài cần nhiều thời gian. Và chỉ cần ta tự nguyện đi vào con đường đó với tinh thần chân thành thì đã là đúng định hướng. “Công dân toàn cầu” ở cấp độ thấp nhất là người yêu trái đất, quý trọng sự sống rồi sẽ chuyển hóa hơn theo thời gian sau, nên nếu muốn trở thành một người như thế, hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhất.

“Công dân toàn cầu – Công dân vũ trụ” là một tác phẩm vô cùng cô đọng mà cũng gần gũi cho những ai đang trên con đường tìm kiếm chính mình. Bằng những kiến thức cũng như vốn sống phong phú, GS. Phan Văn Trường đã mở cánh cửa “hội nhập” cho những người còn đang hoang mang đứng trước chọn lựa. Bởi công dân toàn cầu nghe bằng trái tim, nói bằng tấm lòng, lý luận bằng lương tri và phát biểu bằng trí tuệ; cho nên hãy sống vừa đủ, hành xử vừa tròn, trong tinh thần thân thiện cũng như tích cực.

Ngô Minh