Tôi đã từng viết bài Thầy giáo lên lớp cùng viên gạch và câu chuyện hóa giải nỗi sợ Toán của học sinh. Ý của bài viết tôi muốn truyền tải đó là cần phải dạy học để gắn với thực tế. Việc này ngoài việc giúp các em có thể dễ dàng hiểu và hiểu sâu vấn đề thì điều quan trọng hơn, còn giúp các em linh hoạt trong mọi tình huống của cuộc sống.

Giáo dục ngoài việc cung cấp kiến thức còn trang bị kĩ năng sống cho người học. Bài thi Toán vào lớp 10 Trung học phổ thông (THPT) của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM những năm gần đây đều gắn với thực tế. Rất nhiều học sinh và phụ huynh cho rằng đề thi khó. Liệu có đúng như vậy? Tôi xin đưa ra quan điểm của một người giáo viên Toán đã có khá nhiều năm kinh nghiệm.

Đề thi trong những năm qua dù mang tính vận dụng cao, vẫn thường gồm những câu liên quan đến kiến thức cơ bản: Rút gọn, Phương trình bậc 2, Giải toán bằng cách lập phương trình, Tứ giác nội tiếp… và thêm một, hai câu vận dụng.

Cụ thể với đề Toán của Sở GD-ĐT TPHCM vừa qua thì câu 1, 2, 3, 7, 8 chiếm tới hơn 7 điểm là những bài toán rất cơ bản của chương trình môn Toán trung học cơ sở (THCS). Với những câu liên quan đến kiến thức cơ bản như vậy thì học sinh đã được luyện liên tục trong năm lớp 9.

Thực tế, hầu hết các trường THCS đều cắt giảm các môn để các em lớp 9 có nhiều thời gian ôn luyện môn Toán, Văn, Ngoại ngữ. Những câu trong đề thi chính thức thậm chí còn dễ hơn nhiều câu mà các em được ôn luyện trên lớp. Bởi vậy có thể các em không cần đi học thêm, chỉ cần học kỹ sách giáo khoa, học kỹ trên lớp là có thể đạt được ít nhất 5 điểm; việc đạt điểm 7 cũng không quá khó với đề thi này.

Lớp 10.jpeg
Học sinh TPHCM thi vào lớp 10 (Ảnh: Nguyễn Huế)

Nếu bảo Bài 5, Bài 6 là khó thì ở đây tôi xin phân tích cụ thể. Với Bài 5, có người bảo, hình cầu đã học đâu mà lại cho các em thi? Tuy nhiên, để ý một chút ta thấy đó rất là bình thường. Hình cầu hoặc diện tích xung quanh của hình trụ dù chưa học nhưng trong bài ra đã cho công thức rất cụ thể, nếu học sinh tư duy một chút là làm bình thường không có gì là đánh đố. Suy nghĩ như vậy nên với phần a) chỉ cần thay số vào công thức tính thể tích của hình cầu: (4/3).3,14.(R.R.R) = 4,2. Từ đó sẽ dễ dàng tính được R.

Với câu b) thì cần phải tính diện tích xung quanh của hình lập phương có cạnh bằng đường kính của khối cầu, tức cạnh bằng 2.R, khi đó diện tích xung quanh hình lập phương là: S1 = 4.(2R).(2R) và diện tích xung quanh hình trụ với chiều cao h = 2.R, bán kính bằng bán kính R của khối cầu, khi đó diện tích xung quanh của hình trụ là:  S2 = 2.3,14.R.2R + 2.3,14.R.R với R đã tìm được ở phần a). Sau đó so sánh S1 và S2 để có câu trả lời.

Suy nghĩ như vậy thì học sinh chỉ cần mất vài ba phút để làm câu này, nghĩa là không có gì khó khăn cả dù là bài toán vận dụng.

Học sinh hoặc phụ huynh kêu khó chẳng qua là do việc dạy và học không gắn với thực tế. Giờ đây gắn đề thi với thực tế mà học sinh không quen thuộc nên cảm thấy khó.

Đề thi nhắc nhở cách học, dạy cần có nhiều thay đổi

Đề thi hoàn toàn không đánh đố mà lại giúp gắn liền việc học với thực tế và đặc biệt đây là một gợi ý quan trọng trong việc ngăn chặn tình trạng học thêm, dạy thêm tràn lan. Cứ đi học thêm tràn lan mà năm trước, điểm Toán thi vào THPT của học sinh TPHCM có tới hơn 50% đạt dưới trung bình. Và dù năm nay mới thi xong nhưng khả năng cao kết quả cũng sẽ như vậy, trong khi đó không cần đi học thêm, ta cũng có thể đạt điểm này vì nhiều bài đều rất cơ bản, chỉ cần học kỹ và tư duy một chút có thể làm được như đã phân tích ở trên.

