Xây dựng các thư viện số hay còn gọi là thư viện điện tử đã và đang trở nên phổ biến tại nhiều trường THPT. Việc số hóa thư viện không những giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng tự học, tự nghiên cứu mà còn giúp các em tìm kiếm tài liệu học tập dễ dàng. Mặc dù mới là năm đầu tiên Trường THPT Tức Tranh (Phú Lương) đi vào hoạt động, nhưng Nhà trường đã quan tâm xây dựng được thư viện số với hàng nghìn đầu sách, tài liệu, bài thi, bài giảng…

Giao diện thư viện số của Trường THPT Tức Tranh.

Giao diện thư viện số của Trường THPT Tức Tranh.

Trường THPT Tức Tranh được khởi công xây dựng vào năm 2022 tại xóm Đồng Danh, xã Tức Tranh, trên diện tích 2,52ha. Trường có quy mô 2 nhà lớp học 2 tầng với 24 phòng học và nhà hợp khối (bao gồm: nhà hiệu bộ, khối phục vụ học tập, phòng học bộ môn, thư viện, 1 nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ hạ tầng kĩ thuật kèm theo).

Công trình được đầu tư đồng bộ với các trang thiết bị hiện đại, kiến trúc không gian phù hợp đảm bảo tốt nhất cho việc học tập của học sinh. Để học sinh khai thác được các thông tin, tài liệu bổ trợ cho quá trình học tập, Nhà trường đã xây dựng thư viện số giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với sách tham khảo, bài giảng, đề thi…

Sự tiện lợi của thư viện số đã thay đổi thói quen tìm đọc của các em học sinh, sự tiện lợi khi có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi là sự khác biệt mà không thư viện truyền thống nào có thể làm được. Cùng với đó, việc mở rộng đầu sách, tài liệu gần như không có giới hạn, mà lại không tốn nhiều thời gian tìm kiếm là những ưu điểm vượt trội so với thư viện truyền thống.

Nhờ việc thuê lại nền tảng từ thư viện trực tuyến Violet, thư viện số của Trường THPT Tức Tranh được thừa hưởng toàn bộ kho dữ liệu khổng lồ với hàng triệu cuốn sách, bài giảng, giáo án, đề thi, sách tham khảo... Từ kho dữ liệu đó, các thầy cô giáo phụ trách bộ môn phối hợp với cán bộ quản lý thư viện chọn lọc, cập nhật trên 3.500 đầu sách, cùng hàng nghìn bài giảng, đề thi, tài liệu tham khảo phù hợp với nhu cầu học tập của các em học sinh.

Đến nay, thư viện số của Nhà trường đã cập nhật đẩy đủ bộ sách giáo khoa của 3 nhà xuất bản Cánh Diều, Kết nối tri thức và Chân trời sáng tạo.

Giáo viên Trường THPT Tức Tranh hướng dẫn học sinh sử dụng thư viện số.

Giáo viên Trường THPT Tức Tranh hướng dẫn học sinh sử dụng thư viện số.

Em Lại Thị Thanh Xuân, lớp 12A1, cho biết: Thư viện của Nhà trường được xây dựng khang trang, rộng rãi, được lắp đầy đủ các thiết bị phục vụ việc học của chúng em như máy tính, bàn ghế, bảng viết; đặc biệt, hàng trăm đầu sách được các thầy cô chắt lọc, lựa chọn rất phù hợp với học sinh. Từ đầu năm học, Nhà trường xây dựng thư viện số và bổ sung hàng nghìn đầu sách, được chúng em ví như “ngân hàng tri thức”.

Còn em Cao Đức Huy, lớp 11A1, nói: Việc truy cập, tìm tài liệu trên thư viện số của Nhà trường để tìm bài giảng về các kiến thức mới, hoặc ôn lại kiến thức trên lớp đã trở thành thói quen thường xuyên của em khi tự học ở nhà. Thư viện số đặc biệt hữu ích đối với chúng em vào thời điểm nghỉ hè khi không thể đến trường thường xuyên để tìm sách.

Để các em học sinh hình thành thói quen sử dụng thư viện số, đội ngũ giáo viên biên soạn tài liệu của thư viện luôn lắng nghe ý kiến của các em học sinh về việc xây dựng thư viện số sao cho phù hợp nhất. Cùng với đó, giao diện thư viện số cũng được trình bày rất khoa học, chia thành các mục như: Bài giảng, giáo án, tư liệu, đề thi, sách tham khảo…

Đặc biệt, thư viện cũng xây dựng góc ôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tập hợp các video kiến thức trọng tâm của hầu hết các môn học. Nhờ tập hợp số lượng tài liệu vừa phong phú lại phù hợp với nhu cầu của học sinh Nhà trường nên chỉ trong 5 tháng đi vào hoạt động, thư viện số đã ghi nhận hàng nghìn lượt truy cập và xem video bài giảng mỗi tháng.

Cô Nguyễn Thị Hòa, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Cùng với thư viện số, Trường THPT Tức Tranh còn đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng các phần mềm trong quá trình giảng dạy, quản lý học sinh như: VNEdu (quản lý điểm học sinh); cơ sở dữ liệu ngành giáo dục; phần mềm tập huấn thường xuyên của Bộ Giáo dục - Đào tạo; kế toán; quản lý tài sản; giảng dạy online… Việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số sẽ góp phần nâng cao chất lượng học tập và giảng dạy theo hướng hiện đại hơn, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Theo Việt Dũng (Báo Thái Nguyên)