Trong tiết học buổi sáng tại trường mầm non Hoa Phượng Đỏ (xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai), các em nhỏ người dân tộc Mông, Giao mở to đôi mắt, chăm chú nhìn vào cảnh chú thỏ tai hồng sinh động, màu sắc trên màn hình TV. Ngoài bảng đen và phấn trắng, giờ đây bộ phát Wifi, máy tính và màn hình chiếu cũng trở thành những thiết bị không thể thiếu nơi đây.
Ở các điểm trường xa hơn, nơi cáp quang chưa kéo đến, giáo viên có thể dùng sim data để tải bài giảng, bài kiểm tra xuống cho các con. Trong hơn 10 năm trở lại đây, tại tỉnh miền núi phía Bắc này, không chỉ các trường phổ thông, mà tại cấp mẫu giáo như Hoa Phượng Đỏ, thầy cô và học sinh đã quen thuộc với việc sử dụng mạng trong các tiết dạy.
Đằng sau sự thay đổi phương pháp giảng dạy truyền thống phải kể đến hành trình Viettel cung cấp Internet miễn phí cho 100% cơ sở giáo dục trên cả nước, ở mọi cấp, để kiến thức được truyền tải chân thực, trực quan hóa. Với những đứa trẻ ở nông thôn hay vùng cao, hải đảo, không có nhiều điều kiện tiếp xúc với công nghệ, đây thực sự mở ra một sự cải tiến lớn trong học tập.
Năm 2008, Viettel phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện kết nối Internet băng thông rộng phục vụ cho hoạt động của toàn ngành. Lễ khởi công Kết nối mạng giáo dục diễn ra, với mục đích đưa Internet đến mọi khâu quản lý, điều hành, nghiên cứu, giảng dạy, học tập… đến tổng cộng gần 40.000 các trường học và Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương, tương đương 100% số lượng cơ sở giáo dục của Việt Nam tại thời điểm đó. Đây được coi là chương trình chưa từng có trong lịch sử ngành viễn thông Việt Nam vào thời điểm đó.
Sau 2 năm, Viettel đạt mục tiêu đưa Internet đến từng trường học, đúng theo cam kết về tiến trình triển khai. Từ năm 2010, Việt Nam đứng vào nhóm hàng đầu các nước ASEAN về mức độ kết nối Internet trong ngành giáo dục. Hoàn thành việc cung cấp hạ tầng, Viettel tiếp tục nâng cấp đường truyền cho các trường học lên băng thông rộng, đảm bảo tốc độ truy cập nhanh và ổn định hơn, đáp ứng phục vụ nhu cầu học tập ngày càng cao.
Cũng thuộc địa bàn tỉnh Lào Cai, trường phổ thông dân tộc bán trú TH&THCS xã Nàn Sín (huyện Simacai) được Viettel cung cấp Internet miễn phí, đến năm 2013 được tiến hành chuyển đổi từ modem EDGE lên modem 3G, có khả năng bắt sóng, tăng tốc độ đường truyền.
Từ ngày lắp mạng, học sinh của trường bắt đầu được học tiếng Anh qua website hay tham gia thi giải Toán trực tuyến - những thứ chưa từng được tiếp xúc trước kia. Hay với cô bé Mùng Thị Thảo ở thị xã Sapa, khả năng nói tiếng Anh trôi chảy có được từ những buổi trên lớp mày mò các clip dạy ngoại ngữ, nghe rồi bắt chước theo cách phát âm, học từ vựng, dần dà hình thành kỹ năng giao tiếp. Những buổi theo chị em từ trên bản vào thị trấn, Thảo có thể vừa trò chuyện vừa bán hàng với khách du lịch một cách tự nhiên, không vướng rào cản ngôn ngữ.
Với nhóm thầy cô, cán bộ quản lý nhà trường, Internet cũng thay đổi công việc của họ một cách tích cực. Lợi ích trước hết là việc truyền tải kiến thức dễ dàng hơn với các nội dung giảng dạy thêm phần sinh động bằng hình ảnh, clip trực quan và còn mở rộng ra những hình thức truyền tải khác.
Thầy Vũ Minh Tuyền (THCS Chu Văn An, tỉnh Gia Lai) lấy ví dụ với môn tiếng Anh thầy phụ trách: “Để so sánh, bình thường bài giảng rất khô khan khi chỉ có thầy với trò ngồi nói với nhau. Có thêm mạng hỗ trợ, tôi có nhiều hướng để giảng dạy thông qua những trò chơi có liên quan đến môn học được tham khảo, chắt lọc trên mạng. Học sinh có thêm đa dạng cách học, tự tìm được phương pháp tiếp thu phù hợp nhất”.
