Sáng 9/6, các thí sinh Hà Nội dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 đã trải qua bài thi môn Toán trong thời gian 120 phút.

Cấu trúc quen thuộc, không gây bất ngờ (nhận định của giáo viên Lê Thị Hải Yến - Tổ phó tổ Tự nhiên Trường THCS Nguyễn Phong Sắc (quận Hai Bà Trưng):

Đề Toán năm nay khá cơ bản, mức độ phân hoá tốt, kiến thức sát với chương trình và sách giáo khoa, không đánh đố học sinh. Học sinh nắm chắc kiến thức và kỹ năng hoàn toàn có thể làm được. Cấu trúc đề thi tương tự như mọi năm, bao gồm 5 bài toán lớn, mỗi bài gồm nhiều ý nhỏ được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó với các dạng bài đã rất quen thuộc không gây bất ngờ cho các em học sinh.

Bài 1: Vẫn ở mức cơ bản, đa số học sinh làm được.

Bài 2.1: Học sinh cũng gặp nhiều; Bài 2.2: Câu hỏi liên quan đến hình học không gian, học sinh chỉ cần vận dụng đúng công thức là tìm ra đáp án. 
Bài 3: Cấu trúc bài toán tương tự như các năm gần đây, có sự tăng nhẹ về độ khó (ý 2b) học sinh khá giỏi có kiến thức vững vàng thì có thể giải được. 
Bài 4: Đây là một bài toán về hình học gồm nhiều ý nhỏ, sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, các câu hỏi đều là dạng bài quen thuộc như chứng minh tứ giác nội tiếp, chứng minh góc bằng nhau, chứng minh đẳng thức và chứng minh 3 điểm thẳng hàng. Trong đó, ý cuối ở cấp độ vận dụng cao nhằm phân loại học sinh. 
Bài 5: Là câu hỏi có tính phân loại của đề, câu hỏi này thuộc chuyên đề bất đẳng thức và cực trị. Đây là chuyên đề vốn đã làm cho các em học sinh lúng túng trong quá trình học cũng như ôn luyện, nhiều học sinh sẽ bỏ qua và khó đạt được điểm 10. 

Nhìn chung, đề thi đảm bảo về cấu trúc và độ khó của câu hỏi, phù hợp với thực tế học tập của học sinh và có tính phân hóa tốt. Dự kiến, mức điểm trung bình của thí sinh có thể rơi vào khoảng từ 6,5 – 7 điểm.

Sức học trung bình có thể đạt điểm 7 (nhận định của thầy Đinh Thế Tho, giáo viên Toán của Trường THCS Huy Văn, quận Đống Đa):

Đây là năm cuối cùng thi theo chương trình 2006 nên đề thi Toán vào lớp 10 Hà Nội năm nay vẫn theo cấu trúc như mọi năm.  
Học sinh có sức học khá trở lên thì cần phải làm được những câu hỏi mang tính phân hóa cao như: câu 1 ý 3, câu 3 ý 2b, câu 4 ý 2b và ý 3 và câu 5.
- Câu 1 ý 3: Đơn giản chỉ là giải bất phương trình và trên tử biểu thức đã luôn dương nên chỉ cần xác định dấu của mẫu.
- Câu 3 ý 2b: Đòi hỏi thí sinh phải nhanh nhạy trong quá trình biến đổi và vận dụng linh hoạt định lí Vi-et để xử lí. Khi thay biểu thức bài cho vào tích và biến đổi tìm được  và thay vào biểu thức tổng là xong.
- Câu 4 ý 2b chỉ cần chỉ ra 2 tam giác đồng dạng để có được 2 góc tương ứng bằng nhau.
- Câu 4 ý 3: Chỉ cần gọi trung điểm của đoạn thẳng MN là điểm I và chứng minh cho 3 điểm B, E, I thẳng hàng.
- Câu 5 vẫn là bài về bất đẳng thức và là câu hỏi có tính phân loại của đề. 
Nhìn chung, cấu trúc đề thi lớp 10 năm 2024 của Hà Nội về cơ bản không có sự thay đổi so với các năm trước đây. Với mức độ đề này, dự kiến, mức điểm phổ biến của thí sinh có thể rơi vào khoảng từ 6,5 – 7,5 điểm.

