Bác sĩ Vũ cho rằng có nhiều điều mà tôn giáo và khoa học lồng ghép, đan xen vào nhau, ví dụ như quy luật sinh lão bệnh tử mà không ai có thể tránh được. Các sư thầy, cha xứ với kiến thức về tôn giáo lẫn khoa học đã đến gần người bệnh để sẻ chia, trấn an. Họ đến tận giường của người bệnh ung thư nặng để lắng nghe tâm tình. Sau mỗi buổi gặp gỡ, người bệnh như trút được gánh muộn phiền vốn đè nặng tâm can.
Theo bác sĩ Vũ, một điều rất thuận lợi ở bệnh viện này là nhóm chuyên gia tâm lý (thuộc Khoa Tâm thể) sẽ tiếp cận và chăm sóc tâm lý miễn phí cho bệnh nhân ung thư nội trú. Như vậy, người bệnh được đảm bảo các yếu tố điều trị bệnh, nâng đỡ tinh thần, nâng đỡ tâm linh.
“Tôi nhấn mạnh tâm linh ở đây không phải mê tín dị đoan, không phải cầu xin thần thánh hay cúng kiếng, mà là đức tin và chỗ dựa về tinh thần. Nếu dựa đúng và tốt thì người bệnh sẽ có cảm giác được giải tỏa nhiều”, bác sĩ Vũ tâm sự.
Ông cũng khẳng định những điều mình đang làm không có gì lạ lùng mà là theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo bác sĩ Vũ, trong hướng dẫn của WHO về chăm sóc bệnh nhân ung thư, nếu người bệnh được đảm bảo điều trị chăm sóc chuyên môn, nâng đỡ về tâm lý, tâm linh, họ có thể giảm được 90% những nỗi thống khổ vì bệnh ung thư.
“Thực ra, gần đây các tổ chức lớn mới đề cập nhiều đến nâng đỡ tâm linh và điều này cũng là phù hợp. Con người chúng ta, ngoài thể xác còn có tinh thần và yếu tố tâm linh luôn song hành. Hơn nữa, khi người bệnh có niềm tin thì điều trị sẽ hiệu quả và người thân cũng nhẹ nhàng”, ông nói.
Lý giải việc chăm sóc tinh thần cho người bệnh trước đây không được quan tâm đầy đủ, bác sĩ Vũ cho rằng công việc chuyên môn của các bệnh viện đều quá tải. Bác sĩ và người bệnh đôi khi bỏ quên tinh thần, trong khi vấn đề này rất quan trọng.
Ông dẫn chứng, trong điều trị, tất cả các loại thuốc men về ung thư đều có tỷ lệ phần trăm thành công và thất bại. Người bệnh có thể rơi vào tình trạng diễn tiến di căn, thuốc không đáp ứng. Chính những thời điểm bệnh di căn hay thuốc không tác dụng là lúc người bệnh dễ bị dao động nhất. Lúc này, vai trò về mặt tâm lý và niềm tin là rất cần thiết.
Hay ở giai đoạn cuối đời, làm thế nào giúp người bệnh hiểu để từ từ đón nhận với sự thanh thản là điều phải chuẩn bị. Điều này quan trọng với cả người nhà. Ông cho rằng bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cần nhất là chăm sóc giảm nhẹ, kéo dài thời gian sống nhưng nhẹ nhàng chứ không phải chịu đựng thống khổ. Đồng thời, mục tiêu điều trị lúc này chuyển từ trị hết bệnh sang trị bớt bệnh.
Tại Khoa Ung bướu, Bệnh viện TP Thủ Đức, nếu người bệnh cận tử và gia đình có ý nguyện mời sư thầy hoặc cha xứ đến trò chuyện hay đọc kinh cầu nguyện, bác sĩ cũng sẽ tạo điều kiện để thực hiện.
“Tôi nhấn mạnh yếu tố trên là xung quanh chuyện điều trị. Bệnh nhân vẫn phải được điều trị với phác đồ phù hợp”, bác sĩ Vũ nói.
Ông cho rằng nếu bệnh diễn tiến xấu, khó trách bệnh nhân sẽ hoài nghi về thuốc, về nơi đang điều trị, về phương pháp Tây y. Khi không tin nữa, họ sẽ tìm nhiều cách khác “có bệnh vái tứ phương”. Do đó, cần giúp người bệnh có niềm tin, có chỗ dựa về tinh thần và tâm linh, không bị ngã vào những kẻ xấu lợi dụng điểm yếu để trục lợi người bệnh hay hành nghề mê tín dị đoan.
“Nếu chúng ta cố gắng phối hợp chuyện nâng đỡ tâm lý - tâm linh một cách chính quy, thì người bệnh sẽ đỡ phải tự chạy đi tìm chỗ này chỗ khác và vô tình bị lừa. Thông qua các tổ chức tôn giáo chính quy, chúng ta có thể tổ chức các buổi nói chuyện bổ ích với người bệnh. Khi được nâng đỡ tinh thần, họ sẽ nhẹ lòng hơn bởi thực tế, tinh thần và thể xác không tách rời nhau, luôn gắn kết và song hành lẫn nhau”, ông nói.