Bản thân giáo viên công tác ở vùng hẻo lánh, hành trình “cõng chữ lên non” bớt nhọc nhằn đáng kể. Trước kia, nếu muốn tham gia lớp tập huấn dưới xuôi, giáo viên phải vượt những đoạn đường núi đèo để đến trực tiếp. Còn giờ, với laptop, điện thoại và đường truyền Internet ổn định, nhóm giáo viên có thể online và tổ chức đào tạo chuyên đề, thảo luận từ xa. Thông tin giảng dạy, giáo án cũng được lưu trữ trong kho tài liệu, thư viện số.
Trước khi Bitel (Viettel Peru) hỗ trợ, các điều kiện về máy tính, Internet vẫn nằm ngoài tầm với của hơn 300 học sinh trường tiểu học Gian Pet Nolasco (tỉnh Cusco) - khu vực có độ cao nhất ở nước này. Những người làm chính sách giáo dục nhiều lần đi kêu gọi, vận động nhưng do địa thế hiểm trở, xa xôi của vùng cao, các nhà mạng ở quốc gia Nam Mỹ này từ chối đầu tư hạ tầng vì khó sinh lời. Chuyện học hành của trẻ con nơi đây do đó gặp nhiều hạn chế.
Khó khăn càng hiển lộ trong thời kỳ Covid-19, trường học tạm đóng cửa, học sinh không có nguồn nào khác để tự học. Ngay cả khi thầy cô lặn lội tìm nơi có mạng để tải các bài học online về và mỗi tháng đến từng nhà các em dạy bù, khoảng trống kiến thức vẫn tồn tại rõ.
Hiểu rõ nhu cầu cấp thiết, đội ngũ Bitel đã xung phong giải quyết bài toán khó nhất, dù xác định nhiều thách thức phía trước. Các trạm phát sóng Internet miễn phí dần được dựng nhanh chóng ở nơi địa hình hiểm trở này, bất chấp thời tiết mưa to, gió mạnh hay quá trình vận chuyển thiết bị nhiều khi không thể nhờ cậy máy móc, mà phải tự dùng sức khiêng từ chân lên đến đỉnh núi.
Ngôi trường Gian Pet Nolasco nằm trong số hàng nghìn ngôi trường ở Peru nói riêng và các trường học khác nói chung ở 8 thị trường quốc tế mà Viettel cam kết phủ sóng Internet, đảm bảo học sinh tại các nước này được cải thiện điều kiện học hành.
Ở Campuchia, trong giai đoạn 2009 - 2022, hơn 2.000 trường học được trang bị mạng và máy tính. Tại Lào, người Viettel đã lắp đặt Internet miễn phí cho 1.295 trường trong vòng 6 năm từ 2009 - 2015, vừa xây dựng và hỗ trợ kéo điện cho các trường học. Hay ở Haiti, Viettel cam kết với chính phủ nước này sẽ lắp Internet cho hơn 1.300 trường trong thời gian từ 2011 - 2025.
Suốt 16 năm kể từ khi bắt tay vào thực hiện, với khả năng sẵn có về hạ tầng, công nghệ của một doanh nghiệp viễn thông lớn, sự đảm bảo tin cậy của một doanh nghiệp quân đội, cộng với tôn chỉ đóng góp cho xã hội, Viettel đã thành công cung cấp Internet cho ngành giáo dục cả trong nước và quốc tế; tạo đà để xây dựng nên một kho tri thức trực tuyến khổng lồ, chia sẻ cho tất cả HSSV ở bất cứ đâu, từ vùng núi đến đồng bằng.
Song song, Viettel cũng đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo về công nghệ thông tin cho giáo viên và học sinh các địa phương vùng sâu vùng xa, giúp nâng cao kỹ năng sử dụng các công cụ trực tuyến và tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên giáo dục trên Internet.
Khi biết Viettel thành công trong việc đưa Internet tới 100% trường học, Susan Schorr, thành viên Ban phụ trách các sáng kiến đặc biệt của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) từng nhận xét: “Rất ấn tượng, tôi chưa từng thấy sáng kiến kết nối trường học nào mà lại hoàn toàn do doanh nghiệp khởi xướng và thực hiện bằng chính tiền của mình”.
Thu Hằng