Không phải ra đề khó là phân hoá được học sinh

Kỳ thi lớp 10 TPHCM đã kết thúc được vài ngày, thế nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong gần 100.000 thí sinh dự thi và cả phụ huynh đồng hành cùng con. Vấn đề nổi cộm năm nay là, nhiều thí sinh đã “rơi nước mắt”, cho rằng đề môn Toán khó.

Phía Sở GD-ĐT TPHCM lý giải, đề thi phải thể hiện tính phân hóa, có dễ, có khó để phục vụ được mục tiêu tuyển sinh. Kỳ thi này khác với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức học sinh. Đề thi tuyển sinh lớp 10 phải phân loại được các em có trình độ cao hơn, giỏi hơn để vào được các trường tốp đầu, những em có trình độ thấp hơn vào các trường tốp giữa và các trường thuộc tốp kế tiếp.

Chia sẻ vấn đề này, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân Huỳnh Thanh Phú cho biết, khái niệm phân hóa thực tế chưa rõ ràng. Theo ông, nhiều năm trở lại đây, mỗi khi đề thi cấp thành phố, cấp quốc gia mà quá khó thì mọi người dùng cụm từ "phân hóa" để lý giải hoặc một cụm từ an ủi "khó thì khó chung". Nhưng đã là khoa học thì phải rõ ràng, muốn phân loại học sinh thì người ra đề phải theo cấp bậc hay nói cách khác là "tháp phân hóa". Không phải ra đề khó là phân hóa học sinh.

thi lớp 10
Học sinh TPHCM bật khóc khi kết thúc môn Toán thi lớp 10. Ảnh: Nguyễn Huế

Đồng tình cách tiếp cận đề thi tuyển sinh 10 của TPHCM nhiều năm, nhưng theo ông, không nên quá lạm dụng để rồi làm khổ học sinh và bị dư luận phê bình. Một đề thi phải phản ánh quá trình học tập của các em, nghĩa là phần kiến thức của sách giáo khoa phải chiếm tỉ lệ nhất định.

Ông Phú đề xuất, những năm tiếp theo, bố cục đề thi cần đi từ câu dễ đến câu khó, dẫn dắt tâm lý học sinh an yên xử lý vấn đề. Mặt khác, nên công bố cấu trúc đề từ đầu năm học, cung cấp nguồn tư liệu để các trường ôn luyện cho học sinh. Ngoài ra, cần nghiên cứu điều chỉnh biên độ kết thúc chương trình khối 9 sớm để các trường có thời gian ôn luyện cho các em.

Thêm vào đó, ông Phú nêu, với kiểu ra đề như thế này thì kiểm tra chuyên môn của phòng giáo dục phải thay đổi, bởi với kiểu bám sát chương trình sách giáo khoa như hiện nay thì không thầy cô nào dám sáng tạo.

Phần nào trả lời câu hỏi "học Toán để làm gì"

Trong khi đó, thầy Phạm Phúc Thịnh, một giáo viên Toán ở TPHCM nhìn nhận, những năm gần đây TP ra đề Toán rất hay, mang tính thực tế và có tính phát triển năng lực rất cao. Đề thi năm nay cũng vậy, mang tính thực tế rất cao và phần nào trả lời được câu hỏi của học sinh "học Toán để làm gì".

Theo thầy Thịnh, học sinh kêu khó đơn giản là vì thói quen học rập khuôn theo "dạng" chứ không phải hiểu vấn đề cơ bản. Mà học theo dạng bài thì máy móc như robot, gặp kiểu đề phát triển năng lực này làm đạt 7 điểm là lạ. Cụ thể hơn, thầy Thịnh nêu ví dụ như bài 6a hoặc bài 4 hoàn toàn là những bài đơn giản, nhưng được bọc dưới lớp vỏ thực tế nên học sinh nào học vẹt sẽ cảm thấy "sợ". Còn đề toán dài 2 trang mà cho rằng dễ làm học sinh "ngộp" thì cần xem lại kỹ năng đọc hiểu của học sinh. 

Tóm lại, theo thầy Thịnh, đề Toán thi lớp 10 TPHCM năm nay vẫn hay, đúng với định hướng là học Toán để giải quyết những vấn đề trong thực tế, chứ không phải là giải bài toán thuần lý thuyết trên mây.

“Tôi ủng hộ cách ra đề này của Sở, vì sẽ hạn chế được nhiều giáo viên luyện 'dạng đề' và thủ thuật giải, chứ không dạy cho các con tư duy toán học. Tôi mong sao năm tới, Sở lại tiếp tục ra đề thế này” - thầy Thịnh bày tỏ. 