Đề Toán này còn nhắc nhở phụ huynh cần yêu cầu con học chắc phần cơ bản và phải ngoại khóa nhiều hơn để có tư duy thực tế giúp có thể giải quyết tình huống một cách dễ dàng. Nghĩa là, đề thi này nhắc nhở rằng cách học, cách dạy cần có nhiều thay đổi. Đồng thời học sinh cần phải hoạt động ngoại khóa nhiều hơn để có tư duy thực tế giúp giải quyết tình huống.

Như mọi người đã biết, cuộc sống không phải lúc nào cũng diễn ra một cách tuần tự, suôn sẻ mà ngược lại có thể xảy ra bất cứ biến cố nào, do vậy mỗi người cần phải linh hoạt để thích ứng với mọi tình huống. Đây là một kỹ năng vô cùng quan trọng mà cuộc sống đòi hỏi. Trong quá trình dạy học, đôi khi tôi và học sinh có thể do vô tình đã đọc sai đề nhưng không sao, tôi và học sinh của mình sẽ giải bài toán sai đó, coi như đó là bài toán mới.

thi lớp 10
Dù kỳ thi vào lớp 10 đã kết thúc nhưng dư âm đề thi Toán vẫn còn đọng lại trong nhiều thí sinh và phụ huynh (Ảnh: Nguyễn Huế)

Mấy năm trước có vụ, một cháu bé 7 tuổi ở Nhật Bản bị lạc rừng mấy ngày nhưng vẫn trở về được an toàn.

Sở dĩ có được điều kỳ diệu này bởi vì cháu được trang bị kỹ năng tuyệt vời, giúp cháu xử lý linh hoạt trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc, để rồi có thể trở về an toàn. Thử hỏi rằng nếu chỉ được học lý thuyết cao siêu nhưng không linh hoạt thì liệu mấy học sinh 7 tuổi thậm chí là người lớn của nước ta có thể làm được điều kỳ diệu như vậy.

Dạy và học kiểu lý thuyết, suốt ngày chỉ biết cắm đầu vào học, không rèn kĩ năng, chỉ số IQ có thể cao đấy nhưng chỉ số EQ thấp thì ra ngoài làm được gì. Gặp tình huống hơi bất ngờ là 'lúng ta, lúng túng' thì sao có thể thích ứng được với cuộc sống luôn biến đổi nhanh chóng trong thời đại ngày nay.

Để thi như vậy còn nhắc nhở cho chúng ta biết rằng học sinh không chỉ là người tiếp nhận tri thức mà có thể là người tạo ra tri thức. Học sinh có thể tự đặt ra những bài toán để mình giải chứ không nhất thiết lúc nào cũng lấy bài tập của thầy cô giao rồi giải. Tại sao không đặt tình huống ngược lại là mình tạo ra bài toán để mình giải. Xa hơn, tại sao chúng ta không tạo ra tri thức mà cứ lại đi tiếp nhận tri thức? Việc dạy và học gắn với thực tế có thể góp phần tạo ra tri thức chứ không đơn thuần là tiếp nhận tri thức.

Như vậy, việc dạy học gắn với thực tế là một điều vô cùng quan trọng. Đề thi Toán vào THPT của Sở GD-ĐT TPHCM vừa qua xứng đáng điểm 10 vì những lợi ích đã mang lại cho giáo dục TPHCM nói riêng và giáo dục cả nước nói chung. Cá nhân tôi - một người có thâm niên dạy Toán khá nhiều năm và là một công dân như nhiều công dân Việt Nam khác, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục nước nhà - bày tỏ triệu like với đề thi này.

Phạm Xuân Anh (giáo viên Toán, Bắc Ninh)

Kỳ thi lớp 10 tại TPHCM đã khép lại nhưng những tranh cãi quanh đề thi Toán vẫn chưa dứt. Mời quý độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề này. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: tphcm@vietnamnet.vn.

>>>Tra cứu điểm thi vào lớp 10 năm 2024 theo SBD, tên đơn giản trên VietNamNet<<<