Độ khó tương đương năm ngoái (nhận định của thầy Đặng Văn Thủy – giáo viên Toán Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Cầu Giấy):

Yên tâm và tự tin làm bài có lẽ là tâm lí chung của phần lớn học sinh sau khi đọc đề thi, vì cấu trúc đề giống với đề minh họa của Sở và không thay đổi so với các năm gần đây. 
Các câu hỏi trong đề đều quen thuộc, kiểm tra các kiến thức trọng tâm trong chương trình và học sinh đã được rèn luyện nhiều trong quá trình học nên sẽ làm tốt. 
Đề thi có mức độ tương đương với đề năm ngoái và có tính phân loại tốt. Khoảng 7,5 điểm là các câu hỏi mức độ nhận biết và thông hiểu, học sinh trung bình khá làm cẩn thận là có thể lấy điểm tối đa. 
Các câu hỏi mức độ vận dụng là câu 1c và câu 3 ý 2b cũng là các câu hỏi quen thuộc, nhưng câu 1 c học sinh dễ bị trừ điểm nếu xét thiếu trường hợp; ý cuối câu 2 bài hình đòi hỏi học sinh có kĩ năng phân tích, tổng hợp mối liên hệ giữa các yếu tố hình học để tìm lời giải. 
Dự đoán phổ điểm có thể sẽ tập trung nhiều trong khoảng 7,5 đến 8,5.  Phần lớn học sinh và phụ huynh sẽ vui vẻ và thoải mái vì các con làm bài tốt.

Đặt câu hỏi rõ ràng (nhận định của giáo viên Đinh Tuyết Trinh, Tổ phó phụ trách Toán THCS của Trường THCS và THPT M.V.Lô-mô-nô-xốp, quận Nam Từ Liêm):

Cách ra đề bài và đặt câu hỏi tương đối rõ ràng, quen thuộc với học sinh. Nếu các em nắm chắc kiến thức cơ bản, kĩ năng trình bày tốt, kiểm tra kỹ các điều kiện của đề bài thì có thể dễ dàng đạt điểm trọn vẹn ở các câu I; câu II; câu III.1; câu III.2a; câu IV.1; câu IV.2 ý 1. Như vậy có thể dễ dàng đạt được mức điểm 7 đến 7,75.
Đề thi cũng có tính phân loại cao và học sinh phải học khá môn Toán, có khả năng phân tích đề, kết nối các dữ kiện cho trong đề bài cộng thêm tư duy, suy luận tốt để tìm ra lời giải và làm đủ các trường hợp mới có thể lấy được điểm 8 trở lên.
Đề năm nay cũng có tính phân loại cao, nằm ở các câu III.2b; câu IV.2 ý 2; câu IV.3 và câu V. Một số câu hỏi ‘gài bẫy’, nếu học sinh đọc và phân tích câu hỏi không kỹ dẫn đến bài làm không chặt chẽ, có thể bị trừ điểm hoặc mất điểm.
Các câu hỏi có tính phân loại nằm ở các nội dung:
Câu I.3: Yêu cầu học sinh phải đọc kỹ điều kiện của x trong đề bài để tìm ra đúng kết quả. Học sinh dễ mất 0,25 điểm ở ý này.
Câu II.1: Tuy quen thuộc với học sinh do đã được ôn tập nhiều và nằm trong phạm vi SGK tập 2 lớp 9 nhưng nếu học sinh trình bày không cẩn thận, xác định sai đại lượng có thể bị trừ khá nhiều điểm. 
Câu III.1: Câu giải hệ phương trình cũng khá quen thuộc, các đề thi thử hầu như đã khai thác dạng này. Dù vậy, học sinh hay mắc sai lầm khi đặt sai điều kiện cho ẩn hoặc quên không đặt điều kiện của ẩn nên bị trừ điểm ở câu này.
Câu III.2: Câu tương giao của parabol và đường thẳng không đánh đố học sinh, tuy nhiên các em có thể làm thiếu một giá trị của m và cũng khó đạt điểm tối đa.
Câu IV.2 ý 2: Đòi hỏi học sinh biết vận dụng tính chất tứ giác nội tiếp, biết sử dụng kết quả của ý trước để chứng minh thêm một cặp tam giác đồng dạng từ đó suy ra các góc bằng nhau.

Câu IV.3: Là câu phân loại học sinh. Các em cần phân tích và biết sử dụng kết quả đã chứng minh ở ý trên để tìm ra cách giải cho câu này. Câu này cũng không quá khó, học sinh học rất khá môn toán có thể làm được.
Câu V: Đây là câu khó nhất trong đề với biểu điểm 0,5 dành cho những học sinh có năng lực và tố chất toán. Sẽ không có nhiều học sinh giải được câu này. Tuy nhiên mức độ so với các năm trước thì câu hỏi này cũng không quá đánh đố với học sinh giỏi.
Với đề thi có tính phân hóa như vậy, dự đoán điểm sẽ tập trung nhiều ở mức 7 đến 7,75. Tỷ lệ điểm 8 đến 8,75 có thể giảm. Điểm 9, điểm 10 cũng không nhiều.

w collage 3608.jpg