Còn thầy Trần Tuấn Anh, giáo viên Toán, Trường THPT Thủ Đức nhận xét, việc thí sinh gặp khó với đề thi môn Toán năm nay là do quen với việc giải toán theo dạng bài, với các bước giải và học sinh chỉ làm theo.

Trong khi đó, với kiểu bài toán thực tế, học sinh phải tự xây dựng quy trình giải, công thức, phương trình nên lúng túng. Mặt khác, những bài toán thực tế thường yêu cầu học sinh kỹ năng đọc hiểu, tóm gọn giả thiết và yêu cầu bài toán, để từ đó, xác định được các dữ liệu như biến, tham số, hằng số và xây dựng các mối quan hệ giữa chúng, diễn đạt theo ngôn ngữ toán học.

Theo thầy Tuấn Anh, cái khó nhất khi giải toán thực tế là hiểu được ý diễn đạt của bài toán, mà học sinh thường chưa hiểu nên khó làm nhanh được. Còn bản chất toán gồm tính toán nói chung, giải phương trình, chứng minh... không khó bằng kiểu đề ngày xưa.

Để học sinh không phải “khóc” theo những dạng toán này, trước hết giáo viên cần thay đổi cách nghĩ. Kiến thức Toán quen thuộc lâu nay như biến đổi biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình, giải bất phương trình, chứng minh... không phải đích cuối của việc học Toán. Đó chỉ là công cụ đắc lực cho việc giải các bài toán thực tế. Vì vậy, tránh dạy học tủ theo các dạng bài kiểu định dạng ra các bước giải tường minh cho học sinh học thuộc. Điều này làm hạn chế sự tự do sáng tạo, bó buộc tư duy khiến các em lúng túng khi gặp dạng toán "lạ".

Mặt khác, cần tăng khả năng đọc hiểu cho học sinh trong việc tìm hiểu bài toán, hiểu và tóm gọn giả thiết, hiểu yêu cầu bài toán bằng cách cung cấp các từ vựng về các lĩnh vực thực tiễn như tài chính, thống kê, xen kẽ trong bài dạy là các ví dụ thực tế, gần gũi. Về phía học sinh thì phải học theo bản chất, hiểu các định nghĩa, khái niệm về các đối tượng toán học để sử dụng trong giải toán. Tránh học thuộc công thức mà không biết sử dụng.

“Tôi rất ủng hộ cách ra đề của thành phố để học sinh còn biết học Toán không chỉ là giải bài tập. Toán giúp cho các em phát triển tư duy, tìm cái đúng, cái tối ưu, giúp chúng ta đưa ra những quyết định có lợi nhất. Điều đó thể hiện trong các bài toán tối ưu (như bài 4, bài 5) trong đề tuyển sinh lớp 10 năm nay. Mặt khác, dạng đề Toán thực tế trong đề tuyển sinh 10 là đúng theo mục tiêu chương trình 2018,  giảm các bài toán khó, biến đổi máy móc, tăng tính vận dụng, thực tiễn"- thầy Tuấn Anh nói.

Thầy Phạm Phúc Thịnh, giáo viên dạy toán ở TPHCM: Nhìn tổng thế, đề thi có tất cả 8 bài - 14 câu hỏi, chia ra: Áp dụng kiến thức đại số 7 câu; Áp dụng kiến thức hình học 6 câu; Áp dụng suy luận logic 1 câu.

Về mức độ tư duy có thể thấy, bài 1a, b , bài 5a, 8a là dạng kiến thức cơ bản (nhận biết) học sinh trung bình là giải quyết trọn vẹn, dễ dàng bỏ túi 3 điểm. Bài 2, 3, 4, 6a, 8b đòi hỏi hiểu rõ kiến thức để biến đổi với tổng 4,5 điểm. Học sinh trung bình khá và khá có thể giải quyết được 4 điểm. Còn lại là bài vận dụng (thấp, cao) trong đó câu 8c là vận dụng cao với 1 điểm, như vậy phần vận dụng thấp = 1,5 điểm.

Rõ ràng với đề thi này nếu học sinh học chỉ cần ở mức độ thông hiểu (tức học sinh trung bình khá) thì 7 điểm là bỏ túi. Còn học sinh khá, giỏi thì phổ điểm từ 7,5 - 9 (câu cuối dành cho học sinh năng khiếu toán).

Kỳ thi lớp 10 tại TPHCM đã khép lại nhưng những tranh cãi quanh đề thi Toán vẫn chưa dứt. Mời quý độc giả đóng góp ý kiến về vấn đề này. Bài viết vui lòng gửi về địa chỉ email: tphcm@vietnamnet.vn.

>>>Tra cứu điểm thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 nhanh trên VietNamNet<<<